Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/10/2021

Trung Quốc và Đài Loan : rối loạn đường banh tại Liên Hiệp Quốc

RFI tổng hợp

Trung Quốc và 50 năm gia tăng ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc

Thanh Phương, RFI, 25/10/2021

Cách đây đúng 50 năm, ngày 25/10/1971, một nghị quyết do Albani đề nghị đã được thông qua, chính thức thâu nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào Liên Hiệp Quốc, đồng nghĩa với việc Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan, bị loại ra khỏi tổ chức quốc tế này, sau khi đã là đại diện của Trung Quốc suốt từ năm 1950. Trong 50 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong Liên Hiệp Quốc, kiểm soát ngày càng nhiều cơ quan chuyên trách của tổ chức quốc tế này. 

tqdl1

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc nhân diễn đàn Một Vành Đai Một Con Đường ngày 26/04/2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.  Andrea Verdelli/Pool via Reuters

Như tờ nhật báo kinh tế của Pháp Les Echos ấn bản ngày 25/10/2021 nhắc lại, từ năm 2003 và kể từ khi Hồ Cẩm Đào lên cầm quyền, Trung Quốc, từ vai trò một quan sát viên khiêm tốn, đã đầu tư ngày càng nhiều phương tiện tài chính và nhân lực vào Liên Hiệp Quốc. Với tư cách một quốc gia đang trỗi dậy, Trung Quốc đã tự đặt mình vào vị trí người bảo vệ các nước nghèo, mạnh mẽ lên án chủ nghĩa thực dân và kiên quyết bảo vệ nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Bắc Kinh ngày càng xem Liên Hiệp Quốc là một công cụ rất hữu hiệu để bày tỏ những mối quan ngại của họ, dập tắt những tiếng nói chỉ trích và quảng bá những quan điểm của Trung Quốc. 

Nền kinh tế càng phát triển, vị thế quốc tế của Trung Quốc càng lớn mạnh, và Bắc Kinh đã chứng tỏ tham vọng bên trong Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc hiện là nước đóng góp tài chính nhiều thứ hai cho ngân sách hoạt động của Liên Hiệp Quốc, với 3,2 tỷ đôla cho năm 2021, kể từ nay chiếm 12% tổng đóng góp tài chính. Trung Quốc cũng hiện là nước đóng góp tài chính nhiều thứ hai cho các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Việc chính quyền Donald Trump trước đây gần như tẩy chay các định chế đa phương càng giúp cho Trung Quốc gia tăng kiểm soát các cơ quan Liên Hiệp Quốc phục vụ cho các lợi ích của Bắc Kinh. Trang mạng Foreign Policy vào năm 2019 đã kể lại làm cách nào mà Bắc Kinh áp đặt được ứng viên Trung Quốc vào chức tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã không ngần ngại xóa một món nợ cho Yaoundé để nước này rút lại ứng viên của Camroun. Bắc Kinh còn đe dọa ngăn chận xuất khẩu của các nước Achentina, Brazil và Uruguay để ba nước này bỏ phiếu ủng hộ ứng viên Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) lên lãnh đạo FAO.

Theo ghi nhận của Les Echos, trong tổng số 15 cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc hiện đang đứng đầu đến 4 cơ quan (FAO, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Liên minh Viễn thông Quốc tế, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc) trong khi Pháp , Anh và Hoa Kỳ mỗi nước chỉ lãnh đạo một cơ quan (UNESCO, Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Thế giới). Bắc Kinh cũng đã cài được đến 7 phó giám đốc, một con số kỷ lục, vào nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Cũng theo nhận định của Les Echos, ảnh hưởng của Trung Quốc trong Liên Hiệp Quốc còn được nhận thấy rõ qua việc nước này đã ngăn chận được Đài Loan tham gia các hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới và qua việc tổ chức này đã tỏ ra rất khoan dung với Bắc Kinh khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan từ Trung Quốc ra khắp thế giới. 

Bên trong Hội đồng Bảo an, mà Trung Quốc là một trong những thành viên thường trực, Bắc Kinh không còn kín đáo như trước nữa, mà sử dụng ngày càng nhiều quyền phủ quyết để ngăn chận mọi nghị quyết hay tuyên bố bất lợi. Trung Quốc cũng đã thắt chặt quan hệ với một thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an là Nga, bởi vì hai nước có cùng quan điểm là không chấp nhận mọi can thiệp từ bên ngoài và chống lại các biện pháp trừng phạt của quốc tế.

Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc khi khai thác tối đa vai trò của nước này trong Liên Hiệp Quốc có lẽ là nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới, cũng mang tính đa phương, nhưng là đa phương theo sự áp đặt của Bắc Kinh, đối lại với trật tự thế giới của phương Tây. 

Thanh Phương

********************

Kỷ niệm 50 năm thay Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc : Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình thế giới

Thanh Phương, RFI, 25/10/2021

Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 50 ngày Trung Quốc giành được chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc từ tay Đài Loan, hôm 25/10/2021, chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Bắc Kinh sẽ luôn "duy trì hòa bình thế giới và trật tự quốc tế", trong bối cảnh Hoa Kỳ và nhiều nước khác đang rất quan ngại về những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên toàn cầu. 

tqdl2

50 năm Trung Quốc gia nhập Liên Hiệp Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình cam kết tiếp tục "duy trì hòa bình thế giới".  © AFP

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại một hội nghị tại Bắc Kinh đánh dấu 50 năm Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc, thay thế Đài Loan. Hội nghị có sự tham dự của các nhà ngoại giao và đại diện các tổ chức quốc tế tại Trung Quốc, cũng như có sự tham dự trực tuyến của của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. 

Theo hãng tin Reuters, trích dẫn Tân Hoa Xã, trong bài phát biểu hôm nay, chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ luôn là "một người xây dựng hòa bình thế giới" và "một người bảo vệ trật tự và luật lệ quốc tế".

Rõ ràng là ám chỉ Hoa Kỳ, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố các luật lệ và trật tự quốc tế "không thể do một cường quốc duy nhất hay một khối nào áp đặt".

Lãnh đạo họ Tập còn khẳng định Bắc Kinh "kiên quyết chống lại mọi hình thức bá quyền và chính sách dựa trên vũ lực, chống lại chủ nghĩa đơn phương và chính sách bảo hộ mậu dịch". Chủ tịch Trung Quốc còn kêu gọi đẩy mạnh hợp tác toàn cầu trên những vấn đề như các xung đột khu vực, khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh mạng và an ninh sinh học.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố như trên vào lúc Đài Loan báo động căng thẳng quân sự với Trung Quốc trong tháng này đang lên đến mức cao nhất từ hơn 40 năm qua, gây càng nhiều lo ngại là Bắc Kinh có thể sử dụng vũ lực để chiếm lại hòn đảo mà Trung Quốc luôn cho là một bộ phận không thể tách rời.

Trung Quốc cũng ngày càng có những hành động nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền trong các tranh chấp biển đảo với một số nước Đông Nam Á trên Biển Đông, với Nhật Bản trên biển Hoa Đông và tranh chấp biên giới trên bộ với Ấn Độ.

Vào trước ngày kỷ niệm 50 năm Trung Quốc thay thế Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc, theo bộ Ngoại Giao Mỹ, các giới chức ngoại giao Hoa Kỳ và Đài Loan hôm thứ Sáu 22/10/2021 đã có một cuộc họp trực tuyến để thảo luận về những cách thức có thể giúp Đài Loan tham gia "đáng kể" vào các công việc của Liên Hiệp Quốc.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương,
Read 442 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)