Nhật thành đồng minh được Mỹ ưu ái nhất tại điểm nóng Thái Bình Dương
Nước nào là đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ trên thế giới ? Một thời gian dài sau Đệ nhị Thế chiến, câu trả lời rất rõ : Anh quốc. Nhưng sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, khó thể định rõ quốc gia nào là ưu tiên số một của Mỹ : Đức, Israel hay Saudi Arabia… Giờ đây khi Ấn Độ-Thái Bình Dương đã trở thành điểm nóng, Nhật Bản trở thành đồng minh số 1 của Mỹ.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN 70) và các chiến hạm hộ tống của Mỹ bên cạnh hai khu trục hạm JS Ikazuchi và JS Chokai của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Thái Bình Dương. Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ ngày 19/09/2021. AP - MC2 Haydn Smith
Trả lời câu hỏi củaLa Croix, liệu Đài Loan có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ hay không ? Chuyên gia Antoine Bondaz trên nhận định Washington tìm cách tránh xung đột, còn theo chuyên gia Jean-Éric Branaa, Mỹ sẽ không đối đầu một cách đơn độc.
Đài Loan : Mỹ muốn giữ nguyên trạng
Theo ông Bondaz, tuy Mỹ cam đoan bảo vệ an ninh cho Đài Loan, nhưng không phải qua một liên minh chính thức hay hiệp ước. Mỹ công nhận Trung Quốc, nhưng giữ quan hệ không chính thức với Đài Loan. Mục tiêu là giữ nguyên trạng, nhìn nhận chỉ có một nước Trung Hoa, nhưng không coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Washington từ chối mọi thay đổi đơn phương nguyên trạng này, từ phía Trung Quốc (xâm lăng quân sự Trung Quốc) và cả từ phía Đài Loan. Nếu Đài Bắc tổ chức trưng cầu dân ý để đặt lại quốc hiệu là "Cộng hòa Đài Loan" hay đòi một ghế tại Liên Hiệp Quốc (như từng tranh luận thời Trần Thủy Biển vào đầu những năm 2000, Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ vì có thể coi như là khiêu chiến với Bắc Kinh.
Tổng thống Thái Anh Văn cũng sẽ không bao giờ tuyên bố độc lập, vì thực ra Đài Loan đã là một Nhà nước độc lập (15 nước chính thức công nhận), với những mối quan hệ không chính thức rất quan trọng. Trong bối cảnh đó, Washington muốn ngăn Trung Quốc xâm lược Đài Loan nhưng cũng tránh đưa Đài Loan vào một cuộc xung đột mà Mỹ không muốn lao vào. Đài Bắc cũng ý thức rất rõ điều này, chỉ đơn giản đòi được tham gia công việc các tổ chức quốc tế với tư cách quan sát viên, tìm cách có được sự hỗ trợ tối đa của Hoa Kỳ. Trên thực tế, chính Bắc Kinh muốn thay đổi nguyên trạng chứ không phải Đài Loan.
Washington tìm kiếm đồng minh khu vực trước khi can thiệp
Về phía ông Jean-Éric Branaa, đại học Paris 2 cho rằng tuyên bố mới đây của Joe Biden vượt quá bối cảnh Đài Loan. Hòn đảo vốn là trung tâm của vấn đề địa chính trị : tương quan lực lượng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Vấn đề này gây ra cộng hưởng ở Nhật Bản, vốn lo sợ trước thái độ bá quyền của Bắc Kinh, và các nước khác trong khu vực, đòi hỏi sự hiện diện trên Biển Đông. Tổng thống Mỹ phải can dự vì Đài Bắc kêu cứu, nhưng khi tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan, Joe Biden cũng gởi thông điệp đến các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ân Độ.
Quan điểm về sự đối địch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương có từ thời Barack Obama, và mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ Donald Trump ; trong lãnh vực thương mại rồi đến an ninh. Joe Biden ngày nay cũng chia sẻ đánh giá của Donald Trump, rằng cần phải cảnh giác trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Mỹ dành 750 tỉ đô la một năm cho quân đội (gấp ba, bốn lần Trung Quốc), và Biden còn tăng thêm. Mỹ có nhiều căn cứ trong khu vực và hạm đội hùng hậu, có thể bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lược, nhưng liệu Washington có muốn làm như vậy hay không. Theo ông Branaa, Hoa Kỳ sẽ không đơn độc đối đầu.
