Dịch Covid-19 : Mỹ rút lui khỏi vị trí lãnh đạo thế giới, toàn cầu chao đảo
Nước Pháp phong tỏa, với mục tiêu hãm đại dịch, đã gần 2 tuần ; đỉnh dịch vẫn ở phía trước. Trang nhất các nhật báo ra thứ Sáu tuần cuối tháng 3/2020 này nhất loạt nói về những hậu quả trực tiếp của dịch : bệnh viện báo động vì quá tải (Le Monde), thảm kịch với người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão (Le Figaro), tang lễ trong thời kỳ phong tỏa (La Croix)… Libération và Les Echos chú ý trước hết đến hệ quả nghiêm trọng với kinh tế.
Khu Times Square, trung tâm New York City, hoang vắng vì Covid-19. Ảnh chụp ngày 20/03/2020. © Reuters- MIKE SEGAR@
Trước hết xin giới thiệu một bài nhận định đáng chú ý trên Le Monde, cho thấy bệnh Covid-19 làm toàn cầu chao đảo trong bối cảnh nước Mỹ rút lui khỏi vị trí lãnh đạo thế giới, Trung Quốc lấn tới. Nhà báo Alain Frachon, trong bài bình luận mang tựa đề "Vấn đề địa chính trị của dịch Covid-19", nhận xét : "cuộc chiến chống Covid-19 phản ánh bản đồ địa chính trị của thế giới hiện tại, với việc Trung Quốc đang không ngừng trở nên mạnh hơn, Hoa Kỳ tiếp tục co cụm lại. Giữa hai đại cường hàng đầu thế giới, vốn đã trong tình trạng chiến tranh kinh tế, sự xuất hiện của virus corona là một chủ đề xung đột bổ sung…".
Có thể thấy, sở dĩ đại dịch lan rộng khắp thế giới trước hết bởi vì cả hai đại cường "đều đã bỏ lỡ thời gian". Về phía Bắc Kinh, đó là việc làm ngơ trong thời gian đầu dịch, khi những ca đầu tiên xuất hiện, về phía Hoa Kỳ, là do lãnh đạo Mỹ không hiểu điều gì đang xảy ra. Trung Quốc là nạn nhân trước hết của một hệ thống chính trị độc đoán, đã bịt miệng những người đưa ra những thông tin thực sự về dịch bệnh, mà chính quyền coi là bất lợi. Và một khi dịch bệnh tại Hoa lục tạm lui, Bắc Kinh vừa "cố sức tuyên truyền để tất cả quên đi trách nhiệm hàng đầu của chế độ cộng sản Trung Quốc trong thảm kịch đang diễn ra trên quy mô toàn cầu", vừa tỏ ra hăng hái "có mặt khắp nơi trên mặt trận chống dịch, phân phối các bài học và thuốc men, lấp đầy vào khoảng trống mà nước Mỹ để lại, một nước Mỹ mà chính tổng thống Trump đã hạ thấp tầm cỡ". Nhà báo Le Monde nhấn mạnh : "Đây là lần đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu, mà Hoa Kỳ dường như không còn đóng vai trò lãnh đạo nào".
Trong giai đoạn tiếp theo, lợi dụng sự rút lui của Hoa Kỳ, trong cuộc chiến chống Covid-19, Bắc Kinh - có người trong tất cả các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc - liên tục khẳng định là một "quốc gia thiết yếu với thế giới", như lời lẽ mà cựu ngoại trưởng Madeleine Albright đã từng dùng để nói về Hoa Kỳ trước đây. Điều nghịch lý là, đúng vào lúc mà phần trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc để xảy ra đại dịch toàn cầu là "không hề nhỏ", Trung Quốc đã vươn bật lên tỏ ra như một đại cường có trách nhiệm.
Trump chỉ thừa nhận đại dịch, khi Covid-19 ập vào nước Mỹ
Vai trò nổi bật, vị thế lấn át của Trung Quốc trên trường quốc tế tương phản hoàn toàn với sự vắng mặt của nước Mỹ, khác hẳn với thời kỳ dịch bệnh Ebola, với vai trò tích cực của chính quyền Obama. Nhìn vào cách hành xử của tổng thống Mỹ có thể thấy rõ những hệ quả khủng khiếp, khi "một chính trị gia dân tuý lên nắm quyền". Tổng thống Donald Trump, "người hùng của các thành phần dân tuý Châu Âu", trong một thời gian dài, đã không muốn tin vào sức tàn phá kinh hoàng của loài virus này. Fox News, kênh truyền thông chuyên chuyển tải các thông điệp của tổng thống Trump, khẳng định : nguy cơ Covid-19 chỉ là "câu chuyện bịa đặt của các chính trị gia đảng Dân chủ".
