Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/08/2021

Điểm báo Pháp – Afghanistan : cuộc di tản hỗn loạn

RFI tiếng Việt

Afghanistan : Từ thất bại của "state building" đến cuộc di tản hỗn loạn

Tổng thống Mỹ luôn biện minh "đã hoàn thành nhiệm vụ, không phải là ‘nation building’, mà là đấu tranh chống khủng bố". Theo nhà bình luận Dominique Moisi, lý lẽ này hoàn toàn không vững, vì mục tiêu thứ hai trong một thời gian dài vẫn được coi là điều kiện để hoàn tất mục tiêu thứ nhất. Cựu đặc sứ Pháp Pierre Lellouche nhận định "state building", cùng với nhân dân Afghanistan, là nạn nhân chính trong chiến thắng của Taliban.

ditan1

Một người lính thủy quân lục chiến Mỹ bế trên tay một em bé tại phi trường quốc tế Hamid Karzai, Kabul, Afghanistan. Ảnh của binh chủng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ngày 20/08/2021.  AP - 1st Lt. Mark Andries

Trang nhất của Les Echos hôm nay đăng ảnh tổng thống Mỹ Joe Biden trên một cái nền u ám với dòng tít "Afghanistan, các bài học của thất bại Mỹ". Chủ đề Afghanistan vẫn tiếp tục được các báo Pháp bàn luận ở những trang trong. Về các hồ sơ khác, Le Figaronhận thấy "Ukraine cố đưa Crimea ra khỏi quên lãng"La Croix phàn nàn trước hố sâu ngăn cách các nước giàu nghèo về vac-xin, Le Monde đặt vấn đề liệu có thể đạt được miễn dịch cộng đồng Covid hay không, Libération bàn về tuần lễ làm việc bốn ngày.

Trước hết, tình hình hỗn loạn ở khu vực phi trường Kabul được Les Echosmô tả trong bài "Afghanistan : Di tản trong hỗn loạn", Libérationso sánh tình trạng này như "một chiếc bẫy". Le Figarocho biết số nạn nhân tăng lên ở sân bay Kabul, cònLe Mondenhận xét "Biden đứng trước thử thách di tản người Mỹ".

Chạy đua với thời gian cho cuộc di tản "khó khăn nhất lịch sử"

Một cuộc chạy đua với thời gian đang diễn ra tại phi trường quốc tế Kabul, lối thoát duy nhất khỏi Afghanistan từ khi đất nước rơi vào tay phe Taliban cách đây một tuần. Gần 25.000 người đã được di tản bằng cầu không vận, và sân bay có thể bị đóng cửa trong một tuần nữa : Washington đã ấn định thời điểm triệt thoái toàn bộ là 31/08. Trong khi chờ đợi, 6.000 lính Mỹ canh gác phi trường, ốc đảo an toàn cuối cùng cho các nhân viên sứ quán phương Tây và những người Afghanistan có thể gặp nguy hiểm với Taliban.

Chỉ có các máy bay quân sự mới được hạ cánh xuống phi đạo Kabul. Mỗi ngày, các phi cơ vận tải đưa hàng ngàn người ra đi rồi quay lại chở thêm hàng ngàn người khác, tạo thành một cầu không vận cho "một trong những cuộc di tản quan trọng nhất và khó khăn nhất trong lịch sử", theo Joe Biden. Trên kênh ABC, tổng thống Mỹ nói rằng sẽ di tản tất cả người Mỹ đang có mặt ở Afghanistan – từ 10.000 đến 15.000 người – và tất cả cộng sự địa phương cùng với gia đình, ước tính gần 65.000.

Nhưng người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu, ông Joseph Borrell nhận định việc đưa 60.000 người ra đi trước cuối tháng này là bất khả, đơn thuần về mặt tính toán. Hoa Kỳ đã di tản 17.000 người trong đó có 2.500 công dân Mỹ đến các căn cứ ở Qatar và Kuwait, quân đội Anh đưa đi gần 4.000 người, Pháp di tản trên 1.000 người sang căn cứ không quân ở Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất với cầu không vận bằng các phi cơ A400M và C130. Chuyến bay di tản thứ năm đã đáp xuống Paris hôm thứ Bảy 21/08.

