Covid-19 ảnh hưởng ra sao tới chi tiêu quốc phòng của Việt Nam, các nước Đông Nam Á ?
VOA, 14/05/2021
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới các nền kinh tế trên toàn cầu trong năm qua, làm kinh tế co cụm hoặc tăng trưởng chậm lại tại nhiều nước. Điều đó ảnh hưởng thế nào tới ngân sách và các chi tiêu quốc phòng trong một thế giới có nhiều điểm nóng và vào lúc mà giới phân tích đã bắt đầu nói tới nguy cơ xảy ra chiến tranh ?
Quân đội Indonesia. Ảnh: BI
Theo Defense News, trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, kinh tế thời đại dịch ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách quốc phòng của nhiều nước, đặc biệt là Singapore, Indonesia và Brunei, trong khi Việt Nam ít bị tác động.
Với nền kinh tế co cụm 5,4%, Singapore đã điều chỉnh ngân sách quốc phòng và cắt giảm chi tiêu quân sự tới 9,5%.
Tại Indonesia – nơi kinh tế co cụm 2,1%, đà tăng của ngân sách quốc phòng trong năm 2020 chậm lại hơn so với kế hoạch đã đưa ra, nhưng vẫn ở mức đáng kể là 14,3%.
Tại Brunei, ngân sách quốc phòng chỉ còn tăng ở mức 15% so với 24% trong năm 2019.
Tại Philippines, nơi nền kinh tế co cụm tới 9,5%, ngân sách quốc phòng vẫn được giữ nguyên ở mức của năm 2019. Rõ ràng áp lực về giảm chi tiêu do tình hình không thắng nổi những mối quan ngại đáng kể về an ninh, từ bên trong lẫn từ bên ngoài, đặc biệt là trước tình hình ở Biển Đông, nơi Trung Quốc không ngừng xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Riêng Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tương đối ít bị tác động kinh tế hơn trong năm 2020, nhờ thành tích trong quá khứ kiềm chế thành công dịch Covid-19. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn chậm lại đáng kể trong năm 2020, còn 2,9% so với tăng trưởng 7% trong năm 2019.
Dù vậy trong thời gian này, Việt Nam đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 9,8%, vượt khá xa mức tăng 7,7% trong năm 2019, bản tin của Defense News cho biết.
Bài báo đăng trên trang mạng quốc phòng Defense News hôm 10/5/2021 cho rằng điều đó có nghĩa là các nước trong khu vực liệt các chi tiêu quốc phòng vào hàng ưu tiên, bất chấp kinh tế co cụm hoặc trì chậm đáng kể.
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã gia tăng mỗi năm từ năm 2015, với đà tăng trưởng trung bình khoảng 7,2% mỗi năm.
Hồi đầu năm nay, hãng sản xuất máy bay của Séc Aero Vodochody đã ký hợp đồng bán 12 máy bay phản lực huấn luyện L-39NG cho Bộ Quốc phòng Việt Nam. Theo kế hoạch các máy bay chiến đấu này sẽ được giao cho Việt Nam trong thời gian từ 2023 đến 2024.
Giá trị của hợp đồng, bao gồm đào tạo, linh kiện thay thế và hỗ trợ hậu cần, không được tiết lộ, theo trang mạng quốc phòng Defense News, Châu Âu.
Quân chủng Không quân Việt Nam đang sử dụng các phiên bản cũ của L-39, ước tính khoảng hai chục chiếc vẫn đang được sử dụng.
Đầu năm 2020, Việt Nam đã đặt mua 12 máy bay huấn luyện phản lực Yak-130 của Nga. Defense News nói kênh truyền hình nhà nước Nga đã chiếu một chiếc Yak-130 dành cho Việt Nam tại nhà máy Hàng không Irkutsk.
Quân đội Việt Nam chủ yếu được trang bị bằng các vũ khí và trang thiết bị quân sự của Nga, nhưng trong những năm gần đây Việt Nam đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung, và mua máy bay vận tải của Airbus, đồng thời nhận các tàu đã qua sử dụng của hải quân Hàn Quốc và Cảnh sát biển Hoa Kỳ.
Lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam áp đặt sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc đã được Hoa Kỳ dỡ bỏ vào năm 2016 và các tàu hải quân Hoa Kỳ, kể cả tàu sân bay, đã cập cảng Việt Nam trong những năm gần đây.
Trên bình diện thế giới, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng lên tới gần 2.000 tỉ USD trong năm 2020, bất chấp những tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Như vậy chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 2,6 % trong năm 2020 trong khi GDP toàn cầu giảm 4,4%.
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nước chi ra nhiều nhất. Chi tiêu của Hoa Kỳ chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng theo tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế, ước tính đạt 252 tỉ USD trong năm 2020, chiếm 13% tổng chi tiêu toàn cầu.
Nguồn : VOA, 14/05/2021