Bàn tay sắt của Tập Cận Bình khiến nội bộ Trung Quốc thêm rối ren
Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các phe sẽ càng gia tăng từ nay đến đại hội đảng 2022, là dịp ông Tập ngồi lại thêm nhiệm kỳ thứ ba, nếu không có chiếc bẫy nào giăng ra trên con đường độc hành của ông. Theo chuyên gia Payette, một số nhân vật cao cấp trong quân đội kêu gọi nên ôn hòa hơn với bên ngoài, vì họ không muốn phải trả giá trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 01/10/2019. AP - Mark Schiefelbein - Ảnh tư liệu
Tập Cận Bình bóp nghẹt xã hội và kinh tế tư nhân, và hậu Afghanistan tiếp tục là những chủ đề được báo chí Pháp chú ý.Le Figarochạy tựa "Bước ngoặt mao-ít đáng ngại của Tập Cận Bình tại Trung Quốc", dành hai trang báo lớn và bài xã luận cho chủ đề này.
Bóng ma Hồng vệ binh
Một nữ diễn viên nổi tiếng biến mất, trong khi một bài viết sặc mùi mao-ít được lăng-xê. Bức màn sắt đang sập xuống thế giới mạng Hoa lục, trước một sự kiện quan trọng cho tương lai chính trị Tập Cận Bình. Từ ngày 26/08, tất cả những gì liên quan đến Triệu Vy (Zhao Wei) đều bị thô bạo xóa khỏi các công cụ tìm kiếm, gây kinh ngạc cho người hâm mộ và giới giải trí. Điều này cho thấy cô diễn viên - đã trở thành nhà đầu tư khôn khéo nhờ có quan hệ thân thiết với tỉ phú Mã Vân (Jack Ma) - nay bị lọt vào danh sách đen.
Trong khi đó lời kêu gọi "tiêu diệt những thế lực suy đồi" của một blogger bí ẩn ký tên Lý Quang Mãn (Li Guangman) trên Wechat lại được Nhân Dân Nhật Báo và Tân Hoa Xã nêu ra, như đóng dấu triện chính thức. Tố cáo "sự bao vây của Mỹ nhằm kích thích một cuộc cách mạng màu ở Trung Quốc", bài viết cảnh báo một "đội quân đế quốc thứ năm", hàm ý các tập đoàn tư nhân.
Giới trí thức và chính trị ở Bắc Kinh lo lắng trước bóng ma một thập niên đại loạn đã làm nhiều triệu người chết, do Mao Trạch Đông đang yếu thế khởi động năm 1966 nhằm nắm lại bộ máy đảng. Những tuần qua, liên tục có những biện pháp chống lại các "thần tượng ẻo lả", nhân danh "văn hóa xã hội chủ nghĩa", trấn áp các đại tập đoàn tư nhân như Alibaba. Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cây bút xã luận nhiều ảnh hưởng, đã phải cảnh báo xu hướng "Hồng vệ binh", tố cáo "ảo tưởng của một thiểu số".
Tổng biên tập của tờ báo dân tộc chủ nghĩa Global Times vốn thường xuyên đả kích phương Tây, cho rằng bài viết "nhạy cảm" này không phản ánh đường lối chính thức của đảng. Như để tự trấn an, Hồ Tích Tiến viết trên blog cá nhân : "Tôi hy vọng rằng mọi người đều tin đường hướng cải cách và mở cửa của Trung Quốc không thay đổi" - công khai bộc lộ sự chia rẽ nội bộ hiếm hoi trong một Trung Quốc đỏ bị kiểm duyệt khóa kín kể từ khi Tập Cận Bình lên ngôi năm 2013. Ông thú nhận : "Khi nghĩ đến tất cả những gì thiếu thận trọng mà tôi đã phát biểu trong những năm qua, được người khác ghi lại trên điện thoại di động, liệu tôi sẽ là người kế tiếp bị truy sát trên mạng hay không ?".
Mao trị vì nhờ thiên hạ đại loạn, Tập ngự trị trên trật tự áp đặt
Một giảng viên đại học Bắc Kinh tỏ ra chừng mực, nói rằng bài viết cực đoan của Lý "nhằm đe nẹt giới nhà giàu". Trong hậu trường chính trị âm u của đảng, khó thể nhận ra những đấu đá nội bộ tàn khốc phía sau cánh cửa đóng kín của Trung Nam Hải.
