Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/06/2021

Campuchia trong chiến lược hướng về Châu Á của Mỹ

RFI tổng hợp

Mỹ có kéo được Cam Bốt ra khỏi cái bóng Trung Quốc ?

Anh Vũ, RFI, 02/06/2021

Ngày 01/06/2021, thứ trưởng ngoại giao Wendy Sherman, quan chức cao cấp nhất của Mỹ kể từ nhiều năm nay, tới Cam Bốt trong vòng công du Đông Nam Á, chuyến đi được giới quan sát chú ý nhiều trong bối cảnh vương quốc trong hiệp Hội các nước Đông Nam Á đang ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và bị chỉ trích trở thành bàn đạp cho chính sách bành trướng của Bắc Kinh trong vùng.

campuchia1

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen chào đón thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh ngày 01/06/2021.  AFP - HANDOUT

Sau Indonesia, Thái Lan, Cam Bốt là điểm đến được chú ý nhất trong chuyến công du Châu Á của thứ trưởng ngoại giao Mỹ Sherman giữa lúc cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng. Từ nhiều năm qua, Washington đã bỏ rơi quan hệ với Phom Penh để Cam Bốt nhanh chóng rơi vào vòng tay của Bắc Kinh.

Điều khiến cho Hoa Kỳ thực sự lo ngại, đó là sự hiện diện ngày càng sâu rộng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này, không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị và xa hơn nữa là về quân sự. Chuyến đi của quan chức cao cấp Mỹ phải chăng là để tìm cách kéo Cam Bốt thoát ra khỏi cái bóng Trung Quốc ?

Chỉ  trong vòng vài năm trở lại đây, báo chí quốc tế nói nhiều đến hình ảnh một Vương quốc Cam Bốt chìm ngập trong đầu tư Trung Quốc. Bắc Kinh đã đổ vào đất nước này hàng tỷ đô la dưới nhiều hình thức, cho vay, viện trợ đầu tư trực tiếp. Nhân lực, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng và cả sòng bạc Trung Quốc hiện diện khắp Cam Bốt. Quan hệ Bắc Kinh và Phnom Penh được thắt chặt bằng các nguồn đầu tư gần như không giới hạn. Trong đại dịch Covid-19, Cam Bốt là một trong những nước được Trung Quốc hỗ trợ nhiều nhất, từ vac-xin đến thiết bị ty tế chống dịch. Trong các nước ASEAN, Cam Bốt là nước đạt tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 cao thứ 2 sau Singapore, nhờ có nguồn vac-xin Sinovac và Sinopharm được Trung Quốc tặng không.

Vì thế, trong một diễn đàn trực tuyến có tên Tương lai Châu Á, do tuần báo Nikkei Asia tổ chức, với sự tham gia của các lãnh đạo chính phủ nhiều nước Châu Á, hôm 21/05/2021, trước những chỉ trích về việc Cam Bốt ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, thủ tướng Hun Sen đã thẳng thừng đáp lại : "Nếu tôi không trông cậy vào Trung Quốc, cho hỏi tôi có thể trông cậy ai?.... Nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, người dân của chúng tôi chắc không có vac-xin để tiêm".

Một quốc gia nhỏ, chậm phát triển như Cam Bốt, tìm một cường quốc để được hỗ trợ phát triển cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nguồn tài chính của Trung Quốc đổ vào Cam Bốt có mục đích riêng. Trước hết là nhằm phục vụ dự án "Một vành đai một con đường" của Bắc Kinh, với trọng điểm là cảng Sihanouk Ville, cửa ngõ ra Biển Đông. Sau nữa là dùng Cam Bốt để phục vụ cho những tham vọng của Trung Quốc trong vùng về chính trị cũng như quân sự. Trước chuyến công du của thứ trưởng ngoại giao Mỹ đến Cam Bốt, dư luận lại rộ lên thông tin Bắc Kinh đã hỗ trợ tài chính để chính quyền Phnom Penh quy hoạch lại căn cứ hải quân Ream, bên Vịnh Thái Lan sau khi hồi năm 2020 Cam Bốt cho phá dỡ một công trình được Mỹ tài trợ.

Tuần trước, tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) đóng trụ sở tại Washington công bố các ảnh chụp vệ tinh cho thấy hai toà nhà xây mới trong căn cứ đã được hoàn tất trước chuyến thăm của bà Sherman.

Tổ chức trên còn khẳng định : "Nhịp độ xây dựng thần tốc tại Ream, sự thiếu minh bạch và những giải thích bất nhất của chính quyền Cam Bốt, tiếp tục gây nghi ngờ là việc nâng cấp cơ sở này dành cho cả Trung Quốc cũng như Cam Bốt". Tất nhiên, chính quyền Hunsen phủ nhận Trung Quốc có quyền sử dụng cơ sở quân sự này. Khả năng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này mới là mối lo ngại chính của Mỹ.

