Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/05/2017

Một liên minh chống Trung Quốc trên Biển Đông đang hình thành

Tổng hợp

Pháp-Anh-Mỹ-Nhật khởi động lại đợt tập trận tại đảo Guam (RFI, 13/05/2017)

guam1

Tập trận đổ bộ bốn nước Mỹ-Pháp-Anh-Nhật tại Guam, Thái Bình Dương, ngày 13/05/2017 - REUTERS/Oh Hyun

Đợt tập trận đổ bộ tại khu vực đảo Guam thuộc Mỹ ở vùng Thái Bình Dương đã được liên quân 4 nước Pháp, Anh, Mỹ và Nhật Bản khởi động vào hôm nay, 13/05/2017, một hôm sau khi phải đình hoãn do việc một tàu đổ bộ của Pháp bị mắc cạn.

Theo thượng úy Joshua Hays, một phát ngôn viên của Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, nội dung tập trận hôm nay bao gồm việc bính lính Nhật Bản tập đổ bộ lên đảo bằng xuồng cao su. Vào ngày mai sẽ là nội dung tập trận bắn đạn thật, phối hợp giữa lực lượng Pháp và các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ.

Bên cạnh đó cũng có những bài tập phối hợp hành động giữa quân đội các nước khác nhau, chẳng hạn như các trực thăng Anh Quốc đáp xuống tàu chở trực thăng Pháp để không vận các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ lên bờ.

Theo hãng tin Mỹ AP, đợt trận kéo dài một tuần lễ, có cả quân đội Anh tham gia, đã được tổ chức nhằm cổ vũ cho quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế, trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối quan ngại là Trung Quốc có thể hạn chế quyền tự do đi lại trên vùng Biển Đông, mà hầu như toàn bộ diện tích bị Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ.

Đợt tập trận được tổ chức ở khu vực xung quanh hai đảo Guam và Tinian, thuộc chủ quyền Hoa Kỳ, nằm cách Manila khoảng 1.500 hải lý về phía đông và Tokyo về phía nam.

Tham gia đợt tập trận, ngoài lực lượng Mỹ, như vậy là có hai chiến hạm Pháp - tàu chở trực thăng Mistral và hộ tống hạm tàng hình Courbet – chở theo một số trực thăng Anh Quốc cùng 70 lính Anh. Nhật Bản cũng cử một lực lượng bao gồm 50 quân nhân và 160 thủy thủ cùng chiến thuyền đổ bộ.

Đợt tập trận đã được tái khởi động, sau một ngày tạm hoãn do việc một chiếc tàu đổ bộ Pháp bất ngờ bị mắc cạn, buộc giới chức chỉ huy cuộc tập trận phải đình chỉ cuộc thao diễn để thẩm định tình hình.

Trọng Nghĩa

********************

Pháp-Mỹ-Anh-Nhật hoãn tập trận chung ở đảo Guam vì sự cố (RFI, 12/05/2017)

Lẽ ra vào ngày 12/05/2017, quân đội Pháp, Mỹ, Anh và Nhật Bản bắt đầu một cuộc tập trận đổ bộ ở khu vực đảo Guam của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, nằm ở phía bắc Philippines. Thế nhưng, kế hoạch bị dời lại sau khi một chiếc tàu đổ bộ của Pháp bị mắc cạn.

biendong1

Tầu đổ bộ Mistral (T) của Hải Quân Pháp cập cảng quân sự Sasebo, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản, ngày 29/04/2017 tại vùng biển Guam. REUTERS/Nobuhiro Kubo

Theo hãng tin Anh Reuters, cuộc tập trận đã dự trù tung quân lính từ tàu chở trực thăng Mistral của Pháp, đổ bộ lên bờ biển đảo Guam của Mỹ. Cuộc tập trận cũng sẽ huy động lính thủy quân lục chiến Mỹ, phi cơ trực thăng Anh Quốc và Nhật Bản cùng với tàu thuyền đổ bộ xuất phát từ chiếc Mistral của Pháp.

