Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/06/2021

Dự án khuyến khích nông dân Hàn Quốc lấy nữ du học sinh Việt

RFA tiếng Việt

Hàn Quốc : Công luận bất bình về dự án khuyến khích nông dân lấy nữ du học sinh Việt

RFA, 30/06/2021

Vào giữa tháng 04/2021, chính quyền thành phố Mungyeong, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc, đã gửi một công văn đề nghị hợp tác triển khai dự án "Giúp thanh niên nông thôn lấy vợ", đặc biệt là kết hôn với nữ du học sinh Việt Nam, cho văn phòng hành chính chuyên nhận các đơn khiếu nại của người nước ngoài. Tuy nhiên, dự án này bị giới bảo vệ nhân quyền và cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc phản đối gay gắt.

hanquoc1

Váy cưới hoàng gia hiện đại trong một buổi trình diễn thời trang ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 19/06/2012.  AP - Ahn Young-joon

Dự án "Giúp thanh niên nông thôn lấy vợ"

Cụ thể, để ngăn chặn sự suy giảm và lão hóa dân số, chính quyền thành phố Mungyeong mong muốn giúp những người nông dân "luống tuổi" cưới vợ là những nữ du học sinh Việt Nam. Bên cạnh đó, chính quyền cũng yêu cầu các trung tâm môi giới hôn nhân Hàn-Việt hợp tác đẩy mạnh chiến dịch.

Rất nhiều tỉnh tại Hàn Quốc có nền kinh tế là nông nghiệp và nông dân là lực lượng lao động chính. Tuy nhiên, sự phát triển về kinh tế tại thành phố lớn đã thu hút rất nhiều thanh niên và phụ nữ rời nông thôn chuyển đến sống và làm việc tại các khu vực đô thị. Không thể phủ nhận rằng phụ nữ sau khi kết hôn và sinh sống ở các vùng nông thôn sẽ phải lao động chân tay vất vả hơn, do đó phần lớn phụ nữ Hàn Quốc không muốn kết hôn với đàn ông làm nghề nông.

Trên thực tế, dự án "Giúp thanh niên nông dân lấy vợ" đã được nhiều chính quyền địa phương Hàn Quốc triển khai từ những năm 1990 khi nhận thấy những khó khăn về việc "dựng vợ gả chồng" ở nông thôn. Vào năm 2007, đã có tới 60 địa phương triển khai dự án này với khoản đầu tư rất lớn. Mặc dù sau đó đã vấp phải sự phản đối bị chỉ trích là vi phạm nhân quyền và lo ngại môi giới hôn nhân quốc tế bất hợp pháp, nhưng đến hiện tại vẫn có khoảng 40 địa phương cho phép đầu tư và 30 địa phương đang xúc tiến các dự án này.

Chiến dịch nhắm vào du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc

Điều đáng nói ở chiến dịch của thành phố Mungyeong là nhắm vào đối tượng nữ du học sinh Việt Nam - những người sang Hàn Quốc với mong muốn có thể được hưởng nền giáo dục tốt và theo đuổi ước mơ của mình. Do đó, vụ việc này cũng đã dấy lên nhiều tranh cãi trong cộng đồng du học sinh Việt trong thời gian qua, đa phần các du học sinh đều cảm thấy bức xúc và có phần bị xúc phạm vì bị chính quyền thành phố coi như là "phương tiện để tăng dân số". Linh, du học sinh ngành ngôn ngữ tại đại học khoa học quốc gia Seoul, cho biết :

"Với tư cách là một nữ du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, đương nhiên là em phản đối chính sách của thành phố Mungyeong, tỉnh Bắc Gyeongsang. Bởi vì thứ nhất, rõ ràng đây là một chính sách phân biệt, trọng nam khinh nữ. Nếu là về vấn đề thiếu dân số, thanh niên nông dân ế vợ thì sinh viên Việt Nam không có nghĩa vụ phải giải quyết những vấn đề nội bộ này của Hàn Quốc.

Thứ hai, những người đàn ông này đã bị chính những người phụ nữ của đất nước họ từ chối để đến độ tuổi mà họ không thể lấy được vợ thì tại sao đối tượng tiếp theo được nhắm đến lại là nữ du học sinh Việt Nam ? Cái này thể hiện rõ sự phân biệt với người nước ngoài.

