Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

28/10/2021

Bắc Kinh xuất khẩu kiểm duyệt, yêu cầu tỷ phú đóng góp, gene virus

RFI tổng hợp

Trung Quốc xuất khẩu kiểm duyệt sang Đức ?

Anh Vũ, RFI, 28/10/2021

Vụ lùm xùm quanh cuốn tiểu sử Tập Cận Bình ra mắt tại Đức. Buổi giới thiệu cuốn sách "Tập Cận Bình, người đàn ông quyền lực nhất thế giới" đã bị suýt nữa bị hủy do Bắc Kinh gây áp lực, nhưng vào phút chót đã được lên chương trình trở lại ngày 27/10/2021. 

tq1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hoàng tử Anh Andrew, tại lễ đặt biển khai trương phân Viện Khổng Tử ở Luân Đôn, ngày 22/10/2015.  AP - Alastair Grant

Sự việc xảy ra liên quan đến một Viện Khổng Tử, tại Đức, cơ quan nổi tiếng với sứ mệnh quảng bá quyền lực mềm cho Trung Quốc và vẫn thường hay được nhắc đến ở nhiều nơi vì những hành động can thiệp kiểm duyệt theo sự chỉ đạo từ Bắc Kinh.

Gần đây dư luận nhiều nước thường nói về mối nguy cơ ngày càng lớn trong chính sách gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Chiến lược gài người vào giới giảng dạy đại học của Bắc Kinh gây nhiều lo lắng. Ở Pháp hồi tháng 10/2021, Thượng Viện thậm chí đã phải ra một báo cáo về vấn đề này. Và giờ đây, nước Đức vừa cung cấp thêm một minh họa sống động cho cách thức mà Trung Quốc có thể xuất khẩu kiểm duyệt về những chủ đề khiến họ phật ý.

Chuyện xảy ra ở nước Đức liên quan đến cuốn sách tiểu sử của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bỗng nhiên, cuốn sách trở thành tâm điểm đọ sức giữa giới đại học Đức và Trung Quốc. Trường đại học Duisbourg Essen (miền tây nước Đức) đã dự kiến tổ chức vào ngày 27/10/2021 buổi giới thiệu cuốn sách «Tập Cận bình, người đàn ông quyền lực nhất thế giới" của các nhà báo Adrian Geiges và Stefan Aust. Hôm thứ Bảy 23/10, một trong số nhà tổ chức sự kiện là Viện Khổng Tử của Duisbourg rút lui không tham gia, khiến cho buổi giới thiệu sách trước nguy cơ phải hủy bỏ.

Tập Cận Bình "người không thể động chạm tới"

Cảm thấy có không khí kiểm duyệt của Trung Quốc thổi vào việc tổ chức sự kiện mà trong chương trình dự kiến sẽ có buổi tọa đàm về cách cầm quyền của Tập Cận Bình, trường đại học này đã khẩn cấp tìm một cơ quan thay thế. Cuối cùng Viện Nghiên Cứu Đông Á của Duisbourg hôm 26/10 đã chấp nhận tham gia và buổi ra mắt sách vào phút chót đã được duy trì đúng ngày như dự kiến 27/10.

"Chúng tôi không thể chắc chắn 100% ở đây có ý đồ kiểm duyệt, nhưng rõ ràng là chúng tôi sẽ đặt các câu hỏi đối với Viện Khồng Tử này. Tự do giảng dạy và nghiên cứu là các giá trị trọng tâm với chúng tôi. Ông hiệu trưởng cho biết là ông không muốn thấy điều này tái diễn", đại diện của đại học Duisbourg cho France 24 biết.

Nhà xuất bản cuốn tiểu sử của lãnh đạo Trung Quốc, Piper Verlag tin chắc đây là ý đồ kiểm duyệt của Trung Quốc. "Đại học Đồng Tế (Tongji) tại Thượng Hải và tổng lãnh sự Trung Quốc tại Dusseldorf, ông Feng Haiyang, đã can thiệp để ngăn không cho diễn ra sự kiện này", phát ngôn viên nhà xuất bản Piper Verlag cho biết.

