Vì sao Daesh chọn Châu Á để lập sào huyệt ?
Tại Châu Á, Nhật Bản mở triều đại mới trong khi Daesh mở địa bàn khủng bố mới. Hiện tượng dân túy và khủng hoảng dân chủ, bài học Ukraine. Châu Âu đóng vai ngư ông nhờ Trung Quốc bị dịch lợn là một số chủ đề mà báo chí hôm nay xem là có những liên hệ nhân quả bên trong.
Bên trong nhà thờ St. Anthony's Shrine khu Kochchikade ở Colombo (Sri Lanka) bị khủng bố. Ảnh chụp ngày 21/04/2019. 2019.ISHARA S. KODIKARA/AFPSkip in 4 s
Từ Sri Lanka cho đến Philippines
Sau loạt khủng bố ở Sri Lanka hồi chủ nhật tuần trước và sự kiện tổ chức Nhà nước Hồi giáo lên tiếng nhận là thủ phạm làm cho Le Monde phải tìm hiểu vì sao Châu Á trở thành mục tiêu của Daesh, tựa lớn trên trang nhất với 5 trang điều tra, từ Sri Lanka cho đến Philippines của Duterte.
Từ Nam Á cho đến Đông Nam Á, các nhóm thánh chiến chỉ sử dụng một chiến thuật : khai thác lòng bất mãn, dựa vào cơ sở có sẵn tại địa phương, nương theo những tư tưởng cực đoan của Hồi giáo nguyên thủy lạc hậu. Cụ thể, nhờ vào mạng lưới kinh tài dễ dàng, biên giới lỏng lẻo, nhân sự và tài vật lưu chuyển tự do mà các nhóm khủng bố có thể trao đổi kinh nghiệm, tiếp tay nhau. Đó là lý do khiến Daesh, sau khi bị đẩy lui ở Syria và Iraq, đã chọn Châu Á làm địa bàn phát triển.
Cho đến nay, trừ Ấn Độ chưa bị Daesh tấn công, mạng lưới Hồi giáo salafist, một nhánh cực đoan nhất của xu hướng cực đoan đã phát triển được cơ sở ở Malaysia, Indonesia. Từ lâu đời, do bối cảnh chính trị và ý thức hệ ở hai nước Hồi giáo này, ngành an ninh khó có thể phân biệt ai là tín đồ ai là thánh chiến. Tại nước Phật giáo Sri Lanka, các nhóm cực đoan phát triển âm thầm nương theo mối bất hòa giữa cộng đồng Tamil (Tamoul) Ấn Độ Giáo và cộng đồng Phật giáo Tích Lan. Trong cuộc nội chiến, người Hồi giáo bị lực lượng mãnh hổ Tamil truy bức phải lưu vong và tạo ra một cộng đồng tha phương cầu thực ở các vương quốc dầu hỏa trong thập niên 1970. Nhờ vào nguồn tài trợ này mà một phong trào Hồi giáo theo hệ phái Sunni được hình thành.
Ở Philippines, tình hình có khác một chút nhưng lại nghiêm trọng hơn vì các nhóm thánh chiến không chỉ đặt bom mà còn bắt con tin và nhất là đủ sức mạnh đương đầu với quân đội thiếu kinh nghiệm tác chiến. Chính các tổ chức võ trang ở Mindanao, đảo quê hương của tổng thống Duterte, tự nguyện tuyên bố trung thành và nhận lệnh chỉ huy của Daesh giương cờ đen "califat" ở Marawi vào mùa hè năm 2017. Sau trận đánh đẫm máu suốt nhiều tháng, thánh chiến bị đánh khỏi thành phố nhưng ảnh hưởng không suy giảm.
Có tiếng xem nhẹ mạng người trong chiến dịch chống ma túy, tổng thống Duterte tuyên bố ngay khi tiếng súng Marawi chưa ngưng là sẽ tái thiết toàn diện. Chẳng ai tin tổng thống vì cho đến nay, thành phố vẫn là một đống gạch vụn. Trước tiên, ông Duterte tính gọi thầu Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh hứa tài trợ và xây cất, nhưng dân chúng địa phương chống lại, một số đã bị đuổi khỏi nơi cư trú. Cuối cùng tái thiết Marawi không còn được xem là ưu tiên. Chính vào lúc này, thì các nhóm thánh chiến xuất hiện. Một số nhân chứng tiết lộ với Le Monde : ai cũng nói là không ủng hộ thánh chiến nhưng nhà không gạo, không đường, thiếu niên không có tương lai thì ai có thể cấm họ vào rừng ?