Gọng kềm siết về phía tả mới nhất được mượn từ Mao : quan niệm "cộng đồng phú dụ" (thịnh vượng chung) để tập thế hóa đất đai của nông dân trong thập niên 50. Nhận thấy số tỉ phú gia tăng và bất bình đẳng giàu nghèo trầm trọng, hoàng đế đỏ lo ngại xảy ra bất ổn xã hội. Giải pháp của ông ta là trấn áp kinh tế tư nhân, tìm cách tiêu diệt ảnh hưởng phương Tây, "chỉnh đốn tư tưởng" trong xã hội.
Tuy vậy, đối với Rana Mitter, đại học Oxford, "Tập không phải là Mao. Ông ta bị ám ảnh với trật tự, còn ‘Người cầm lái vĩ đại’ ngự trị bằng thiên hạ đại loạn". Thay vì một cuộc cách mạng với tầng lớp dưới được đông đảo hồng vệ binh tiến hành, Tập áp đặt việc kiểm soát từ trên cao.
Tập Cận Bình đã cương quyết ngoặt sang phía trái hôm 17/08 sau hội nghị Bắc Đới Hà, giương lên lá cờ mác-xít. Và hướng tả khuynh vẫn tiếp tục, theo nhận xét của Alex Payette, cơ quan phân tích Cercius.
"Tấn công vào doanh nhân sẽ khiến Trung Quốc lại rơi vào nghèo khổ"
Các tập đoàn công nghệ Alibaba, Tencent, bị một loạt biện pháp chỉnh đốn và trừng phạt từ vài tháng qua, nhanh chóng tỏ ra biết điều với loan báo đóng góp lần lượt là 17 và 7 tỉ đô la để phục vụ cho "thịnh vượng chung". Một nhà chính trị học Bắc Kinh muốn giấu tên nhận định đó là "một giai đoạn mới của việc tập trung quyền lực, tăng cường ảnh hưởng của đảng trên nền kinh tế".
Trong nỗi lo sợ tầng lớp giàu có sẽ trở thành mục tiêu bị tấn công sắp tới, cổ phiếu của các tập đoàn sở hữu những thương hiệu hàng xa xỉ như LVMH, Kering bị sụt mất 10% sau tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc. Giá cổ phiếu Burberry, Richemont giảm 6%, tương tự đối với các hãng xe hơi sản xuất Porsche, Ferrari.
Giáo sư kinh tế Zhang Weimin, đại học Bắc Kinh lo ngại việc Nhà nước can thiệp quá đáng, làm xói mòn kinh tế thị trường. Ông cảnh báo : "Tấn công vào người giàu và doanh nhân chỉ làm hại cho việc làm, cho người tiêu thụ, cho lãnh vực từ thiện, và khiến đất nước lại rơi vào cảnh nghèo khó". Bài viết của giáo sư đăng ngày 01/09 trên trang web của một think tank uy tín nay đã biến mất.
Những người chủ trương cải cách - mở cửa dần với thế giới để hiện đại hóa các doanh nghiệp và giảm bớt nợ nần - tỏ ra thất vọng, chừng như họ đang phải đứng ngoài lề như thủ tướng Lý Khắc Cường. Gọng kềm mới gieo rắc lo ngại nơi các nhà đầu tư, và phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), nhân vật trung thành với ông Tập phải vội vàng trấn an rằng vẫn luôn ủng hộ "lãnh vực tư nhân". Từ khi Lưu Hạc can thiệp, cả Lý Quang Mãn lẫn Hồ Tất Tiến đều im tiếng.
Nội bộ Bắc Kinh không êm ấm
Bước ngoặt sang tả này nhằm đáp ứng tình thế đối đầu chiến lược với Washington, từ khi ông Donald Trump khởi động thương chiến khiến Tập Cận Bình buộc lòng phải "tự cung tự cấp" trong các lãnh vực quan trọng như vật liệu bán dẫn, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ nội địa để giảm lệ thuộc vào xuất khẩu.
Ông Tập muốn tập trung cho thị trường trong nước, trấn giữ phía sau "vạn lý trường thành" gồm cách ly, kiểm duyệt, cô lập dưới ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa. Tập Cận Bình tấn công vào các giá trị phương Tây, rêu rao đạo đức xã hội chủ nghĩa và "văn hóa truyền thống Trung Hoa tuyệt vời", pha trộn giữa Mác và Khổng Tử. Đồng thời âm thầm áp đặt sùng bái lãnh tụ, đưa "tư tưởng Tập Cận Bình" vào sách giáo khoa ngay từ mùa tựu trường năm nay.
Không ai dám trực tiếp phản đối, nhưng theo chuyên gia Payette : "Hội nghị Bắc Đới Hà không kết thúc êm đẹp. Một số nhân vật cao cấp trong quân đội kêu gọi nên ôn hòa hơn với bên ngoài, vì họ không muốn phải trả giá trong trường hợp xảy ra xung đột".