Bà nói thêm, khi liên lạc qua điện thoại với Viện Khổng Tử Đức để tìm hiểu chuyện gì đã diễn ra, một trong những người của Viện đã khẳng định : "Không được nói đến Tập Cận Bình như là một người bình thường, vì ông là người không thể động chạm tới được". Nhưng "đó không phải là lập trường chính thức của Viện Khổng Tử tại Đức", nhà xuất bản Piper Verlag xác định trong một thông cáo báo chí. Theo nhà xuất bản, lệnh phá đám buổi giới thiệu sách chắc phải từ ở trên cao, tận Bắc Kinh.

France 24 đã liên hệ với Viện Khổng Tử Đức về những đánh giá kỳ lạ về chủ tịch Trung Quốc nêu trên, Viện Khổng Tử Duisbourg đã né tránh không trả lời trực tiếp mà chỉ giải thích quyết định rút khỏi sự kiện được đưa ra sau khi "đã đánh giá các quan điểm khác nhau giữa đối tác Trung Quốc và Đức (Viện)". Các tổ chức như Viện Khổng Tử vẫn có ban lãnh đạo kiểu tay đôi, gồm một đại diện của nước sở tại và một đại diện Trung Quốc

Vai trò của các Viện Khổng Tử

Vụ cuốn tiểu sử của Tập Cận Bình khơi dậy câu hỏi về vai trò của các Viện Khổng Tử theo quan điểm của Bắc Kinh. Về mặt truyền thống, các viện này đều được nhìn nhận là thân thiện nhất trong chính sách gây ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc. Cơ quan này có 500 chi nhánh trên thế giới, trong đó Pháp có 19 cơ sở. Được đảng Cộng Sản dựng lên từ năm 2004, các Viện Khổng Tử có nhiệm vụ quảng bá phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Hàng chục nghìn người đã học tiếng Trung ở 140 nước nhờ có các Viện Khổng Tử như vậy. Ở đây không có gì đáng để kêu ca về việc xuất khẩu tuyên truyền của Trung Quốc. Nước Pháp cũng có hệ thống các Alliance Française với sứ mệnh tương tự.

Đại học Duisbourg nhấn mạnh : "Chúng tôi chưa bao giờ có vấn đề với cơ quan này từ trước tới giờ". Viện Khổng Tử Duisbourg cũng khẳng định với France 24 "từ trước đến nay chưa hề rút sự hỗ trợ nào cho việc tổ chức sự kiện ở trường đại học".

Dưới tác động căng thẳng Trung-Mỹ, các Viện Khổng Tử bắt đầu hành động như một công cụ phổ biến quyền lực mềm của Bắc Kinh. Tại Canada, các cơ sở viện này bị nghi ngờ được đặt dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản Trung Quốc nhằm bảo vệ lới ích của chế độ ở nước ngoài, báo cáo của thượng Viện Pháp mới đây nhắc lại.

Nhiều nước đã bắt đầu ra tay xử lý. Thụy Điển là nước đầu tiên ở Châu Âu cho đóng toàn bộ các Viện Khổng Tử trên lãnh thổ quốc gia từ hồi tháng 05/2020. Trong khi đó phe bảo thủ ở Vương Quốc Anh từ hai năm qua vẫn đấu tranh đòi chấm dứt hoạt động của các Viện Khổng Tử trên đất Anh. Hồi tháng 06/2021, bộ trưởng Giáo Dục Đức Anja Krajicek đã lấy làm tiếc khi phát biểu rằng "chúng ta đã trao cho các Viện Khổgn Tử quá nhiều chỗ".

Theo những người phản đối các cơ sở gây ảnh hưởng của Trung Quốc này, sự cố tương tự như vừa xảy ra ở Đức sẽ có xu hướng tăng nhiều, không còn là "cá biệt" nữa. Năm 2019, ông Song Xining, giám đốc Viện Khổng Tử trực thuộc Đại học Vrije của Bỉ đã phải từ chức và sau đó bị trục xuất vì bị tố cáo sử dụng cơ quan Viện như là cơ sở để theo dõi các sinh viên Trung Quốc tại Bỉ. Tháng 04/2021, đến lượt Viện Khổng Tử Bratislava bị nêu tên sau khi giám đốc Viện dọa giết một nhà nghiên cứu về việc Bắc Kinh gài người vào giới học thuật Slovakia, theo le Monde.

Rất nhiều tiền lệ đáng tiếc đã xảy ra nhưng cũng không vì thế mà đánh giá quá cao vai trò của các Viện Khổng Tử, Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Qũy Nghiên cứu Chiến lược (FRS) nhận xét với France 24.

