Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

31/05/2021

Điểm báo Pháp - Chiến lược zero Covid của Châu Á

RFI tiếng Việt

Chiến lược zero Covid của Châu Á bị lung lay

Về đại dịch corona, xã luận của Le Monde nhận định "Chiến lược zero Covid bị lung lay ở Châu Á". Nếu các nước Châu Á ban đầu đã thành công trong việc nhanh chóng khống chế được con virus, việc quay lại bình thường hầu hết tùy thuộc vào tiêm chủng, một lãnh vực mà Châu Á-Thái Bình Dương rất chậm trễ.

zero1

Tiêm chủng cho các nhân viên hàng không tại Bangkok, Thái Lan ngày 25/05/2021.  AP - Sakchai Lalit

Hồi mùa xuân 2020, khi Châu Âu bị quá tải và không đủ phương tiện đối phó, đang nằm ở tâm đại dịch Covid, Châu Á là một tấm gương ngoạn mục. Không kể Trung Quốc với việc xử lý khủng hoảng một cách độc đoán mà phương Tây không thể bắt chước, các nền dân chủ Châu Á đã nhanh chóng ngăn chận được việc lây nhiễm, nhờ kinh nghiệm trong dịch SARS vào đầu những năm 2000, nhờ người dân chấp hành tốt và quen thuộc với các công nghệ mới.

Tin rằng đã khống chế được virus, Châu Á lơ là vac-xin

Một năm sau, tình hình hoàn toàn khác biệt. Đại dịch lùi lại hẳn ở Châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng lại bùng lên khủng khiếp ở Ấn Độ, và nhiều nước Đông Nam Á cũng bị bùng dịch, kể cả Đài Loan hay Singapore vốn tưởng chừng đã thoát nạn.

Một điều hiển nhiên với thế giới : để ra khỏi khủng hoảng, quay lại với hoạt động bình thường của các nhà nước, xã hội và nền kinh tế, phần lớn tùy thuộc vào tỉ lệ tiêm chủng. Trong khi Châu Á-Thái Bình Dương rất trễ tràng so với Châu Âu và Bắc Mỹ, vì nhiều lý do, trong đó lý do chính là nghĩ rằng đã khống chế được nguy cơ lây nhiễm, người Châu Á thấy chẳng cần đến vac-xin.

Nhiều chính phủ không hăng hái đặt mua vac-xin, nên nay phải chờ đợi các liều được cơ chế Covax của Liên Hiệp Quốc phân bố. Ấn Độ phải ngưng xuất khẩu vac-xin để lo cho tình hình trong nước, còn Trung Quốc dành phân nửa số lượng sản xuất ra cho "ngoại giao vac-xin".

Sự khác biệt này khiến việc di chuyển giữa các nước không thể trở lại bình thường, kìm hãm sự phục hồi hoạt động kinh tế. Trước mối đe dọa liên tục của các biến chủng virus mới, như biến chủng xuất hiện tại Ấn Độ, các nước đã thoát khỏi đại dịch nhưng không có chiến lược tiêm chủng hiệu quả buộc lòng phải kéo dài việc đóng cửa biên giới.

Úc và mặt trái của tấm huy chương

Úc là một ví dụ nổi bật cho nghịch lý này, cho thấy giới hạn của chiến lược zero Covid. Nhờ vị trí địa lý bán đảo, Úc đóng biên giới rất nhanh và áp đặt chính sách cách ly nghiêm ngặt, cùng với hệ thống phong tỏa cục bộ lập tức ngay khi xuất hiện các ca dương tính mới. Chính sách này rất được dư luận ủng hộ, cho thấy vô cùng hiệu quả, với tỉ lệ lây nhiễm gần với số không, và cư dân sinh hoạt hầu như bình thường.

Mặt trái của chiếc huy chương là, để tránh những biến chủng mới, nước Úc phải tiếp tục khóa kín. Canberra vừa thông báo các biên giới nước Úc sẽ còn đóng cho đến giữa năm 2022, có nghĩa là hai năm phải tự cô lập, với các tác động lên những gia đình bị chia cách, kinh tế, nhập cư. Việc đe dọa khởi tố hình sự đối với các công dân Úc gốc Ấn đi sang Ấn Độ và định trở về, bị nhiều người cho là quá đáng.

