Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/10/2021

Lần đầu tiên, Myanmar không được mời dự Thượng đỉnh ASEAN

RFI tổng hợp

Tập đoàn quân sự Miến Điện đổ lỗi cho EU và Mỹ về việc bị ASEAN tẩy chay

Trọng Nghĩa, RFI, 17/10/2021

Ngay sau khi khối Đông Nam Á ASEAN công bố quyết định không cho lãnh đạo quân sự Miến Điện tham dự Hội nghị Thượng đỉnh sắp mở ra, chính quyền Naypyidaw ngày 16/10/2021 đã lên án việc không tôn trọng truyền thống đồng thuận và nguyên tắc của Hiệp Hội Đông Nam Á, đồng thời khẳng định rằng ASEAN đã chiều theo sức ép của Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.

myanmar1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và đồng nhiệm Indonesia, Retno Marsudi trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN ngày 23/09/2021 bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ). Mỹ và Liên Âu bị chính quyền quân sự Miến Điện ngày 16/10/2021 tố cáo là đã gây sức ép trên ASEAN để trục xuất Miến Điện ra khỏi Thượng Đỉnh ASEAN.  © AP - Kena Betancur

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trên trang Facebook của mình, bộ Ngoại Giao Miến Điện trong tay chính quyền quân sự cho rằng quyết định của ngoại trưởng 9 nước còn lại trong ASEAN ngày 15/10 đã được đưa ra mà "không có sự đồng thuận và đi ngược lại các mục tiêu của ASEAN, Hiến Chương ASEAN và các nguyên tắc của hiến chương này".

Tuyên bố nói thêm : "Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược đang nổi lên trong khu vực, việc bỏ qua truyền thống tốt đẹp của ASEAN là thúc đẩy sự thống nhất trong đa dạng và giải quyết những khác biệt thông qua tham vấn và đồng thuận sẽ ảnh hưởng lớn đến sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN".

Trước đó, theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên tập đoàn quân sự Miến Điện Zaw Min Tun đã nói rằng Hoa Kỳ và các đại diện của Liên Hiệp Châu Âu đã gây áp lực buộc các lãnh đạo khác của ASEAN loại lãnh đạo quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing ra khỏi hội nghị thượng đỉnh toàn khối sẽ diễn ra từ 26-28/10.

Phát ngôn viên này khẳng định : "Sự can thiệp của nước ngoài cũng có thể được nhìn thấy ở đây. Trước đó (tức là trước khi ASEAN ra quyết định), chúng tôi được biết rằng phái viên của một số nước (ASEAN) đã gặp gỡ các bộ phận đối ngoại của Mỹ và nhận áp lực từ EU".

Trong một thông báo hôm qua của chủ tịch đương nhiệm ASEAN là Brunei, cuộc họp khẩn cấp của các ngoại trưởng ASEAN hôm 15/10 đã quyết định sẽ mời một "đại diện phi chính trị" từ Myanmar đến tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối. Tuyên bố không nêu tên tướng Min Aung Hlaing hoặc đại diện phi chính trị sẽ được mời thay thế ông, và ghi nhận quan điểm "dè dặt" đối với chính quyền quân sự Miến Điện.

Đối với giới phân tích, động thái hiếm hoi của ASEAN hôm 15/10 là một bước ngoặt lớn trong nỗ lực của Hiệp Hội Đông Nam Á nhằm đối phó với thành viên Miến Điện, đã không thực hiện những lời hứa với toàn khối.

Trên mạng Twitter, Aaron Connelly, một nhà phân tích Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS đã cho động thái kể trên là một "bước đột phá thực sự đối với ASEAN và đối với các lực lượng chống tập đoàn quân sự (Miến Điện)".

Theo chuyên gia này, quyết định của ASEAN đã "khôi phục uy tín của nền ngoại giao ASEAN và tước đi cơ hội để tập đoàn quân sự Miến Điện phô trương mình là một chính phủ hợp pháp - những hình ảnh mà họ đã sử dụng để làm nản chí phong trào phản kháng trong nước".

Theo South China Morning Post, nhiều nhà phân tích khác cũng hoan nghênh tính chưa từng có của quyết định, cho rằng đó có thể là một bước ngoặt trong nỗ lực gây áp lực trên tướng Min Aung Hlaing và tập đoàn quân sự tại Miến Điện.

