Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/04/2019

Nhật Bản chính thức bước vào kỷ nguyên Lệnh Hòa

Tổng hợp

Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị (RFI, 30/04/2019)

Hôm 30/04/2019, Nhật hoàng Akihito đã kết thúc các nghi lễ thoái vị, chính thức nhường ngôi cho hoàng thái tử Naruhito, sau 30 trị vì nước Nhật. Đây là lần đầu tiên từ hơn hai thế kỷ, một Nhật hoàng thoái vị.

lenhhoa1

Nhật Hoàng Akihito đọc diễn văn trong lễ thoái vị, Tokyo, ngày 30/04/2019 - Reuters

Buổi lễ hôm nay chỉ diễn ra trong 10 phút, từ 17 giờ, giờ Tokyo. Nhật hoàng Akihito đã đọc một bài diễn văn ngắn. Ông nói : "Từ đáy lòng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến nhân dân Nhật Bản, đã chấp nhận cho tôi đóng vai trò là biểu tượng của quốc gia và đã ủng hộ tôi"... Trước đó, vào buổi sáng, Nhật hoàng Akihito đã đến nhiều đền thờ của Hoàng cung để "thông báo" sự thoái vị.

Tuy vậy, về mặt chính thức, Akihito vẫn còn là Nhật hoàng cho đến nửa đêm nay, khi nước Nhật bước vào kỷ nguyên "Lệnh Hòa", sẽ kéo dài suốt thời gian trị vì của tân Nhật hoàng Naruhito, chính thức đăng quang ngày mai.

Trong suốt 200 năm qua, các hoàng thái tử chỉ lên nối ngôi vua cha khi một Nhật hoàng băng hà. Nhưng vào năm 2016, Nhật hoàng Akihito đã bất ngờ bày tỏ mong muốn được thoái vị, do tuổi cao sức yếu (năm nay ông 85 tuổi).

Trả lời RFI Pháp ngữ, giáo sư Trường Viễn Đông Bác Cổ INALCO Guibourg Delamotte nhận định về vai trò của Nhật hoàng Akihito :

"Nhật hoàng không được nắm vai trò chính trị nào, không được có những hành động nào mang màu sắc chính trị. Theo hướng này, Nhật hoàng đã tỏ ra rất hoàn hảo, có nghĩa là ông không bao giờ nêu ý kiến về một dự luật, chưa bao giờ xen vào chính trường Nhật Bản.

Có một nghịch lý là Nhật hoàng tuy rất kín đáo, nhưng lại có một vai trò mang tính chính trị rất cao. Trước hết, đó là vì ông thật sự là hiện thân của quốc gia, đúng như vai trò của một Nhật hoàng. Thần dân Nhật rất yêu mến và rất kính trọng ông. Ông luôn có những cử chỉ gần gũi với thần dân, tỏ sự cảm thông với thần dân trong những thời điểm khó khăn, đặc biệt là khi xảy ra thảm họa Fukushima. Ông đã đến thăm những người tản cư, ngồi lại trò chuyện với họ.

Đồng thời ông là một nhân vật ôn hòa, vẫn ủng hộ sự hòa giải giữa Nhật Bản với Hàn Quốc. Ông cũng đã khẳng định mình là một nhân vật xu hướng tự do, theo đúng nghĩa của các nước anglo-saxon, tức là thiên tả hơn. Trên bình diện chính trị, định chế, ông đã làm thay đổi vai trò và trách nhiệm của Nhật hoàng".