Khi dịch bệnh ập vào nước Mỹ, khi chứng khoán Hoa Kỳ - chỉ số tối cao đo lường hiệu quả chính sách kinh tế của tổng thống - Trump sụp đổ, ông Trump "quay lại với thủ đoạn dùng dê tế thần quen thuộc", khi lớn tiếng gọi virus gây bệnh Covid-19 là "virus Trung Quốc", "một diễn đạt đầy kỳ thị chủng tộc". Trong lúc tổng thống đánh võ mồm với chính quyền Bắc Kinh, và tiếp tục đưa ra những lời tiên tri về thời hạn dịch bệnh chấm dứt, thì tại Hoa Kỳ, chính những người lãnh đạo địa phương, các thị trưởng, thống đốc tiểu bang đã lao vào cuộc chiến chống dịch.
Nhà báo Le Monde khép lại bài bình luận với nhận xét, cho đến nay, bất chấp bệnh dịch lan tràn và trầm trọng hơn, Hoa Kỳ vẫn không hề có một nỗ lực nhỏ nào để đóng góp vào việc cuộc chiến phối hợp chống dịch trong các định chế quốc tế đa phương, mà Washington đã từ từ rút ra trước đó. Washington cũng không đóng gì vào việc huy động khối G7 để tổ chức một cuộc chấn hưng kinh tế toàn cầu. Phê phán nước Mỹ, nhà báo Le Monde cũng chỉ ra sự phụ thuộc của Châu Âu vào Trung Quốc, phụ thuộc nặng nề về nhiều mặt hàng y tế thiết yếu, bị đặt trong thế bị động, muốn há miệng, nhưng bị mắc quai.
Dịch bệnh toàn cầu, cần phối hợp toàn cầu để đáp trả
Sự vắng mặt của nước Mỹ, của các định chế quốc tế khiến Covid-19 trở thành đại dịch kinh hoàng, vượt quá tầm mức nguy hiểm xét về mặt sinh học của bản thân con virus. Nhận thức ngày càng được nhiều người chia sẻ. Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos trong bài phân tích của nhà báo Eric Boucher, mang tựa đề "Đừng nghe lời những kẻ dân tộc chủ nghĩa, toàn cầu hóa là một câu trả lời đúng", kêu gọi công chúng đừng mù quáng lên án "toàn cầu hóa", cụm từ mà trong những ngày gần đây "bị gán cho mọi điều xấu xa trên đời". Theo nhà báo Eric Boucher, "chỉ có toàn cầu hóa mới có thể mang lại một phản ứng có phối hợp ở quy mô quốc tế" trước loại khủng hoảng kiểu này.
Vấn đề là toàn cầu hóa thế nào, phối hợp ra sao ? Theo Eric Boucher, trước hết là vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần được tăng cường để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. WHO đã có nhiều bước tiến sau kinh nghiệm của 6 cuộc khủng hoảng y tế lớn (SARS, MERS, EBOLA…). WHO đã trở nên có khả năng phản ứng nhanh hơn. Vấn đề hiện nay là định chế này không có đủ "quyền lực và phương tiện" để đưa ra các lộ trình phản ứng trước các khủng hoảng y tế. Cụ thể là WHO đã không có khả năng buộc Bắc Kinh phải thừa nhận và ngăn chặn dịch sớm hơn. Theo một nghiên cứu công bố trên medRxiv, nếu Trung Quốc có biện pháp ngăn dịch trước 3 tuần, sẽ giảm đến 95% nguy cơ dịch lan rộng, giảm 85%, nếu làm sớm 2 tuần, giảm 66%, nếu sớm một tuần.
Les Echos nhấn mạnh là cần coi "y tế là tài sản chung của nhân loại', và nhân loại phải hợp sức đối phó với các khủng hoảng tương tự trong tương lai, với các dịch bệnh có thể còn nguy hiểm hơn gấp bội. Theo nhà báo Eric Boucher, tại từng quốc gia, ví như tại Pháp, khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền bị lên án đã không huy động đủ dự trữ các phương tiện y tế cần thiết, như khẩu trang, máy trợ thở… Nhiều người đòi hỏi mỗi quốc gia phải dự trữ trên quy mô lớn các trang thiết bị, có thể đến mươi năm mới đem ra sử dụng một lần.