Theo chuyên gia Bilveer Singh, không riêng gì Châu Á, mà Châu Phi và Châu Âu đứng trước mối đe dọa của Daesh, thế hệ 2, sau khi phong trào này bị mất đất ở Iraq và Syria.
Thiên hoàng và sức mạnh vô hình
Nhật Bản bước qua triều đại Lệnh Hòa, sức mạnh vô hình của thiên hoàng và những bất trắc : phân tích của La Croix và Le Figaro. Nhật báo thiên hữu đặt thêm câu hỏi : liệu nước Nhật sẽ tăng tốc tái võ trang ?
Ngày 30/04, thiên hoàng Akihito thoái vị, hôm sau 01/05, tân vương Naruhito đăng quang. La Croix tóm tắt cuộc đời của vị hoàng đế 85 tuổi. Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, dưới áp lực của Mỹ, thiên hoàng mất uy thế "thiên tử", chỉ còn "biểu tượng của Nhà nước và đoàn kết dân tộc". Lên ngôi vào năm 1989, Akihito được tiếng là một nhà nhân bản, gần gủi với dân chúng nhất là tinh thần yêu chuộng hòa bình.
Theo niềm tin của người Nhật, mỗi lần vua mới lên ngôi là có thay đổi lớn. Năm 1989, thế giới cũng sang trang lịch sử, chiến tranh lạnh kết thúc, nhưng kinh tế Nhật giảm tăng trưởng. Người Nhật hoang mang nhưng sau đó họ tập trung vào quyền tự do cá nhân và hòa đồng với thiên hoàng Akihito, bỏ tinh thần dân tộc cực đoan của tiên vương Hirohito, để cỗ vũ cho hòa bình.
Tuy không có kiến thức sâu rộng của một nhà nghiên cứu khoa học như phụ vương Akihito, tân vương Naruhito sẽ mở ra một triều đại mới cho Nhật Bản, theo nhận định của Le Figaro. Thiên hoàng thứ 126 lên ngôi trong bối cảnh thuận lợi. Hai bố con có cùng tinh thần yêu chuộng hòa bình. Naruhito đã hứa sẽ củng cố vai trò thiên hoàng theo hướng làm rạng danh nước Nhật trên trường quốc tế. Hoàng hậu và thiên hoàng đều được du học ở nước ngoài.
Nhưng một câu hỏi được đặt ra là phải chăng nước Nhật đang trên đường tái võ trang ? Theo các nguồn thạo tin thì thiên hoàng Akihito không thích thủ tướng Shinzo Abe, nhà chính trị thiên hữu muốn đổi Hiến pháp để nước Nhật tái quân sự hóa.
Nhìn từ Tây Phương, nhà phân tích Alain Barluet cho rằng chính phủ Shinzo Abe có nhiều lý do sâu xa để tiến hành chính sách tái võ trang : đứng trước những mối đe dọa của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên và thái độ khó lường của tổng thống Mỹ Donald Trump, Tokyo cần xây dựng một sức mạnh quân sự độc lập.
Quy luật phim tập
Sự kiện một nghệ sĩ phim hài đắc cử tổng thống Ukraine tiếp tục được bình luận. Nhưng theo giáo sư chính trị Pháp Dominique Moisi, sự kiện hơn 70% cử tri dồn phiếu cho một tổng thống màn ảnh không một chút kinh nghiệm chính trường là điều đáng lo ngại : trên toàn thế giới, người dân mất niềm tin ở giới lãnh đạo chính trị truyền thống.
Với tựa "quy luật tất yếu của phim tập", bài phân tích của giáo sư Dominique Moisi nêu lên khả năng đồng cảm giữa một nhân vật trong phim với thính giả lâu ngày sẽ tạo ra một mối dây tình cảm thật sự giữa nghệ sĩ và công chúng. Tuy nhiên, khi tổng thống trong phim được bầu làm tổng thống thực thụ thì không khỏi đặt ra một số vấn đề nghiêm trọng.
Thứ nhất, kết quả 73% phiếu ủng hộ tài tử hài Volodymyr Zelensky thể hiện nền dân chủ đang bị khủng hoảng. Bị khủng hoảng cho nên người dân không còn tin vào giới chính trị truyền thống. Nhưng, khi người dân Ukriane nghe theo luận điểm của phe dân túy, có nghĩa là họ đánh mất niềm tin nơi chính họ. Volodymyr Zelensky là tay non, tay mới là tốt thôi. Đất nước cần lãnh đạo mới để khai sinh một thời lỳ mới. Người dân không có gì để mất vì đã mất hết rồi. Giới lãnh đạo truyền thống đều thất bại thảm não.
