Đông Nam Á : Lo ngại tăng cao về vaccine Trung Quốc
VOA, 16/07/2021
Biến thể Delta lây nhiễm cao đang nhanh chóng lây lan tại Đông Nam Á trong lúc người ta ngày càng quan ngại về hiệu nghiệm của vaccine Sinovac Biotech do Trung Quốc sản xuất vốn đã được dùng tại một số nước trong khu vực.
Vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất.
Nghi ngờ về hiệu nghiệm của vaccine Trung Quốc đã khiến một số chính phủ, trong đó có Thái Lan, tính tới chuyện cho những ai đã tiêm vaccine Sinovac tiêm tăng cường thêm một mũi vaccine nữa chẳng hạn như của AstraZeneca.
Sinovac là một trong bảy vaccine Covid được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp. Các cuộc nghiên cứu về tỉ lệ hiệu nghiệm của vaccine này đang được tiến hành, nhưng Sinovac dường như kém hiệu nghiệm hơn các vaccine khác.
Tại Indonesia đa số các liều vaccine được sử dụng cho tới nay-gần 90%-là Sinovac.
Lo ngại về Sinovac khiến cho một số người Indonesia do dự trong việc tiêm chủng. Một phần ba cư dân tại tỉnh Jakarta nói họ vẫn chưa quyết định là liệu có nên tiêm chủng hay không, theo một cuộc thăm dò gần đây.
Hiệp hội Y khoa Indonesia tháng trước nói có ít nhất 10 bác sĩ được tiêm chủng đầy đủ hai liều vaccine Sinovac đã chết.
Trước sự gia tăng mạnh mẽ số ca Covid-19 hiện nay tại Indonesia, một cuộc thăm dò trong số các nhân viên y tế Indonesia hồi tháng 5 cho thấy vaccine của Sinovac có thể làm giảm nguy cơ phát triển triệu chứng Covid-19 khoảng 94% và hiệu nghiệm 96% trong việc làm giảm nguy cơ nhập viện.
Sinovac và một công ty sản xuất vaccine khác của Trung Quốc là Sinopharm loan báo đang nghiên cứu xem vaccine của họ tốt tới đâu trước biến thể Delta, nhưng chưa công bố dữ liệu, theo tờ The Wall Street Journal.
Nhìn chung, không có dữ liệu phối kiểm chéo của giới chuyên môn đối với vaccine Sinovac. Chỉ có thông tin cho thấy là vaccine này yếu hơn những vaccine Covid-19 khác, dù vẫn cung cấp cho người sử dụng một sự bảo vệ đáng kể.
Vào tháng 6, chính phủ Uruguay công bố dữ liệu cho thấy Sinovac giảm lây nhiễm Covid-19 khoảng 61%, giảm nhập viện 92% và giảm tử vong 95%.
Tạp chí Y khoa New England công bố một cuộc nghiên cứu vào đầu tháng 7 dựa trên kết quả một chiến dịch tiêm chủng mở rộng bắt đầu hồi tháng 2 tại Chile. Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy Sinovac giảm lây nhiễm Covid 65,9%, hiệu nghiệm 87,5% trong việc ngừa nhập viện và 86,3% trong việc ngừa tử vong.
Trong khi đó, WHO nói vaccine Pfizer hiệu nghiệm 95% trong việc ngừa lây nhiễm có triệu chứng và vaccine Moderna hiệu nghiệm 94%.
Cơ quan Y tế Công cộng Anh tháng trước cho biết cuộc phân tích của họ về độ hiệu nghiệm của vaccine trước biến thể Delta cho thấy vaccine Pfizer hiệu nghiệm 96% chống lại các ca nguy kịch phải nhập viện, so với 92% của vaccine AstraZeneca.
Tại Campuchia, vaccine Sinovac vẫn chiếm phần lớn trong chiến dịch tiêm chủng vốn đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho khoảng 5 triệu người.
Quốc vụ khanh Bộ Y tế Or Vandine nói với ban Khmer Đài VOA là các vaccine dùng để tiêm chủng rộng rãi tại Campuchia gồm Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca đều hữu hiệu trong việc ngừa bệnh nặng và tử vong, nhưng những người tiêm chủng đầy đủ vẫn cần tôn trọng những biện pháp chống Covid như mang khầu trang và giãn cách xã hội.