Nhà báo Eric Boucher lưu ý là đòi hỏi mỗi quốc gia phải tự bảo đảm đủ số các mặt hàng như vậy, để chuẩn bị đưa ra dùng vào một ngày nào đó chưa biết, là điều phi lý. Vấn đề chủ yếu hiện nay là tổ chức việc quản lý chung các trang thiết bị thiết yếu, và khi cần đưa ra sử dụng cho những nơi có nhu cầu nhất. Và "chính nhờ toàn cầu hóa mà nhân loại hiện nay mới có thể hướng đến việc tổ chức các dây chuyền sản xuất, dự trữ và phân phối các thiết bị cấp cứu, đặc biệt cho những nước nghèo". Việc mỗi quốc gia thân ai nấy lo khiến các chi phí trở nên hết sức tốn kém.
Nói tóm lại, dịch Covid-19 kêu gọi sự trở lại của "vai trò Nhà nước ở một quy mô chưa từng có", không phải ở tầm quốc gia, "bởi không quốc gia nào một mình có thể đảm nhiệm được". Khí hậu, y tế, khoa học, một số ngành công nghiệp sống còn, và bản thân nền kinh tế vĩ mô cũng cần được "toàn cầu hóa", như vậy nhân loại mới có thể đủ sức đối mặt với đại dịch các loại không thể tránh khỏi sắp đến.
Mỗi tháng phong tỏa, kinh tế Pháp mất 3% GDP
Ảnh hưởng nặng nề của Covid đến nền kinh tế là chủ đề lớn của Les Echos. Theo Viện Thống kê và Kinh tế Pháp INSEE, nếu thiệt hại của một tháng phong tỏa, để hãm dịch, không được bù lại trong các tháng tiếp theo, thì tổn thất với nền kinh tế sẽ là 3% GDP. Ảnh hưởng nặng nề nhất là trong lĩnh vực xây dựng, với khoảng 90% hoạt động bị đình chỉ. Các ngành công nghiệp nhìn chung chỉ vận hành khoảng một nửa công suất. Tình hình rất khác biệt, theo từng lĩnh vực. Công nghiệp thực phẩm ít bị thiệt hại nhất, ngược lại ngành xe hơi đình trệ. Du lịch, vận tải, khách sạn - nhà hàng hoàn toàn ngưng hoạt động, trong lúc ngành công nghệ viễn thông, và bảo hiểm vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Về thương mại, nhìn chung, mất khoảng 1/3 doanh số. Theo INSEE, tổng số tiêu thụ hàng hóa sụt giảm 35% so với mức trung bình. Tuy nhiên, các dịch vụ không mang tính thương mại, như giáo dục, y tế chỉ giảm tương đối ít (14%) trong tuần lễ phong tỏa đầu tiên. Giáo viên vẫn duy trì các hoạt động giảng dạy trực tuyến. Các chi phí cho các dịch vụ viễn thông, điện, thực phẩm, dược phẩm lại có chiều hướng tăng lên trong thời gian phong tỏa.
Điều đặc biệt đáng lo ngại là tinh thần của giới chủ. Chỉ số tin tưởng vào kinh doanh giảm 10 điểm, trên tổng số 95, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1980, có nghĩa là năm ra đời của chỉ số này. Theo INSEE, cần chú ý là số liệu nói trên được đưa ra trước tuần lễ phong tỏa. Thông điệp ngầm gửi đến chính phủ, qua kết quả nghiên cứu nói trên, là cần giới hạn thời gian phong tỏa, như nhận định của kinh tế gia trưởng của Ostrum Asset Management, ông Philippe Waechter.
Giai đoạn "hậu phong tỏa" : Tìm lối thoát khỏi thảm hoạ
Vấn đề cấp bách với chính phủ hiện nay là "hoạch định một chính sách ra khỏi khủng hoảng y tế, để tránh cho khủng hoảng y tế biến thành khủng hoảng kinh tế". Theo giải Nobel về kinh tế Paul Romer, vấn đề mấu chốt để giúp thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng nhãn tiền này là cần phải tiến hành trắc nghiệm trên phạm vi rất rộng (mỗi người hai tuần một lần), và giảm số lượng người phải cách ly xuống con số 10% dân cư. Xét riêng về mặt hiệu quả y tế, hiệu quả của chống dịch, dù chi phí bỏ ra cho xét nghiệm sẽ rất lớn, nhưng lợi ích của việc này cũng rất lớn, tương đương với kịch bản 50% dân cư bị cách ly, nhưng không có xét nghiệm. Sự khác biệt chủ yếu là một nền kinh tế có thể tồn tại được với 10% cư dân bị phong tỏa, nhưng không thể, khi 50% dân cư bị phong tỏa.
