Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/10/2021

Trung Quốc : Thế vận hội mùa đông, Ân xá Quốc tế tại Hồng Kông

RFI tổng hợp

Trung Quốc 100 ngày trước Thế Vận Hội mùa đông : Còn nhiều trở ngại

Thanh Hà, RFI, 25/10/2021

Thứ Tư 27/10/2021 đúng 100 ngày trước Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh. Từ nay đến ngày khai mạc 04/02/2022, cả Ủy ban Thế Vận Hội Quốc Tế-CIO lẫn nước chủ nhà còn phải vượt qua nhiều thách thức. Virus corona, "khách mời không mong đợi" đang đặt Ủy ban Thế Vận Trung Quốc trước những "áp lực rất lớn".

tvh1

Sân vận động Tổ Én Bắc Kinh, Trung Quốc, nơi diễn ra lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông 2022. Noel Celis AFP/Archives

Ngọn lửa Olympic đã về đến Hoa Lục, nhưng lộ trình rước đuốc được giữ "bí mật". Tương tự như Tokyo mùa hè vừa qua, Thế Vận Hội Bắc Kinh sắp tới đây cũng sẽ hoàn toàn đóng chặt cửa với du khách nước ngoài. Các vận động viên quốc tế, phóng viên nước ngoài và các đoàn chính thức đến Trung Quốc sẽ phải trải qua những khâu "kiểm soát nghiêm ngặt". Cùng chung cảnh ngộ với Nhật Bản khi mà sự kiện thể thao đáng được chú ý nhất thế giới phải "chịu phép" của một con siêu vi, nhưng liệu Covid-19 có là một công cụ để Trung Quốc biện minh cho các hình thức kiểm duyệt ?

Con chim phải đạn

Ba tháng trước Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022, chính quyền tại thủ đô Trung Quốc thông báo "dời lại vô hạn định" cuộc chạy đua marathon - việt dã dự trù vào chủ Nhật sắp tới (31/10/2021). Hôm qua, 24/10/2021, Vũ Hán đã phải hủy cuộc đua marathon trong bối cảnh Trung Quốc thông báo số ca dương tính với virus corona đang tăng lên : thêm 26 bệnh nhân trong ngày 24/10/2021 theo thống kê chính thức.

Từng là chiếc nôi của đại dịch Covid-19, chính quyền thành phố 11 triệu dân này không dám duy trì sự kiện thể thao quy tụ 26.000 vận động viên. Thông cáo chính thức giải thích, hủy sự kiện nhằm "ngăn ngừa rủi ro dịch lây lan".

Cách nay gần hai năm, Vũ Hán thu hút cả thế giới vì những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Đây cũng là thành phố đầu tiên bị cách ly trong 76 ngày. Để rồi cũng chính Vũ Hán trở thành biểu tượng của mô hình Trung Quốc về chống dịch : không một ca Covid-19 nào được phát hiện trong nhiều tháng.

Thế nhưng từ tháng 8/2021 có dấu hiệu virus corona quay trở lại thủ phủ tỉnh Hà Bắc. Lập tức Vũ Hán áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại những khu vực bị cho là những "ổ dịch" và kèm theo đó là một chiến dịch xét nghiệm, tiêm chủng đại trà. Nhưng việc phải hủy cuộc chạy đua marathon hôm 24/10/2021 cho thấy Vũ Hán chưa đủ tự tin và chính quyền vẫn sợ một con siêu vi với những biến thể mới. Lo ngại của chính quyền trung ương là Vũ Hán một lần nữa vẫn trở thành điểm xuất phát của một đợt dịch mới lây lan ra toàn quốc.

Riêng tại thủ đô Bắc Kinh, thống kê chính thức cho thấy đến nay, hơn 18 triệu cư dân đã được chích ngừa đủ hai liều. Dù vậy các giới chức y tế Trung Quốc cảnh báo là một số ca đã được tiêm chủng vẫn bị nhiễm biến thể Delta. Trung Quốc đang chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng cho dân chúng ở Bắc Kinh liều thứ ba.

Ngày 29/09/2021 nước chủ nhà thông báo, tương tự như Thế Vận Hội Tokyo mùa Hè vừa qua, sắp tới đây Olympic mùa Đông Bắc Kinh cũng sẽ hoàn toàn đóng cửa với du khách quốc tế. Giới yêu thể thao hơi ngạc nhiên đặt câu hỏi : Trung Quốc sợ gì khi đã thông báo những thành tích vẻ vang với trên 1 tỷ dân đã chích ngừa đủ hai liều chống Covid-19 ?

Phát ngôn viên Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mê Phùng (Mi Feng) hôm 24/10/2021 hãnh diện loan báo 75,6 % dân Trung Quốc "được miễn nhiễm" nhưng cũng quan chức này kêu gọi dân đề cao cảnh giác trước nguy cơ dịch tái phát. Trong tuần, 11 tỉnh thành trên toàn quốc phát hiện hơn 100 ca dương tính với virus corona.