Vaccine Sinovac là một phần quan trọng trong nỗ lực tiêm chủng Covid-19 tại Philippines và Thái Lan, nhưng cả hai nước này cũng trông cậy vào vaccine của các công ty dược khác như Pfizer và AstraZeneca.
**********************
Việt Nam dùng Xuyên tâm liên của Trung Quốc trị Covid-19
RFA, 16/07/2021
Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, ông Trương Quốc Cường, phát biểu rằng thuốc Xuyên tâm liên của Trung Quốc có hiệu quả trong điều trị Covid-19. Báo Nhà nước đưa tin hôm 16/7.
Thuốc xuyên tâm liên được sử dụng trong điều trị Covid-19. Đồ họa : Hương Giang
Tại hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại 128 điểm cầu hôm 16/7, ông Cường cho hay, Việt Nam hiện đang ứng dụng loại thuốc này vào việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép trong việc điều trị Covid-19 như Remdesivir, Favipiravir…
Cũng theo ông Cường, Bộ Y tế sẽ xin nhập khẩu và đề nghị cấp phép nhanh nhất cho các loại thuốc điều trị Covid-19 trong hàng chục đơn hàng mà Bộ Y tế đang có.
Thuốc Xuyên tâm liên của Trung Quốc là một loại thuốc đông y được dùng trong y học cổ truyền. Loại thuốc này đã từng được coi như "thần dược" ở miền Nam Việt Nam trong thời bao cấp sau năm 1975. Khi đó Xuyên tâm liên được dùng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.
Cũng theo thông tin từ báo Nhà nước, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang nói đã điều trị khỏi cho hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 bằng cách kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Ông Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Giang, cho biết bệnh viện này đã áp dụng cả y học hiện đại và y học truyền thống để thực hiện công tác phòng, chống dịch từ năm 2020. Bệnh viện đã nghiên cứu và chọn lọc các kinh nghiệm để tự vệ khi có dịch.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 16/7 năm 2021, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 5.697 ca nhiễm Covid-19 ; hơn 5.100 bệnh nhân Covid-19 được ra viện. Hiện tiếp tục có 67 bệnh nhân đã âm tính lần một và tám bệnh nhân âm tính lần hai.
**********************
Malaysia ngưng sử dụng vac-xin của hãng Sinovac Trung Quốc
Thụy My, RFI, 16/07/2021
Bộ Y tế Malaysia hôm 15/07/2021 tuyên bố sẽ ngưng cho phép sử dụng vac-xin chống Covid do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất, một khi dùng hết số liều hiện có, và chương trình tiêm chủng chủ yếu dựa vào vac-xin của Pfizer/BioNTech.
Một lọ thuốc tiêm ngừa Covid-19 Sinovac được sử dụng tại Malaysia, ngày 21/06/2021. AFP – Mohd Rasfan
Malaysia có được 45 triệu liều vac-xin Pfizer/BioNTech, đủ để tiêm chủng cho 70% dân số. Khoảng 16 triệu liều đã được phân phối, số còn lại sẽ được dùng để tiêm mũi thứ hai. Đối với những người chưa được chích ngừa, họ sẽ được tiêm vac-xin Pfizer.
Trước đó chính quyền cho biết đã có được 12 triệu liều của Sinovac, trong khuôn khổ một thỏa thuận theo đó công ty nhà nước Pharmaniaga sẽ đảm nhận khâu hoàn tất để phân phối vac-xin trong nước.
Loan báo về việc ngừng sử dụng vac-xin Sinovac được đưa ra trong bối cảnh lo ngại đang gia tăng về hiệu quả vac-xin Trung Quốc trước các biến chủng lây nhiễm nhanh hơn của virus corona. Thái Lan tuần này tuyên bố sẽ dùng AstraZeneca tiêm liều thứ hai cho những người đã được chích vac-xin của Sinovac, còn Indonesia muốn tiêm thêm liều thứ ba cho những ai đã chích hai mũi Sinovac.
Với 880.782 ca dương tính và 6.613 tử vong, Malaysia có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất Đông Nam Á, nhưng tỉ lệ tiêm chủng cũng nhiều nhất với 26% trong số 32 triệu dân đã nhận được ít nhất một liều.
