Việt-Trung thảo luận Biển Đông (VOA, 12/05/2017)
Một người lính trong buổi lễ đón tiếp Chủ tịch Trần Đại Quang tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 11/5/17
Lãnh đạo hai nước Việt-Trung ngày 11/5 trao đổi ‘tích cực’ về vấn đề Biển Đông, không bên nào chỉ trích bên nào, theo loan báo của một nhà ngoại giao cao cấp phía Trung Quốc.
Phát biểu sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố tranh chấp Biển Đông đã được đôi bên bàn tới.
"Vấn đề được mang ra thảo luận nhưng không khí chung rất tích cực", ông Lưu cho báo chí biết.
Cả hai nhất trí theo đuổi sự đồng thuận tiếp tục ổn định tình hình và thúc đẩy các cuộc đàm phán cũng như tiếp tục khai thác tài nguyên chung tại các khu vực ít nhạy cảm như Vịnh Bắc Bộ, ông Lưu nói thêm.
"Đề cập chuyện Biển Đông lúc này là một điều rất tích cực. Không bên nào chỉ trích bên nào. Không có lời lẽ nào về chuyện này lạc điệu", ông Lưu nhấn mạnh.
Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Trung Quốc nói với Chủ tịch Việt Nam rằng ông hy vọng đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới có lợi hơn cho nhân dân hai nước.
Ông Tập cũng tán dương lãnh đạo Việt Nam về các cải cách kinh tế.
Chủ tịch Trần Đại Quang đang có mặt tại Bắc Kinh để tham dự hội nghị cuối tuần này bàn về kế hoạch xây dựng Con đường Tơ lụa mới do Bắc Kinh đề xướng nhằm nối liền Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu và xa hơn nữa thông qua hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô.
Theo Reuters
*********************
Lãnh đạo Việt-Trung bàn thảo 'tích cực' về Biển Đông (BBC, 12/05/2017)
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh minh họa
Lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam bàn thảo "tích cực" về tranh chấp Biển Đông tại Bắc Kinh.
Báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng tại Hong Kong đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam tăng cường hợp tác bất chấp tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
Ông Trần Đại Quang hiện đang thăm chính thức Trung Quốc và sẽ dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Một vành đai, Một con đường", tổ chức tại Bắc Kinh trong ngày 14 và 15/5 tới đây.
Quan hệ 'có đà tích cực'
Ông Tập được truyền thông dẫn lời nói tại cuộc họp với ông Quang vào hôm 11/05 rằng quan hệ hai nước đã và đang có đà tích cực trong sáu tháng qua.
Trong nỗ lực làm giảm căng thẳng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, ông Tập được dẫn lời nói hai nước "cùng chung số phận".
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân được dẫn lời nói hai phía có thảo luận về tranh chấp tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) nhưng hội đàm trong không khí "tích cực".
"Hai phía đều không đổ lỗi cho nhau và nhất quán về lập trường của mỗi bên về các tranh chấp", ông Lưu nói.
Báo Nhân Dân của Việt Nam đưa tin :
"Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên trì giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng Ba năm nay nói Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông mặc dù thừa nhận có đưa thiết bị phòng thủ ra các đảo có tranh chấp.
Các lãnh đạo Việt - Trung và phu nhân xem ảnh động Tam Cốc trong triển lãm về Việt Nam tại Bắc Kinh
"Chuyến thăm của ông Quang tới Bắc Kinh cho tới nay thể hiện nỗ lực của cả hai phía muốn giảm căng thẳng về tranh chấp tại Biển Đông và tập trung vào hợp tác kinh tế", Bưu điện Hoa nam Buổi sáng nhận định.
Ông Quang được truyền thông tại Việt Nam dẫn lời đề nghị Trung Quốc áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm dần tình trạng nhập siêu của Việt Nam.
Tính đến tháng 3/2017, Trung Quốc có hơn 1.600 dự án với tổng số vốn trên 11 tỷ USD, đứng thứ 8/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, theo truyền thông Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình nhận lời sẽ tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối năm nay.
Việt Nam và Trung Quốc hồi tháng Một đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong chuyến thăm Trung Quốc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các nội dung ký kết bao gồm các lĩnh vực từ đào tạo cán bộ cao cấp ngạch đảng giữa hai bên, tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng song phương cho đến các lĩnh vực khác như hợp tác quốc phòng, kinh tế, viện trợ, nhân đạo.
Một Vành đai một Con đường
Doanh nghiệp từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc tìm cơ hội đầu tư tại Hà Nội
Trong chuyến thăm Trung Quốc trong thời gian từ 11 đến 15/5/2017 ông Trần Đại Quang sẽ dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Một vành đai, Một con đường", tổ chức tại Bắc Kinh.
Trả lời BBC, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Quyết từ Đại học Vinh, một chuyên gia chuyên theo dõi tình hình chính trị khu vực, nói về sáng kiến này của Trung Quốc, Việt Nam tham gia sẽ chỉ hưởng lợi trong khía cạnh hội nhập và kết nối, nhưng sẽ phải chịu nhiều bất lợi khác, nhất là trong vấn đề Biển Đông.
'Một Vành đai Một con đường' có trị giá đầu tư 900 tỷ USD, có tham vọng lớn hơn cả Chương trình tái thiết thế giới Marshall của Hoa Kỳ sau Thế chiến 2.
Sáng kiến này thực tế là cách tạo các hành lang kinh tế vươn ra Âu Á và Châu Phi, với Trung Quốc là trung tâm.
Đây cũng là một mục tiêu chính trị quan trọng của Chủ tịch Tập, thúc đẩy "hội nhập thương mại thế giới" mà Trung Quốc đóng vai trò dẫn đường.
Ngoài Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhiều lãnh đạo Châu Á, các lãnh đạo EU và Mỹ không tham gia Diễn đàn này, khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 14/05.
Cũng trong ngày 12/05, có tin Hoa Kỳ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại 10 điểm, đánh dấu chuyển biến ra khỏi những khúc mắc Tổng thống Trump nêu ra.
Trung Quốc đồng ý nhập thịt bò, nhập khí lỏng của Hoa Kỳ và cho các công ty thẻ tín dụng Hoa Kỳ vào hoạt động.
Các công ty Trung Quốc cũng sẽ được bán thịt gà đã chế biến sang Hoa Kỳ trong thỏa thuận song phương mà cả hai chính quyền Trump và Tập Cận Bình đều coi là "thắng lợi".