Cuộc tập trận bốn bên này được mô tả như một hoạt động phong trương lực lượng quân sự của 4 nước, nhằm làm đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Đại úy Jeff Grimes, tham mưu trưởng lực lượng Hải Quân Mỹ trong khu vực, giải thích là cuộc tập trận góp phần củng cố quan hệ đối tác giữa bốn nước trong khu vực và "làm cho những người có thể không đồng ý với chúng ta hiểu là chúng ta ở trong tư thế sẵn sàng vào bất cứ lúc nào".

Thế nhưng, cuộc tập trận đã bị đình chỉ sau khi một tàu đổ bộ Pháp bị mắc cạn. Một cuộc tập trận khác, với nội dung đổ bộ bằng trực thăng, cũng bị đình chỉ theo lời một phát ngôn viên Nhật Bản.

Cho đến giờ, chưa ai biết là cuộc tập trận, dự trù kéo dài một tuần sẽ được khởi động lại vào lúc nào. Theo kế hoạch, trên nguyên tắc, 4 nước sẽ đưa lực lượng đến tập trận tại đảo Tinian gần Guam.

Tàu Mistral đã rời Pháp vào tháng Hai để qua Châu Á tập trận. Tàu này đã ghé cảng Sasebo của Nhật trước khi đến Guam. Mistral có thể chở theo 35 trực thăng, 4 xuồng đổ bộ và hàng trăm binh sĩ.

Trọng Nghĩa

*******************

Sri Lanka từ chối cho tàu ngầm Trung Quốc cập cảng (RFI, 12/05/2017)

biendong2

Một tầu ngầm Trung Quốc trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải Quân của Quân Đội Trung Quốc, ngày 23/04/2009 tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. AFP PHOTO / POOL / Guang Niu

Đề nghị của Bắc Kinh cho một tầu ngầm neo đậu tại cảng Colombo bị chính quyền Sri Lanka từ chối. Thông tin nói trên được đưa ra đúng vào lúc thủ tướng Ấn Độ đang có chuyến công du đảo quốc.

Theo Reuters, tàu ngầm Trung Quốc có kế hoạch ghé cảng Sri Lanka vào khoảng ngày 16/05/2017, sau chuyến công du của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhưng một viên chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Sri Lanka ngày 11/05 cho biết yêu cầu này đã bị "từ chối", ông giải thích đây là "một chủ đề rất nhạy cảm".

Một quan chức chính phủ Sri Lanka xin ẩn danh khẳng định là "rất ít có khả năng" Colombo sẽ chấp nhận để tàu ngầm Trung Quốc vào các cảng của nước này, do lo ngại từ phía Ấn Độ. Trong khi đó, một nguồn tin gần gũi với đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo thì ngược lại, cho hay chuyến viếng thăm của tàu ngầm vẫn còn đang đợi câu trả lời chính thức.

Tháng 10/2014, Ấn Độ đã hết sức bất bình, khi chính quyền của tổng thống Mahinda Rajapakse cho phép hai tàu ngầm Trung Quốc neo đậu ngoài khơi thủ đô Colombo. Trái lại, đương kim tổng thống Maithiripala Sirisena có chủ trương giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc, vào lúc Bắc Kinh, trong những năm gần đây, đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại đảo quốc Nam Á. Tuy nhiên, hiện vẫn có hơn 70% hàng hóa qua cảng Colombo là đến từ Ấn Độ.

Năm 1987, Ấn Độ và Sri Lanka ký kết một thỏa thuận, cam kết không bên nào để cho lãnh thổ của mình được sử dụng vào các hoạt động có hại cho an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của đối tác.

New Delhi rất cảnh giác trước dự án một loạt các cảng biển tại vùng Ấn Độ Dương, mà Bắc Kinh đang xúc tiến xây dựng, trong đó có cảng Hambantota của Sri Lanka. Ấn Độ lo ngại Trung Quốc sử dụng hệ thống cảng biển này vào mục tiêu quân sự.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 824 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)