Tập Cận Bình vẫn "đá xéo" các đối thủ tiềm tàng, nhắc nhở số phận các tướng lãnh đã dám thách thức Mao trong thời kỳ Trường Chinh. Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các phe và những chiếc ghế quan trọng trong Bộ Chính trị sẽ càng gia tăng từ nay đến hội nghị trung ương tháng 11 tới, trước khi bước vào đại hội đảng 2022, là dịp ông Tập ngồi lại thêm nhiệm kỳ thứ ba, nếu không có chiếc bẫy nào giăng ra trên con đường độc hành của ông.
Bàn tay sắt của Tập và hình ảnh mềm yếu của Biden
Trong bài xã luận mang tựa đề "Bàn tay sắt của Tập", Le Figaro cho rằng dưới cái nhìn của Trung Quốc, lời tiên đoán của "hoàng đế Tập Cận Bình" về sự suy tàn của phương Tây bắt đầu trở thành hiện thực tại Afghanistan.
Khi thu dọn hành lý ra đi trong hỗn loạn dưới sự đe dọa của quân Hồi giáo, sức mạnh Mỹ đã chịu một đòn nặng vượt quá khu vực phi trường Kabul. Global Times chưa chi đã dằn mặt Đài Loan về nguy cơ bị Hoa Kỳ "bỏ rơi". Joe Biden khẳng định "tình hình cơ bản khác nhau", nhưng ý định trắc nghiệm quyết tâm Mỹ của Bắc Kinh lại càng mạnh mẽ hơn.
Trong cạnh tranh địa chính trị, hai cường quốc đi theo quỹ đạo khác nhau : Mỹ thu mình lại và chia rẽ nội bộ, trước một Bắc Kinh độc tài dân tộc chủ nghĩa, tập quyền ở trung ương. Không dừng ở việc thu xếp để có thể trị vì suốt đời, Tập Cận Bình còn tăng cường quyền lực cá nhân, nhồi sọ "tư tưởng" của mình cho thế hệ trẻ ngay từ cấp tiểu học.
Chủ nghĩa đế quốc hung hăng kèm theo việc tăng cường quân sự của Bắc Kinh trong khi bên kia Thái Bình Dương những vấn đề chính trị làm yếu đi sức mạnh của Nhà Trắng, cho thấy sẽ có nhiều bất trắc. Tập Cận Bình dùng bàn tay sắt điều khiển Trung Quốc, chuẩn bị cho sự đối đầu giữa hai khối ; còn Joe Biden lại đưa ra một hình ảnh yếu kém và nhập nhằng. Nhật báo Pháp tỏ ra lo lắng nhưng vẫn hy vọng sẽ không dẫn đến một sự cố nguy hại.
Covid tại Pháp : Trách nhiệm của chính khách và quyền lực đối trọng
Về thời sự nước Pháp, Le Monde nhận thấy việc Tòa án Công lý Cộng hòa (CJR) khởi tố cựu bộ trưởng y tế Agnès Buzyn hôm 10/09 với cáo buộc "gây nguy hiểm cho tính mạng người khác" đã gây xôn xao rất nhiều. Cuộc điều tra được mở ra từ mùa hè 2020, theo đơn kiện của các nhân viên y tế và thân nhân của bệnh nhân, cho rằng chính phủ đã đánh giá thấp nguy cơ dịch tễ toàn cầu, và những quyết định sai lầm, hoặc không có quyết định một khi đại dịch Covid-19 từ Vũ Hán ập đến.
Vụ khởi tố ngoạn mục này có thể là khởi đầu cho những vụ khác, như với cựu thủ tướng Edouard Philippe hay người kế nhiệm của bà Buzyn là Olivier Véran. Đây không phải là điều tra về hối lộ hay xung đột lợi ích, mà để biết với những thông tin có được trong những tuần lễ cao điểm ấy, có những quyết định đúng đắn được đưa ra đúng lúc hay không, và sự thật vào lúc đó có bị che giấu. Tóm lại, để biết rằng viên chức phụ trách về y tế có hành động đúng với tầm vóc trách nhiệm được giao phó hay không.
Tuy nhiên, tờ báo cho rằng việc vận dụng luật hình sự để trừng phạt sự bất tài của một bộ trưởng, trước hết là thất bại của các quyền lực đối trọng dân chủ. Phương thuốc đưa ra chừng như còn tệ hại hơn căn bệnh : mối đe dọa phải ra tòa khiến các chính khách có khuynh hướng tự bảo vệ đằng sau những quy trình, có nguy cơ mất đi thời gian vàng, nhất là trong cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu này.
Thụy My