Thứ ba, mục đích chính của du học sinh đến Hàn Quốc là để học tập, đến để lấy tri thức và số lượng du học sinh ở lại Hàn Quốc để kết hôn cũng chỉ chiếm số lượng nhỏ. Phải công nhận một điều rằng số lượng các cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc có một phần không nhỏ là người Việt. Tuy nhiên, số lượng các bạn du học sinh tới Hàn Quốc để kết hôn là quá nhỏ để đưa ra hẳn một chính sách nhắm tới một cộng đồng lớn như thế được.

Cuối cùng, có nhiều cách tốt hơn để thành phố này có thể giải quyết những vấn đề của họ mà không liên quan tới cộng đồng người nước ngoài. Họ có thể đầu tư phát triển các mặt khác như về kinh tế, giáo dục, y tế, phúc lợi để người dân ở lại chứ không phải để kéo thêm những người vốn đến nước họ để học tập ở lại để tăng dân số cho họ".

Làn sóng phản đối ở Hàn Quốc

Chiến dịch của thành phố Mungyeong đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội từ các nhóm nhân quyền. Cụ thể, Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Di trú Hàn Quốc đã cùng 63 nhóm dân sự và 144 cá nhân khác đã đệ đơn lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc để kiện chính quyền thành phố Mungyeong vì cho rằng chiến dịch của họ đã vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ nhập cư. Dưới góc nhìn của một cô dâu Việt tại Hàn Quốc, chị Hiền cho biết :

"Nói chung kết hôn là cái duyên cái số, nhưng khi họ khuyến khích những người ở vùng nông thôn kết hôn với du học sinh - ở đây mình không phân biệt những người ở vùng nông thôn là người giàu hay nghèo, khó hay dễ - nhưng quan trọng lấy nhau là phải hợp và tuổi tác cũng phải cân xứng. Vì bình thường nếu như những người ở vùng nông thôn mà người ta đã ế vợ và tuổi của họ rơi vào tầm 50-60 tuổi thì tất nhiên là không thể lấy du học sinh. Theo tôi, đó là một đôi đũa quá lệch, không thể để một bạn du học sinh lấy một người quá già".

Theo đà diễn biến của sự việc, ngày 28/05/2021, giám đốc Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Di trú Hàn Quốc đã tổ chức họp báo trước trụ sở Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn quốc. Trong buổi họp báo này, các du học sinh Việt Nam có mặt cũng bày tỏ ý kiến phản đối gay gắt. Theo họ, "công văn của thành phố Mungyeong sẽ hình thành nên những định kiến tiêu cực, rằng du học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc chỉ để kết hôn. Chúng tôi muốn đến đây để tiếp thu nền giáo dục tiên tiến, chứ không phải để kết hôn". Một người khác "chân thành kêu gọi chính quyền rút lại chiến dịch. Hôn nhân nên xuất phát từ sự tự nguyện của cả hai bên, chính quyền địa phương không nên coi một nhóm người cụ thể nào đó như một phương thức để tăng dân số".

Tại đây, các du học sinh Việt Nam cũng yêu cầu thị trưởng thành phố Mungyeong phải xin lỗi, điều tra về tiến độ của dự án và yêu cầu tổ chức các lớp học về chống phân biệt chủng tộc cho các quan chức thành phố Mungyeong. Rất nhiều tờ báo lớn  của Hàn Quốc cũng đưa tin về sự việc này, trong đó họ còn cho rằng đây là một hành vi làm xấu mặt quốc gia.

Trước làn sóng phản đối ngày càng dâng cao, thành phố Mungyeong đã phải tuyên bố : "Chúng tôi sẽ dừng dự án này và chuẩn bị các thủ tục phản hồi theo yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc".

Những cái nhìn khác của người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc

Mặc dù có rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt nhưng cũng có một số bạn trẻ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về vấn đề này. Hoài An, sinh viên nữ học tiếng tại Hàn Quốc cho biết :

"Thật ra, theo ý kiến của riêng em, em cảm thấy không có vấn đề gì hết, vì người ta chỉ khuyến khích chứ không ép buộc. Nếu vấn đề này xảy ra cũng chỉ là do du học sinh đó có muốn hay không chứ không có gì phải phản đối về chính sách này cả".

