Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/04/2019

Điểm báo Pháp - Trung Quốc tấn công các đền thờ Hồi giáo "quá Ả Rập"

RFI tiếng Việt

Trung Quốc tấn công các đền thờ Hồi giáo "quá Ả Rập"

Sau Tân Cương, nơi mọi biểu hiện Hồi giáo bị cấm, nơi có đến 10% tín đồ Hồi giáo bị ép "học nghề" trong trại lao cải, đến lượt một ngôi làng sát thành phố Lâm Hạ (Linxia), tỉnh tây bắc Cam Túc, nằm trong tầm ngắm của đội quản lý tôn giáo của chính phủ Trung Quốc.

tq11111111111

Một lớp học của người Hồi giáo ở Viện Hồi giáo Tân Cương ở Urumqi, trong một chuyến thăm do chính quyền Trung Quốc tổ chức, ngày 03/01/2019. China-Xinjiang/ Reuters/Ben Blanchard

"Chính quyền Trung Quốc tấn công những đền thờ Hồi giáo "quá Ả Rập" là ghi nhận trong bài phóng sự của nhật báo Le Monde ngày 30/04/2019. Phóng viên Simon Leplâtre cho biết con đường nhỏ dẫn tới một ngôi đền của làng bị kiểm soát, "nhóm người của chính phủ chỉ cho dân sở tại ra vào" và "không thích người từ nơi khác đến chụp ảnh" ngôi đền đang bị tháo dỡ dưới lớp giàn giáo, theo lời kể của người dân.

Mọi nỗ lực của tín đồ để bảo vệ ngôi đền, vừa mới được hoàn thiện vào tháng 03/2019, đã không thành. Ngôi đền bị coi là có kiến trúc "quá Ả Rập" với một mái vòm tròn ánh vàng, và biểu tượng trăng lưỡi liềm được đặt trên hai tòa tháp, đã bị phá vào giữa tháng Tư. Phá những ngôi đền "quá Ả Rập" như trên nằm trong chính sách Hán hóa các tôn giáo, được đưa ra từ năm 2015. Thay vào đó, chính quyền cho phép xây lại những ngôi đền đậm chất Trung Hoa hơn, với kiểu mái cong theo truyền thống.

Nhà nghiên cứu David Stroup, chuyên gia về cộng đồng người Hồi (Hui) ở Trung Quốc, cho rằng mô hình Tân Cương về kiểm soát tôn giáo đang được "xuất" sang những địa phương khác. Theo một người dân, "từ ba năm nay, trẻ em không được phép đến đền thờ hoặc theo các khóa học về tôn giáo. Và cũng từ gần một năm nay, chữ viết Ả Rập cấm bị treo ở nơi công cộng".

Xóa mọi dấu hiệu tôn giáo ngoại lai

Không chỉ đạo Hồi nằm trong tầm ngắm của chính sách kiểm soát ý thức hệ, được áp dụng chặt chẽ từ khi ông Tập Cận Bình giữ chức chủ tịch nước và tìm cách kiểm soát mọi lĩnh vực của xã hội dân sự. Chính sách này được tiến hành thông qua chiến dịch xóa bỏ mọi đặc điểm ngoại lai trong tín ngưỡng và trên những công trình tôn giáo ở Trung Quốc.

Thiên Chúa giáo cũng là nạn nhân. Từ năm 2014, giáo dân ở tỉnh miền đông Chiết Giang (Zhejiang) bất lực chứng kiến những tháp chuông hoặc cây thánh giá nhà thờ bị phá hủy, do bị quy kết là quá lộ liễu.

Đến năm 2017, chính sách trấn áp tôn giáo lan sang các khu vực nơi có đông đảo người theo đạo Hồi sinh sống, chủ yếu ở miền tây Trung Quốc : từ Tân Cương, sang Thanh Hải, qua Cam Túc và Ninh Hạ.

Tại tỉnh Ninh Hạ và Cam Túc, những ngôi đền nằm trong tầm ngắm thường có mầu trắng, theo kiến trúc Ả Rập và được xây lại trong thập kỷ 1990-2000 để thay thế những ngôi đền cũ bị phá trong giai đoạn Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976). Trong quá khứ, những ngôi đền của người Hồi thường có bề ngoài giống những đền thờ Trung Hoa. Chính quyền hiện nay đang muốn trở lại với kiểu kiến trúc này. Tất cả những tên phố được viết bằng chữ Ả Rập đều bị thay thế.

Còn tại Lâm Hạ (tỉnh Cam Túc), ngoài các đền thờ, mặt tiền của những cửa hàng cửa hiệu Halal, nếu được xây theo kiểu Ả Rập, cũng bị phá dỡ. Hai từ "thanh" (qing) và "chân" (zhen), được gắn cách xa nhau trên mặt tiền, nhằm thay thế từ Halal bằng tiếng Ả Rập, bị tháo bỏ (trong tiếng Hoa "thanh chân" có nghĩa là Halal).