Người dân Mỹ luôn đứng về phía tự do, việc bảo vệ Đài Loan là đồng thuận hiếm hoi giữa Cộng hòa và Dân chủ. Nhưng nếu tham chiến, cần phải liên minh để có được tính chính danh và được nhân dân ủng hộ. Hoa Kỳ cố gắng lập ra các liên minh khu vực, chính trên tinh thần đó mà phó tổng thống Kamala Harris hồi cuối tháng Tám đã đến Singapore và Việt Nam. Qua sự ủng hộ của các nước trong khu vực có thể đo lường được khả năng can thiệp của Mỹ ở Đài Loan.
Nhật Bản : Đồng minh số 1 của Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương
Trong bài "Nhật Bản, ưu ái mới của Mỹ" trên Les Echos, nhà chính trị học Dominique Moisi cũng nhận định khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm thế giới, và Nhật Bản trở thành đồng minh ưu tiên của Hoa Kỳ.
Nước nào là đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ trên thế giới ? Một thời gian dài sau Đệ nhị Thế chiến, câu trả lời rất rõ : Anh quốc. Nhưng sau khi bức tường Berlin sụp đổ và chiến tranh lạnh kết thúc, khó thể định rõ ai là ưu tiên số một của Mỹ. Gần đây nước Đức của Angela Merkel - một thủ tướng nghiêm túc của một đất nước nghiêm túc - có được lòng tin của Barack Obama. Israel và Saudi Arabia (nơi Donald Trump đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức) cũng tự coi mình là bạn tốt nhất của Washington.
Nhưng giờ đây Mỹ có "ái thiếp" mới : Nhật Bản. Thủ tướng Nhật là khách mời đầu tiên được đón tiếp tại Nhà Trắng sau khi Joe Biden nhậm chức, và sau đó là tổng thống Hàn Quốc. Hai vị khách Châu Á : rõ ràng ưu tiên được dành cho Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ngoài tiêu chí địa chính trị, sự chọn lựa Nhật Bản không phải là ngẫu nhiên. Tính về dân số, Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới nhưng thực tế còn phải xem lại. Donald Trump và Narendra Modi có sự đồng cảm, nhưng Joe Biden thì khác. Biden thuộc về một thế hệ mà Nhật Bản một thời gian dài là trung tâm Châu Á, và nhất là ông thiên về chiến lược Châu Á.
Tokyo được Washington ưu ái trước mối đe dọa từ Bắc Kinh
Được coi là đồng minh hàng đầu của Mỹ, dù không chính thức, đối với Tokyo là một sự trả thù lịch sử, nhưng đồng thời là trách nhiệm. Tác giả nhắc lại, Thế vận hội Tokyo 1964 từng đánh dấu sự quay lại của Nhật Bản trong cộng đồng các quốc gia thịnh vượng và dân chủ, phép lạ kinh tế Châu Á trước hết là Nhật Bản. Ít nhất cho đến khi Trung Quốc lợi dụng việc Nhật Bản gặp phải khủng hoảng cơ cấu (tài chính và bản sắc) từ 1985 để thay chân.
Đầu những năm 2000, cùng với việc xuống sức về kinh tế, Nhật cũng mất vị trí về ngoại giao. Về phía Ấn Độ coi sự xích lại gần Washington một cách ngoạn mục là câu trả lời cho Trung Quốc. Về mặt văn hóa, Nhật Bản ngày càng đối mặt với quyền lực mềm Hàn Quốc, từ Cành cọ vàng Cannes cho phim Ký sinh trùng cho đến thành công to lớn của bộ phim nhiều kỳ Squid Games, Seoul ngày càng lấn át Tokyo.
Nhưng năm 2021 Nhật Bản lại lọt vào mắt xanh của Hoa Kỳ, trước thách thức Trung Quốc. Tuy Tokyo không được mời vào liên minh AUKUS, và NATO chưa thể mở rộng cho thành viên mới ở Thái Bình Dương ; nhưng liệu sẽ có một liên minh các nền dân chủ, ở đó vị thế của Nhật sẽ được khẳng định ?