Trong khi đó, "Duy trì nền kinh tế trong thời gian phong tỏa" là hồ sơ chính của báo Le Figaro hôm nay. Nhật báo này đưa độc giả đến với các nỗ lực trong hậu trường của bộ trưởng kinh tế Bruno Lemaire. Ngày 24/03, bộ trưởng kinh tế Pháp đã nói công khai là tình hình khủng hoảng hiện nay "giống với cuộc Đại suy thoái kinh tế thế giới, khởi đầu năm 1929". Từ đó đến nay, ông liên tục nhắc lại nhận định này.
"Đại hồng thủy" : Trận mưa tiền và vô số đảo lộn khác
Bài xã luận "Đại hồng thủy" của Libération mô tả tình thế tiến thoái lưỡng nan của các quốc gia hiện nay. Nhật báo Pháp ghi nhận việc các ngân hàng trung ương ồ ạt đổ hàng trăm, hàng nghìn tỉ đô la vào nền kinh tế, hòng đẩy lùi nguy cơ suy thoái. Việc các tín điều cố hữu của giới kinh tế gia bảo thủ bị phá bỏ có thể mang lại kết quả cứu nguy trước mắt, nhưng về nhìn xa hơn thì sao, ai sẽ là người phải gánh vác các khoản nợ khổng lồ, sẽ được đáo hạn ? "Những con kiến làm việc cần cù" hay "bầy ve nhởn nhơ". Sau đại khủng hoảng Covid-19, và "đại hồng thủy" mưa tiền, tình hình sẽ ra sao ?
Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, từ Trung Quốc tràn ra thế giới, không biết sẽ đi đến đâu, nhưng trước mắt đang gây ra vô vàn thay đổi lớn. Trong khi nhiều quốc gia Đông Á được ca ngợi là chống dịch thành công, nhưng Libération cũng lưu ý Nhật Bản đang sẵn sàng đối phó với khả năng dịch bùng phát. Có một thay đổi lớn tại rất nhiều quốc gia : phong tỏa buộc rất đông người phải làm việc tại nhà. Tình hình sẽ rất khác so với cách nay 10 năm, giờ đây làm việc tại nhà là chuyện khả thi với hàng trăm triệu người, bởi các điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông, tin học cho phép. Theo chuyên gia về công nghệ số Andrew McAfee, lối sống này sẽ có những hệ luỵ rất lớn, và đây rất có thể là một bước ngoặt cho sự lên ngôi của lối làm việc tại nhà, sống xa các vùng trung tâm.
Trọng Thành
Ngày càng có nhiều người Trung Quốc nắm vị trí đứng đầu các tổ chức quản lý lớn trên toàn cầu, mà gần đây nhất là trường hợp ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) được cử lên lãnh đạo Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO vào tháng 06/2019. Theo phân tích của chuyên gia Edouard Tetreau trên nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 27/11/2019, sự kiện đó rõ ràng là kết quả của một kế hoạch được vạch ra từ lâu, thế nhưng chỉ gần đây thôi mới được Phương Tây chú ý. Đối với tác giả, phương Tây cần phản ứng nhanh chóng, vì nếu chậm trễ, tất cả các định chế điều hành thế giới sẽ bị Bắc Kinh thâu tóm.
Tân tổng giám đốc FAO người Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) đã được bầu lên ngày 23/06/2019 tại Roma (Ý). Vincenzo PINTO/AFP
Tác giả bài phân tích trước hết nêu bật vai trò của 4 định chế quốc tế đang có lãnh đạo là người Trung Quốc : từ FAO, ITU, cho đến ICAO và UNIDO. Đây là 4 trong tổng số 15 cơ quan, tổ chức Liên Hiệp Quốc, trong đó còn có các định chế nổi tiếng hơn như Ngân Hàng Thế Giới WB, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.
ITU, FAO, ICAO, UNIDO : Các định chế có giá trị chiến lược
Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế ITU là tổ chức lâu đời nhất trong số các tổ chức này. Thành lập từ năm 1865, trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, định chế này đã được sát nhập vào Liên Hợp Quốc vào năm 1947. Trong thế kỷ hai mươi mốt này, vai trò của ITU được cho là rất quan trọng, vì tổ chức này có trách nhiệm điều tiết và quy hoạch màng viễn thông trên thế giới. Thẩm quyền của Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế bao trùm hành tinh, từ việc quy định các chuẩn mực, phân bổ các tần số vô tuyến điện và các quỹ đạo vệ tinh trên không gian, cho đến những vấn đề liên quan đến truy cập Internet và Internet băng thông rộng, liên lạc hàng hải và hàng không…
Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, có trụ sở tại Roma (Ý), cũng có trách nhiệm quy định các tiêu chuẩn toàn cầu và ban hành các quy định quốc tế trong một lĩnh vực thậm chí còn rộng lớn hơn cả viễn thông : nông nghiệp và lương thực thực phẩm. Nguồn lực của định chế này rất đáng kể, với hơn 10.500 nhân viên có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, điều hòa các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực dinh dưỡng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…
Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO cũng rất quan trọng vì là cơ chế tạo ra các chuẩn mực quốc tế thống nhất áp dụng cho mọi nước trong lĩnh vực hàng không dân sự. Đặt trụ sở tại Montreal, ICAO đảm trách việc tiêu chuẩn hóa ngành vận tải hàng không quốc tế, ấn định mã sân bay, mã công ty hàng không, cấp bằng cho các nhân viên hàng không, chia sẻ tần số vô tuyến… Nói tóm lại, ICAO có trách nhiệm giám sát trên khoảng 100.000 chuyến bay quốc tế hàng ngày.
