Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/10/2021

Điểm tuần báo Pháp – Trung Quốc Zero Covid có còn đứng vững không ?

RFI tiếng Việt

Zero Covid : Trung Quốc còn đơn thương độc mã đến bao giờ ?

Trong đại dịch, các cơ sở đảng có thêm quyền hành kiểm soát người dân, họ không dễ gì buông bỏ và đảng cũng vậy. Đảng cộng sản Trung Quốc còn có lợi ích chính trị lớn hơn khi duy trì zero Covid, trước một loạt sự kiện lớn sắp tới : Thế vận hội mùa đông, họp Quốc hội và Đại hội đảng.

zero1

Một pa-nô trên đường phố Bắc Kinh với hình vẽ nhân viên y tế cổ vũ "Hãy mang khẩu trang" để chống Covid, 14/10/2021.  AP - Andy Wong

Không thể đánh cá ở Hoàng Sa, ngư dân Việt phải mạo hiểm ra khơi xa

Courrier International trích dịch bài điều tra đăng trên tờ Tempo ở Jakarta, cho biết các ngư dân Châu Á phải tranh giành nhau nguồn lợi hải sản ngày càng giảm sút ở Biển Đông, do bị Trung Quốc giành mất khu vực đánh cá. Năm 2015, ước tính đã thu hoạch được 10 triệu tấn hải sản trên Biển Đông, chiếm 12% sản lượng thế giới, và ngày càng giảm. Một nghiên cứu của đại học British Columbia ở Canada cho thấy đánh cá bất hợp pháp và lạm sát đã hủy diệt 70 đến 90% nguồn lợi ở vùng biển này kể từ thập niên 50.

Theo bài báo, các tàu đánh cá Việt Nam thường đi vào Indonesia và Malaysia là từ cảng Tắc Cẩu ở Kiên Giang. Một ngư dân trên một chiếc tàu 200 tấn thổ lộ mỗi chuyến đi biển kéo dài ba tháng. Họ hiếm khi đến vùng biển gần Trung Quốc, và cho rằng việc Malaysia hay Indonesia bắt giữ tàu cá Việt Nam là không đúng, vì họ hành nghề tại vùng biển được nhiều nước đòi hỏi chủ quyền.

Một ngư dân khác từ cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi bị bắt tại Malaysia cho biết không dám đến Hoàng Sa hay Trường Sa như các ngư dân lớp trước. Dù các quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng các tàu tuần duyên Trung Quốc thường uy hiếp họ, thậm chí bắn vào ngư dân. Tuy chính phủ khuyến khích đánh cá tại Hoàng Sa và Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền, nhưng khi bị tàu Trung Quốc phá hoại, Nhà nước chẳng giúp đỡ gì để sửa chữa. Vả lại cũng chẳng còn cá, các tàu Trung Quốc đã vét sạch nguồn lợi tại hai quần đảo này.

Một nhà nghiên cứu của đại học Khoa học quốc gia Việt Nam xác nhận, ngư dân Việt không dám ra Hoàng Sa, Trường Sa vì tàu Trung Quốc là tàu lớn hung hăng với mũi bằng sắt, máy tàu hiện đại có công suất lớn. Không chỉ Việt Nam, ngư dân Philippines cũng bị giành mất vùng biển gần đảo Thị Tứ vốn rất nhiều cá. Theo phía Malaysia, 80% trong số 300 ngư dân bị bắt từ 2019 là từ Việt Nam, còn Indonesia cho biết trong 5 năm gần đây, 286/489 tàu đánh cá nước ngoài bị chận lại là của Việt Nam.

Xuất khẩu vac-xin Trung Quốc giảm mạnh do kém tác dụng

Trên lãnh vực y tế, Le Figarocuối tuần giải thích "Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất vac-xin chống Covid hàng đầu như thế nào ?". Tuy nhiên vac-xin Trung Quốc bị nghi ngờ về hiệu quả, và ngoại giao vac-xin thất bại.

Sản lượng vac-xin chống Covid của thế giới sẽ vượt 12 tỉ liều từ nay đến cuối năm, trong đó phân nửa là từ các nhà sản xuất Hoa lục. Tuy không có vac-xin Trung Quốc nào được Châu Âu và Hoa Kỳ cho phép sử dụng, nhưng Bắc Kinh lại bán được cho trên 110 nước trên thế giới, chủ yếu là của Sinovac và Sinopharm. Hai hãng này thiết lập một mạng lưới đối tác tại nhiều nước, kể cả chen chân vào được hai quốc gia Đông Âu là Serbia và Hungary.