Thực tế Nhật Bản đáp ứng rất nhiều tiêu chí : hệ thống dân chủ ổn định dù khá cồng kềnh, là nền kinh tế thứ ba thế giới - vào lúc ngày càng khó phân biệt giữa địa kinh tế và địa chính trị. Và nhất là Nhật Bản ở gần mối đe dọa lớn nhất cho thế giới : Trung Quốc. Tuy nhiên không phải tất cả người Nhật đều hài lòng với vị thế mới này.
Cuộc trường chinh 50 năm của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc
Liên quan đến Trung Quốc, Les Echos tổng kết 50 năm Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc. Cuộc trường chinh này rốt cuộc đã giúp Trung Quốc có tiếng nói quan trọng tại nhiều định chế, nhưng cách thức và mục tiêu của Bắc Kinh gây bất bình.
Ngày 25/10/1971, việc thông qua một nghị quyết do Albani soạn thảo đã đưa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào Liên Hiệp Quốc, chiếm lấy chiếc ghế đại diện của Đài Loan từ 1950. Năm mươi năm sau, căng thẳng tăng cao với Đài Loan, và Trung Quốc với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã phong tỏa mọi sáng kiến liên quan đến hồ sơ nóng bỏng này.
Giờ đây Trung Quốc là quốc gia đóng góp thứ nhì cho Liên Hiệp Quốc về tài chính, và về lực lượng gìn giữ hòa bình. Việc chính quyền Trump không quan tâm nhiều đến các định chế đa phương đã góp phần giúp Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát các tổ chức mang tính chiến lược.
Trung Quốc nắm được Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO) bằng cách xóa một món nợ cho Cameroun để ứng cử viên của nước này rút lui, và kiếm được phiếu của Argentina, Brazil, Uruguay bằng cách đe dọa không nhập hàng của họ.
Tham vọng nhào nắn thế giới theo ý mình
Nay các công dân Trung Quốc đứng đầu 4/15 cơ quan Liên Hiệp Quốc, trong khi Pháp, Anh, Mỹ chỉ có 1 (lần lượt là Unesco, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, Ngân hàng Thế giới WB). Bắc Kinh nắm được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp (UNIDO), FAO và áp đặt đến 7 phó giám đốc tại nhiều tổ chức khác, một con số kỷ lục ; nhưng thất bại ở Unesco và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Ngoài xung đột với phương Tây về bằng sáng chế, Bắc Kinh còn muốn đặt ra các tiêu chí riêng nhất là về thực phẩm, nông nghiệp và công nghệ. Ảnh hưởng lớn của Bắc Kinh thấy rõ ở việc ngăn chặn Đài Loan, lũng đoạn thông tin tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa thêm khái niệm Con đường tơ lụa mới vào các văn bản Liên Hiệp Quốc đồng thời xóa đi những gì liên quan đến nhân quyền.
Tại Hội đồng Bảo an, Trung Quốc hợp sức với Nga liên tục sử dụng quyền phủ quyết. Bên ngoài Liên Hiệp Quốc, phía sau Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, nhóm 17+1...là tham vọng nhào nắn thế giới theo ý mình.
Trung Quốc và những thành phố ma của Evergrande
Về nội tình Trung Quốc, Le Monde có bài phóng sự về "Cú Dung (Jurong), thành phố ma của Evergrande", biểu tượng cho bong bóng địa ốc. Năm 2017, giá nhà đất tăng vọt, tập đoàn Evergrande (Hằng Đại) tung ra 15 dự án nhà ở & công viên giải trí trên cả nước. Ở Cú Dung (tỉnh Giang Tô), Evergrande mua được 134 hecta đất, phân nửa dành cho khu giải trí, nửa còn lại xây lên 56 tòa nhà. Về khu giải trí, hiện chỉ có vài chục cửa hàng, tiệm ăn nhưng đã đóng cửa.
