Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/08/2021

Điểm báo Pháp : Trung Quốc nhắc Việt Nam không nên chơi với Mỹ

RFI tiếng Việt

Trung Quốc nhắc Việt Nam không nên bị Mỹ "lừa" ký đối tác chiến lược

Sau chuyến thăm Việt Nam của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và có tin nói phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cũng sẽ công du Việt Nam, trang Ý kiến của Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) có bài "Các chuyến thăm ráo riết của Mỹ không thể làm lung lay chính sách ‘Bốn Không’ của Việt Nam". Theo tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc rõ ràng là Mỹ muốn ve vãn Việt Nam.

thanvoimy1

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong một cuộc gặp đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang tại Hà Nội, ngày 29/07/2021. AP - Nguyen Trong Duc

Ông Austin và viên chức Mỹ cao cấp nhất thăm Việt Nam kể từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden, để bàn về Covid-19, hợp tác an ninh và chiến lược. Hà Nội rất quan tâm đến viện trợ của Hoa Kỳ để chống dịch, điều này có thể hiểu được vì Việt Nam đang phải chống chọi với đợt dịch mới. Tuy nhiên theo Hoàn Cầu Thời Báo, sẽ không có đột phá nào trong chuyến thăm này.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi gặp chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/07 đã bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, nhưng Hà Nội không có câu trả lời rõ rệt. Global Times viết rằng "công chúng" chú ý xem Hà Nội có bị Washington "lừa" hay không, nhưng thực tế cho thấy ban lãnh đạo mới của Việt Nam vẫn theo chính sách đối ngoại độc lập, đa phương và đa dạng.

Hẳn là Việt Nam với "sự khôn ngoan và cái nhìn toàn cảnh", sẽ "không đứng về phía Mỹ", mà giữ thăng bằng giữa các đại cường. Vả lại thực tế hiện nay đang phải đối phó với đại dịch nặng nề, Việt Nam muốn có được môi trường ổn định. Hà Nội "cần có sự giúp đỡ của Trung Quốc để vượt qua các khó khăn kinh tế", nên "chẳng có lợi lộc gì khi cùng với Washington và phương Tây gây rắc rối tại Biển Đông", và điều này cũng "không khả thi".

Tờ báo đảng Trung Quốc cho rằng vị thế của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ không còn nồng ấm như lúc mới chính thức tái lập quan hệ và lên đến đỉnh cao thời Obama. Cho dù chính quyền Biden nêu tên Việt Nam và Singapore trong chiến lược an ninh quốc gia công bố hồi tháng Ba, quan hệ Việt-Mỹ vẫn chưa ổn định. Trong tình hình đó, nếu Hà Nội kiên quyết thực hiện chính sách "Bốn Không" - nghĩa là không liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước khác, không đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để chống lại các nước khác, và không sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực – ngay cả nếu Washington và Hà Nội đến lúc nào đó có tuyên bố "đối tác chiến lược" đi nữa, thì chính quyền Biden cũng khó khai thác các lợi thế từ Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Hồng Kông, tuổi trẻ mất mát

Cũng tại Châu Á, Le Monde nói về "Gotham, tuổi trẻ Hồng Kông bị hy sinh". Cậu học sinh này bị bắt đúng vào ngày luật an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh áp đặt lên đặc khu bắt đầu có hiệu lực.

Khi nghe tiếng động rào rào của những ánh đèn flash trong lúc bị đè nằm sấp, đôi tay bị còng ra sau lưng, cằm trượt dài trên mặt đất, Gotham Wong hiểu rằng tình hình là nghiêm trọng. Thời điểm cuộc đời của chàng trai 17 tuổi bị đảo lộn được ghi lại trong một tấm ảnh chụp vào chiều ngày 01/07/2020 tại khu Đồng La Loan (Causeway Bay).

Bức ảnh này được lan ra khắp thế giới như biểu tượng sự đàn áp của chính quyền Hồng Kông đối với giới trẻ, càng nặng nề thêm từ khi luật an ninh có hiệu lực cách đó vài tiếng đồng hồ, vào lúc 23 giờ ngày 30/06/2020. Gotham bị choáng cho đến nỗi quên mất việc hô lớn tên mình trước khi bị giải lên xe, một thủ tục được người biểu tình áp dụng trong các sự kiện năm 2019 để cập nhật danh sách các thanh niên bị bắt giữ.