Thanh Phương

*******************

Nhật Bản : Masako, một thái phi bất hạnh ? (RFI, 30/04/2019)

Thứ Tư, 01/05/2019, thái tử Naruhito chính thức kế vị vua cha Akihito. Thế nhưng, người mà phụ nữ Nhật Bản quan tâm đến nhiều nhất là thái phi Masako. Từ hơn 10 năm qua, bà hầu như vô hình tại Cung điện do bị trầm cảm, kết quả của các đợt căng thẳng thần kinh dai dẳng.

lenhhoa2

Chính thất của thái tử Nhật, bà Masako Owada, Tokyo, 30/04/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Thái phi bị truyền thông và giới chính trị gia chỉ trích mạnh mẽ vì không hạ sinh được một hoàng nam để kế vị ngai vàng, vị trí vốn dĩ chỉ dành cho nam giới tại Nhật Bản. Ngày nay, dù tình hình sức khỏe của bà đã khá hơn, nhưng rất nhiều phụ nữ Nhật Bản vẫn tỏ ra lo lắng cho bà.

Thông tín viên Bruno Duval từ Tokyo có bài phóng sự ngắn :

Phụ nữ Nhật Bản cảm thấy bất bình về cách hành xử đối với thái phi Masako từ bao lâu nay. Một nữ giáo viên nhận xét : "Người ta đã đối xử tệ với bà ấy. Đó là một người phụ nữ xuất sắc : bà tốt nghiệp các trường đại học danh giá (Tokyo, Harvard, Oxford…), biết nhiều ngoại ngữ, từng là một nhà ngoại giao. Do vậy, với tôi, trong mọi trường hợp, tôi hoàn toàn tin tưởng bà ấy trong vai trò là hoàng hậu".

Nhưng cũng có nhiều người phụ nữ, như bà nội trợ này, vẫn còn nghi ngại là tình trạng sức khỏe của bà Masako có thể bị suy giảm thêm trước áp lực to lớn sẽ đè nặng lên bà.

"Sự thông minh và cá tính mạnh mẽ đã giúp bà vượt qua được nhiều thử thách. Và tình trạng sức khỏe của bà đã được cải thiện. Chắc chắn là thái phi sẽ làm hết sức mình để trở thành một hoàng hậu hoàn hảo, nhưng tôi cũng nghĩ là ở Hoàng Cung, mọi việc sẽ rất nặng nhọc đối với bà ấy…".

Một số khác thì tỏ ra lạc quan hơn như quan điểm của người phụ nữ về hưu này : "Trong suốt nhiều năm, tôi thật sự rất lo cho bà ấy. Giờ thì ổn rồi. Hôm qua, tôi thấy thái phi trên truyền hình. Bà cười tươi và trông có vẻ khỏe. Tôi nghĩ là mọi chuyện rồi sẽ tốt thôi".

Liệu Masako sẽ có đủ sức để đảm nhiệm những trọng trách mới hay không ? Người ta sẽ nhanh chóng biết được điều này, vì tân hoàng đế Naruhito sắp tới đây sẽ tiếp vị khách nước ngoài đầu tiên : Đó là Donald Trump. Liệu Masako có ở bên cạnh hoàng đế để tiếp vị khách Mỹ đó tại Hoàng Cung hay không ? Câu trả lời sẽ là vào cuối tháng Năm này.

Minh Anh

*******************

Nhật hoàng Akihito thoái vị sau buổi lễ giản dị 'chỉ 10 phút' (BBC, 30/04/2019)

Nhật hoàng Akihito rời ngai vàng hôm 30/4, sự kiện đánh ngài trở thành vị hoàng đế đầu tiên thoái vị sau hơn 200 năm ở Nhật Bản.

lenhhoa3

Lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito

Sau buổi lễ rất giản dị và rất ngắn, như phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes nói, "chỉ chừng 10 phút", vị hoàng đế 85 tuổi đã thoái vị.

Ngài đã nói rằng ngài cảm thấy không thể hoàn tất vai trò của mình vì tuổi tác và sức khỏe giảm sút.

Thái tử Naruhito, sẽ kế vị ngai vàng Hoa cúc vào ngày hôm sau, bắt đầu một kỷ nguyên mới.

lenhhoa4

Buổi lễ bắt đầu hôm 30/04

Hoàng đế ở Nhật không nắm quyền lực chính trị mà đóng vai trò biểu tượng quốc gia.

