Các nhà nghiên cứu Brazil phát hiện một phân tử trong nọc rắn có thể ức chế việc sinh sản của virus corona trong tế bào của khỉ, bước đầu tiên có khả năng tiến tới một loại thuốc trị virus gây đại dịch Covid-19.
Tín đồ Hindu Ấn Độ đổ sữa lên tượng rắn mang bành tại lễ hội "Nag Panchami" tại một đền thờ Amritsar, ngày 13/8/2021.
Cuộc nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Molecules trong tháng này phát hiện phân tử do rắn có nọc độc jararacussu sản xuất có thể ức chế khả năng nhân lên của virus corona trong tế bào khỉ đến 75%.
"Chúng tôi có thể chứng tỏ thành phần này trong nọc rắn có thể ức chế chất protein rất quan trọng trong virus", ông Rafael Guido, một giáo sư tại Đại học Sao Paulo và là tác giả cuộc nghiên cứu, cho biết.
Phân tử vừa kể là một peptide, hay chuỗi amino acid, có thể kết nối với một enzyme của virus corona tên là PLPro (vốn thiết yếu cho việc sinh sản của virus) mà không làm tổn thương đến các tế bào khác.
Từng được biết tiếng về các phẩm chất kháng khuẩn, peptide có thể được tổng hợp trong phòng thí nhiệm, ông Guido nói, nghĩa là không cần thiết phải bắt hay nuôi loại rắn này để lấy nọc.
"Chúng tôi biết có người đi săn bắt rắn jararacussu xung quanh Brazil, nghĩ rằng họ đang cứu thế giới… Không phải vậy !" - ông Giuseppe Puorto, một nhà nghiên cứu các loài bò sát thuộc Viện thu thập sinh học Butantan ở Sao Paulo, nói. "Không phải tự chính nọc độc có thể chữa được virus corona".
Bước kế tiếp, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá tính hiệu nghiệm của những liều phân tử khác nhau và xem liệu chúng ngay từ đầu có thể ngăn chặn virus corona xâm nhập tế bào hay không, theo một tuyên bố của Đại học Quốc gia Sao Paulo cũng liên hệ đến cuộc nghiên cứu.
Họ hy vọng sẽ thử nghiệm chất này trên tế bào con người, nhưng không cho biết thời điểm.
Jararacussu là một trong những loài rắn lớn nhất tại Brazil, có thể dài đến 2 mét. Chúng sống trong Rừng Đại Tây Dương dọc bờ biển và cũng có mặt ở Bolivia, Paraguay, và Argentina.