Theo nhà phân tích Caroline Casey của Airfirnity, Bắc Kinh lợi dụng việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu khiến cơ chế Covax không được cung ứng ; nhiều nước đang phát triển không mua được vac-xin phương Tây đành phải quay sang Trung Quốc. "Ngoại giao vac-xin" của Bắc Kinh ban đầu rất rầm rộ, nhưng những tháng gần đây đã giậm chân tại chỗ. Vac-xin "made in China" kém tác dụng đã làm nguội đi nhiệt tình của các nước phương nam.

Giữa tháng Bảy, Malaysia loan báo sẽ ngưng sử dụng Sinovac vì lo lắng về hiệu quả. Tại Indonesia, nước mua vac-xin Trung Quốc nhiều nhất (211 triệu liều), cái chết của 131 nhân viên y tế vào mùa hè dù đã chích ngừa bằng Sinovac, khiến người dân hết sức lo sợ, và phải chích thêm Moderna cho bác sĩ, y tá. Thái Lan cũng chấm dứt mua của Bắc Kinh, trở thành nước đầu tiên tiêm thêm AstraZeneca cho những người đã chích một hoặc hai liều Sinovac. Tiếp đến sẽ là Cam Bốt, dù là đồng minh hết sức thân thiết. Còn Thổ Nhĩ Kỳ sau khi mua 100 triệu liều Sinovac, nay quay sang Pfizer đặt hàng 120 triệu liều.

Tình trạng bị quay lưng có thể thấy rõ trong số liệu của hải quan Trung Quốc : xuất khẩu vac-xin sụt mất 21% trong tháng Tám, còn 1,96 tỉ đô la so với 2,5 tỉ đô la vào tháng Bảy, sau khi tăng liên tục từ tháng 12/2020.

Các nước Châu Á từ bỏ chiến lược zero Covid

Về đại dịch, "Các nước Châu Á rốt cuộc đã từ bỏ chiến lược zero Covid", và The Economist cho rằng họ đã đúng. Trong thời gian đầu, chiến lược này gặt hái thành công ngoạn mục qua việc đóng cửa biên giới, cách ly nghiêm ngặt.

Hồng Kông không có trường hợp nhiễm cộng đồng nào từ giữa tháng Tám, Đài Loan chỉ có hơn một chục người chết vì Covid trong năm đầu, New Zealand chỉ 27 tử vong. Tuy nhiên biến thể Delta đã thay đổi tất cả. Số người thiệt mạng vì Covid ở Đài Loan gần 850, tại Singapore số dương tính hàng ngày từ hai con số nhảy lên 3.000, Úc khoảng 2.000.

Nhận thấy đã quá trễ để chận được biến thể Delta, Singapore là nước đầu tiên từ bỏ chiến lược zero Covid. Đến cuối tháng Tám Úc cũng theo chân, Việt Nam thì từ tuần trước, và tuần này đến lượt New Zealand đầu hàng. Ngược lại Bắc Kinh dường như vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược này. Tuần báo Anh đặt câu hỏi "Trung Quốc còn theo zero Covid đến bao giờ ?"

Bắc Kinh chưa đủ tự tin với 7 loại vac-xin bằng virus bất hoạt

The Economist mô tả một cơ sở rộng bằng 45 sân bóng đá, với một loạt các tòa nhà xám xịt cao ba tầng gồm 5.000 phòng ở ngoại ô Quảng Châu, là trung tâm cách ly đầu tiên được xây lên cho những người từ nước ngoài vào Hoa lục. Họ được đưa thẳng đến, trong hai tuần lễ, dù đã chích ngừa đầy đủ hay không, vẫn phải sống tách biệt tại đây, thức ăn được robot mang đến. Ngay cả nhân viên y tế cũng không được ra khỏi. Sau bốn tuần làm việc, phải cách ly một tuần và thêm hai tuần nữa tại nhà.

Theo số liệu chính thức, đến 10/10, Trung Quốc chỉ có 4.636 người chết vì Covid. Nếu thế giới lại phải đối mặt với một trận dịch tương tự, nhiều nước sẽ lại hành động như Trung Quốc, nhưng rốt cuộc tất cả đều phải đối mặt với cùng một câu hỏi : bao giờ thì giảm nhẹ các biện pháp ? Trong khi phần còn lại của thế giới chấp nhận sống chung với Covid, Bắc Kinh vẫn khăng khăng. Tập Cận Bình không tiếp khách ngoại quốc cũng không ra nước ngoài từ tháng Giêng 2020.

Nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng đến chính sách zero Covid : con virus biến đổi, vac-xin hiệu quả thấp, thiệt hại kinh tế và tâm lý người dân. Trung Quốc có 7 loại vac-xin đều theo phương pháp bất hoạt cổ điển Quân đội Trung Quốc đang hợp tác với hai công ty tư nhân để nghiên cứu vac-xin loại mới ARN thông tin, nhưng còn chậm chân trong công nghệ. Ngay cả một vac-xin ARN thông tin của CureVac, một hãng Đức giàu kinh nghiệm trong lãnh vực này, cũng chỉ hiệu quả có 47%.

Cần phải có rất nhiều thời gian trước khi Bắc Kinh đủ tự tin về vac-xin để từ bỏ zero Covid. Khác với Việt Nam, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn mạnh, nhờ đại dịch khiến người dân phương Tây bị phong tỏa tại nhà đã đặt mua rất nhiều hàng điện tử, dụng cụ thể thao…làm lợi cho Trung Quốc.

Kéo dài zero Covid có lợi cho Đảng cộng sản Trung Quốc

Một số chuyên gia Trung Quốc đã gợi ý khi nào tỉ lệ tiêm chủng đã cao và tử vong thấp xuống, có thể bỏ chính sách zero Covid. Chẳng hạn Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, chuyên gia dịch tễ Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong) đã đặt vấn đề mở cửa từ năm tới, nhưng họ không trong Bộ Chính trị. Về phần những quan chức cao cấp muốn giữ nguyên trạng. Trong đại dịch, các cơ sở đảng đã được hà hơi, có thêm quyền hành kiểm soát người dân, họ không dễ gì buông bỏ và đảng cũng vậy. Đảng hy vọng các chân rết của mình đóng vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì trật tự đô thị, nhờ kỹ năng có được trong đại dịch.

Đảng cộng sản còn có lợi ích chính trị lớn hơn khi duy trì zero Covid, trước một loạt sự kiện lớn sắp tới. Tháng Hai, Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội mùa đông, tháng Ba là kỳ họp thường niên Quốc hội, và cuối năm đến đại hội đảng – đỉnh vinh quang của ông Tập, sẽ tiếp tục nắm quyền ít nhất 5 năm nữa.

Cơn bão nhân quyền đang đe dọa Olympic mùa đông. Các nhà đấu tranh và chính khách phương Tây kêu gọi tẩy chay để phản đối Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, đàn áp Hồng Kông. Tuy vậy ngày 29/09 Ủy ban Olympic loan báo quyết định của Trung Quốc : để kiểm soát virus, không khán giả nào từ nước ngoài được tham dự - giảm thiểu nguy cơ khách ngoại quốc biểu tình. Còn về khả năng các nhà lãnh đạo nước ngoài tẩy chay, Trung Quốc có thể tránh né bằng cách không mời họ.

Đa số người dân, được kích thích với chủ nghĩa dân tộc của Tập Cận Bình, ủng hộ zero Covid. Nhiều người tin theo tuyên truyền của báo chí nhà nước, cho rằng phương Tây đã gian dối về nguồn gốc con virus để bôi xấu Trung Quốc. The Economist kết luận, một khi Bắc Kinh rốt cuộc quyết định sống chung với Covid, không hẳn nhiều người dân Hoa lục sẽ vui mừng. Họ coi đây là việc phương Tây đã đóng cửa với Trung Quốc trong đại dịch, chứ không phải ngược lại. Tâm trạng cay đắng của họ sẽ còn kéo dài, không chỉ vì zero Covid.

Khủng hoảng năng lượng thế giới vì đâu ?

L’Express tuần này kỷ niệm một năm sau vụ Samuel Paty, người thầy giáo Pháp bị một kẻ Hồi giáo cực đoan sát hại dã man. L’Obs dành trang bìa cho chính khách cực tả Jean-Luc Mélenchon, Le Pointnói về "Pháp-Algérie, cuộc chiến bí mật". Hồ sơ củaCourrier Internationaltập trung cho "Năng lượng, một cuộc khủng hoảng kéo dài", tương tự,The Economistchạy tựa "Cú sốc năng lượng".