Trọng Nghĩa

*********************

Miến Điện bị loại khỏi thượng đỉnh ASEAN

Thanh Hà, RFI, 16/10/2021

Trong cương vị chủ tịch luân phiên hiệp hội các nước Đông Nam Á, Brunei ngày 16/10/20201 thông báo lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, không được mời tham dự thượng đỉnh ASEAN. Lý do : Naypyidaw không thực hiện đầy đủ kế hoạch 5 điểm nối lại đối thoại tại Miến Điện 10 tháng sau cuộc đảo chính do quân đội tiến hành. 

myanmar2

Tướng Min Aung Hlaing, trên truyền hình tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Miến Điện, ngày 11/02/2021, tại Naypyitaw sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.  AP

Kết thúc cuộc họp trực tuyến hôm 15/10/2021 ở cấp ngoại trưởng, các bên quyết định không mời đại diện của chính quyền Miến Điện. Quyết định được đưa ra sau khi Naypyidaw từ chối cho phép đại diện của Hiệp hội các nước Đông Nam Á tiếp xúc với tất cả các bên, trong đó có cựu lãnh đạo chính quyền dân sự Miến Điện bị lật đổ, bà Aung San Suu Kyi.

Thông cáo chính thức của các ngoại trưởng ASEAN giải thích thêm : Quân đội Miến Điện không thi hành đầy đủ thỏa thuận nhằm vãn hồi đối thoại chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho các công tác nhân đạo, tại quốc gia Đông Nam Á này từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.

Hãng tin Pháp AFP nhận định việc không mời lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự thượng đỉnh tại Brunei mở ra từ ngày 26 đến 28/10/2021, là một "phản ứng mạnh mẽ hiếm thấy" của ASEAN. Thái độ cứng rắn này nhằm hai mục đích. Một là xoa dịu những chỉ trích của cộng đồng quốc tế cho là các nước Đông Nam Á đã nhu nhược và hai là "gửi một thông điệp chính trị" đến Naypyidaw là đã đến lúc tập đoàn quân sự Miến Điện cần chứng tỏ thiện chí và thi hành nghiêm chỉnh thỏa thuận 5 điểm như đã cam kết với ASEAN hồi tháng 4/2021, hai tháng sau cuộc đảo chính. 

Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Carol Isoux, cho biết thêm chi tiết :

"Sau cuộc họp kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, ngoại trưởng 10 nước ASEAN quyết định không cho phép Miến Điện tham dự thượng đỉnh vào cuối tháng này do thái độ của giới tướng lĩnh cầm quyền, không tuân thủ những cam kết.

Tập đoàn quân sự Naypyidaw đã từ chối toàn bộ những yêu cầu của đặc sứ ASEAN về Miến Điện. Trong đó có đòi hỏi được tiếp xúc với cựu cố vấn Nhà Nước Miến Điện, Aung San Suu Kyi. Bà vẫn đang bị giam giữ.

Trên thực tế thì chuyến công tác của đặc sứ ASEAN liên tục bị dời lại và tình hình xung đột vũ trang tại chỗ trở nên tồi tệ. Như vậy là lập trường cứng rắn do Singapore, Malaysia và Indonesia chủ xướng đã được lắng nghe hơn là giải pháp thỏa hiệp như là Thái Lan hay Việt Nam mong muốn.

ASEAN là tổ chức đầu tiên trong số những đối tác của Miến Điện. Hiệp hội này đang huy động nhiều nỗ lực trên hồ sơ Miến Điện, vì đó là cả uy tín của toàn khối trên trường quốc tế" . 

Thanh Hà

*********************

ASEAN cân nhắc khả năng không cho lãnh đạo quân sự Miến Điện dự Thượng Đỉnh thường niên

Trọng Nghĩa, RFI, 15/10/2021

Ngoại trưởng các nước trong khối Đông Nam Á ASEAN họp khẩn qua mạng vào hôm nay, 15/10/2021 để thảo luận về việc có nên cho phép lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên mở ra vào hạ tuần tháng 10. Lý do là chính quyền thành viên này đã cấm không cho đặc phái viên ASEAN tiếp xúc với nhà lãnh đạo Miến Điện bị lật đổ Aung San Suu Kyi.