Riêng Tổ Chức Phát Triển Công Nghiệp Liên Hiệp Quốc UNIDO, có trụ sở tại Vienna, là một định chế sinh sau đẻ muộn, chỉ mới được thành lập vào năm 1966. Tổ chức này có mục tiêu thúc đẩy nền công nghiệp của các nước đang phát triển.
Quan chức cao cấp của Bắc Kinh qua nắm các định chế Liên Hiệp Quốc
Chuyên gia Edouard Tétreau nhấn mạnh : Đó là bốn định chế quốc tế có tầm quan trọng chiến lược, với phạm vi hoạt động khác nhau, nhưng có một điểm chung : Lãnh đạo là người Trung Quốc, xuất thân từ chính quyền Bắc Kinh.
Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) là thứ trưởng bộ nông nghiệp Trung Quốc trước khi qua làm việc tại Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc FAO vào năm 2015. Chỉ vài năm sau, nhân vật này đã được bầu làm tổng giám đốc tổ chức này vào tháng 6 năm 2019, sau một trận chiến tranh giành ảnh hưởng gay gắt, chống lại các ứng cử viên từ châu Âu và Hoa Kỳ.
Triệu Hậu Lân (Houlin Zhao) đứng đầu Cục Tiêu Chuẩn Viễn Thông Trung Quốc trước khi gia nhập Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế ITU vào năm 2015, và đến năm 2018 là được lên làm lãnh đạo.
Tương tự như vậy, bà Liễu Phương (Fang Liu) nguyên là người đứng đầu ngành hàng không dân dụng Trung Quốc, đã được cử qua làm việc tại Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO vào năm 2007. Bà đã lên làm lãnh đạo tổ chức này vào năm 2015.
Còn ông Lí Dũng (Li Yong) là thứ trưởng tài chính của Trung Quốc trước khi qua lãnh đạo UNIDO từ năm 2013.
Kế hoạch tỉ mỉ, được chuẩn bị từ lâu
Theo ghi nhận của Edouard Tétreau, đà thăng tiến của các nhân vật Trung Quốc nói trên hoàn toàn không có gì là ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một kế hoach được vạch ra một cách tỉ mỉ.
Chiến lược của Trung Quốc là gửi các cán bộ chính trị và hành chính xứng đáng và năng nổ nhất của họ qua "nằm vùng" trong các cơ quan quản lý toàn cầu mà Bắc Kinh đánh giá là có giá trị chiến lược nhất cho họ, rồi chờ dịp là lên giành chức lãnh đạo. .
Ở New York, nơi đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc, giới ngoại giao và chuyên gia ngày càng có thái độ quan ngại trước cách làm của Trung Quốc, vì lẽ Bắc Kinh hầu như đã dùng mọi phương cách để đạt được mục tiêu.
Thủ đoạn gây sức ép và hù dọa
Một chuyên gia phân tích thừa nhận : "Chúng tôi không đánh lại được Trung Quốc. Họ gửi hàng chục cộng tác viên qua làm việc miễn phí cho các tổ chức vốn bị ràng buộc chặt chẽ về ngân sách".
Một số quan sát viên khác thì đề cập đến những thủ đoạn "gây áp lực", "dọa nạt" nhắm vào các quốc gia được Trung Quốc trợ giúp tài chính, nhưng lại muốn thúc đẩy các ứng cử viên khác.
Những cách làm bị cho là "bất minh" này rất mới đối với một quốc gia được cho là luôn chú ý đến các quy tắc và thông lệ của ngoại giao thế giới, đã tạo nên những mối lo ngại chính đáng.
Loạt đơn kiện về tội vu khống được tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tung ra gần đây nhắm vào các nhà nghiên cứu nổi tiếng của Pháp là một phần trong số thủ đoạn dọa nạt đó.
