Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/10/2021

Điểm báo Pháp – Tên lửa siêu thanh : Kim Jong-un thúc ép Joe Biden

RFI tiếng Việt

Tên lửa siêu thanh : Kim Jong-un "khua chiêng gõ trống" để thúc ép Joe Biden

Ngoại trừ Les Echos đã chú ý đến một tin vui kinh tế từ nước Pháp, tựa chính trang nhất các tờ báo lớn hôm nay 07/10/2021 đều dành cho quốc tế, từ tình trạng thiếu hụt hàng hóa bắt đầu xuất hiện khắp nơi trên Le Monde, những cáo buộc nhắm vào mạng xã hội Facebook trên La Croix, cho đến cuộc song đấu được dự báo trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil tới đây trên Libération. Trong toàn cảnh đó, rất đáng quan tâm là hồ sơ về Bắc Triều Tiên được Le Figaro nêu bật.

bactrieutien1

Bắc Triều Tiên phô trương tên lửa siêu thanh trong một cuộc diễu hành quốc khánh - Ảnh minh họa

Dưới hàng tựa lớn trang nhất "Kim Jong-un làm căng thẳng với Mỹ gia tăng", nhật báo thiên hữu Pháp ghi nhận các diễn biến đáng ngại ở vùng Đông Bắc Á : "Vào lúc Bắc Triều Tiên vừa thử nghiệm một tên lửa siêu thanh thì Seoul lại muốn trang bị tàu ngầm hạt nhân cho mình. Cuộc chạy đua vũ trang đang tăng tốc ở Châu Á".

Kim Jong-un "thổi phồng" kho vũ khí trước Joe Biden

Trong bài phân tích bên trong mang tựa đề "Kim Jong-un thổi phồng kho vũ khí của mình trước mặt Joe Biden", Le Figaro cho rằng khi bắn đi một tên lửa siêu tốc Hwasong-8 vào cuối tháng 9, chế độ Bình Nhưỡng tự nhận mình đã vào được câu lạc bộ rất khép kín của những nước sở hữu loại tên lửa tối tân có khả năng bay với tốc độ hơn 6.000 cây số/giờ. Nếu được kiểm chứng, điều đó sẽ làm thay đổi tương quan chiến lược trong khu vực.

Có điều là, theo một cựu quân nhân phương Tây tại Seoul được Le Figaro trích dẫn : "Thử nghiệm là một chuyện, nhưng triển khai được trên quy mô rộng các loại vũ khí mới lại là một chuyện khác". Nhà quan sát này khẳng định : "Bắc Triều Tiên đang chơi trò phô trương thanh thế".

Thị uy để làm gì ? Đối với Le Figaro, vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới đây nằm trong chiến lược dài hạn của nhà độc tài Kim Jong-un, đã rút kinh nghiệm từ các bế tắc về ngoại giao của ông với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump để đẩy mạnh việc tăng cường kho vũ khí tên lửa hạt nhân, qua đó củng cố vị thế đàm phán của mình với Mỹ.

Bằng chứng là dù đã tung ra những lời lẽ hung hăng nhắm vào Mỹ, dù đã tăng gia đáng kể các vụ thử tên lửa trong những tháng gần đây, Bình Nhưỡng vẫn tránh vượt qua lằn ranh đỏ mà Washington đã vạch ra : Đó là thử nghiệm một hỏa tiễn liên lục địa có thể bay đến Mỹ.

Đối với chuyên gia Go Myung-hyun, thuộc viện nghiên cứu Asean tại Hàn Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên chỉ đi theo kịch bản cố hữu để bước vào bàn đàm phán trong thế thượng phong : "Kim Jong-un đã đẩy quả bóng sang sân của Washington và tìm cách tác động lên các nội dung đàm phán sắp tới".

Hàn Quốc cũng muốn sở hữu tàu ngầm hạt nhân

Theo Le Figaro, đối mặt với kho vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên và sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đến lượt Seoul cũng rút ra bài học từ thỏa thuận Aukus giữa Mỹ, Anh và Úc, đòi được trang bị các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Le Figaro đã trích lời một nhà quan sát phương Tây tại Seoul cho rằng khi đồng ý chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cho đồng minh Úc trong khuôn khổ Thỏa thuận Aukus, tổng thống Mỹ Joe Biden đã "mở nắp chiếc hôp Pandora", tức là mở đường cho các đòi hỏi tương tự từ các đồng minh khác, trong đó có Hàn Quốc.

Trong một bài viết trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 20/09 vừa qua, ông Ji Hoon-yu, một sĩ quan hải quân, giáo sư về chiến lược quân sự tại Học Viện hải quân Hàn Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ "xem xét lại" chủ trương không chuyển giao công nghệ tàu ngầm nguyên tử nhân danh nguyên tắc chống phổ biến vũ khí hạt nhân, để "ủng hộ ước vọng của Seoul trong việc có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử".

