Mỹ đang ‘tích cực cứu xét’ bán vũ khí phòng vệ sát thương cho Ukraine (VOA, 25/08/2017)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết trong chuyến thăm Ukraine rằng chính quyền Trump đang "tích cực cứu xét" liệu có nên cung cấp vũ khí phòng vệ có tính sát thương cho quốc gia Đông Âu bị chiến tranh tàn phá này hay không.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hội kiến ở Kiev, Ukraine, ngày 24 tháng 8, 2017.
Khi được hỏi liệu Nga có coi hành động này là một mối đe dọa hay không, ông Mattis trả lời, "Vũ khí phòng vệ không khiêu khích trừ phi bạn là kẻ gây hấn".
Chính quyền Mỹ trước đây giữ quan điểm rằng bán vũ khí phòng vệ có tính sát thương cho Ukraine sẽ khiêu khách Nga một cách không cần thiết, nhưng các quan chức chính quyền Trump đã mở lại quá trình cứu xét kế hoạch trước đây bị bác bỏ.
Trong một cuộc họp báo chung với ông Mattis sau cuộc hội đàm hôm thứ Năm, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko không trả lời thẳng khi được hỏi về thời biểu cho bất kỳ vụ chuyển giao vũ khí nào, nhưng lưu ý rằng vũ khí phòng vệ "sẽ gia tăng sự tổn hại nếu Nga quyết định tấn công quân đội của tôi và lãnh thổ của tôi".
Khẳng định lại cam kết của Mỹ đối với Ukraine trong khi ở Kiev, ông Mattis nói rằng Washington không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Ông nói thêm rằng Nga đang "tìm cách vẽ lại biên giới quốc tế bằng vũ lực" và do đó, các biện pháp chế tài của Mỹ đối với Nga sẽ vẫn giữ nguyên cho đến khi Moscow thay đổi hành vi của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm đất nước này một ngày trước khi một thỏa thuận ngưng bắn dự kiến ở phía đông Ukraine được thực thi trùng với thời điểm bắt đầu năm học mới.
Tuy nhiên ông Mattis nói rằng Nga hiện không "tôn trọng ngôn từ chứ chưa nói đến tinh thần" của những cam kết trong Thỏa thuận Minsk để giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, cũng như những thỏa thuận khác mà nước này đã ủng hộ.
"Mỹ và các đồng minh của chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép để Nga tôn trọng các cam kết Minsk của nước này và các biện pháp trừng phạt của chúng tôi sẽ vẫn được duy trì cho đến khi Moscow đảo ngược các hành động kích hoạt chúng", ông Mattis nói. "Như Tổng thống Trump đã nói rõ, Hoa Kỳ vẫn theo đuổi nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột ở Đông Ukraine".
****************
Mỹ sắp hạn chế visa từ 4 nước không chịu nhận công dân bị trục xuất (VOA, 25/08/2017)
Chính quyền Trump sắp áp đặt các hạn chế về thị thực đối với bốn nước Châu Á và Châu Phi từ chối nhận lại công dân của họ bị trục xuất khỏi Mỹ, các quan chức nói với hãng tin AP hôm thứ Năm.
Visa nhập cảnh Mỹ - Ảnh minh họa
Các quan chức này nói rằng các nước Campuchia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone sẽ sớm chịu chế tài. Những chế tài này nhằm mục đích buộc các quốc gia "ngoan cố" phải nhận lại những cá nhân mà Mỹ tìm cách trục xuất, AP cho biết. Theo luật liên bang, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson có thể ngưng cấp tất cả hoặc một số loại thị thực cụ thể cho các quốc gia như vậy.
Ông Tillerson sẽ không cấm tất cả thị thực, các quan chức này nói với AP. Thay vào đó, ông sẽ nhắm mục tiêu vào các quan chức chính phủ và gia đình của họ, như Mỹ đã từng làm trước đây. Các quan chức nói chuyện với AP không được phép công khai thảo luận vấn đề này và phát biểu với điều kiện giấu tên. Họ không chịu nói khi nào thì ông Tillerson sẽ hành động.
Bộ An ninh Nội địa hôm thứ Tư nói rằng họ đã đề nghị Bộ Ngoại giao có hành động nhắm vào bốn quốc gia trong số 12 nước mà họ xem là ngoan cố. Cơ quan này không nêu tên các quốc gia đó.
Khi được AP yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao xác nhận đã nhận được thông báo của Bộ An ninh Nội địa. Bộ cũng không nêu đích danh các quốc gia này, chỉ nói rằng mỗi một nước đều đã "từ chối nhận hoặc trì hoãn một cách bất hợp lý việc hồi hương công dân của họ". Bộ nói họ sẽ công bố các hình phạt chính xác sau khi các chính phủ bị ảnh hưởng được thông báo.
Bộ An ninh Nội địa hiện xác định Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Lào, Iran, Guinea, Campuchia, Eritrea, Myanmar, Ma-rốc, Hong Kong và Nam Sudan là những nước ngoan cố không nhận những người bị trục xuất khỏi Mỹ.
Chưa rõ vì sao chỉ có Campuchia, Eritrea và Guinea được chọn để chế tài hoặc tại sao Sierra Leone, lần gần đây nhất được xác định là "có nguy cơ" bị xếp vào diện ngoan cố, lại nằm trong nhóm này.