Hoặc theo ý kiến của anh Tân, đang làm việc tại Hàn Quốc và có vợ là du học sinh người Việt :

"Trước tiên mình đứng ở phương diện đàn ông thì quan điểm môi giới hôn nhân là một điều cần thiết nhưng cách thức làm của tỉnh đó mà nhằm đến du học sinh Việt Nam thì mình hoàn toàn không đồng ý. Bởi vì thứ nhất là cảm thấy thiếu sự tôn trọng đối với những du học sinh nữ không chỉ riêng Việt Nam mà các nước khác. Và cảm giác họ coi thường tiêu chuẩn để tìm một người bạn đời của một du học sinh Việt Nam. Nếu chính sách đó họ lưu hành nội bộ thôi thì không sao nhưng họ đưa ra những văn bản mang tính pháp lý thì mình hoàn toàn không đồng ý với quan điểm ấy".

Việt Nam hiện đang đứng đầu về số phụ nữ kết hôn với nam giới Hàn Quốc với khoảng 6.000 người mỗi năm. Ở Hàn Quốc không khó để tìm kiếm các cơ sở môi giới kết hôn cho người Hàn với cô dâu Việt Nam cùng với các biển quảng cáo, băng rôn có treo hình ảnh của phụ nữ Việt Nam mặc áo dài.

Ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, việc kết hôn với đàn ông Hàn Quốc được cho là giúp "đổi đời" cho những bạn gái có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng trên thực tế, cô dâu Việt tại Hàn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, bị phân biệt đối xử từ gia đình chồng. Một số trường hợp các cô dâu Việt còn bị lạm dụng, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Theo báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, cứ 10 cô dâu nhập cư thì có 4 người bị chồng bạo hành và có ít nhất 19 người đã bị sát hại trong vòng 10 năm qua. Những vụ việc như chồng Hàn Quốc đánh đập hay giết hại vợ là người Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo, gây lên một nỗi lo ngại lớn trong cộng đồng cô dâu Việt và quan hệ giữa hai nước.

RFI tiếng Việt, 30/06/2021

**********************

Thành phố Hàn khuyến khích nông dân cưới du học sinh Việt

Ngọc Ánh , VnExpress, 31/05/2021

Chính quyền thành phố Mungyeong hứng chỉ trích gay gắt vì chiến dịch khuyến khích nông dân lớn tuổi kết hôn với du học sinh Việt Nam.

hanquoc2

Biểu tình phản đối nạn bạo hành cô dâu ngoại quốc tại Seoul, Hàn Quốc, năm 2018. Ảnh : Korea Times.

Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Di trú tại Hàn Quốc cuối tuần trước cho biết đã tìm thấy tài liệu hồi tháng 4 của chính quyền thành phố Mungyeong, tỉnh Bắc Gyeongsang, trong đó khuyến khích những người đàn ông làm nông quá độ tuổi kết hôn trung bình "cưới du học sinh Việt Nam".

Chính quyền Mungyeong cho biết chiến dịch khuyến khích kết hôn này nhằm giảm thiểu suy giảm dân số và già hóa xã hội. Giới chức Mungyeong cũng yêu cầu các công ty môi giới hôn nhân quốc tế hợp tác để thúc đẩy chiến dịch kết hôn cho nông dân lớn tuổi.

Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Di trú tại Hàn Quốc cáo buộc chính quyền Mungyeong, vốn có nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc hôn nhân quốc tế bị thương mại hóa, giờ đây lại cổ súy cho những cuộc hôn nhân như vậy. Trung tâm lập tức đệ đơn kiện chống lại chính quyền thành phố Mungyeong lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc.

"63 tổ chức dân sự, bao gồm Đường dây nóng cho Phụ nữ Hàn Quốc, cùng 144 cá nhân đã tham gia đệ đơn kiện. Chúng tôi tin rằng chiến dịch khuyến khích kết hôn của thành phố Mungyeong đã vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ nhập cư cũng như quyền mưu cầu hạnh phúc của họ ở Hàn Quốc", đại diện Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Di trú tại Hàn Quốc nói.

