Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/07/2021

Tàu cá Trung Quốc hủy hoại sinh thái trên Biển Đông

RFA - RFI

Simularity nói báo cáo về Trung Quốc xả thải tại Trường Sa có cơ sở

RFA, 16/07/2021

Công ty phân tích hình ảnh không gian địa lý Simularity, trụ sở tại Mỹ, hôm 15 tháng 7 khẳng định báo cáo của công ty rằng tàu Trung Quốc trong nhiều năm đã xả chất thải xuống các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa là hoàn toàn có cơ sở. Báo cáo của Similarity dựa trên bằng chứng từ ảnh vệ tinh.

xathai1

Khoảng 220 tàu cá Trung Quốc neo đậu ở khu vực Đá Ba Đầu trong tháng 3/2021 nơi Việt Nam và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền - Cảnh sát biển Philippines/AP

BenarNews đưa tin hôm 15 tháng 7, dẫn phát biểu của bà Liz Derr, Giám đốc công ty Simularity, đưa ra cùng ngày tại một hội thảo trực tuyến với báo chí Philippines. 

Simularity đã phân tích ảnh vệ tinh trong năm năm và phát hiện nồng độ chất diệp lục (chlorophyll-a) cao xung quanh hàng trăm con tàu neo đậu tại các dải san hô của cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. Chất diệp lục và tảo sinh ra khi nước thải xả ra tích tụ lại và khi tích tụ xung quanh các tàu thì chỉ có một kết luận về nguồn gốc của nó, bà Liz Derr lập luận.

Quan chức Bắc Kinh đã bác bỏ báo cáo của Simularity. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói báo cáo này là một trò hề.

*********************

Biển Đông : Nước thải từ tàu cá Trung Quốc hủy hoại các rạn san hô

Thụy My, RFI, 14/07/2021

Tiếp theo cảnh báo của một cựu thuyền trưởng Mỹ rằng hàng tháng các tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu xả 1.000 tấn nước thải ra Biển Đông, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay 14/07/2021 dẫn thông tin từ công ty Simularity khẳng định việc xả thải này làm hủy hoại các rạn san hô. Hậu quả có thể nhìn thấy được từ các hình ảnh vệ tinh.

xathai2

Tuần duyền Philippines giám sát tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu, Trường Sa. Ảnh chụp ngày 15/04/2021.  © Philippine Coast Guard/Handout via Reuters

Công ty Mỹ chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh đã theo dõi trên 200 tàu đánh cá Trung Quốc tập trung từ nhiều tháng qua tại Đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam và Philippines đều đòi hỏi chủ quyền.

Hồi tháng Tư, cựu thuyền trưởng Mỹ Carl Schuster nay là giáo sư đại học Pacific ở Hawai tố cáo trên 200 tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu xả 1.000 tấn nước thải hàng tháng, gây tác hại lâu dài.

Bà Liz Derr, tổng giám đốc Simularity trong cuộc hội thảo qua mạng do công ty tư vấn Stratbase ADR ở Manila tổ chức hôm thứ Hai 12/07 khẳng định, nước thải từ đoàn tàu cá Trung Quốc hủy hoại các rạn san hô và hệ sinh thái biển. Khi các tàu này không di chuyển, chất thải càng dồn lại, các vi tảo còn gọi là tảo đơn bào phiêu sinh nhanh chóng sinh sôi nảy nở, và có thể nhìn thấy qua vệ tinh nhờ các vi tảo này chứa vi khuẩn có sắc tố.

Để chứng tỏ những thay đổi tai hại từ tảo phiêu sinh, bà Derr so sánh với các hình ảnh từ năm địa điểm khác là Cụm Sinh Tồn (Union Bank), Đá Gạc Ma (Johnson South), Đá Len Đao (Landsdowne), Đá An Bình (Ross) và Đá Cô Lin (Collins). Ảnh vệ tinh thu thập vào ngày 14/05/2016 cho thấy rất ít tảo, và ngày 17/06/2021 khi 236 tàu cá Trung Quốc nằm bất động tại Đá Ba Đầu thì vi tảo lan tràn.

Bà Derr báo động các hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra, vì tất cả các dạng sinh thái biển đều có tương quan với nhau. Trên Biển Đông, cá bột chủ yếu sống tại các rạn san hô, và nguồn cá này cung cấp lượng protein chính của 85% cư dân ven biển.

Hôm qua bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố nếu cáo buộc trên được xác nhận sẽ chứng tỏ cách hành xử vô trách nhiệm của Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia cảnh báo tác hại của nước thải lên các rạn san hô. Trong một nghiên cứu mang tên "Phân tích xuyên biên giới về Biển Đông" do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc công bố năm 2000, chuyên gia Liana Talaue-McManus lên tiếng báo động nạn ô nhiễm đang đe dọa an ninh lương thực của bảy quốc gia ven biển là Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Cam Bốt.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Thụy My RFI tiếng Việt
Read 426 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)