myanmar3

Ngoại trưởng 10 nước ASEAN họp khẩn hôm 15/10/2021 để thảo luận về việc có cho lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện tham dự thượng đỉnh hay không, vì Naypyidaw không cho đặc phái viên ASEAN tiếp xúc với nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.  © Sai Aung Main AFP/File

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gần đây đã bổ nhiệm Ngoại trưởng thứ hai của Brunei là ông Erywan Yusof làm đặc phái viên của ASEAN với nhiệm vụ làm trung gian hòa giải để chấm dứt cuộc khủng hoảng Miến Điện. Mới đây, nhân vật này đã đột ngột hủy bỏ chuyến thăm Naypyidaw sau khi được thông báo rằng ông sẽ không thể gặp bà Suu Kyi và một số người khác như mong muốn. Theo Miến Điện, ông Erywan không thể gặp bà Suu Kyi vì các cáo buộc hình sự nhắm vào bà.

Theo AP, tuy nhiên, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah vào hôm nay cho biết ông đã được thông báo rằng ông Erywan có thể đi Miến Điện vào thứ Hai 18/10, hơn một tuần lễ trước Thượng Đỉnh ASEAN dự trù từ ngày 26 đến ngày 28/10.

Theo ngoại trưởng Malaysia, nhân cuộc họp hôm nay, khối ASEAN sẽ "xem xét các chi tiết của chuyến thăm được đề xuất. Nếu không có tiến triển thực sự, thì lập trường của Malaysia vẫn là không cho lãnh đạo quân sự cầm quyền tại Miến Điện tham dự hội nghị thượng đỉnh. Không thể có thỏa hiệp về điều đó".

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã ủng hộ lập trường của đồng nhiệm Malaysia và cảnh báo : "Nếu chúng ta (tức là ASEAN) giảm nhẹ yêu cầu bằng bất kỳ cách nào, uy tín của chúng ta với tư cách là một tổ chức khu vực thực thụ sẽ biến mất".

ASEAN đã phải chịu áp lực quốc tế dữ dội trong việc có những hành động dứt khoát để buộc thành viên Miến Điện trả tự do cho nhiều nhân vật chính trị, bao gồm cả cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi, đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh quân sự ngày 01/02/2021, và đưa quốc gia này trở lại con đường dân chủ.

Việc cho phép tướng Min Aung Hlaing - lên cầm quyền tại Miến Điện sau cuộc đảo chánh - tham dự thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra qua video, có thể bị coi là hành động công nhận cuộc đảo chánh vốn đã ngăn chặn một trong những cuộc chuyển đổi dân chủ ngoạn mục nhất của châu Á trong lịch sử gần đây sau nhiều thập kỷ cai trị của quân đội.

Trong số các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN có tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã lên án cuộc đảo chánh tại Miến Điện và đã bật đèn xanh cho các biện pháp trừng phạt giới tướng lĩnh Miến Điện cung với gia đình và cộng sự viên của họ.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hoãn một hội nghị với ASEAN vì có đại diện Miến Điện

Như để nhấn mạnh đến các áp lực đang đè nặng trên ASEAN, giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua 14/10/2021 đã tiết lộ : Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã yêu cầu hoãn một cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng Đông Nam Á vào giờ chót để tránh phát ra tín hiệu công nhận chính quyền quân sự Miến Điện.

Cuộc họp giữa tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các ngoại trưởng ASEAN - trong đó có cả ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin - lẽ ra đã được tổ chức hôm 08/10 vừa qua. Thế nhưng một ngày trước đó, ông Guterres đã yêu cầu ASEAN hoãn cuộc họp "cho đến khi cuộc gặp có thể được tổ chức theo thể thức được cả hai bên đồng ý".

Theo Reuters, các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc - xin giấu tên - cho biết là ông Guterres muốn chờ quyết định của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc về việc ai sẽ ngồi vào ghế của Miến Điện tại định chế thế giới này sau khi nổ ra vụ tranh quyền đại điện giữa đương kim đại sứ Kyaw Moe Tun, do chính phủ dân cử Miến Điện bổ nhiệm, và người mới do chính quyền quân sự đề cử.

Một ủy ban của Liên Hiệp Quốc, bao gồm Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ, sẽ họp vào tháng tới để xem xét vụ việc. Trong khi chờ đợi ông Kyaw Moe-tun vẫn giữ nguyên vị trí.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Thanh Hà
Read 419 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)