Ngày hôm đó, Gotham Wong nằm trong số vài trăm công dân Hồng Kông dám vượt qua lệnh cấm biểu tình với cớ "chống dịch". Tại Hồng Kông, ngày 01/07 hàng năm vẫn là dịp xuống đường ồ ạt nhân kỷ niệm dịp trao trả cựu thuộc địa Anh cho Trung Quốc. Nhưng với luật an ninh mới, bất kỳ hành động nào cũng có thể bị kết tội.

Cậu học sinh quay lưng chạy trốn khi bị kiểm tra nhưng xui xẻo lạc vào một con đường có chốt chặn của cảnh sát, thế là ngoài "biểu tình bất hợp pháp" còn bị quy thêm tội "chống lệnh". Gotham không mang theo một vật nguy hiểm nào, nhưng tập giáo trình về Trung Quốc đương đại trong túi xách của cậu vẫn bị giữ lại suốt cả năm như "vật chứng". Gia đình của cậu là tiêu biểu cho hình ảnh chia rẽ của Hồng Kông : cha mẹ di cư từ Hoa lục sang vẫn ủng hộ Bắc Kinh, khác với cậu con trai sinh ra tại Hồng Kông, được thụ hưởng một nền giáo dục nhân bản.

Le Monde nhấn mạnh đến số phận của người đầu tiên bị kết án theo luật an ninh mới : Đường Anh Kiệt (Tong Ying Kit). Hôm 01/07/2020, anh thanh niên 23 tuổi chạy xe gắn máy quanh khu Loan Tể (Wanchai) mang theo khẩu hiệu phổ biến trong các cuộc biểu tình mùa hè 2019 "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại". Anh đã bị lãnh án đến 9 năm tù giam hôm 27/07 vì bị kết tội "khủng bố" và "xúi giục ly khai" !

Các tập đoàn intetnet Trung Quốc rơi rụng trên thị trường chứng khoán

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos ghi nhận "Cuộc tấn công mới của cơ quan giám sát Mỹ vào các công ty Trung Quốc tại Wall Street", "Các tập đoàn internet Trung Quốc bị Bắc Kinh hạ gục", Le Figaro cho biết "Các công ty Trung Quốc trú ẩn tại thị trường chứng khoán Hồng Kông".

Trong lúc GAFAM phát đạt, cổ phiếu những công ty cạnh tranh của Trung Quốc đang sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử. Hôm thứ Bảy 31/07, khoảng 20 tập đoàn trong đó có Alibaba, Tencent, Didi đã bị chính quyền Bắc Kinh yêu cầu xem xét lại cách hoạt động. Nếu Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft có giá trị tăng cao nhất từ trước đến nay, thì chỉ số của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông và New York sụt đến 26,5 % trong tháng Bảy. Ngay cả các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm nhất cũng bị bất ngờ.

Đa số công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài dựa vào "Variable Interest Entity" (VIE), các công ty bình phong tại các thiên đường thuế. Nay các VIE đang trong tầm ngắm của Cơ quan giám sát thị trường tài chính Hoa Kỳ (SEC) lẫn Bắc Kinh. Quốc Hội Mỹ cuối năm ngoái đã thông qua một luật để kiểm soát các VIE này, còn Trung Quốc lo sợ những thông tin nhạy cảm rơi vào tay Mỹ, khiến Hồng Kông bây giờ trở thành điểm đến hàng đầu.

Afghanistan : Taliban tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ lo đối phó làn sóng tị nạn

Về mặt quân sự, Libération nhận thấy "Taliban tiến nhanh tại Afghanistan", trong khi La Croix cho biết "Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đối phó với làn sóng người Afghanistan tị nạn".

Cuộc chiến ở Afghanistan đã bước vào một giai đoạn mới, bạo lực hơn và nguy hiểm hơn. Phe Taliban trong chiến dịch tấn công từ giữa tháng Tư, không còn hài lòng với việc đánh vào các quận lỵ hẻo lánh, thưa dân và ít được những người lính thiếu thốn đạn dược canh giữ. Quân Hồi giáo nay đánh chiếm các thành phố lớn đông dân mang tính chiến lược. Hôm thứ Bảy 31/07, họ đã đồng thời tiến vào thủ phủ của ba tỉnh. Trên cả nước, kể cả ở những thành phố chiến sự chưa diễn ra, dân chúng cố tìm mọi cách để di tản.

