Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/07/2021

Biển Đông : Mỹ bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh, tàu chiến vào Hoàng Sa

Tổng hợp

Biển Đông : Mỹ tái khẳng định yêu sách của Bắc Kinh là phi pháp

Trọng Nghĩa, RFI, 12/07/2021

Hôm 12/07/2021 là dịp kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về đơn Manila kiện Bắc Kinh, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần trọn Biển Đông. Nhân dịp này, Hoa Kỳ đã có hai động thái biểu tượng : tái bác bỏ đòi hỏi phi pháp của Bắc Kinh và đưa tàu áp sáp quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc kiểm soát. 

biendong1

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và các chiến hạm hộ tống thuộc Hạm đội 7, hoạt động trong vùng Biển Đông ngày 06/10/2019 (ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp cho AFP) Hải quân Mỹ/ AFP

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một tuyên bố bằng văn bản đề ngày 11/07/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một mặt tái khẳng định chính sách Biển Đông đã được chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Donald Trump thúc đẩy, nhấn mạnh tính phi pháp của các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ ghi rõ : "Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13/07/2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền trên biển ở Biển Đông". Theo Reuters, ông Blinken cũng bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trên gần như toàn bộ Biển Đông.

Về Philippines, ông Blinken xác nhận trở lại cam kết bảo vệ Manila : Hoa Kỳ "tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vào lực lượng võ trang, tàu công vụ hay phi cơ tại vùng Biển Đông, sẽ nằm trong diện áp dụng cam kết bảo vệ lẫn nhau ghi trong Điều 4 bản Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 ký kết giữa Mỹ và Philippines". Nói cách khác, Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị Trung Quốc tấn công.

Chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa

Như để cho thấy rõ lời nói đi đôi với hành động, gần như cùng lúc với tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ, Hải Quân Mỹ ngày 12/07/2021 cho biết là khu trục hạm USS Benfold (DDG-65) đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông để "khẳng định tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế". 

Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc kiểm soát sau khi chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974, vẫn đang bị cả Việt Nam và Đài Loan tranh chấp.

Trong một thông cáo được Reuters trích dẫn, Hải Quân Mỹ xác định rõ : "bằng chiến dịch được mệnh danh là tự do hàng hải ở vùng Hoàng Sa, Hoa Kỳ muốn chứng minh rằng những vùng biển đó nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải hợp pháp của họ và các đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc vẽ ra để đòi hỏi chủ quyền xung quanh quần đảo Hoàng Sa đều không phù hợp với luật pháp quốc tế". 

Như thông lệ, Quân Đội Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định rằng họ đã phát hiện được tàu chiến Mỹ "xâm phạm trái phép" vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, và đã triển khai lực lượng hải quân và không quân để theo dõi và xua đuổi chiến hạm Mỹ.

Hôm nay là lần thứ ba từ đầu năm đến nay Hoa Kỳ cho chiến hạm tiến vào vùng biển Hoàng Sa để thách thức các đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Ngày 20/05 vừa qua, chiến hạm Mỹ USS Curtis Wilbur cũng đã tiến vào vùng biển gần Hoàng Sa trong một hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải. Chiếc Curtis Wilbur đã tiếp nối hành động trước đó của chiếc USS John McCain ngày 05/02.

Trọng Nghĩa

**********************

Chiến hạm Hoa Kỳ đi vào vùng biển Hoàng Sa, Trung Quốc nói đã xua đuổi đi

RFA, 12/07/2021

Khu trục hạm USS Benfold của Hoa Kỳ vào ngày 12/7 đi vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông để tiến hành tuần tra tự do hàng hải.

biendong2

Tàu USS Benfold của Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận ở Thái Bình Dương năm 2017 - USNI News

Theo thông cáo của Hải quân Hoa Kỳ thì hoạt động này của khu trục hạm USS Benfold phù hợp với luật pháp quốc tế ; cụ thể đó là chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982).

Hải quân Hoa Kỳ cho rằng việc thực hiện hoạt động đi qua vô hại mà không thông báo trước hoặc xin phép nước có tuyên bố chủ quyền cho thấy Washington thách thức những giới hạn phi pháp mà các nước đưa ra. Hoa Kỳ chứng tỏ những vùng biển mà chiến hạm đi qua nằm ngoài vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố một cách phi pháp. Ngoài ra, đường cơ sở thẳng mà Bắc Kinh vạch ra ở Hoàng Sa là trái với luật pháp quốc tế.

Ngay trong ngày 12/7, Quân đội Trung Quốc ra thông cáo cho rằng nước này đã đuổi chiến hạm Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển Hoàng Sa. Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ phải chấm dứt ngay những hành động bị cho là khiêu khích như thế.

Ngày 12/7/2021 đánh dấu đúng năm năm phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế PCA ở La Hayes tuyên đối với đường đứt khúc chín đoạn do Trung Quốc tự vạch ra ở Biển Đông. Theo Tòa thì đường đứt khúc chín đoạn này không có căn cứ cả về pháp lý và về mặt lịch sử.Vụ kiện do phía Philippines đứng đơn.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, vào ngày 12/7/2021 khi được báo chí đề nghị cho biết bình luận của chính phủ Hà Nội nhân kỷ niệm năm năm Tòa Trọng tài ra phán quyết vừa nêu, trả lời rằng "Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa dùng vụ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phủ hợp với Hiến Chương Liên hiệp quốc và UNCLOS 1982".

Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 11/7/2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ trưởng Antony Blinken nhắc lại phán quyết vừa nêu mang tính đồng thuận mạnh mẽ, bác bỏ những tuyên bố chủ quyền biển mở rộng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt hành vi khiêu khích và tiến hành các bước nhằm bảo đảm với cộng đồng quốc tế về cam kết tôn trọng trật tự biển dựa trên luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 600 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)