Một sinh viên Việt Nam, xuất hiện trong cuộc họp báo của Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Di trú tại Hàn Quốc, cáo buộc chiến dịch của thành phố Mungyeong là hệ quả từ định kiến tiêu cực rằng nữ giới Việt Nam tới Hàn Quốc chỉ để cố kết hôn với công dân nước này.

"Chúng tôi, những sinh viên có visa du học đàng hoàng, tới Hàn Quốc để hưởng nền giáo dục chất lượng cao và theo đuổi ước mơ của mình. Tôi đề nghị chính quyền Mungyeong rút lại chiến dịch kết hôn của mình. Hôn nhân nên xuất phát từ sự tự nguyện của cả hai bên, chính quyền địa phương không nên coi một nhóm người cụ thể nào đó như một phương thức để tăng dân số", sinh viên Việt Nam nhấn mạnh.

Việt Nam đứng đầu về số phụ nữ kết hôn với đàn ông Hàn Quốc với khoảng 6.000 người một năm. Theo báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, cứ 10 cô dâu nhập cư thì có 4 người bị chồng bản địa bạo hành. Ít nhất 19 người đã bị sát hại trong 10 năm qua

(Theo Korea Times)

Ngọc Ánh

****************

Đời không như phim Hàn của cô dâu Việt

Ánh Ngọc, VnExpress, 27/12/2019

Lien Dinh tới Hàn Quốc 2019với ước muốn đổi đời và tìm được một nửa lý tưởng như trong phim, nhưng sớm nhận ra thực tế khác xa màn ảnh.

hanquoc3

Một lớp học giao tiếp tiếng Hàn cho các cô dâu Việt Nam tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Hồi còn ở Việt Nam, Lien Dinh vô cùng hâm mộ văn hóa Hàn Quốc, thường xuyên xem những bộ phim có nam chính đầy cuốn hút, lãng mạn, giỏi giang và tôn trọng phụ nữ. Sau khi tới "miền đất hứa", Dinh định cư tại thành phố Daegu cùng một thợ điện hơn cô 10 tuổi.

"Thực tế khác hẳn mong đợi của tôi. Đàn ông Hàn Quốc kết hôn với phụ nữ nước ngoài thường già, cư xử kém, không giống những anh chàng đẹp trai trong các bộ phim truyền hình", Dinh cho hay.

Đang học tiếng Hàn, Dinh sớm gặp những rắc rối với gia đình chồng và phải đối mặt với tình huống mà cô mô tả là sự phân biệt đối xử rộng rãi với cô dâu nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam. Dinh thường xuyên bị mỉa mai là lợi dụng chồng.

"Nhiều người Hàn không chấp nhận chúng tôi, nghĩ rằng chúng tôi chỉ là người dân tới từ đất nước nghèo khó. Một định kiến sai lầm phổ biến là những cô dâu nhập cư sẽ rời bỏ hôn nhân và con cái ngay khi được cấp quyền công dân", Dinh nói.

Số người có hoàn cảnh tương tự Dinh ngày càng gia tăng tại Hàn Quốc, đất nước đang chú trọng vấn đề nhập cư để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm. Chính phủ Hàn Quốc hôm 28/8 công bố báo cáo cho thấy tổng tỷ suất sinh (TFR) ở nước này là 0,98, thấp hơn nhiều so với mức lý tưởng để duy trì dân số ổn định (2,1). TFR là số con sinh ra còn sống trung bình trong cả cuộc đời của một phụ nữ.

Vài năm gần đây, đông đảo phụ nữ nước ngoài đã tới vùng nông thôn Hàn Quốc, nơi những cặp vợ chồng quốc tế chiếm tới 18,4% số cuộc hôn nhân, theo số liệu năm 2017 của chính phủ. Những phụ nữ này đến từ nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Campuchia, Philippines, Mông Cổ, Uzbekistan, nhưng đông nhất là Việt Nam.

Tuy nhiên, thay vì được chào đón nhờ giúp giải quyết phần nào vấn đề già hóa dân số, nhiều người trong số khoảng 6.000 cô dâu Việt kết hôn tại Hàn Quốc mỗi năm phải chịu đựng sự tẩy chay như Dinh, hoặc bị hành hạ về thể xác và tinh thần.