Một yếu tố quan trọng khác liên quan đến chuyến đi của quan chức cao cấp ngoại giao Mỹ là năm 2022 Cam Bốt sẽ nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN. Những năm qua, Cam Bốt thường xuyên tìm cách lảng tránh đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự hay ngăn cản tuyên bố lập trường chung về vấn đề nóng này tại nhiều cuộc họp chính thức của Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Cam Bốt đã nhanh chóng trở thành nhân tố tích cực trong chiến thuật chia rẽ và thao túng ASEAN. Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang là mặt trận nóng trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ - Trung, Washington đang nỗ lực tìm cách thắt chặt quan hệ với các nước ASEAN.

Quan chức ngoại giao Mỹ đến Phnom Penh chỉ để bày tỏ mối quan ngại về Trung Quốc sẽ không đủ để sửa chữa lại cây cầu quan hệ Mỹ - Cam Bốt. Washington chỉ có trong tay lá bài viện trợ phát triển và lợi ích thương mại từ Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Cam Bốt. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Cam Bốt, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 6,9 tỷ đô la trong năm 2020, theo nhật báo Cam Bốt, Khmer Times.

Trước khi bà Sherman đến Phnom Penh, báo chí chính thức tại Cam Bốt đăng tải tuyên bố của thủ tướng Hun Sen trên mạng xã hội : "Đã đến lúc Hoa Kỳ và Cam Bốt thoát khỏi cái bóng Trung Quốc để làm lại quan hệ". Thông điệp có thể được hiểu Cam Bốt muốn có quan hệ mới với Mỹ không liên quan đến mối quan hệ mà Phnom Penh duy trì hiện nay với Bắc Kinh. Ông Hunsen không hề tỏ ý muốn đưa Cam Bốt thoát ra khỏi cái bóng Trung Quốc.   

Anh Vũ

********************

Mỹ tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Cam Bốt

Anh Vũ, RFI, 02/06/2021

Trong chuyến thăm Cam Bốt ngày 01/06/2021, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Cam Bốt, đồng thời đề nghị Phnom Penh giải thích rõ việc phá bỏ một công trình do Mỹ tài trợ ở Ream.

campuchia2

Thủ tướng Campuchia Hun Sen chào đón thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh ngày 01/06/2021. AFP - HANDOUT

Theo Reuters, trong thông cáo được phát tối 01/06/2021, bộ ngoại giao Mỹ cho biết thứ trưởng Sherman đã gặp thủ tướng Hun Sen trong chuyến công du Đông Nam Á. Sau khi nhấn mạnh Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ Cam Bốt, bà Sherman đã nêu một loạt vấn đề tại Cam Bốt khiến Mỹ lo ngại. "Thứ trưởng Sherman đã kêu gọi lãnh đạo Cam Bốt duy trì chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng, vì lợi ích tốt nhất của người dân Cam Bốt", thông cáo có đoạn nêu rõ.

Năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tỏ lo ngại và yêu cầu phía Cam Bốt làm rõ thông tin tòa nhà bộ tư lệnh hải quân trong căn cứ Ream do Mỹ xây dựng bị phá dỡ. Hồi tháng 10/2020 Phnom Penh thông báo đã cho phá dỡ công trình này để xây một toà nhà khác, đồng thời phủ nhận công trình mới không liên quan đến Trung Quốc.

Một phát ngôn viên ngoại giao Mỹ cho biết có nhưng bằng chứng rõ ràng Trung Quốc tham gia các công trình cải tạo căn cứ hải quân Ream trong Vịnh Thái Lan. Vì thế, nhân chuyến công du này, thứ trưởng ngoại giao đề nghị Cam Bốt làm sáng tỏ việc phá dỡ hai tòa nhà do Mỹ tài trợ tại ở Ream. Quan chức ngoại giao Mỹ lưu ý rằng "một căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Cam Bốt sẽ làm tổn hại đến chủ quyền (của Cam Bốt), đe dọa an ninh khu vực và sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ Hoa Kỳ-Cam Bốt".

Reuters nhắc lại quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng trên nhiều mặt, từ nhân quyền, thương mại và sự bành trước quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Cam Bốt đang dần trở thành đồng minh kinh tế và chính trị quan trọng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng Hunsen đã nhiều lần bác bỏ các thông tin cho rằng Phnom Penh để Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên đất Cam Bốt, nhưng ông cũng không phủ nhận việc cần phải dựa vào Trung Quốc về kinh tế.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ cũng đã gặp lãnh đạo đối lập Kem Sokha, các tổ chức xã hội dân sự và báo chí tại Cam Bốt. Bà Sherman nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền và kêu gọi chính phủ Cam Bốt tôn trọng các cam kết quốc tế. 

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 367 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)