Vào lúc một phần khá lớn của thế giới bắt đầu được giải tỏa, sinh hoạt trở lại và mở cửa dần biên giới, có thể nói Châu Á là nạn nhân của sự thành công của chính mình. Châu Á cần phải gia tăng sản xuất, quản lý vac-xin một cách hiệu quả, như từng chứng tỏ trong việc xử lý khủng hoảng dịch tễ trước đây, điều này có lợi cho tất cả mọi người.

Càng khốn đốn vì Covid, càng nhanh chóng chủng ngừa

Le Monde cũng nhận thấy người dân Châu Á tỏ ra lưỡng lự về việc tiêm chủng : theo điều tra của IPSOS vào tháng Giêng, chỉ có 14% người Hàn Quốc, 22% người Nhật Bản nói rằng sẵn sàng chích ngừa, so với người Mỹ là 53%.

Ông Krishna Udayakumar, giám đốc Trung tâm sáng tạo Duke về sức khỏe toàn cầu, trên New York Times nhận định : "Những nước cảm thấy cần khẩn cấp tiêm chủng là những nước bị đại dịch hoành hành nhiều nhất". Hậu quả là nhiều nước lần đầu bị bùng dịch, như riêng trong ngày 27/05 Đài Loan có 671 ca mới và thêm 13 người tử vong, còn Thái Lan 5.386 ca mới nhiễm và 47 tử vong trong cùng ngày.

Ngay cả những nước giàu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cũng bị ảnh hưởng nặng về kinh tế vì đóng biên giới, trong khi các nước tiêm chủng nhiều nhất như Israel, Hoa Kỳ chuẩn bị ra khỏi Covid. Trung Quốc là trường hợp đặc thù, với 546 triệu liều đã được chích gồm 7 loại vac-xin nội địa – trong đó chỉ có một loại là Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận – và chênh lệch vô cùng lớn giữa thủ đô và các tỉnh. Các nước nhỏ như Singapore và Mông Cổ tiêm chủng nhiều nhất.

Những khó khăn của Nhật Bản và Đài Loan

Còn tại Nhật Bản, đợt dịch thứ tư ập đến khiến chính phủ phải kéo dài tình trạng khẩn cấp tại 9/47 vùng trong đó có Tokyo và Osaka. Chỉ mới có 6,4% dân Nhật được tiêm liều đầu tiên, tỉ lệ quá thấp này đe dọa Thế vận hội Tokyo ngày 23/07. Chính phủ đặt mục tiêu chích ngừa toàn bộ người trưởng thành trước cuối tháng Chín, một "thử thách chưa từng thấy", theo thủ tướng Yoshihide Suga. Thủ tục cấp phép vac-xin quá lâu của Nhật Bản và Hàn Quốc là một trong những lý do, bên cạnh đó là nhà sản xuất cung ứng chậm. Nhật lại còn thiếu nhân viên y tế và kim tiêm đúng chuẩn cho vac-xin Covid.

Đài Loan gặp một rắc rối khác. BioNTech, đối tác của Pfizer đã bán quyền khai thác thị trường Đài Loan cho tập đoàn Phục Tinh (Fosun) của Trung Quốc ở Thượng Hải, nơi liên doanh sản xuất vac-xin, khiến việc mua vac-xin trở nên phức tạp do sự thù địch giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Thái Lan thì trông cậy phần lớn vào AstraZeneca, sản xuất bởi một công ty của Crown Property Bureau, cơ quan quản lý tài sản của quốc vương. Người dân vốn đã bất bình với hoàng gia, và họ cũng e sợ các rủi ro của vac-xin này, một số công ty du lịch bèn tổ chức các tour đi Mỹ để chích ngừa trong các bệnh viện tư.

Dân Hồng Kông chống vac-xin vì bất mãn với chính quyền

Tại Hồng Kông, người dân có thể chọn lựa giữa vac-xin Sinovac Trung Quốc và BioNTech của Đức, nhưng họ do dự không muốn tiêm chủng khiến trữ lượng vac-xin của đặc khu có nguy cơ hết hạn sử dụng trong vài tháng tới.