Giá điện tăng vọt tại Châu Âu, các vụ cúp điện liên tục xảy ra tại Trung Quốc, và gần đến mùa đông nhưng lượng khí đốt cũng như than đá dự trữ đang ở mức thấp nhất tại nhiều nước. Thế giới đang trong khủng hoảng năng lượng, trách nhiệm do ai ?

Phải chăng là Nga, khi tập đoàn Gazprom vẫn có vai trò thống trị về khí đốt ? Hay tại Châu Á, do kinh tế sau đại dịch phục hồi nhanh hơn dự kiến ? Hoặc vì Châu Âu tự do hóa thị trường, do thời tiết thất thường làm nhu cầu tăng lên ? Báo chí mỗi nước nói một kiểu, được Courrier International trích dịch. Tờ Quartz (Mỹ) nhận định, cuộc khủng hoảng khởi đầu từ Châu Âu đang trở nên toàn cầu, và các chuyên gia cảnh báo khi nền kinh tế đang dần từ bỏ năng lượng hóa thạch, điều tệ hại nhất đang còn ở phía trước.

Tại Anh giá điện tăng gấp ba so với cách đây mười năm. Ở Brazil và Hoa Kỳ, giá khí đốt và điện cũng tăng, còn tại Trung Quốc các công ty giảm bớt sản lượng smartphone và các sản phẩm chiến lược xuất khẩu khác vì điện quá đắt. Ngày 28/09, giá dầu thô Brent đạt mức cao nhất từ ba năm qua.

Ở các tiểu bang vùng vịnh Mexico, trận bão Ida và những thiên tai khác đã ảnh hưởng đến sản lượng dầu khí. Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Châu Âu, từ chối gia tăng xuất khẩu ; còn các nước Châu Á tranh giành với Châu Âu để nhập khí hóa lỏng (GNL). Công cuộc chống biến đổi khí hậu cũng gây rắc rối. Các công trình phong điện thiếu gió từ nhiều tháng qua, thủy điện Trung Quốc và Nam Mỹ giảm sản lượng vì hạn hán. Năng lượng hóa thạch ngày càng đắt ở Châu Âu do phí carbone cao, các nhà cung cấp Trung Quốc bị chính quyền làm áp lực giảm dùng than đá.

Tuần trăng mật mặn mà Pháp-Hy Lạp

L’Expressphân tích "Tuần trăng mật giữa Paris và Athens" : là đồng minh từ 200 năm qua, Pháp và Hy Lạp càng xích lại gần hơn trước căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ và có cùng quan điểm về tương lai Châu Âu. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis lên nắm quyền từ mùa hè 2019 là một chính khách chủ trương tự do, kỹ trị và không tin vào sự phân chia tả-hữu, giống như tổng thống Emmanuel Macron. Ông Mitsotakis thuở nhỏ sống ở Paris, nơi người cha Konstantinos Mitsotakis (thủ tướng Hy Lạp 1990-1993) tị nạn, cũng như nhiều nhà đối lập với chính quyền quân sự thời đó.

Cũng trên chiếc phi cơ của tổng thống Valéry Giscard d’Estaing (VGE) mà cựu thủ tướng Konstantinos Karamanlis trở về quê hương một cách vinh quang năm 1974. "VGE" cũng gây áp lực mạnh mẽ để Hy Lạp được kết nạp vào CEE (Cộng đồng Kinh tế Châu Âu) năm 1981 với lý lẽ "không thể đóng cửa trước Platon". Gần đây năm 2015 khi nhiều nước trong đó có Đức muốn để Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, tổng thống Pháp François Hollande đã phủ quyết.

Hôm 28/09 Pháp và Hy Lạp ký một thỏa thuận : Pháp bán ba chiến hạm tối tân nhất giá 3 tỉ euro – một an ủi sau vụ tàu ngầm Úc. Kèm theo là điều khoản hỗ tương, sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị tấn công. Ông Mitsotakis nhắc nhở, khi hải quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm lãnh hải Hy Lạp mùa hè 2020, chỉ có Pháp gởi sang một tàu chở trực thăng, một chiến hạm và hai chiến đấu cơ Rafale để hỗ trợ cho Athens.

Tuy vậy Hy Lạp cũng không dám qua mặt ông anh cả Mỹ, thương vụ mua thêm 18 chiếc Rafale sau đó được kín đáo báo cho phía Mỹ trong dịp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đồng thời muốn mua F-35. Athens hy vọng từ nay đến cuối năm được gia hạn hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ có từ 30 năm trước. Hiệp ước này dự kiến sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Hy Lạp trong trường hợp có xung đột lớn, nhất là với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 381 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)