Dù sao, người dân ở làng Zheqiao này vẫn cảm thấy còn chút tự do tín ngưỡng. Họ vẫn được mặc trang phục của đạo Hồi, vẫn cầu nguyện, dù im lặng hơn. Vẫn có vài chục ngôi đền Hồi giáo hoạt động, nhưng đều được xây theo kiến trúc nhà cổ Trung Hoa. Có lẽ vì thành phố Lâm Hạ được mệnh danh là Tiểu Thánh địa Mecca, nên dường như chính quyền vẫn có chút nào đó nương tay với họ.

Nhật hoàng "cách mạng" truyền ngôi cho hoàng thái tử "hướng ngoại"

Ba năm sau khi thông báo muốn thoái vị, Nhật hoàng Akihito, 85 tuổi, chính thức truyền ngôi cho con trai trưởng, hoàng thái tử Naruhito, 59 tuổi. Lần đầu tiên trong hơn 250 năm lịch sử hiện đại Nhật Bản, một hoàng đế truyền ngôi khi còn sống sau 31 năm trị vì. Sự kiện đặc biệt này được nhiều nhật báo Pháp quan tâm.

Libération đưa tin : "Nhật hoàng thoái vị, Nhật Bản đổi triều đại". Kể từ 0 giờ ngày 01/05/2019 (giờ địa phương), Nhật Bản chính thức bước sang thời Lệnh Hòa (Reiwa). Lễ truyền ngôi, chỉ kéo dài 10 phút, được truyền hình trực tiếp. Trước 300 khách mời, thủ tướng Shinzo Abe sẽ thông báo hoàng đế từ chức. Và Nhật hoàng Akihito sẽ phát biểu lần cuối.

Vào lúc 3 giờ 30 đến 3 giờ 40 sáng 01/05 (giờ địa phương), quần thần sẽ đến dâng ấn và hai trong số ba báu vật trước Nhật hoàng mới. Tiếp theo, Nhật hoàng Naruhito sẽ phác những mục tiêu chính cho thời Lệnh Hòa.

Les Echos nhớ đến : "Một Nhật hoàng "cách mạng" mà Nhật Bản nói lời tạm biệt". Ngay từ khi còn nhỏ, tránh được bom đạn chiến tranh và chịu ảnh hưởng từ gia sư người Mỹ Elizabeth Gray Vining, Nhật hoàng Akihito đã tỏ ra quan tâm đến những tư tưởng tự do. Sau đó, ông là một trong những hoàng thái tử đầu tiên không chấp nhận hôn lễ do triều đình sắp đặt để kết hôn với bà Michiko, một người không thuộc hoàng tộc, nhưng xuất thân từ một gia đình công nghiệp giầu có.

Cả Nhật hoàng và hoàng hậu đều nổi tiếng là những người có lòng nhân ái. Trong những năm trước khi thoái vị, họ đi đến rất nhiều nước ở vùng Thái Bình Dương để bày tỏ "hối hận sâu sắc" về những gì mà quân đội Thiên hoàng gây ra trong Thế Chiến thứ hai. Riêng về người nối ngôi Naruhito, Les Echos đánh giá là "một hoàng thái tử hướng ra thế giới".

Nhật Bản cũng đang "đau đầu về áp dụng Lệnh Hòa nguyên niên, với việc thay đổi triều đại" do sợ bị "bug" tin học, theo một bài viết khác của nhật báo kinh tế Les Echos. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản chỉ còn vài giờ để vặn lại kim đồng hồ về số 0, chuyển sang thời Lệnh Hòa, theo truyền thống của đất nước. Tuy nhiên, trục trặc về tin học trong lĩnh vực hành chính (in hóa đơn, gửi thư điện tử…), dù vẫn xảy ra, có vẻ không nhiều.

Bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha : Chiến thắng của lực lượng ôn hòa

Tại Châu Âu, đảng Xã hội Tây Ban Nha giành được 123 trên tổng số 350 ghế ở Hạ Viện, nhưng có thể thành lập được chính phủ mới nhờ liên minh với đảng cực tả Podemos và một số đảng nhỏ. Đây là chủ đề thời sự quốc tế được tất cả các nhật báo Pháp quan tâm.

Le Monde, ra từ chiều hôm trước, đánh giá : "Tại Tây Ban Nha, Pedro Sanchez thắng được canh bài". Trở lại sau 11 năm chỉ chiếm thiểu số ở Hạ Viện, đảng Xã hội có thể danh chính ngôn thuận điều hành Tây Ban Nha, sau khi chính phủ của cựu thủ tướng bảo thủ Rajoy bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tháng 06/2018.