Các hành động đó cho thấy rõ là Trung Quốc đặt lên hàng ưu tiên chiến lược việc kiểm soát của các tổ chức quản lý toàn cầu cũng như việc triển khai khắp thế giới đại tập đoàn viễn thông của họ vốn do một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, một đảng viên Cộng Sản thành lập.
Phương Tây nên thức tỉnh
Đối với tác giả bài phân tích, Trung Quốc đang cố sức giành quyền kiểm soát những lãnh vực sẽ nhào nặn tương lai của thế giới : từ các chuẩn mực, hệ thống phân phối, cho đến các hạ tầng cơ sở nông sản thực phẩm, công nghiêp kỹ thuật số, hàng không, vũ trụ và viễn thông. Trong khi đó thì phương Tây dường như chỉ chú ý đến vấn đề tiền bạc hay những thứ phù phiếm.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hiện do một người Bulgari lãnh đạo, Ngân Hàng Thế Giới thì trong tay một người Mỹ. Ngoài ra còn có một người Phần Lan nắm Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới, một người Gruzia phụ trách Tổ Chức Du Lịch Thế Giới, và một người Pháp nắm cơ quan văn hóa UNESCO.
Tác giả kết luận : Tình hình không bao giờ là quá muộn, và kết cục không phải lúc nào cũng tồi tệ. Thế nhưng, nếu phương Tây vẫn còn mất đoàn kết, vẫn tiếp tục đấu tranh vì quá khứ, mà từ bỏ các chủ đề của tương lai để chúng lọt vào tay Trung Quốc, thì quả đúng là tương lai của thế giới sẽ được viết bằng tiếng Hoa.
Trọng Nghĩa
Tân Cương : Trung Quốc phản đối sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc (RFI, 01/05/2019)
Trung Quốc, hôm 30/04/2019, đã bác bỏ những tuyên bố của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và coi đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ nước này
Công an kiểm tra giấy tùy thân của người dân trên một phố ở Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc, ngày 24/03/2017 - Reuters/Thomas Peter/File Photo
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường thuật từ Bắc Kinh :
Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục. Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nhân quyền chỉ là "một cái cớ" để can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc.
Lập luận này được các lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên sử dụng khi tình trạng của gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm, theo Liên Hiệp Quốc , trong các trại cải tạo được nhắc đến. Bắc Kinh luôn khẳng định đấy là những trung tâm dạy nghề nhằm chống lại xu hướng cực đoan hóa và khủng bố.
Hiện diện ở Bắc Kinh vào cuối tuần vừa qua nhân thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã tránh nêu vấn đề một cách công khai. Theo người phát ngôn của ông, Stéphane Dujarric, thì tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến hồ sơ này khi nói chuyện riêng với lãnh đạo Trung Quốc.
Trong buổi gặp, ông Guterres đã nói : Nhân quyền phải được hoàn toàn tôn trọng trong khuôn khổ các chính sách chống khủng bố và ngăn chặn thái độ cực đoan và bạo lực. Ông còn nói thêm, mỗi cộng đồng phải cảm nhận được là bản sắc của họ được tôn trọng.
Những lời lẽ này rõ ràng đã làm Trung Quốc không hài lòng. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, vẫn đang đợi được Bắc Kinh cho phép đến Tân Cương.
Trung Quốc đã tổ chức cho các nhà ngoại giao từ các quốc gia Hồi giáo và vùng Balkan đến thăm vùng Tân Cương, riêng Châu Âu vẫn đang chờ đèn xanh.
Các nước Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu cho đại diện 28 quốc gia cùng đi, trong đó có cả Thụy Điển, nước đã đề nghị tạo điều kiện dễ dàng cho việc cấp giấy cư trú cho người Duy Ngô Nhĩ.
Mai Vân
*****************
Tập Cận Bình kêu gọi giới trẻ ''yêu Đảng'' (RFI, 30/04/2019)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 30/04/2019 cổ vũ giới trẻ trung thành với Đảng cộng sản, trong bài diễn văn kỷ niệm 100 năm "Phong trào Ngũ Tứ" - cuộc biểu tình sinh viên đã đi vào lịch sử đất nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, 26/04/2019. FRED DUFOUR / AFP
Trong khung cảnh trang trọng của Đại sảnh đường Nhân Dân nhìn ra Thiên An Môn, trước cử tọa gồm hàng ngàn thanh niên, binh lính, công nhân và đảng viên, ông Tập tuyên bố : "Tại Trung Quốc ngày nay, lòng ái quốc chính là hợp nhất tình yêu đất nước với tình yêu đảng và chủ nghĩa xã hội".