Nên cảnh giác trước Kim Jong-un

Trong bài xã luận ngay trên trang nhất mang tựa đề "Các chiếc trống của Kim", hay nói nôm na là "ông Kim khua chiêng gõ trống", Le Figaro đã không che giấu thái độ quan ngại.

Theo tờ báo Pháp, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un quả là có một cách làm triệt để để phần còn lại của thế giới không quên ông : Một vài vụ thử tên lửa đe dọa các láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản, những sáng chế công nghệ có tính chất gây lo ngại cho Hoa Kỳ và như mọi khi, sự tăng tốc của một chương trình hạt nhân mà không ai loại bỏ được.

Do không còn có thể diễn màn song ca bi hài với Donald Trump, người được mệnh danh là "Rocketman" đã trở lại phương thức tồn tại truyền thống rộn rã kèn trống của mình. Theo các chuyên gia quen thuộc với cách làm này, thông qua các hành động phô trương cơ bắp, Kim Jong-un đã công khai từ chối đề nghị đối thoại của chính quyền Biden, nhưng là để nâng giá và có thể thương lượng trong thế mạnh.

Đối với Le Figaro, bị cô lập hơn bao giờ hết do đợt dịch Covid, vốn đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trong nước, quốc gia này đã nêu bật khả năng gây phiền toái của mình để không bị lãng quên.

Vấn đề mà tờ báo Pháp lưu ý là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với các hành vi của Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan và khả năng các nước Châu Á đang bị thúc giục phải chọn phe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, không nên xem nhẹ các động thái của Bắc Triều Tiên.

Đã đành là ông Kim không phải là mẫu người sẵn sàng đi theo hẳn một phe, ngay cả với Trung Quốc, nước chắc chắn sẽ không bỏ rơi Bắc Triều Tiên cho dù tình hình chuyển biến thế nào đi nữa. Thế nhưng, Le Figaro kết luận : Nhân vật không thể kiểm soát được này có thể làm trầm trọng thêm tính nguy hiểm của một cuộc chiến tranh lạnh và Washington có lẽ nên giải quyết vấn đề này như một ưu tiên.

Thất nghiệp tại Pháp sút giảm "ngoạn mục"

Như nói ở trên, nhật báo kinh tế Les Echos là tờ báo lớn duy nhất dành tựa chính trang nhất để loan báo một tin vui cho nước Pháp : "Thất nghiệp : Hướng đảo ngược ngoạn mục của đường cong".

Theo Les Echos, nhờ đà gia tăng ngoạn mục về số công ăn việc làm, nhanh hơn cả đà tăng của dân số trong hạn tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp dự kiến sẽ chỉ là 7,6% vào cuối năm nay 2021. Nếu bỏ qua năm 2020, một năm không điển hình, thì phải lần ngược về cách nay hơn một thập niên, tức là vào cuối năm 2008, mới thấy một mức thấp như vậy.

Trích dẫn dự báo công bố hôm qua (06/10) của viện thống kê Pháp INSEE, tỷ lệ thất nghiệp được đo lường theo cách tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) sẽ giảm bình quân 0,4 điểm ở Pháp trong quý 3 năm nay để đạt 7,6% dân số lao động và được giữ ở mức ổn định trong ba tháng cuối năm.

Đối với lãnh đạo bộ phận phân tích tình huống kinh tế của Viện INSEE Julien Pouget, thì dự báo này khá chắc chắn vì "không bao gồm nhiều yếu tố bất ổn".

Theo Les Echos, tổng thống Emmanuel Macron sẽ là người có lợi nhờ tình trạng thất nghiệp lùi bước này. Ông vẫn chưa tuyên bố quyết định tái tranh cử và có lẽ sẽ không vội loan báo. Thể nhưng nhóm vận động tranh cử trong tương lai của ông đã có thể khoe ra một kết quả mà ít ai dám đặt cược chỉ vài tháng trước đây thôi, một kết quả mà người tiền nhiệm của ông là François Hollande đã hoài công chạy theo : Sự đảo ngược của đường cong thất nghiệp.

Nhật báo kinh tế Pháp nhắc lại rằng vào quý 2 năm 2017, tức là vào đầu nhiệm kỳ của tổng thống Macron, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp vẫn là 9,5%. Do vậy, ngoại trừ tình huống kinh tế bị đảo lộn bất ngờ, mục tiêu thất nghiệp giảm xuống mức 7% mà nguyên thủ quốc gia Pháp từng đặt ra cho thời điểm cuối nhiệm kỳ 5 năm của ông đã trở nên đáng tin cậy trở lại.

Nguy cơ thế giới thiếu hụt hàng hóa

Cũng tập trung vào lãnh vực kinh tế như đồng nghiệp Les Echos, nhưng Le Monde lại chú ý đến môt thực tế không vui qua hàng tựa lớn trang nhất trải dài trên 5 cột báo : "Kinh tế : Tại sao tình trạng thiếu hụt (hàng hóa) sẽ kéo dài".