Hồng Kông là một trong những vùng đất hiếm hoi trên thế giới có số vac-xin dự trữ cao quá mức cần thiết : đã đặt mua đến 7,5 triệu liều Sinovac và 7,5 triệu liều BioNTech (do Pfizer sản xuất và Phục Tinh phân phối, không có ở Hoa lục), trong khi dân số chỉ có 7,5 triệu người. Nhưng đến nay chỉ có 12% đã chích đủ hai liều và 17% ít nhất một.

Trước cảnh các trung tâm tiêm chủng vắng vẻ, kể từ 28/05 công dân Hoa lục làm việc tại Hồng Kông và người tị nạn đều được tiêm chủng miễn phí. Trong khi người dân đặc khu hờ hững, người nước ngoài đổ xô đi tiêm. Một nghiệp đoàn loan báo cho nghỉ phép bốn ngày để đi chích ngừa, một đảng thân Trung Quốc tặng cho mỗi người đăng ký một phiếu mua hàng 2.000 đô la Hồng Kông (220 euro) và vé số có giải thưởng 5 triệu đô la. Tập đoàn địa ốc Chinese Estate Holdings cho xổ số với giải thưởng là 20 phiếu mua hàng trị giá 100.000 đô la Hồng Kông mỗi phiếu, và một căn hộ giá 10,8 triệu đô la Hồng Kông.

Đối với những người dân phẫn nộ trước một chính quyền hoàn toàn tuân phục Bắc Kinh, việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc là điều tốt đẹp nhất mà con virus đã mang lại, bất chấp tác động lên nền kinh tế đặc khu. Việc chống vac-xin là một thái độ chính trị của người dân Hồng Kông, trong chưa đầy hai năm đã bị mất đi tất cả những phương tiện biểu lộ quan điểm : cuộc bầu cử nghị viện tháng 9/2020 bị ngưng, hầu hết các nhân vật đối lập bị tống vào tù, và quyền biểu tình trên thực tế đã bị hủy bỏ.

Hồng Kông : Nhật báo đối lập Apple Daily có nguy cơ đình bản

Cũng về Hồng Kông nhưng trên lãnh vực báo chí, Le Figaronói về Apple Daily, tờ báo bình dân theo khuynh hướng đối lập. Cả cơ quan báo chí này lẫn ông chủ Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đều trở thành mục tiêu triệt hạ của Bắc Kinh.

Tháng 8/2020, trên 200 cảnh sát ùa vào tòa soạn để khám xét suốt 9 tiếng đồng hồ, mang đi 25 thùng hồ sơ. Giữa tháng Năm, trên 500 triệu đô la Hồng Kông (53 triệu euro) của ông Lê Trí Anh bị phong tỏa. Ông chủ báo 73 tuổi bị giam giữ trong một nhà tù được canh gác cao độ từ cuối năm ngoái.

Đối với Mark Simon, cánh tay phải của ông Lê Trí Anh đang ẩn náu tại Đài Loan từ tháng Tư, rõ ràng chính quyền muốn giết chết tờ báo vì Apple Daily là biểu tượng của đấu tranh dân chủ. Còn về nhà tỉ phú thì họ muốn giữ trong tù càng lâu càng tốt - theo nhận xét của Cédric Alviani, phụ trách Châu Á của Phóng viên Không biên giới. Trong vụ bố ráp Apple Daily, cảnh sát còng tay ông đưa ra trước camera để trình diện như một tội phạm. Giờ đây sự sống còn của tờ báo đang bị đe dọa, có thể không quá tháng Bảy nếu không có thêm nguồn quỹ, còn chi nhánh ở Đài Loan đã ngưng ra báo giấy.

Bắc Kinh triệt hạ tỉ phú Lê Trí Anh : "Giết gà để dọa khỉ"

Hồi năm 2009, nhà tỉ phú đã từng bị mưu sát, cổng nhà ông thường xuyên bị những kẻ giấu mặt tông sập, tòa soạn bị ném bom xăng. Nhật báo có 70 phóng viên khó lấy được quảng cáo vì doanh nghiệp bị đe dọa. Khó khăn như vậy nhưng Apple Daily rất được độc giả ủng hộ, sau vụ bố ráp người dân xếp hàng từ sáng sớm để mua, phải in đến nửa triệu bản, và cổ phiếu của tập đoàn mẹ Next Digital tăng đến 1.100%.

