Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/07/2021

Gặp khó khăn trong nước, Kim Jong-un muốn được Joe Biden chú ý

RFI tiếng Việt

Bình Nhưỡng tố cáo Washington sử dụng viện trợ nhân đạo vì mục đích xấu

Thùy Dương, RFI, 12/07/2021

Bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng viện trợ nhân đạo như một công cụ chính trị. Một bài viết ký tên một nhà nghiên cứu và được đăng trên trang mạng của bộ Ngoại Giao Triều Tiên hôm nay 12/07/2021 cho biết như trên.

kim1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp của Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên, Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA công bố ngày 05/07/2021.  via Reuters - KCNA

Kang Hyon Chol, một nhà nghiên cứu của Hiệp hội Thúc đẩy Kinh tế Quốc tế và Trao đổi Công nghệ, nêu rõ trong bài báo của ông rằng "nhiều quốc gia đã nếm mùi cay đắng vì đặt quá nhiều hy vọng vào những sự giúp đỡ và viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ" và nhấn mạnh là "trong mọi trường hợp, viện trợ nhân đạo không nên được sử dụng để phục vụ cho các mục đích chính trị xấu xa".

Trích dẫn ý kiến ​​ca nhiu chuyên gia, nhà nghiên cu Kang Hyon Chol cho rng vn đề nhân quyn là mt"điệp khúc" được Hoa Kỳ nhắc đi nhắc lại khi Washington đề nghị viện trợ nhân đạo nhưng đó chỉ là "cái cớ" để Mỹ "can dự vào công việc nội bộ của các nước khác". Nhà nghiên cứu Kang phân tích : "Mục đích cuối cùng của Mỹ, gắn trợ giúp nhân đạo với vấn đề nhân quyền, vẫn là hợp pháp hóa các áp lực nhắm vào các quốc gia có chủ quyền, để đạt được mục tiêu chính trị xấu xa của họ" và sự trợ giúp nhân đạo của Hoa Kỳ là "một công cụ để buộc các nước khác phục tùng" Mỹ về chính trị và kinh tế. Ông liệt kê các trường hợp Mỹ tạm ngưng hoặc hủy bỏ viện trợ kinh tế cho các nước như Pakistan, Afghanistan, Palestine và Cam Bốt.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap nhắc lại là những bình luận nói trên được đưa ra trong bối cảnh đã có một số tin tức về khả năng Hoa Kỳ sẽ viện trợ nhân đạo, cung cấp vac-xin ngừa Covid-19 cho Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng mong muốn. Theo Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS) ở Seoul hồi tuần trước, Bắc Triều Tiên đã từ chối nhận vac-xin AstraZeneca trong khuôn khổ chương trình quốc tế về chia sẻ vac-xin (Covax) do lo ngại về tác dụng phụ của loại vac-xin này. Thay vào đó, Bình Nhưỡng dường như đang tìm nguồn vac-xin của Nga.

Về nguyên tắc, Bình Nhưỡng sẽ nhận được khoảng 2 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 thông qua chương trình Covax, nhưng số liều vac-xin nói trên vẫn chưa được chuyển đến Bắc Triều Tiên. Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn không báo cáo bất kỳ trường hợp lây nhiễm Covid-19 nào, nhưng đã tăng cường kiểm soát biên giới và triển khai các biện pháp phòng ngừa virus corona hồi đầu năm 2020.

Thùy Dương

*******************

Bắc Kinh - Bình Nhưỡng : Quan hệ song phương bước vào "giai đoạn mới"

Minh Anh, RFI, 11/07/2021

Truyền thông Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, ngày 11/07/2021, nhất loạt đưa tin, chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Kim Jong-un, nhân dịp kỷ niệm 60 năm hiệp ước hữu nghị hai nước, cam kết đưa mối quan hệ song phương đi vào một "giai đoạn mới".

kim2

Tập Cận Bình và Kim Jong-un tại tư dinh Kumsusan gần Bình Nhưỡng, trong chuyến thăm chính thức Bắc Triều Tiên của chủ tịch Trung Quốc hôm 21/06/2019. AP

Vào ngày này, cách nay đúng 60 năm, 11/07/1961, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã ký kết một hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ nhau. Chủ tịch Trung Quốc thời bấy giờ là Mao Trạch Đông từng khẳng định rằng mối quan hệ gần gũi giữa hai nước chẳng khác gì như "môi với răng".

Trong một thông điệp gởi đến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được hãng thông tấn KCNA trích dẫn, lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hiệp ước nhằm "bảo đảm hòa bình và sự ổn định cho Châu Á và phần còn lại của thế giới, ở đó các thế lực thù địch ngày càng tỏ ra tuyệt vọng hơn bao giờ hết trong hành động gây cản trở". Đáp lại, Tập Cận Bình kêu gọi một "nâng tầm hợp tác hữu nghị song phương lên những cấp độ mới" sao cho đôi bên cùng có lợi.

Theo một số chuyên gia được AFP trích dẫn, trong bối cảnh bế tắc ngoại giao về phi hạt nhân hóa và quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp, cuộc trao đổi thông điệp này còn nhằm chứng tỏ với Hoa Kỳ về chất lượng mối quan hệ giữa hai nước láng giềng. Với ông Park Won Gon, giáo sư chuyên về Bắc Triều Tiên trường đại học Ewha, "đây chỉ là một mối liên minh theo tình huống".

Bắc Kinh từ lâu là nguồn hậu thuẫn chính về kinh tế và ngoại giao cho Bình Nhưỡng. Mối quan hệ mật thiết này là sự kế thừa từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), vào thời điểm đó, Mao Trạch Đông đã gởi hàng triệu quân "tình nguyện" chiến đấu chống các lực lượng của Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu.

Bất chấp những tham vọng ngày càng lớn của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, mà nước này đánh giá là thiết yếu để tự bảo vệ trước Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai nước vẫn phát triển. Và AFP cho rằng, thất bại của các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington còn làm cho Trung Quốc và Bắc Triều Tiên tìm cách củng cố chặt chẽ hơn mối liên hệ này.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Minh Anh
Read 427 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)