Trung Quốc lại tập trận quân sự ở Biển Đông
VOA, 20/05/2022
Trung Quốc đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông đang có tranh chấp cùng lúc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công du Hàn Quốc và Nhật Bản, hãng tin AP cho biết hôm 20/5.
Máy bay J-15 chuẩn bị đáp xuống tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Cục Hải sự Hải Nam loan báo rằng các cuộc tập trận đã bắt đầu từ thứ Năm 19/5 và sẽ tiếp tục đến hết thứ Hai 23/5.
Cơ quan này cho biết các máy bay và tàu thuyền khác sẽ bị cấm vào khu vực này nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và tuyến đường thủy quan trọng này đã trở thành điểm nóng tiềm tàng cho xung đột ở Châu Á.
Hồi tháng 3 năm nay, chính quyền Trung Quốc thực hiện hơn một tuần tập trận quân sự ở Biển Đông tại khu vực giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam và cảnh báo các tàu biển chớ đến gần khu vực này.
Sau đó, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết cuộc tập trận khác ở Biển Đông diễn ra từ ngày 19/3 đến 9/4. Cuộc tập trận này có tọa độ giống với tọa độ của 5 điểm giới hạn mà Trung Quốc tập trận vào tháng 3.
Hoa Kỳ khẳng định quyền hoạt động tự do trên biển và thường xuyên điều tàu chiến đến gần các đảo quân sự hóa do Trung Quốc chiếm giữ trong khu vực được gọi là "hoạt động tự do hàng hải".
Trung Quốc thường xuyên phản đối các sứ mệnh như vậy, cho rằng "những hành động khiêu khích có chủ ý" của Washington gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực.
Tổng thống Biden đang có chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi ông tập trung vào nỗ lực chống lại mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Kể từ đầu tháng, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, đã thực hiện sứ mệnh ở Biển Nhật Bản, được Bộ Quốc phòng mô tả là "huấn luyện thường xuyên" nhằm mục đích tăng cường hiệu suất "phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan và thông lệ quốc tế, và không nhắm vào bất kỳ bên nào".
Trung Quốc cũng đã cử một cặp máy bay ném bom H-6 có khả năng hạt nhân tầm xa qua khu vực này hôm 18/5, truyền thông Trung Quốc cho biết.
Việt Nam chưa lên tiếng về việc tập quân sự mới nhất này của Trung Quốc.
Hôm 7/4, trả lời một số câu hỏi của báo giới về tình hình Biển Đông, trong đó có cuộc tập trận ở cùng vị trí cuộc tập trận hồi tháng 3 và việc Trung Quốc quân sự hóa hoàn toàn một số đảo mà nước này bồi đắp trên quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết phía Việt Nam "đã giao thiệp" với phía Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói : "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng và chấm dứt hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), kiềm chế không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông".
********************
Việt Nam đưa vấn đề an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông ra hội nghị ADSOM+
VOA, 19/05/2022
An ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nước trong khu vực và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ông Hoàng Xuân Chiến, nói tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) vào ngày 18/5.
Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) vào ngày 18/5/2022.
Trong bài phát biểu tại hội nghị diễn ra ở Pnom Penh trong hai ngày 17-18/5, đại diện của Việt Nam đề cập đến sự cần thiết phải tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy nhanh việc sớm ký kết hiệp ước "thiết thực và hiệu quả" là Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
"Việt Nam nhất quán theo đuổi giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Chiến nói.
Đề cập đến những diễn biến phức tạp mới liên quan đến các vấn đề an ninh truyền thống và những thách thức an ninh phi truyền thống, đại diện của Việt Nam khẳng định về đường lối "đối ngoại độc lập" cùng với việc đa phương hóa, đa dạng hóa mối quan hệ và mong muốn các nước giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hội nghị ADSOM+ năm nay do Campuchia chủ trì, với sự tham gia của các quan chức quốc phòng hàng đầu đến từ các nước thành viên ASEAN và từ Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ cũng như đại diện từ Ban Thư ký ASEAN.
Tại hội nghị, đại diện các nước cũng thảo luận về sự hợp tác hiện tại của khối, xem xét các sáng kiến mới cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM), các văn kiện sẽ đệ trình lên ADMM và ADMM + để thông qua vào năm 2022, trong đó bao gồm các sáng kiến mới, Tuyên bố Tầm nhìn Phnom Penh về vai trò của các cơ quan quốc phòng ở các nước ASEAN trong việc hỗ trợ công tác khôi phục hậu Covid-19, và tuyên bố chung ADMM và ADMM +.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Chiến nói việc tổ chức trực tiếp các hội nghị, trong đó có ADSOM và ADSOM+, tạo điều kiện hơn cho các nước tham gia có cơ hội chia sẻ quan điểm về vấn đề cùng quan tâm. Ông Hoàng Xuân Chiến cũng thông báo về việc Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị thường niên Mạng lưới Trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN (APCN) vào tháng 9 này.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã có cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản Tsuchimichi Akihiro bên lề ADSOM. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đồng thời hợp tác chặt chẽ để hoàn thành vai trò đồng chủ tịch nhóm công tác của các chuyên gia ADMM+ về các hoạt động gìn giữ hòa bình giai đoạn 2021-2023.