Tờ báo tiết lộ nhiều xì-căng-đan tham nhũng của quan chức, và bền bỉ gọi con virus corona gây ra đại dịch Covid là "virus Vũ Hán". Ông Lê Trí Anh nhiều lần xuống đường với giới trẻ, dẫn đầu đoàn biểu tình, tài trợ cho các đảng đối lập và có quan hệ tốt với các thành viên Quốc hội Mỹ, khiến ông trở thành kẻ thù số một của Bắc Kinh. Cédric Alviani giải thích : "Do không thể tấn công tất cả mọi người, Trung Quốc tập trung đánh vào một nhân vật nổi bật để làm gương", đúng theo câu ngạn ngữ Trung Hoa "Giết gà, dọa khỉ" !

Các cường quốc lực bất tòng tâm

Nhìn chung thế giới, tác giả Dominique Moisi trên Les Echos cho rằng cần "Khẩn cấp xây dựng một hệ thống hợp tác quốc tế mới". Ngày nay đối mặt với các "nhà nước côn đồ", không có cường quốc nào có thực lực tương xứng với tham vọng của mình, cả Trung Quốc, Nga lẫn Hoa Kỳ.

Trung Quốc của năm 2021 tuy là quốc gia tham vọng nhất thế giới, nhưng ông chủ nợ quốc tế này sẽ ra sao nếu tất cả hoặc một phần con nợ không thể trả được ? Chưa kể với dân số lão hóa, làm thế nào duy trì khế ước xã hội một khi tăng trưởng mất đi hoặc giảm sút ? Một vấn đề nữa là chủng tộc, ngoài hồ sơ Duy Ngô Nhĩ, đế quốc đa sắc tộc này ngày càng do người Hán dân tộc chủ nghĩa thống trị.

Nga có những khiếm khuyết về kinh tế, chính trị, dân số, y tế ; còn Mỹ thì khó vượt qua nạn chia rẽ nội bộ sâu sắc. Washington không đủ phương tiện và cũng chẳng muốn lại đóng vai sen đầm quốc tế. Về phần Liên Hiệp Châu Âu sau khi Anh ra đi, không còn có thể mơ trở thành mô hình thế giới về chủ nghĩa đa phương mới.

Cần phải có những thảm họa khác – dịch tễ, kinh tế, khí hậu, địa chính trị - để các cường quốc này nhận ra tình trạng "lực bất tòng tâm" như Châu Âu trước năm 1648 chăng ? Vào thời đó, sau cuộc "Chiến tranh Ba Mươi Năm" đẫm máu, dân số Đức từ 48 triệu chỉ còn 20 triệu do chiến sự, dịch hạch và nạn đói. Rốt cuộc hòa ước Westphalia đã ra đời, đặt nền móng cho quan hệ quốc tế mới.

Trang nhất báo Pháp : Hậu Covid

Tựa chính các báo Pháp hôm nay chủ yếu là các khía cạnh liên quan đến đại dịch Covid. Nhật báo kinh tế Les Echoschạy tựa "Các doanh nghiệp trước thách thức tái thúc đẩy" : nhân viên văn phòng quay lại làm việc, logistic và lạm phát. Le Monde cho rằng "Trong điện thoại của các thiếu niên là dấu ấn của mạng xã hội" : Do cuộc khủng hoảng dịch tễ, thời gian lướt màn hình của giới trẻ tăng mạnh, cùng với nạn quấy rối trên mạng.Le Figarođặt vấn đề "Covid : Sắp tới chúng ta có thể bỏ khẩu trang được không ?". Đại dịch chừng như đang chững lại tại Pháp, nhưng chính phủ vẫn hết sức thận trọng về các điều kiện quay lại cuộc sống bình thường. "Khúc tụng ca tình yêu" là tít lớn của La Croixmở đầu một loạt bài trong hai tuần, nói về tình yêu trên mọi phương diện, vào thời điểm thế giới mà chúng ta đang sống có xu hướng thu mình lại.

Về chính trị, Libérationcảnh báo một nhân vật thuộc đảng cực hữu xuất thân là cựu bộ trưởng của cánh hữu đang có nhiều hy vọng thắng cử trong cuộc bầu cử cấp vùng ở Provence-Alpes-Côte d’Azur, mà tờ báo chơi chữ như thường lệ, thay chữ "Azur" bằng "alerte" có nghĩa là báo động.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 435 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)