Miến Điện có nguy cơ trở thành quốc gia "siêu phát tán" virus gây dịch
Trọng Nghĩa, RFI, 30/07/2021
Tình hình dịch bệnh tại Miến Điện phải chăng đã đến mức cực kỳ nguy hiểm ? Câu hỏi này đang được đặt ra sau lời báo động hôm qua, 29/07/2021 từ một quan chức Liên Hiệp Quốc, một hôm sau khi chính quyền quân sự tại Naypyidaw lên tiếng kêu gọi quốc tế khẩn cấp giúp Miến Điện chống dich.
Các nhân viên y tế tìm cách di chuyển một bệnh nhân nhiễm Covid-19 do tình trạng ngập lụt tại Myawaddy, bang Karen, Miến Điện ngày 26/07/2021 via Reuters – Karen Information Center
Trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo Anh The Guardian, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đã không ngần ngại cho rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể trở thành một nước "siêu phát tán" virus gây dịch Covid-19 – tiếng Anh gọi là "super-spreader", làm bùng phát dịch bệnh trên toàn khu vực.
Về số liệu tuyệt đối, Miến Điện không phải là nước bị dịch Covid-19 tác hại nặng nề nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với gần 300.000 ca nhiễm được thống kê tính đến hôm nay (30/07/2021), và hơn 8.500 ca tử vong được ghi nhận, Miến Điện vẫn thua xa Indonesia, với hơn 3,3 triệu ca nhiễm, hơn 92.000 người chết, hay là Philippines, với hơn 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 27.000 người thiệt mạng.
Dù vậy, Miến Điện đang phải đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh đất nước đang gánh chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc do cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Hai, với những hệ quả nặng nề trên một nền y tế vốn đã không vững mạnh lắm. Chương trình tiêm chủng đã bị đình trệ, việc xét nghiệm đã sụp đổ và các bệnh viện công hầu như tê liệt.
Các bác sĩ, những người đi đầu trong cuộc đình công chống chế độ quân sự và từ chối làm việc trong các bệnh viện nhà nước, đã bị buộc phải điều trị bí mật cho bệnh nhân vì họ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị quân đội tấn công hoặc bắt giữ.
Theo ông Tom Andrews, số liệu về ca nhiễm và tử vong ở Miến Điện không thể chính xác do việc các nhà báo và bác sĩ bị chính quyền đàn áp, khiến cho việc thu thập thông tin chính xác trở nên khó khăn. Tuy nhiên, điều chắc chắn là dịch bệnh tại Miến Điện đã lan mạnh một cách đột biến, với tốc độ cực nhanh.
Theo số liệu của Bộ Y Tế và Thể Thao do quân đội kiểm soát, chỉ riêng từ ngày 01/06 đến nay, tức là trong không đầy 2 tháng, đã có hơn 4.600 người chết vì Covid-19, một con số cao hơn gấp đôi số người chết trong gần 18 tháng kể từ đầu dịch. Và các số liệu chính thức được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.
Có rất nhiều chi tiết cho thấy tình hình rất nguy cấp. Trang mạng nhật báo độc lập Irrawaddy đã trích dẫn các phương tiện truyền thông do quân đội kiểm soát hôm 27/07 vừa qua cho biết là sẽ có thêm 10 lò hỏa táng mới tại các nghĩa trang ở Rangoon, thành phố lớn nhất của Miến Điện, để xử lý những ca tử vong.
Còn theo báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Andrews, ở Rangoon, người ta thường thấy ba loại dòng người xếp hàng, một trước máy rút tiền ATM, một để được cung cấp oxy (rất cần cho bệnh nhân Covid), và một trước các lò thiêu và nhà xác.
Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc cho rằng các chính phủ, bao gồm cả các nước láng giềng của Myanmar, cần phải hành động nhanh chóng, nếu không họ sẽ thấy hậu quả của một đợt bùng phát không kiểm soát được ở biên giới của họ.
Theo ông, Miến Điện đang trở thành nơi siêu lây lan Covid-19 với những biến thể rất độc hại - Delta và các dạng khác - cực kỳ nguy hiểm, cực kỳ dễ lây lan, với nguy cơ gây tử vong cực cao. Miến Điện có thể trở thành mối nguy cho toàn khu vực vì virus "không hề biết đến quốc tịch, biên giới, ý thức hệ hay đảng phái".
https://youtu.be/1fI_Oh8j6w0
Đối với với các nước Đông Nam Á lục địa, cũng như các láng giềng của Miến Điện, từ Trung Quốc đến Bangladesh, Ấn Độ, nguy cơ còn gần gũi hơn so với tác hại từ các nước Đông Nam Á hải đảo như Philippines, hay Indonesia.