Úc : Đường phố Melbourne hoang vắng trong đợt phong tỏa thứ năm
AFP hôm nay 16/07/2021 ghi nhận vài giờ sau khi lệnh phong tỏa lần thứ năm có hiệu lực, thành phố lớn thứ hai nước Úc trở nên hoang vắng đáng buồn, trong nỗ lực chặn một đợt dịch mới. Sydney vào cuối tháng Sáu cũng đã có biện pháp tương tự. Như vậy hiện có hơn 12 triệu người Úc bị buộc phải ở trong nhà, chỉ ra đường để mua thực phẩm hay tập thể dục.
Nước Úc lâu này chống dịch tốt với chủ trương zéro Covid, phong tỏa nghiêm ngặt biên giới. Tuy nhiên việc tiêm chủng diễn ra chậm chạp, chưa đầy 10% dân chúng được chích ngừa, trong khi nhiều nước phát triển đã bắt đầu thời kỳ hậu Covid.
Nhiều ổ dịch đã được phát hiện tại Melbourne, trong đó có sân vận động là nơi diễn ra trận đấu bóng bầu dục giữa hai đội Pháp và Úc. Còn ổ dịch ở Sydney dường như xuất phát từ một tài xế không tiêm chủng có trách nhiệm đưa đón đội ngũ nhân viên hàng không bị phát hiện dương tính vào giữa tháng Sáu.
Thụy My
********************
Covid-19 : Indonesia thay Ấn Độ thành tâm dịch Châu Á
Trọng Thành, RFI, 15/07/2021
Hôm 14/07/2021, số lượng ca nhiễm chính thức của Indonesia trong vòng 24 giờ đạt mức kỷ lục, vượt Ấn Độ. Indonesia đứng hàng thứ hai thế giới về số ca tử vong trong ngày, sau Brazil.
Người dân tự tìm kiếm ô-xy để chăm sóc người thân mắc Covid-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 15/07/2021. Via Reuters – Antara Foto
Theo bộ Y tế Indonesia, số lượng ca nhiễm mới hôm qua là hơn 54.000 người, và số người chết vì Covid là 991, cao gấp 10 lần so với cách nay một tháng. Trả lời AFP, nhà dịch tễ học Indonesia, Dicky Budiman thuộc đại học Úc Griffith cảnh báo "Indonesia có thể trở thành tâm dịch mới của thế giới", và dịch bệnh hiện nay tại Indonesia là "trầm trọng hơn nhiều so với Ấn Độ".
Theo vị chuyên gia này, số lượng người nhiễm thực sự tại Indonesia có thể vượt quá 100.000/ngày, và số tử vong có thể sẽ là 2.000 người/ngày vào cuối tháng này. Tuy nhiên, con số người nhiễm và tử vong trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều so với số liệu chính thức, do thiếu xét nghiệm trầm trọng, cũng như sự vắng mặt của hệ thống truy vết các ca tiếp xúc tại quốc gia này.
Một nửa dân thủ đô đã nhiễm virus
Báo chí quốc tế, hôm qua 14/07, giới thiệu một kết quả điều tra đáng chú ý về quy mô dịch bệnh thực sự tại Indoniesa, cho thấy 44,5% dân cư vùng thủ đô, với tổng số 10,6 triệu người, đã nhiễm virus SARS-CoV-2, tức gấp đến 5 lần so với số liệu chính thức. Cũng có nghĩa là các xét nghiệm PCR không phát hiện được khoảng 4 triệu cư dân nhiễm virus. Đa số người nhiễm ở độ tuổi 30 đến 49.
Cuộc điều tra nói trên sử dụng các xét nghiệm "kháng thể" (antibody test). Điều tra do cơ quan y tế vùng thủ đô Jakarta, phối hợp với Khoa y Đại học Indonesia, Viện nghiên cứu sinh học phân tử Eijkman thực hiện, với sự trợ giúp chuyên môn của Cơ quan Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).
Hồi tuần trước, chính quyền Indonesia đã ban bố hàng loạt biện pháp siết chặt phòng dịch mạnh, như đóng cửa các trung tâm thương mại, nhà hàng và văn phòng. Tuần tới sẽ là dịp lễ Aïd al-adha quan trọng với người theo đạo Hồi, chiếm đa số dân cư đảo quốc. Dịp đoàn tụ gia đình này có nguy cơ sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh hơn.
Trọng Thành