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định : "Trong kỷ nguyên mới, thanh niên Trung Quốc phải lắng nghe những lời của Đảng và bước theo bước đi của Đảng". Lời khuyến dụ này nằm trong chủ trương "Một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa" được Tập Cận Bình vạch ra trong Đại hội Đảng 19, nhằm định hướng cho Trung Quốc đến năm 2050.
Cách đây đúng 100 năm, ngày 4 tháng Năm năm 1919, đã khởi phát "Phong trào Ngũ Tứ" hay "Ngũ Tứ vận động". Khoảng 3.000 sinh viên trường đại học Bắc Kinh tuần hành về phía quảng trường Thiên An Môn, phản đối các cường quốc thắng trận trong Đệ nhất Thế chiến ký Hiệp ước Versailles, chuyển giao tỉnh Sơn Đông từ tay Đức sang cho Nhật quản lý.
Bảy mươi năm sau, các sinh viên phản kháng năm 1989 đã vinh danh thế hệ đàn anh cũng tại quảng trường Thiên An Môn, đòi dân chủ và phản đối tham nhũng. Mỉa mai thay là các cuộc biểu tình này đã bị đàn áp đẫm máu, và đến 30 năm sau vẫn là chủ đề cấm kỵ tại Trung Quốc. Ngày 4 tháng Sáu sắp tới là thời điểm vô cùng nhạy cảm : kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn.
Thụy My
***********************
"Vành đai và Con đường" : Trung Quốc muốn xuất khẩu mô hình mới lãnh đạo thế giới (RFI, 29/04/2019)
Ngày thứ Bảy, 27/04/2019, diễn đàn "Con đường Tơ Lụa Mới" lần thứ 2 kết thúc. 37 quốc gia tham gia sự kiện năm nay, nhưng nhiều cường quốc phương Tây vắng mặt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng cốc chúc sức khỏe các đại diện tham dự diễn đàn Vành đai Con đường, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2019 - Nicolas Asfour/Pool via Reuters
Nếu như diễn đàn là cơ hội để Bắc Kinh phát triển các thế mạnh về kinh tế và công nghệ với việc ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư trị giá hàng chục tỷ đô la, thì theo giới chuyên gia, đây còn là một cơ hội để Trung Quốc khẳng định vai trò và tham vọng "xuất khẩu mô hình quản lý thế giới" mới.
Con đường Tơ Lụa Mới hay là "chiếc bẫy nợ Trung Quốc", trước những lời chỉ trích của nhiều quốc gia, diễn đàn Con đường Tơ Lụa mới năm nay mang hơi hướng của một cuộc chiến truyền thông. Trung Quốc tìm cách điều chỉnh lại công tác truyền thông, không còn nói về OBOR (One Belt, One Road – Một Vành đai, Một con đường) nữa mà đã trở thành BAR (Belt and Road – Vành đai và Con đường).
Trong bài diễn văn bế mạc diễn đàn, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi một sự minh bạch, "bền vững", "xanh" hơn và nhất là không dung thứ cho tham nhũng trong các dự án. Nhưng điểm chú ý đối với giới quan sát chính là việc rút ngắn tên gọi dự án Con đường Tơ lụa mới này, được đưa ra vào năm 2013 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên bộ và hàng hải trị giá hơn 1.000 tỷ đô la đi từ Châu Á sang Châu Âu, qua cả Châu Phi.
Theo nhận định của bà Alice Ekman trên đài RFI, dưới chiếc nhãn ""Belt and Road", các tham vọng của Trung Quốc giờ đã vượt quá khuôn khổ của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (cầu đường, cảng biển, cáp quang ngầm, công nghệ…). Bài diễn văn của ông Tập Cận Bình cho thấy rõ Bắc Kinh tìm cách phát triển điều mà ông gọi là "một hình thức quan hệ quốc tế mới".
Minh Anh
Mỹ đang ‘tích cực cứu xét’ bán vũ khí phòng vệ sát thương cho Ukraine (VOA, 25/08/2017)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết trong chuyến thăm Ukraine rằng chính quyền Trump đang "tích cực cứu xét" liệu có nên cung cấp vũ khí phòng vệ có tính sát thương cho quốc gia Đông Âu bị chiến tranh tàn phá này hay không.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hội kiến ở Kiev, Ukraine, ngày 24 tháng 8, 2017.
Khi được hỏi liệu Nga có coi hành động này là một mối đe dọa hay không, ông Mattis trả lời, "Vũ khí phòng vệ không khiêu khích trừ phi bạn là kẻ gây hấn".