Hồi tháng 11, một người đàn ông Hàn Quốc 55 tuổi đã đâm chết vợ người Việt 30 tuổi rồi chôn xác ở tỉnh Bắc Jeolla vì bất hòa. Họ kết hôn từ năm 2017 nhưng nạn nhân mới sang Hàn Quốc ba tháng và chưa có con. Trước đó vào tháng 7, một cô dâu Việt ở tỉnh Nam Jeolla bị chồng Hàn hành hung tại nhà riêng suốt ba giờ trước mặt con trai 2 tuổi, khiến nạn nhân nứt xương sườn, bầm tím nhiều chỗ, phải điều trị khoảng 4 tuần.

Những trường hợp này làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong công chúng, đồng thời khiến chính quyền bị chỉ trích vì "dung túng" cho hoạt động "mua cô dâu" ở vùng nông thôn. Giới chuyên gia cho biết phụ nữ Hàn không thích phong cách sống nông thôn và chuyển tới các đô thị ngày càng nhiều, dẫn tới mất cân bằng giới tính ở nông thôn và tăng nhu cầu "nhập khẩu" cô dâu để phục hồi dân số.

"Tôi khá chắc rằng những đàn ông Hàn Quốc cưới vợ nước ngoài không coi hành động này là mua cô dâu, mà nhìn nhận nó như cuộc hôn nhân được sắp xếp một nửa", Shin Gi-wook, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein thuộc Đại học Stanford, Mỹ, cho hay.

Hơn 35 chính quyền địa phương tại vùng nông thôn Hàn Quốc có chính sách trợ cấp từ 3-10 triệu won (2.500 - 8.600 USD) cho những cặp vợ chồng quốc tế với một số điều kiện, đôi khi yêu cầu họ phải ở cùng nhau một khoảng thời gian nhất định nếu không muốn trả lại tiền.

Theo Korea Herald, huyện Yangpyeong ở tỉnh Gyeonggi hỗ trợ tới 10 triệu won cho đàn ông độc thân tại địa phương trong độ tuổi 35-55 và làm việc trong các ngành đánh bắt, nông nghiệp và lâm nghiệp để họ kết hôn với cô dâu nước ngoài.

Tuy nhiên, các bước cụ thể để tìm vợ nước ngoài phụ thuộc vào người đàn ông. Nhiều người đã tìm đến mạng xã hội và những cơ quan môi giới hôn nhân trực tuyến. "Tôi 40 tuổi, chưa từng kết hôn và đang tìm ai đó nghiêm túc muốn lập gia đình", một người đăng bài lên nhóm kín trên Facebook có tên "Bạn có muốn tìm một cô dâu Việt không?".

Trong một nhóm Facebook khác dành cho đàn ông Hàn, các cơ quan môi giới hôn nhân tại Hàn Quốc và Việt Nam đăng bài thay cho phụ nữ Việt, nêu tuổi và mô tả ngắn gọn về họ, kèm theo mã số ứng viên. Theo quan sát của SCMP, hầu hết họ sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000. "Cô ấy đang học tiếng Hàn nên có thể nhanh chóng sang đó nếu kết hôn. Mã số S-236 rất đáng lựa chọn", một bài viết cho hay.

Một cơ quan môi giới trụ sở ở Hàn Quốc cho biết khách hàng đưa 2 triệu won (1.700 USD) tiền đặt cọc trước khi bay tới Việt Nam trong chuyến đi 6 ngày để hẹn hò với khoảng 20 phụ nữ Việt. "Nếu thích ai đó, họ có thể tổ chức lễ cưới và hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn ngay trong chuyến đi", đại diện cơ quan cho biết. Các cô dâu sau đó tham gia khóa học tiếng Hàn trong ba tháng để chuẩn bị.

Với gói đầy đủ có giá 12 triệu won (10.350 USD), bao gồm của hồi môn cho gia đình cô dâu, quá trình từ lúc kết hôn tới khi nhập cư mất khoảng 6 tháng. Để các cô dâu Việt được cấp visa kết hôn quốc tế, chú rể phải chứng minh nơi cư trú, không có tiền án tấn công tình dục và mức lương hàng năm đạt ít nhất 18 triệu won (khoảng 15.500 USD). Chi phí cho môi giới khoảng 14,2 triệu won (12.000 USD) một cô dâu Việt.