Áp lực cực lớn vì một con siêu vi

Ngay từ 2015 khi được chỉ định tổ chức Thế Vận Hội mùa đông, Bắc Kinh đã rất tự hào là thành phố duy nhất đến nay được vinh dự trở thành điểm hẹn của cả Olympic mùa hè và mùa đông. Sau thành công mỹ mãn của Thế Vận Hội 2008 Bắc Kinh, Trung Quốc giờ đây lại muốn Olympic 2022 phải là "tủ kính của chế độ" như Libération ấn bản ngày 20/10/2021 ghi nhận.

Để đạt được mục tiêu này, đích thân chủ tịch Tập Cận Bình đã "chỉ đạo chiến dịch Thế Vận Hội Bắc Kinh". Sự kiện thể thao này là một thông điệp kép mà đảng cộng sản Trung Quốc gửi đến thế giới và công luận trong nước. Trong lễ nhận đuốc từ tay chủ tịch chủ tịch Ủy ban Olympic Hy Lạp, Spyros Capralos tại Athens hôm 19/10/2021, phó chủ tịch Ủy ban Thế Vận Hội Trung Quốc, Ô Tái Thanh (Yu Zaiqing) đã lập lại nguyên văn cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh lần này sẽ bảo đảm một mùa thể thao "an toàn và hoành tráng nhờ có sự dẫn dắt của chính quyền Trung Quốc".

Công tác chuẩn bị cho sự kiện này đã được trao cho một ủy ban ở một cấp rất cao trong bộ máy Đảng điều hành và ủy ban này, theo lời quan chức Trung Quốc có mặt tại Athens tuần qua, có nhiệm vụ "thực hiện cặn kẽ lời chỉ huấn quan trọng của chủ tịch Tập Cận Bình".

Phóng viên của Libération nhắc lại Trung Quốc đã không từ một nỗ lực nào, bắt đầu từ việc "khuyến khích dân chúng, vốn không mấy mặn mà với các môn thể thao mùa đông, đi trượt tuyết". Nhưng điểm trượt tuyết chính quyền khai thác mạnh lại là những dẫy núi ở Tân Cương, nơi dân cư là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Hình ảnh vệ tinh, nghiên cứu quốc tế tố cáo Trung Quốc đàn áp cộng đồng thiểu số này, cưỡng bức lao động tại Tân Cương, đưa hàng trăm ngàn người vào các "trại tập huấn", thậm chí "tiến hành một cuộc diệt chủng" nhắm vào cộng đồng thiểu số này. Tân Cương trở thành một điểm nhậy cảm trong quan hệ quốc tế giữa Bắc Kinh với phương Tây.

Virus corona, công cụ để dập tắt mọi chống đối ?

Có lẽ vì thế mà không một sơ sót nào được diễn ra trong mùa Olympic 2022, ngay cả từ điểm khởi đầu với lễ thắp lửa thiêng trên núi Olympia, Hy Lạp ? Tuần trước lễ thắp lửa Thế Vận Hội trên ngọn núi thiêng Olympia – Hy Lạp không có khán giả vào xem.

Tại Athens, đúng vào lúc Ủy ban Thế Vận Olympic trao đuốc cho phái đoàn Trung Quốc, nghi lễ đã bị xáo trộn vì một nhóm các nhà hoạt động xâm nhập vào nơi tổ chức, đòi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022, tố cáo Trung Quốc chà đạp tự do Hồng Kông, xâm chiếm Tây Tạng, uy hiếp Đài Loan, triệt sản phụ nữ Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cưỡng bức lao động ở Tân Cương. Nhưng rồi ngọn lửa thiêng từ núi Olympia cũng đã về được đến Hoa Lục. Có điều trái với truyền thống, ngọn lửa thiêng của núi Olympia đã vội vã lên đường sang Trung Quốc, hủy chương trình một tuần lễ rước đuốc vòng quanh Hy Lạp. Tại Trung Quốc lễ thắp đuốc không mở cửa cho công chúng vào xem. Tệ hơn nữa, lộ trình rước đuốc ở khắp mọi miền trên quốc gia rộng lớn này đến nay vẫn "trong vòng bí mật".

Về mặt chính thức, nguyên nhân do Covid-19 mà ra, nhưng theo giới quan sát, chương trình lễ hội bị hủy tại Hy Lạp tránh tạo cơ hội kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh.

Cảnh sát Hy Lạp tuần trước đã "nhanh tay" bắt các nhà hoạt động giương biểu ngữ tố cáo Trung Quốc phạm tội "diệt chủng" nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Báo Libération hôm 20/10/2021 ghi nhận : Trung Quốc bị phản đối là điều dễ hiểu khi mà quốc gia được quyền tổ chức một sự kiện thể thao toàn cầu đang "ba tầng áp dụng các biện pháp chống dịch, nơi mà Đảng và Nhà nước đàn áp không thương tiếc các nhà bất đồng chính kiến và giới trí thức, đặc biệt là tại Tây Tạng và Hồng Kong, đe dọa xâm chiếm Đài Loan và nhốt hàng trăm ngàn công dân ở Tân Cương". Thái độ mau mắn dập tắt các nhóm chống đối Trung Quốc tại chiếc nôi của Olympic cũng dễ hiểu khi mà Trung Quốc là nhà đầu tư số 1 vào Hy Lạp !