Chính quyền Mỹ trước đây giữ quan điểm rằng bán vũ khí phòng vệ có tính sát thương cho Ukraine sẽ khiêu khách Nga một cách không cần thiết, nhưng các quan chức chính quyền Trump đã mở lại quá trình cứu xét kế hoạch trước đây bị bác bỏ.
Trong một cuộc họp báo chung với ông Mattis sau cuộc hội đàm hôm thứ Năm, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko không trả lời thẳng khi được hỏi về thời biểu cho bất kỳ vụ chuyển giao vũ khí nào, nhưng lưu ý rằng vũ khí phòng vệ "sẽ gia tăng sự tổn hại nếu Nga quyết định tấn công quân đội của tôi và lãnh thổ của tôi".
Khẳng định lại cam kết của Mỹ đối với Ukraine trong khi ở Kiev, ông Mattis nói rằng Washington không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Ông nói thêm rằng Nga đang "tìm cách vẽ lại biên giới quốc tế bằng vũ lực" và do đó, các biện pháp chế tài của Mỹ đối với Nga sẽ vẫn giữ nguyên cho đến khi Moscow thay đổi hành vi của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm đất nước này một ngày trước khi một thỏa thuận ngưng bắn dự kiến ở phía đông Ukraine được thực thi trùng với thời điểm bắt đầu năm học mới.
Tuy nhiên ông Mattis nói rằng Nga hiện không "tôn trọng ngôn từ chứ chưa nói đến tinh thần" của những cam kết trong Thỏa thuận Minsk để giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, cũng như những thỏa thuận khác mà nước này đã ủng hộ.
"Mỹ và các đồng minh của chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép để Nga tôn trọng các cam kết Minsk của nước này và các biện pháp trừng phạt của chúng tôi sẽ vẫn được duy trì cho đến khi Moscow đảo ngược các hành động kích hoạt chúng", ông Mattis nói. "Như Tổng thống Trump đã nói rõ, Hoa Kỳ vẫn theo đuổi nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột ở Đông Ukraine".
****************
Mỹ sắp hạn chế visa từ 4 nước không chịu nhận công dân bị trục xuất (VOA, 25/08/2017)
Chính quyền Trump sắp áp đặt các hạn chế về thị thực đối với bốn nước Châu Á và Châu Phi từ chối nhận lại công dân của họ bị trục xuất khỏi Mỹ, các quan chức nói với hãng tin AP hôm thứ Năm.
Visa nhập cảnh Mỹ - Ảnh minh họa
Các quan chức này nói rằng các nước Campuchia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone sẽ sớm chịu chế tài. Những chế tài này nhằm mục đích buộc các quốc gia "ngoan cố" phải nhận lại những cá nhân mà Mỹ tìm cách trục xuất, AP cho biết. Theo luật liên bang, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson có thể ngưng cấp tất cả hoặc một số loại thị thực cụ thể cho các quốc gia như vậy.
Ông Tillerson sẽ không cấm tất cả thị thực, các quan chức này nói với AP. Thay vào đó, ông sẽ nhắm mục tiêu vào các quan chức chính phủ và gia đình của họ, như Mỹ đã từng làm trước đây. Các quan chức nói chuyện với AP không được phép công khai thảo luận vấn đề này và phát biểu với điều kiện giấu tên. Họ không chịu nói khi nào thì ông Tillerson sẽ hành động.
Bộ An ninh Nội địa hôm thứ Tư nói rằng họ đã đề nghị Bộ Ngoại giao có hành động nhắm vào bốn quốc gia trong số 12 nước mà họ xem là ngoan cố. Cơ quan này không nêu tên các quốc gia đó.
Khi được AP yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao xác nhận đã nhận được thông báo của Bộ An ninh Nội địa. Bộ cũng không nêu đích danh các quốc gia này, chỉ nói rằng mỗi một nước đều đã "từ chối nhận hoặc trì hoãn một cách bất hợp lý việc hồi hương công dân của họ". Bộ nói họ sẽ công bố các hình phạt chính xác sau khi các chính phủ bị ảnh hưởng được thông báo.
Bộ An ninh Nội địa hiện xác định Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Lào, Iran, Guinea, Campuchia, Eritrea, Myanmar, Ma-rốc, Hong Kong và Nam Sudan là những nước ngoan cố không nhận những người bị trục xuất khỏi Mỹ.
Chưa rõ vì sao chỉ có Campuchia, Eritrea và Guinea được chọn để chế tài hoặc tại sao Sierra Leone, lần gần đây nhất được xác định là "có nguy cơ" bị xếp vào diện ngoan cố, lại nằm trong nhóm này.