Tình hình hỗn loạn, máy bay di tản phải về không

Một nguồn tin quân sự cho Libération biết không hề gặp khó khăn gì về phương tiện hay năng lực, nhưng khó nhất là lấp đầy máy bay, vì tình hình phức tạp, nhất là xung quanh phi trường.

Theo Le Monde, hôm thứ Năm 19/08 một máy bay điều từ Romania đã quay trở về với một hành khách duy nhất. Mười sáu người Bỉ hôm thứ Sáu 20/08 được sơ tán sang Pakistan, nhưng chuyến bay quân sự thứ hai của Bỉ đã trở về trống không. Có 169 người Mỹ co cụm trong khách sạn Baron gần phi trường được ba trực thăng quân đội bốc đi, một quyết định được đưa ra tại chỗ, cho thấy tình hình vô cùng phức tạp.

Ba cổng vào được lính Mỹ và Anh canh gác, mỗi ngày đám đông tuyệt vọng mấy chục ngàn người cố gắng tràn vào. Taliban giữ một khoảng cách bên ngoài phi trường, nhưng lại đặt các chốt kiểm soát trên nhiều ngõ vào. Những ai không vượt được các bức tường sân bay phải quay trở về có thể bị những ông chủ mới của Kabul coi là "kẻ chạy trốn" khả nghi.

Khó thể lọt vào cửa ải sân bay

Chính trong vùng đệm giữa các họng súng Taliban và những hàng rào kẽm gai của quân đội Mỹ, diễn ra những cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Các gia đình đầy sợ hãi bị xô đẩy thô bạo mỗi khi có những phát súng chỉ thiên, có tin đồn, hoặc một lối thoát về hướng sân bay được mở ra trong chốc lát. Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace khi trả lời tờ Mail hôm qua tuyên bố không có nước nào di tản được tất cả mọi người nếu Mỹ vẫn duy trì lịch trình.

Đa số các sứ quán phương Tây đã dời vào phi trường, danh sách người Afghanistan xin tị nạn ngày càng dài thêm, nhưng khó nhất là làm sao đến được sân bay. Khoảng 100 quân nhân Pháp được huy động, nhưng chỉ hỗ trợ người ra đi ở quanh khu vực này.

Le Figaro dẫn lời Saifuddin Sepehr, người sáng lập một start-up cho biết đã nhiều lần cố vào bằng tất cả các cổng, nhưng người vợ bị thương khi Taliban bắt đầu nổ súng, con trai 4 tuổi suýt bị đám đông đè bẹp. Rachid, phiên dịch cho nhiều tờ báo, kể lại Taliban dùng gậy gộc và dây xích quất bừa vào dòng người. Theo NATO, có ít nhất 20 người đã thiệt mạng.

Quốc hội Mỹ muốn mở điều trần về Afghanistan

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết 13 nước đã đồng ý tạm thời nhận những người tị nạn Afghanistan chưa thể đến Mỹ, và 12 nước khác cho quá cảnh, tuy nhiên báo chí Mỹ nêu ra nhiều khó khăn về logistic và hành chính của cầu không vận. Le Monde cho biết, bị mọi phía chỉ trích, Joe Biden đề nghị dời lại các tranh cãi chính trị một khi di tản xong.

Nhưng ngay từ tuần tới, Quốc hội muốn nhiều nhân vật trong chính quyền Biden phải ra điều trần. Tuy đồng thuận về việc rút khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh, nhưng cách thức tháo chạy đã làm cả Cộng hòa lẫn Dân chủ bàng hoàng. Hơn nữa nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ được các công dân đang tuyệt vọng ở Afghanistan và các hiệp hội cựu chiến binh trực tiếp khiếu nại.

Trong số báo ra ngày 19/08, Wall Street Journal tiết lộ nội dung một bức điện ngoại giao ngày 13/08, cảnh báo nguy cơ Taliban chiếm Kabul một khi quân Mỹ triệt thoái xong vào ngày 31/08. Được hỏi về bức điện này hôm thứ Sáu 20/08, Joe Biden cố làm giảm nhẹ tầm quan trọng, nói rằng có quá nhiều điện tín và đủ loại tư vấn.

Afghanistan, bài học lớn cho phương Tây

Về ảnh hưởng quốc tế của việc Taliban quay lại, nhà chính trị học Dominique Moisi trong bài "Thất bại Afghanistan, một bài học khủng khiếp cần suy ngẫm đối với phương Tây" trên Les Echos cho rằng phương Tây cần phải đoàn kết lại sau sự kiện này.