Giới quan sát nhắc lại : năm 2008 trước Thế Vận Hội mùa hè Bắc Kinh Trung Quốc đã bắt giữ hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến. Chủ tịch Ủy ban Thế Vận Quốc Tế khi đó là Jacques Rogge đã nhắc nhở Trung Quốc về những cam kết nhân quyền hồi 2001 khi xin đăng cai Olympic Bắc Kinh. Đáp lời CIO thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhắc lại rằng một trong những quy định của Olympic là "không để các yếu tố chính trị chi phối".

Từ Thế Vận Hội mùa hè 2008 đến Olympic 2022, kịch bản như đang được lập lại. Có điều, lần này, ngoài những tổ chức đấu tranh vì nhân quyền còn có cả các tiếng nói chính thức kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh sắp mở ra từ 04-20/02/2022.

Tháng 5/2021 chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi kêu gọi "tẩy chay về mặt ngoại giao" có nghĩa là không một nhà ngoại giao hay quan chức chính phủ nào đến dự Olympic Bắc Kinh. Nghị Viện Anh mùa hè vừa qua đã "nhất trí" thông qua một nghị quyết kêu gọi tẩy chay về mặt ngoại giao sự kiện thể thao này. Nghị Viện Châu Âu cũng đưa ra một thông điệp tương tự. Một chục nghị viên Châu Âu yêu cầu Ủy ban Thế Vận Hội Quốc Tế can thiệp và trực tiếp liên lạc với các nhà tài trợ để xem xét lại các hợp đồng đã ký kết với nước chủ nhà là Trung Quốc.

Tại Ý Hạ Viện thậm chí còn đệ trình một dự thảo đòi các đài phát thành và truyền hình bảo đảm khi đưa tin về Olympic Bắc Kinh 2022 "không chà đạp những giá trị nhân quyền".

Chắc chắn đây chỉ là những động thái mang tính biểu tượng nhưng cũng đủ là những cái gai chướng mắt ông Tập Cận Bình cho dù không mấy ai tin vào khả năng, phương Tây sẽ tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng ngay cả trong bối cảnh hình ảnh của Trung Quốc đang rất tồi tệ đối với công luận phương Tây, kịch bản tẩy chay sự kiện thể thao lần này là điều không tưởng. Năm 1980 Hoa Kỳ và một số đồng mnh đã tẩy chạy Olympic Matxcơva để phản đối Liên Xô đưa quân sang Afghanistan một năm trước đó.

Thanh Hà

*********************

Ân Xá Quốc Tế đóng cửa văn phòng ở Hồng Kông vì lo ngại bị trấn áp

Thu Hằng, RFI, 25/10/2021

Hồng Kông không còn là nơi lý tưởng trong vùng của các tổ chức xã hội dân sự quốc tế. Ngày 25/10/2021, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) thông báo đóng cửa các văn phòng tại Hồng Kông vì "không thể" được tự do làm việc kể từ khi luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt tại đặc khu hành chính từ năm 2020.

tvh2

Amnesty International th ô ng b á o đó ng cửa văn phòng tại Hồng Kông.  © Reuters

Trong một thông cáo, ông Anjhula Mya Singh Bais, chủ tịch tổ chức Ân Xá Quốc Tế, giải thích "ngày càng khó tiếp tục làm việc trong một môi trường bất ổn như vậy", cụ thể là "các tổ chức bảo vệ nhân quyền địa phương và nghiệp đoàn trở thành mục tiêu trấn áp trong thời gian gần đây" và điều này cho thấy "chính quyền gia tăng chiến dịch loại bỏ mọi tiếng nói bất đồng khỏi thành phố".

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế có hai văn phòng ở Hồng Kông. Văn phòng phụ trách địa phương sẽ đóng cửa vào ngày 31/10 và văn phòng trụ sở cho toàn vùng Đông Nam Á - Thái Bình Dương dự kiến ngừng hoạt động vào cuối năm 2021.

Ông Anjhula Mya Singh Bais cũng cho biết tổ chức Ân Xá Quốc Tế "đau lòng đưa ra quyết định này" do "các tổ chức bảo vệ nhân quyền không còn được tự do hoạt động mà không lo các biện pháp trấn áp nghiêm trọng từ phía chính quyền".

Từ khi luật an ninh quốc gia được thông qua vào tháng 06/2020, đã có hơn 70 người Hồng Kông, phần lớn là các nhà hoạt động vì dân chủ nổi tiếng, đã bị kết án, kể cả chỉ vì bày tỏ ý kiến chính trị từ giờ cũng bị coi là phạm pháp. Từ vài tháng gần đây, nhiều hiệp hội và nghiệp đoàn cũng ngừng hoạt động vì sợ bị chính quyền trấn áp.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thu Hằng
Read 373 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)