Nhiều người dân Nhật nhớ đến triều đại của Nhật hoàng Akihito với hình ảnh ngài thăm hỏi các bệnh nhân và nạn nhân của các thảm họa.

Tại sao Nhật hoàng quyết định thoái vị ?

Nhật hoàng Akihito là quốc vương đầu tiên của Nhật Bản tự nguyện từ bỏ ngai vàng kể từ năm 1817.

Trong một bài diễn văn hiếm hoi vào năm 2016, ngài bày tỏ rằng tuổi tác khiến mình khó hoàn tất vai trò của mình và có ý muốn thoái vị.

lenhhoa5

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm hỏi người di tản sau thảm họa sóng thần năm 2011

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đại đa số người dân Nhật cảm thông với ý nguyện của hoàng đế và một năm sau, Quốc hội ban hành một đạo luật để việc thoái vị của ngài trở nên khả thi.

Điều gì xảy ra tại lễ thoái vị ?

Sự kiện dự kiến ​​sẽ diễn ra tại phòng Matsu-no-Ma ở Hoàng cung và phần lớn nghi thức được tiến hành đằng sau cánh cửa đóng kín.

Buổi lễ bắt đầu lúc 17g00 giờ địa phương (08g00 GMT) khi Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko bước vào phòng. Hơn 330 người tham dự sự kiện này.

Buổi lễ kết thúc với việc vị quốc vương đọc bài diễn văn cuối cùng với tư cách hoàng đế, dù rằng ngài sẽ vẫn là hoàng đế cho đến nửa đêm.

Sáng 1/5, Thái tử Naruhito sẽ thực hiện nghi thức đầu tiên trong cương vị hoàng đế.

lenhhoa6

Thái tử Naruhito trở thành Thiên hoàng thứ 126 của nước Nhật hôm 1/5

Tân vương là ai ?

Thái tử Naruhito sắp sửa trở thành Thiên hoàng thứ 126 của nước Nhật - và sẽ chính thức dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên Lệnh Hòa.

Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên Bình Thành bắt đầu từ khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi năm 1989.

Ông Naruhito 59 tuổi, theo học ở Oxford và trở thành thái tử ở tuổi 28.

Năm 1986, có tin ông gặp vợ, Công nương Masako Owada tại một bữa tiệc trà. Họ kết hôn năm 1993.

Đứa con duy nhất của họ, công chúa Aiko, sinh năm 2001. Tuy nhiên, luật pháp hiện hành của Nhật giới hạn phụ nữ trong việc kế vị ngai vàng.

Do vậy, các vị trí kế vị tiếp theo là Hoàng tử Fumihito (chú của Công chúa Aiko) và Hoàng tử Hisahito, 12 tuổi (em họ Công chúa Aiko).

lenhhoa7

Công chúa Aiko, sinh năm 2001 nhưng luật pháp hiện hành của Nhật không cho nữ kế vị ngai vàng

Nữ ký giả Mariko Oi của BBC từ Tokyo cho hay đây là một vấn đề cho sự truyền ngôi.

Và hiện nay, truyền thống chỉ cho con trai nối ngôi báu vẫn còn đó nhưng "điều tra dư luận mới nhất cho hay đa số người Nhật không có vấn đề gì về chuyện để con gái nối ngôi".

Báu vật từ thần linh

lenhhoa8

Người Nhật tin rằng dòng họ của Thiên hoàng hiện nay đến từ các vị thần và truyền qua nhiều đời trong thời phong kiến sang hiện đại

Theo phóng viên BBC News, Anna Jones, các báu vật của Hoàng gia Nhật gồm chiếc gương, thanh kiếm và một viên châu báu, được người Nhật tin là "truyền từ các vị thần".

"Vì Nhật Bản không có vương miện của Hoàng gia, các báu vật này được coi là biểu tượng của quyền lực hoàng đế".

Quay lại trang chủ
Read 612 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)