Trước mối đe dọa từ Taliban, Ankara lo sợ một làn sóng tị nạn mới, và đang xây dựng một bức tường ở khu vực biên giới với Iran để ngăn chận di dân. Từng khối bê-tông nối tiếp nhau, bức tường khổng lồ dọc theo tỉnh Van sẽ dài đến 295 kilomet, cao 3 mét, phía trên là hàng rào kẽm gai, bên dưới là hào sâu.

Từ tháng Bảy, mỗi ngày có khoảng 500 đến 1.000 người Afghanistan chủ yếu là nam giới từ 16 đến 25 tuổi nhập cư bất hợp pháp vào Thổ Nhĩ Kỳ qua ngã Iran và nhịp độ đang tăng lên. Những chuyến bay từ Kabul chật ních người. Giới trung lưu tháo chạy bằng đường hàng không, người nghèo đi đường bộ sang Pakistan hoặc Iran để sang Thổ Nhĩ Kỳ, với hy vọng vào được Châu Âu. Lâu nay Iran vẫn tiếp nhận người tị nạn Afghanistan, nhưng những năm gần đây tình hình đã xấu đi do cấm vận của Mỹ. Người Afghanistan chiếm đa số trong số di dân không giấy tờ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không được cấp quy chế tị nạn và trợ giúp như người Syria.

Châu Mỹ la-tinh trên ngọn núi lửa

Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, tác giả Nicolas Baverez nhận định Châu lục này "đang trên ngọn núi lửa".

Venezuela dù ngồn ngộn tài nguyên khí đốt, vàng, bauxite, sắt, nickel vẫn rơi vào bạo lực, các băng nhóm kiểm soát phân nửa đất nước. Ở Haiti, tổng thống Jovenel Moise bị ám sát ; tại Nicaragua, tổng thống Daniel Ortega đàn áp thẳng tay đối lập và báo chí để tại vị thêm nhiệm kỳ thứ tư.

Nhân dân cũng đã đứng lên : biểu tình lịch sử tại Cuba hôm 11/07 do thiếu thốn thực phẩm, việc làm và tiền bạc. Ở Brazil, đám đông khổng lồ đòi cách chức tổng thống Jair Bolsonaro ; tại Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador mất quyền kiểm soát 1/3 lãnh thổ vì bọn buôn ma túy, Argentina đang sôi sục trước nguy cơ mất khả năng chi trả lần thứ 9, lạm phát lên đến 45%. Colombia căng thẳng với phong trào phản đối tăng thuế, tại Chilê người dân chống vật giá gia tăng.

Tình hình bất ổn ở Châu Mỹ la-tinh trước hết do đại dịch Covid lan tràn trong khi thiếu thốn vac-xin. Bạo lực bùng nổ, tham nhũng phổ biến mở ra cánh cửa cho độc tài và dân túy cả tả lẫn hữu. Trì trệ kinh tế và tự do bị siết lại không chỉ là thảm kịch cho người dân mà còn là đòn nặng đánh vào các nền dân chủ trong lúc phải đối đầu với tư bản toàn trị Trung Quốc và các chế độ dân chủ phi tự do.

Pháp bị làn sóng dịch Covid thứ tư 

Đợt dịch mới là mối quan tâm của các báo Pháp hôm nay 02/08/2021. Le Monde chạy tựa "Covid : Nước Pháp bị một làn sóng dịch thứ tư (tấn công)", Libération đăng ảnh nhân viên y tế đưa xác bệnh nhân đi với dòng tựa "Covid ở lãnh thổ hải ngoại : ‘Chúng tôi đã kiệt lực’", trong khi Le Figaro tự an ủi "Bất chấp đợt dịch thứ tư, du lịch vẫn hoạt động tốt". Nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến nạn cháy rừng ở California,còn tờ báo kinh tế Les Echos cho biết "Hàng made in France muốn tận dụng sự khởi sắc".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)