Nhật Bản tìm cách duy trì nhiệm vụ mở rộng của Lực lượng Phòng vệ
Minh Anh, 11/09/2021
Trang mạng thông tin NHK của Nhật Bản ngày 11/09/2021 cho biết chính phủ Nhật Bản thảo luận về việc tiếp tục triển khai lực lượng phòng vệ (ADF) tham gia gìn giữ hòa bình và sự ổn định của thế giới.
Tokyo muốn duy trì khả năng mở rộng quyền hạn của lực lượng phòng thủ. Ảnh minh họa : thủ tướng Nhật Yoshihide Suga Behrouz Mehri AFP
Trong vòng 20 năm qua, ngay sau loạt tấn công khủng bố ngày 11/9, Nhật Bản đã cho triển khai nhiều tầu chiến của ADF tại Ấn Độ Dương để hỗ trợ cho hạm đội Mỹ. Nhiệm vụ của hải quân Nhật Bản chủ yếu tập trung vào khía cạnh hậu cần như tiếp liệu cho tầu chiến Mỹ chẳng hạn.
Luật về an ninh quốc gia ban hành năm 2015 cho phép Tokyo thực hiện các công tác cứu hộ và bảo vệ công dân đất nước trong trường hợp khẩn cấp ở nước ngoài.
Nhưng những năm gần đây, Nhật Bản cho rằng nhiều rủi ro an ninh thế giới, như khủng bố chẳng hạn mỗi lúc một gia tăng trên thế giới. Và nhiệm vụ của ADF, nhất là cuộc chiến chống hải tặc và can thiệp trong trường hợp có thảm họa rất được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong bối cảnh này, nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Tự do Dân chủ - chính đảng lớn chiếm đa số ở Nghị Viện muốn tạo thêm nhiều thuận lợi cho lực lượng phòng vệ. Họ lấy làm tiếc rằng chính phủ đã không có phản ứng nhanh trước những biến chuyển xấu đi đột ngột tại Afghanistan sau khi Taliban trở lại cầm quyền.
NHK nêu rõ không quân Nhật Bản đã sơ tán được một phụ nữ người Nhật và 14 người Afghanistan ra khỏi đất nước, nhưng nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành khi để lại nhiều người khác nữa tại quốc gia Nam Á này.
Về phần mình, hãng tin Reuters ngày 10/09/2021 dẫn nguồn tin bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết quan chức ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có một cuộc họp tại Tokyo để thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Minh Anh
**********************
Nhật Bản ký thỏa thuận xuất khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam
RFA, 11/09/2021
Nhật Bản và Việt Nam hôm 11/9 đã ký một thỏa thuận cho phép Nhật Bản xuất khẩu các thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật cho Việt Nam, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi tới Hà Nội.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang hồi tháng 6/2021 – Quân đội nhân dân
Hãng tin Kyodo News của Nhật trích lời Bộ trưởng Kishi nói tại họp báo trực tuyến tiếp theo sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang rằng, Nhật bản sẽ tăng tốc các thảo luận với phía Việt Nam để bán các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho Việt Nam.
Theo Kyodo News, Việt Nam là quốc gia thứ 11 ở Đông Nam Á ký thỏa thuận như vậy với Nhật Bản, vào khi Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động đòi hỏi chủ quyền ở hai khu vực là Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Kyodo News trích lời một giới chức quốc phòng Nhật cho biết thỏa thuận này được ký vào khi Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu trang thiết bị quốc phòng.
Hiện tại, Nga là nước cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam, bao gồm máy bay chiến đấu, tàu ngầm, xe tăng.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Phan Văn Giang, ông Kishi cũng nói ông muốn gửi một thông điệp đến cộng đồng quốc tế và phản đối mạnh mẽ bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm làm thay đổi thực trạng.
Bộ trưởng Kishi cũng bày tỏ mong muốn duy trì một khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở, quan ngại về việc Trung Quốc thực hiện Luật hải cảnh cho phép dùng vũ khí tấn công các tàu nước ngoài ở vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Nhật Bản thời gian qua đã viện trợ các tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm ba tàu cá cỡ lớn đã qua sử dụng. Hồi năm ngoái hai nước cũng ký Hiệp định vốn vay ODA trị giá gần 350 triệu đô la cho dự án sáu tàu tuần tra mà Nhất sẽ đóng cho Việt Nam. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án từ tháng 7.2020 - 10.2025 khi tàu tuần tra thứ 6 được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.
********************
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản thăm Việt Nam
RFA, 10/09/2021
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo thăm Việt Nam từ ngày 10 tới ngày 12 tháng 9.Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 10/9. Trong cùng ngày tại buổi họp báo ở Nhật Bản, ông Kishi cũng đã xác nhận thông tin này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo tại một buổi họp báo ở Nhật trước đây. Reuters
Chuyến thăm của ông Kishi Nobuo đến Việt Nam diễn ra trong thời gian Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng có chuyến thăm Việt Nam.
Ông Kishi sẽ gặp Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, để thảo luận về ‘tình hình khu vực, bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông’, truyền thông Nhật Bản cho hay.
Hai vị lãnh đạo quốc phòng cũng sẽ có các cuộc thảo luận về thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng đã được hai nước bàn tới trước đây.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng Kishi Nobuo cũng đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang.
Trả lời báo chí Nhật Bản hôm 10/9, ông Kishi cho biết : "Với mong muốn thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực và cộng đồng quốc tế, tôi mong muốn được trao đổi và tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam".
Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Nhật dự định diễn ra vào giữa tháng Tám ; tuy nhiên, đã bị hoãn lại vì Covid-19.
Trong một diễn biến khác, theo trang tin Stars and Stripes hôm 9/9, Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey của Mỹ đã cập cảng Nhật, nơi có căn cứ hải quân lớn nhất của Washington ở vùng Viễn Đông.
Tin cho biết, tàu Dewey sẽ gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 71 thuộc Hải đội tàu khu trục 15, là bộ chỉ huy tác chiến trên mặt nước của Mỹ ở Yokosuka, đóng vai trò chỉ huy tác chiến trên biển cho Nhóm tấn công tàu sân bay Ronald Reagan.
Trả báo chí hôm 10/9, chỉ huy của Lực lượng Đặc nhiệm 71 - ông Chase Sargeant cho biết, Dewey là một sự bổ sung tuyệt vời nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và các quốc gia đồng chí hướng, dựa trên luật pháp quốc tế ở một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.