Trang nhất của Le Figaro là hình ảnh thủ tướng Sanchez, giản dị trong chiếc áo sơ mi và quần jean, đang vẫy tay mừng chiến thắng với hàng tựa : "Sau chiến thắng, Pedro Sanchez đi tìm đa số". Theo Le Figaro, đảng Xã hội sẽ phải tìm cách liên minh với phe ủng hộ Catalunya độc lập, hoặc chí ít là một trong số các đảng phái của vùng này, hiện cũng đang lục đục.

Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế Les Echos, "Pedro Sanchez muốn tránh bị phụ thuộc vào phe đòi độc lập cho Catalunya", vì sau khi liên minh với đảng cực tả Podemos và một số đảng nhỏ khác, đảng Xã hội chỉ còn thiếu một vài ghế để có đa số tuyệt đối.

"Cánh tả Tây Ban Nha : Sự trỗi dậy" (La remontada) là hàng tựa lớn trên trang nhất của Libération. Bài xã luận của nhật báo thiên tả tỏ ra hy vọng, thậm chí là tự hào về chiến thắng của Pedro Sanchez : Tưởng chừng hấp hối, cuối cùng khuynh hướng xã hội-dân chủ vẫn tồn tại, dù bị xóa bỏ ở Ý, Ba Lan hoặc một số nước miền đông Châu Âu.

Bài xã luận của La Croix đi xa hơn, hướng đến cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu diễn ra ngày 26/05. Trong khi đảng Xã hội tại Pháp tan tác, hai chiến thắng của đảng Xã hội-Dân chủ Phần Lan và đảng Xã hội Tây Ban Nha đem lại chút hy vọng. Theo một số cuộc thăm dò, đảng Xã hội Châu Âu có thể đứng vị trí thứ hai ở Nghị Viện Châu Âu. Kết quả cũng cho thấy phe xã hội-dân chủ đã để mất một phần cử tri từ khoảng 10 năm nay.

Pháp căng thẳng chờ ngày Quốc tế Lao động 01/05

Các nghiệp đoàn, người biểu tình Áo Vàng, những người tuần hành vì khí hậu, kể cả những kẻ chuyên đập phá (black-blocs)… đều xuống đường ngày 01/05.

Les Echos cảnh báo : "Một ngày 01/05 dưới sức ép chưa từng có". Paris căng thẳng chờ ngày Quốc tế Lao động vì trên mạng Facebook xuất hiện lời kêu gọi biến Paris "thành thủ đô bạo loạn". Bộ trưởng nội vụ Pháp Christophe Castaner thông báo sẽ có "những kẻ bạo lực, cực tả, nhưng cũng có những người Áo Vàng cực đoan đến để đập phá Paris, và không chỉ ở Paris".

Hồi thứ XXV của phong trào Áo Vàng sẽ không diễn ra vào thứ Bẩy như thường lệ, mà vào ngày 01/05. Theo nhật báo Le Figaro, "Những người Áo Vàng, quyết tâm tuần hành, dù có sát cánh hay không với các nghiệp đoàn". Còn La Croix đưa tin "Áo Vàng nói về lao động" trong ngày lễ 01/05 trên khắp nước Pháp.

Dựa theo số lời kêu gọi tuần hành trên các mạng xã hội, có thể dự báo số người Áo Vàng xuống đường sẽ đông đảo hơn so với màn XXIV vào thứ Bẩy 27/04. Người ta cũng lo ngại về khả năng bạo lực sẽ tăng gấp đôi. Đây cũng là dự đoán của Libération : "Đỏ, vàng, đen : Hợp chất có nguy cơ phát nổ ngày 01/05". (Ghi chú : Đỏ : nghiệp đoàn thiên ý thức hệ cộng sản, Vàng : quần chúng áo vàng bất mãn đòi quyền lợi, Đen : black blocs cực đoan, vô chính phủ).

"Báo động đỏ" về nguy cơ mất đa dạng sinh học

Trong lĩnh vực môi trường, sinh thái, đại biểu của 132 nước họp tại Paris đến ngày 04/05/2019 để thông qua một bản báo cáo đánh động tình trạng động vật , thực vật biến mất. Cuộc khủng hoảng sinh thái, mà đối với nhân loại, cũng nghiêm trọng như hiện tượng Trái đất ấm lên, được cả Le MondeLe Figaro đề cập.

Nhóm nghiên cứu 150 nhà khoa học được thành lập năm 2012, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, được coi là "GIEC về đa dạng sinh học". Trong vòng ba năm, nhóm đã nghiên cứu hơn 15.000 công trình khoa học để lập nên bản báo cáo khoảng 1.800 trang, mà nội dung, cũng như bản tóm tắt sẽ được công bố ngày 06/05.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 629 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)