Theo người đại diện cơ quan môi giới, nhiều phụ nữ Việt tìm đến họ với mong muốn ổn định tài chính. "Đây là lý do lớn nhất thúc đẩy họ tới sống tại một vùng đất xa lạ với người không chung ngôn ngữ và văn hóa. Họ muốn sống ở nơi kinh tế ổn định hơn Việt Nam và con cái được trưởng thành trong môi trường giáo dục đầy triển vọng", người này giải thích.

Theo báo cáo năm 2017 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, đàn ông nước này lấy vợ Việt có độ tuổi trung bình là 43,6 tuổi khi hai người kết hôn, trong khi tuổi trung bình của các cô dâu là 25,2. Nhiều người trong số họ, cũng như Dinh, từng mơ mộng về cuộc sống tốt đẹp hơn trước khi đặt chân tới Hàn Quốc.

"Phim Hàn và Kpop truyền tải hình ảnh một đất nước tử tế và bao dung hơn so với hiện thực, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới", theo John Lie, giáo sư xã hội học tại Đại học California, Mỹ. Ông cho biết người nước ngoài da trắng thường được đối xử niềm nở tại Hàn Quốc, nhưng phụ nữ Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác không được như vậy "do thân phận được cho là thấp kém của họ".

hanquoc4

Thực trạng cô dâu ngoại quốc ở Hàn Quốc. Đồ họa: Tạ

Sau các sự cố, Bộ Tư pháp Hàn Quốc tuyên bố sẽ thực thi một đạo luật mới cấm đàn ông có tiền án lạm dụng, tấn công tình dục, giết người và cướp của kết hôn với người nhập cư. Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cũng công bố kế hoạch thiết lập đường dây nóng đa ngôn ngữ kết nối với cảnh sát dành cho các cô dâu nước ngoài.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những sáng kiến của chính phủ không đủ hữu ích với các cô dâu ngoại, bởi vấn đề không dừng lại ở việc "mua cô dâu" mà gốc rễ làvăn hóa gia trưởng của Hàn Quốc, bạo lực do bất bình đẳng giới vốn xuất hiện trên khắp đất nước và thái độ phân biệt với người nhập cư.

Giáo sư Lie đánh giá để cải thiện cuộc sống của các cô dâu nước ngoài, xã hội Hàn Quốc cần thay đổi thái độ gia trưởng và đối xử không công bằng với phụ nữ. "Hàn Quốc là một xã hội bất bình đẳng và cạnh tranh cao, ngay cả người Hàn cũng thấy khó khăn. Nhiều phụ nữ trong nước cũng là nạn nhân của bạo lực", ông cho hay, nói thêm rằng tất cả phụ nữ đều cần nguồn lực và hỗ trợ tốt hơn.

Nạn phân biệt đối xử với người nhập cư cũng cần được giải quyết. Dù người nước ngoài hiện chiếm 3,6% dân số đất nước, dân nhập cư vẫn không được đón nhận. "Hàn Quốc là một xã hội rất đồng nhất và cư dân chưa quen chung sống với những người không cùng sắc tộc", Shin Gi-wook giải thích. Trong cuộc khảo sát hồi tháng 4 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, chỉ 42,48% trong số 4.000 người được hỏi nói rằng "sẵn sàng hòa đồng với người nhập cư".

Shin cho biết chính phủ đang thúc đẩy các chính sách đa văn hóa, nhưng chúng lại thường tập trung vào thu hút người nước ngoài đi theo phong cách Hàn Quốc. "Chủ nghĩa đa văn hóa nên trở thành mối tương tác đa chiều, nơi người Hàn cũng học hỏi và xem xét các nền văn hóa khác", Shin nói.

Theo ông, sự thay đổi cần thiết nhất là từ công chúng. "Các biện pháp của chính phủ có thể tạo điều kiện thuận lợi, nhưng không thể thay đổi thái độ của người dân. Quan trọng là cần thuyết phục người Hàn đón nhận và quan tâm tới người nước ngoài, tiếp thu sự khác biệt văn hóa trong cộng đồng, từ đó trở thành một xã hội toàn cầu thực sự vì lợi ích của chính họ", Shin cho hay.

(Theo SCMP)

Ánh Ngọc

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Ngọc Ánh, Ánh Ngọc
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)