Trọng Nghĩa
***********************
Kinh tế Bắc Triều Tiên suy giảm ở mức mạnh nhất kể từ năm 1997
Thùy Dương, RFI, 30/07/2021
Kinh tế Bắc Triều Tiên trong năm 2020 đã suy giảm 4,5%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ sau năm 1997. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) hôm nay 30/07/2021 thông báo như trên.
Kim Tok-hun (giữa) thủ tướng, ủy viên Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên, đi thị sát các nông trang. Ảnh do KCNA công bố, không ghi ngày. © via Reuters - KCNA
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho biết báo cáo thường niên của Ngân hàng BOK dựa vào dữ liệu của các định chế Hàn Quốc đặc trách hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo báo cáo này, kinh tế Bắc Triều Tiên vốn đã bị tác động nặng nề do các biện pháp trừng phạt tăng cường của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, trong năm 2020 lại có thêm nhiều thiệt hại vì các biện pháp đóng cửa biên giới để chống dịch Covid-19.
So với năm 2019, ngoại thương năm 2020 của Bắc Triều Tiên giảm 73,4%, chỉ còn 860 triệu đô la, do các chuyến hàng đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên, bị dịch bệnh Covid-19 cản trở. Xuất khẩu của Bắc Triều Tiên chỉ đạt 90 triệu đô la vào năm 2020, giảm 67,9% so với trước đó 1 năm. Còn nhập khẩu giảm 73,9% so với năm 2019. Tổng thu nhập quốc dân của Bắc Triều Tiên bằng 1,8% của Hàn Quốc.
Cũng trong ngày hôm nay, theo Yonhap, Liên Hiệp Quốc một lần nữa gia hạn thêm một năm biện pháp miễn trừ trừng phạt đối với viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới cho Bắc Triều Tiên.
Về quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc hôm nay thông báo, thông qua kênh liên lạc mới được khôi phục, Seoul đã chuyển tới Bình Nhưỡng đề xuất để thảo luận về cách thiết lập một hệ thống hội nghị trực tuyến nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán liên Triều trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Thùy Dương
***********************
Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng Interpol để bắt người "ly khai"
Thu Hằng, RFI, 30/07/2021
Bắc Kinh ráo riết bắt về nước những người Trung Quốc sống ở nước ngoại và bị coi là "ly khai", chống đối đảng Cộng Sản, kể cả những người sống ở Hoa Kỳ. Một nhóm luật sư Mỹ cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng Interpol để triệt hạ các nhà bảo vệ dân chủ Trung Quốc buộc phải sống lưu vong.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên họp đại hội đồng Interpol lần thứ 86, kéo dài từ ngày 26-29/09/2017, được tổ chức tại Bắc Kinh. AP
Theo trang AP ngày 30/07/2021, nhóm luật sư đã yêu cầu chính quyền Biden bãi lệnh tạm giam một nhà bảo vệ dân chủ Trung Quốc có nguy cơ bị trục xuất về nước và phải đối mặt với những cáo buộc sai lệch. Người đàn ông này bị bắt vào tháng Sáu do hết thị thực và bị giam trong một trung tâm của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải Quan Hoa Kỳ (ICE). Hãng tin Mỹ không nêu tên của người bị bắt vì một người thân vẫn sống ở Trung Quốc và bị dọa cáo buộc hình sự trừ khi anh trai của họ về nước.
John Sandweg, thuộc nhóm luật sư bảo vệ người đàn ông trên, khẳng định Trung Quốc đang khai thác hệ thống di trú Mỹ và Cơ quan Di trú có nguy cơ trở thành "một công cụ để Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch trấn áp các nhà đấu tranh và ly khai tôn trọng luật pháp".
Theo nhóm luật sư, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi Trung Quốc sử dụng thông báo đỏ (red notice) của Interpol để buộc những người trốn sang Hoa Kỳ về nước, do hai nước không có thỏa thuận dẫn độ. Washington thường xuyên lên án Bắc Kinh tiến hành các vụ bắt giữ tùy tiện để quấy rối và truy bắt các nhà bất đồng chính kiến.
Trước đó vài ngày, AP cũng đưa tin Trung Quốc đã lợi dụng Interpol để Maroc bắt Yidiresi Aishan, một nhà đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong, khi từ Istanbul đến sân bay quốc tế Mohammed V ở Casablanca hôm 20/07.
Trước những hoạt động trấn áp và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, ngày 29/07, một ủy ban lưỡng đảng của Quốc Hội Mỹ đã yêu cầu Hilton Worldwide không tham gia dự án khách sạn được xây tại một địa điểm trước đây là một đền thờ Hồi giáo bị phá năm 2018 ở địa khu Hòa Điền, Tân Cương.
Thu Hằng