Le Monde trước hết ghi nhận tình hình các hãng quần áo may sẵn, giày thể thao và đồ chơi đang bị thiếu hụt nguồn cung, điều có thể thấy ở các cửa hàng. Khó khăn cũng bắt đầu lan ra lãnh vực lương thực thực phẩm, đẩy giá các mặt hàng này lên cao

Tình trạng căng thẳng đối với các mặt hàng tiêu dùng này, cộng thêm với sự thiếu hụt vật liệu xây dựng, đang làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

Theo Le Monde, hiện tượng thiếu hụt hàng hóa bắt nguồn từ một loạt yếu tố : Sự sụt giảm sản xuất tại Trung Quốc do tình trạng thiếu điện, việc các nước Đông Nam Á chậm mở cửa do ảnh hưởng của đại dịch Covid, trong lúc sức tiêu thụ tại Châu Âu và Hoa Kỳ lại gia tăng nhờ các kế hoạch kích cầu.

Trong tình hình đó, các công ty vận tải biển phải vận chuyển một khối lượng hàng hóa ngày càng tăng nhanh (+ 10,8% vào năm 2021, theo dự báo mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới, trong lúc sức chứa của các cảng container lại có hạn.

Tình trạng tàu chở container ùn tắc ở lối vào các cảng đang gia tăng, kéo dài thời gian vận chuyển và khiến phí chuyên chở hàng hóa tăng vọt, đã tăng gấp 10 lần trong vòng mười tám tháng.

Kết quả là tình trạng thiếu hụt tăng lên gấp bội, từ gia vị đến len, từ đồ chơi đến iPhone, với những phản ứng dây chuyền là thiếu mặt hàng này sẽ khiến mặt hàng khác bị khan hiếm đi. Một ví dụ rõ nét là nạn thiếu linh kiện bán dẫn đã buộc các nhà sản xuất ô tô phải đóng cửa một số nhà máy của họ.

Cuộc đọ sức Lula và Bolsonaro tại Brazil

Về thời sự quốc tế, nhật báo thiên tả Pháp Libération hôm nay đã giới thiệu trở lại gương mặt sáng giá của cánh tả Brazil hiện nay : Cựu tổng thống Lula da Silva. Hàng tựa lớn trang nhất tờ báo Pháp ghi ngắn gọn "Lula : Bolsonaro sẽ thua".

Libération đã giới thiệu bài phỏng vấn độc quyền mà cựu nguyên thủ quốc gia Brazil đã dành cho tờ báo ngày 30/09 vừa qua, trong bối cảnh ông đang xem xét khả năng đối đầu với đương kim tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro nhân cuộc bầu cử vào năm 2022.

Tờ báo Pháp ghi nhận là một năm trước cuộc bầu cử, ông Lula dẫn đầu các cuộc điều tra dư luận. Là nhân vật được yêu thích nhất trong cuộc thăm dò, dù chưa phải là một ứng cử viên, nhưng ông đã tham gia chiến dịch tranh cử, đả kích đương kim tổng thống Bolsonaro và vạch ra những đường lối trở lại nắm quyền của cánh tả và Đảng Công Nhân của ông.

Trong bài phỏng vấn dành cho Libération, cựu tổng thống Lula không ngần ngại cho rằng "Bolsonaro hiện không chấp nhận rời bỏ quyền lực, nhưng nhân dân Brazil sẽ quyết định khác".

Bầu cử tổng thống ở Brazil : Bolsonaro và bóng ma đảo chính

Riêng về người được dự báo là sẽ thua cựu tổng thống Lula trong cuộc bầu cử năm 2022, đương kim tổng thống Bolsonaro được cho là đang đang đẩy mạnh các cuộc biểu dương vũ lực và lên tiếng ám chỉ rằng sẽ có một cuộc đảo chánh của quân đội rất trung thành với ông.

Theo Libération, 36 năm sau khi gạt bỏ chế độ độc tài quân sự (1964-1985), Brazil đang bị nỗi lo đảo chánh quân sự ám ảnh trở lại, một mối đe dọa mà chính vị tổng thống cực hữu đôi khi không ngần ngại nói rõ.

Về phần các thành phần ủng hộ ông, họ chỉ có hai từ được lặp đi lặp lại : can thiệp quân sự" để bảo vệ lãnh tụ của họ và loại bỏ những phần tử chống chính quyền Bolsonaro.

Sự kiện gây sốc gần đây nhất xảy ra ngày 7 tháng 9, một ngày lễ quốc gia được Bolsonaro chọn để phô trương vũ lực, hậu thuẫn cho điều được ông gọi là một "phản ứng chống đảo chính cần thiết". Chỉ riêng ở São Paulo, 125.000 người ủng hộ tổng thống đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông.

Vấn đề là dù bị cho là kẻ thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới, ông Bolsonaro vẫn duy trì được một thành phần trung thành đông đảo, chiếm gần 1 phần tư người Brazil, bất chấp cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và dịch tễ, với 600.000 ca tử vong chính thức vì Covid-19.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 460 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)