Xây nhà ở có lợi hơn vì bán lúc còn trên giấy, khoảng phân nửa đã xây được 24 tầng và bán gần hết, tuy nhiên chỉ là những khối bê-tông trần trụi. Tháng 8/2020, Bắc Kinh quyết định nắm lại lãnh vực địa ốc : cả nước có 100 triệu căn hộ được các nhà đầu tư mua nhưng bỏ trống. Nếu tính cả 30 triệu căn chưa bán được, đủ để 340 triệu người cư ngụ.
Chính quyền siết tín dụng, nhiều công trình của Evergrande bị ngưng, một số nhà cung cấp và công nhân đến tận trụ sở đòi nợ. Nhiều nhân viên đã ra đi, một người trẻ còn bám trụ nói với nhà báo thu nhập nay chỉ còn phân nửa, nhưng Evergrande có đến 200.000 nhân viên, cô không tin là tập đoàn sẽ phá sản vì Trung Quốc có tiềm lực mạnh để đối phó.
Thuế thổ trạch sẽ đụng chạm đến quan chức Trung Quốc
Cũng về địa ốc ở Hoa lục, dự định đánh thuế thổ trạch có từ 20 năm qua lại bắt đầu được đề cập đến, theo ý của Tập Cận Bình để giảm bớt bất bình đẳng và cơn sốt nhà đất.
Trong 15 năm qua, giá địa ốc tại Trung Quốc đã tăng lên gấp 6 lần, khiến các gia đình thành thị giàu thêm còn con em các gia đình nông thôn thiệt thòi vì tay trắng dù có việc làm ở đô thị. Từ vài tháng qua, các quan chức Trung Quốc lặp lại câu khẩu hiệu của ông Tập "nhà xây lên để bán chứ không phải để đầu cơ".
Nhưng có vô số trở ngại : 60% gia đình đầu tư tiền bạc vào địa ốc (một số ước tính khác cho rằng đến 80%). Đánh thuế thổ trạch sẽ làm tăng giá trong khi 20% nhà ở vẫn bỏ trống tại Trung Quốc, các sở hữu chủ sẽ phải bán ra, làm nhà càng sụt giá. Ý thức rằng sẽ bị chống đối, kể cả trong đảng cộng sản vì các quan chức sở hữu rất nhiều nhà đất, chính quyền định làm thí điểm tại một số thành phố lớn và cho xây nhà ở xã hội. Sắc thuế này sẽ làm thay đổi cách quản trị của chính quyền địa phương : 40% nguồn thu của họ từ việc bán đất cho nhà đầu tư.
Điện nguyên tử : Giải pháp duy nhất để tránh thiếu hụt năng lượng ?
Cuộc chạy đua lấy chữ ký giới thiệu để ra ứng cử tổng thống Pháp, Facebook trong vòng xoáy, lại phải thận trọng với Covid, vấn đề di dân, sự trả thù của điện nguyên tử, đó là những chủ đề chiếm trang nhất báo Pháp hôm nay. Tác giả Patrice Cahart trên trang Ý kiến của Le Figaro cho rằng để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng, chỉ có một giải pháp duy nhất là phát triển điện nguyên tử.
Theo tác giả, trước hết cần cấm SUV (xe thể thao đa dụng, xe địa hình), bitcoin vốn ngốn nhiều năng lượng. Nhưng quan trọng nhất là mở mang nguồn điện nguyên tử vì có thể cung ứng số lượng lớn và thường xuyên. Tất cả các láng giềng Châu Âu đã ngưng cả điện nguyên tử lẫn điện than, đều gặp khó khăn. Năng lượng gió và thủy điện đều thất thường, dùng khí đốt thì hiện đang đắt đỏ, lệ thuộc Nga và ô nhiễm.
Tại Hoa Kỳ, sáu lò phản ứng có công nghệ tương tự Pháp được phép hoạt động cho đến sinh nhật thứ 80. Tuổi trung bình của các nhà máy Pháp là 40, vậy có thể "thọ" được 40 năm nữa. Hai lò phản ứng của Fessenheim đã bị đóng ở "tuổi" 43 trong lúc hoạt động rất tốt. Tính ra vì không được tiếp tục thêm 37 năm như ở Mỹ, tập đoàn điện lực Pháp thiệt mất 22 tỉ euro.
Thụy My