Moskva cho là "dân Ukraine lật qua trang sử phản kháng Maidan, chống Nga". Theo tác giả, phân tích như thế là kém bởi vì thật ra người dân Ukraine thất vọng chua cay vì thấy các chọn lựa trong quá khứ từ tổng thống chống Nga, đến tổng thống thân Nga, đều không có tay nào làm được việc. 30 năm từ thời hậu cộng sản Liên Xô đã bị cử tri ném vào sọt rác chứ không phải chỉ 5 năm của Porochenko như Nga khéo tuyên truyền.
Tại sao dân thất vọng ? Bởi vì thành phần đặc quyền đặc lợi Ukraine không khác chi thành phần đặc quyền đặc lợi Nga. Nói cách khác, trong khi người dân muốn Ukraine theo Tây Âu thì bộ máy chính quyền vận hành không khác chi ở Moskva.
Vấn đề là không thừa nhận tính chính đáng của giới chính trị truyền thống không hẳn là sự khôn ngoan của đám đông. Kinh nghiệm 1933 ở nước Đức là một bài học lịch sử đáng suy gẫm khi đa số cử tri bầu cho một kẻ đóng kịch giỏi luôn tươi cười có tên Aldolf Hitler.
Còn sớm mới có thể biết được Volodymyr Zelensky ảnh hưởng như thế nào trong thế cân bằng quan hệ Nga và Tây Âu. Rất có thể Ukraine được ơn trên ân thưởng một nhân vật liêm chính tận tâm cho đất nước như vai thủ diễn. Nhưng xác suất bất trắc rất cao. Thế mà Ukraine độc lập với Nga là điều kiện cơ bản để duy trì ổn định tại Châu Âu.
Năm Hợi, dịch lợn và đậu nành
Chuyện Trung Quốc bị dịch lợn không ngờ làm căng thêm căng thẳng trong quan hệ Washington-Bắc Kinh. Trong khi đó nông dân Châu Âu vô tình hưởng lợi.
Thế cờ được Les Echos mô tả như sau : Hơn một triệu con heo đã bị tiêu hủy từ khi Trung Quốc bị dịch lợn. Năm nay là năm Hợi, dịch heo sẽ ảnh hưởng đến thị trường thực phẩm nuôi heo : đậu nành. Thức ăn này đang là trọng điểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Bắc Kinh cam kết sẽ nhập khẩu thêm đậu nành của Mỹ nhưng siêu vi dịch heo đang làm tăng thêm bất trắc. Theo thẩm định của ngân hàng Rabobank, bệnh dịch và tiêu hủy heo để phòng ngừa sẽ đưa đến hai hệ quả : giảm 15% cơ sở chăn nuôi, giảm 30% lượng thịt bán ra thị trường trong năm 2018. Trong năm 2019, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn. Không nuôi heo, nông dân Trung Quốc sẽ không mua thêm đậu nành hiện đang tồn kho không có giải pháp. Năm nay, đậu nành sẽ trở thành "món hàng chính trị" trong quan hệ Mỹ-Trung cũng như dầu hỏa trong xung khắc Mỹ-Iran.
Bộ Nông nghiệp Mỹ và nông dân Mỹ rất lo là không xuất khẩu được đậu nành trong năm nay.
Trong thế trận này, nông dân Châu Âu bất ngờ hưởng lợi. Vì sao ? Bởi vì dân Trung Quốc mê ăn thịt. Theo một chuyên gia thú y, Trung Quốc không thể nào diệt hết dịch trong năm nay : trang trại chăn nuôi thường là quy mô nhỏ, rải rác khắp nơi, khó lập hàng rào y tế chống siêu vi lây lan. Tình trạng này gián tiếp có lợi cho ngành chăn nuôi Châu Âu, nguồn xuất khẩu thịt qua Trung Quốc.
Ammonia, xơ gan và não bộ
Về thời sự y tế, Le Figaro cho biết vì sao yếu gan ảnh hưởng đến bộ não : Kết quả nghiên cứu của các đại học y khoa Paris và trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp một trong những hệ quả của bệnh gan là vai trò hóa giải ammonia từ thức ăn xâm nhập qua bộ máy tiêu hóa bị sút giảm. Ngoài tế bào gan, cơ bắp là cơ quan thứ hai có enzyme chống ammonia. Nhưng người bị bệnh gan thường bị teo cơ. Do vậy, chất độc ammonia sẽ theo máu lên não nhiều thêm. Bình thường mạch máu não không để cho chất độc xuyên qua trừ phi nồng độ quá nhiều. Đây chính là trường hợp của người bị xơ gan.
Tú Anh