Một hình ảnh có thể tổng kết thảm kịch Afghanistan : một em bé được đưa lên khỏi hàng rào ở phi trường, giao phó cho một người lính Mỹ. Một bên là hy vọng sống, bên kia là nỗi sợ chế độ toàn trị thần quyền. Cha mẹ đứa bé rõ ràng đã nghĩ "Các vị bỏ rơi chúng tôi, nhưng hãy cho bé một cơ hội, cháu còn quá nhỏ và vô tội".

Có một khoảng cách lớn giữa hình ảnh thực tại và các tuyên bố của tổng thống Mỹ cũng như Taliban. Joe Biden chối bỏ trách nhiệm, muốn viết lại lịch sử - gây sốc về khía cạnh đạo đức và nguy hiểm về chính trị. Còn những phát biểu đầu tiên của Taliban nhằm trấn an, tuy nhiên thực tế cho thấy họ hành động ngược lại. Chỉ có Trung Quốc và Nga tỏ vẻ tin tưởng, nhưng thực ra là đồng lõa.

Suốt cả tuần lễ, tổng thống Mỹ luôn biện minh : "Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, không phải là ‘nation building’, mà là đấu tranh chống khủng bố". Theo nhà bình luận Moisi, lý lẽ này hoàn toàn không vững, vì mục tiêu thứ hai trong một thời gian dài vẫn được coi là điều kiện để hoàn tất mục tiêu thứ nhất.

Tuy nhiên giờ đây không phải là lúc chỉ trích sự bất nhất của Mỹ, mà phương Tây hơn bao giờ hết, đang trên cùng một chuyến tàu trước tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc và Nga.

Một chiếc tàu không người lèo lái, thế nên Châu Âu cần ý thức về trách nhiệm chiến lược. Châu Âu cần tăng cường quốc phòng, đứng bên cạnh Washington, khi Bắc Kinh và Moskva vẫn luôn muốn chia rẽ. Thất bại thảm hại ở Afghanistan cần phải thúc đẩy phương Tây xích lại gần nhau với những giá trị chung.

Sự phá sản của khái niệm "state building"

Cựu đặc sứ Pháp tại Afghanistan và Pakistan trong nhiệm kỳ tổng thống Nicolas Sarkozy, ông Pierre Lellouche khi trả lời Le Figaro đã nhận định "Thất bại của Mỹ tại Afghanistan đánh dấu sự phá sản của ‘state building’".

Khái niệm "state building", cùng với nhân dân Afghanistan, là nạn nhân chính trong chiến thắng của Taliban. Có cùng nhận định là ông Biden đã nói dối khi phủ định mục tiêu này, ông Lellouche cho rằng cùng với ngọn cờ giải phóng phụ nữ, khái niệm này đã được truyền bá trong dư luận phương Tây cho 20 năm chiến tranh. Những người lính Mỹ và Afghanistan đã ngã xuống, hàng ngàn tỉ đô la được đổ ra nhằm xây dựng một Nhà nước dân chủ.

"State building" - xây dựng các chính phủ dân chủ sau chiến tranh - là khái niệm được đưa ra từ năm 1945, trên những hoang tàn tại các quốc gia bại trận là Đức và Nhật. Riêng ở Đức, những người Mỹ chiến thắng áp dụng nguyên tắc 3D : Démilitarisation (phi quân sự hóa), Dénazification (phi quốc xã hóa) và Démocratisation (dân chủ hóa). Ví dụ ở Đức và Nhật Bản khiến phe tân bảo thủ ở Mỹ cổ vũ cho "state building sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín : kiến tạo các Nhà nước dân chủ để tánh chiến tranh và đối phó với khủng bố.

Tuy nhiên, ông Lellouche cho rằng chỉ là ảo tưởng, khi muốn từ bên ngoài tạo ra một tầng lớp tinh hoa chính trị, nghị viện, tổ chức bầu cử là đủ cho một nền dân chủ hoạt động. Cũng là ảo tưởng khi lập ra các chính phủ trên cơ sở các kế hoạch được soạn thảo từ Châu Âu hay Hoa Kỳ, thường là tách rời khỏi thực tế trong nước. Sự kiện Afghanistan là một đòn nặng cho phương Tây, nơi được cho là tạo dựng các giá trị phổ quát cho các dân tộc trên thế giới.

Mỹ bỏ rơi Afghanistan, Trung Quốc có thể dòm ngó Đài Loan ?

Cũng trên Les Echos, cựu đại sứ Pháp tại Syria, Michel Duclos nhận định việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là một "đòn đánh vào sự khả tín của Mỹ", và chỉ trong vài ngày, khả năng Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan trong những năm tới bỗng tăng thêm 20 đến 30%. Bỏ rơi Afghanistan khiến Bắc Kinh và Moskva càng tin rằng phương Tây đang suy tàn không thể cứu vãn.

Gánh nặng của việc ổn định Afghanistan liệu sẽ rơi vào Trung Quốc, Nga, Iran, Ấn Độ ? Theo ông Duclos, nếu Taliban im lặng về Tân Cương, phe này có thể trông cậy vào nhiều nhà bảo trợ, nhất là Trung Quốc, Pakistan, Nga, cũng như Assad tại Syria với Nga và Iran. Ông cho rằng sẽ có tăng cường hợp tác Trung Quốc-Nga-Iran, nhưng ba nước này không hẳn sẽ yên lành trong tương lai trước mối đe dọa khủng bố Hồi giáo.

Nhà bình luận Moisi nhấn mạnh, Taliban không hề thay đổi, tuy rằng sau 20 năm họ dường như đã học hỏi được nhiều về truyền thông. Nhưng làm thế nào tin được Taliban sẽ có thái độ cởi mở hơn với phụ nữ trong một Nhà nước Hồi giáo theo luật Sharia, và cứng rắn với Al Qaeda ?

Người Mỹ đã thất bại trong việc thành lập một quân đội và một chính quyền đúng nghĩa, nhưng đã gieo rắc những hạt giống tự do trong xã hội Afghanistan.Taliban khó thể đàn áp hoàn toàn, nhất là vào thời đại cách mạng công nghệ và thông tin, xã hội chưa hẳn tuân phục chế độ mới mà các dấu hiệu kháng chiến ở tỉnh Panjshir là bằng chứng. Sự phức tạp về sắc tộc và địa lý khiến các ông chủ mới có thể thất vọng trong tương lai. Nếu thất bại của phương Tây đã rõ, chiến thắng của Taliban kém rõ ràng hơn.

Taliban trước nguy cơ thiếu tiền

Về mặt tài chính, Le Monde cho biết Taliban đang phải đối mặt với nguy cơ cạn nguồn thu. Viện trợ quốc tế vốn chiếm đến 42% GDP đa số đã bị ngưng lại.

Cho tới trước khi sụp đổ, Afghanistan mỗi tuần đều nhận được một chuyến hàng toàn đô la từ Hoa Kỳ, lấy từ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Afghanistan (DAB). Chuyến hàng lẽ ra đến nơi vào ngày Chủ nhật 15/08, ngày Kabul thất thủ, đã bị ngưng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng phong tỏa số tiền 450 triệu đô la dự định chuyển đến vào ngày 23/08, Đức lẽ ra viện trợ 430 triệu euro trong năm nay, thông báo tạm hoãn. Viện trợ có thể là công cụ để cộng đồng quốc tế gây áp lực với Taliban, tuy Trung Quốc và có thể là Nga cũng có thể ra tay hỗ trợ.

Theo ước tính của cựu thống đốc Ajmal Ahmady, DAB có dự trữ ngoại hối 9,5 tỉ đô la nhưng hầu hết ở nước ngoài. Số tiền mặt và vàng hiện còn trong két sắt ngân hàng ở Kabul chỉ chiếm 0,1 đến 0,2% tổng dự trữ. Taliban có thể dựa vào nguồn thu lâu nay là buôn lậu heroin và "thuế" đánh vào các cơ sở thương mại. Nhưng nhà phân tích Farzana Shaikh của Chatham House nhấn mạnh, nguồn tiền này dùng cho chiến đấu, hoàn toàn không đủ để một Nhà nước hoạt động. Trong hoàn cảnh hiện tại, Taliban có thể nhanh chóng trở thành một Nhà nước phá sản.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 585 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)