Theo chuyên gia Pháp, "còn có những mạng lưới gây ảnh hưởng khác của Trung Quốc trong giới đại học có nhiều vấn đề hơn các Viện Khổng Tử". Thí dụ như "chương trình 1000 tài năng" lập ra từ 2008, nhằm thu hút các nhà khoa học đến Trung Quốc làm việc. Chương trình này bị Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI tố cáo thực chất là phương tiện để tận dụng tri thức, công nghệ của nước ngoài. Vì không nên quên là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là chiếm dụng công nghệ của nước ngoài, chuyên gia Antoine Bondaz khẳng định.

(Theo france24.com)

Anh Vũ

********************

Bắc Kinh buộc giới tỉ phú Trung Quốc chia sẻ tài sản

Thu Hằng, RFI, 28/10/2021

Năm 2020, Trung Quốc đã có thêm 307 tỉ phú mới, theo bảng xếp hạng Hồ Nhuận (Hurun Rich List) công bố ngày 27/10/2021. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện có 1.185 tỉ phú đô la. Để thực hiện chính sách "thịnh vượng chung" của chủ tịch Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục nhắm đến giới tỉ phú địa ốc và công nghệ cao. Thậm chí, ông chủ của tập đoàn bất động sản Evergrande đang gặp khó khăn cũng được lệnh rút hầu bao.

tq1

Mã Vân, chủ nhân tập đoàn Trung Quốc Alibaba Group trong một sự kiện tại Bali, Indonesia, ngày 12/10/2018. AP - Firdia Lisnawati

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

""Thịnh vượng chung", khẩu hiệu quý giá của Mao Trạch Đông và hiện giờ là của chủ tịch Tập Cận Bình, có nguy cơ gây tốn kém cho các tỉ phú ở Trung Quốc. Từ vài tuần nay, những người giầu nhất được đề nghị tái phân phối một phần thu nhập của họ, kể cả qua việc quyên góp từ thiện.

Nhưng mệnh lệnh còn trực tiếp hơn nhiều đối với ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin). Theo Bloomberg, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu ông chủ của Evergrande phải rút hầu bao để xóa khoản nợ khổng lồ của tập đoàn bất động sản do ông làm chủ, được thẩm định lên đến 260 tỉ euro.

Kết quả là ngày 22/10, Evergrande đã chuyển 72 triệu euro để trả khoản lợi tức đầu tiên và hạn cho đợt chuyển tiếp theo là thứ Bẩy 30/10. Nằm trong số lãnh đạo doanh nghiệp giầu nhất Châu Á năm 2017 với khối tài sản trị giá 39 tỉ euro, ông Hứa Gia Ấn hiện giờ không còn nằm trong danh sách 10 người giầu nhất của bảng xếp hạng Hồ Nhuận. Về phần Mã Vân (Jack Ma), nhà sáng lập Alibaba bị lùi xuống vị trí số 5, với 34 tỉ đô la tài sản cá nhân.

Bỏ xa giới chủ bất động sản và công nghệ, ông Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan), 67 tuổi, chủ sở hữu tập đoàn nước đóng chai, vẫn là người giầu nhất Trung Quốc trong bảng xếp hạng. Ông chủ của nước khoáng Nongfu Spring còn đứng đầu công ty Công nghệ Sinh học và Dược phẩm Wantai (Wantai Biological Pharmacy Enterprise), đã tận dụng thu lợi từ chủ trương xét nghiệm Covid-19 đại trà ở Trung Quốc".

Thu Hằng

*********************

Covid-19 : Tiết lộ mới về việc Viện Virus Học Vũ Hán Trung Quốc đã biến đổi gien của virus corona

Trọng Nghĩa, RFI, 28/10/2021

Theo tiết lộ của nhật báo Pháp Le Figaro ngày 27/10/2021, Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ mới đây đã công bố một số tài liệu xác nhận rằng các phòng thí nghiệm tại Viện Virus Học Vũ Hán đã tiến hành việc nghiên cứu và biến đổi gien của các loại virus corona, điều mà Trung Quốc cho đến nay không hề chính thức công nhận.

tq2

Virus corona gây bệnh Covid-19.  Via Reuters – Social Media

Trong một lá thư gởi đến Quốc hội Mỹ vào tuần trước, Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ NIH đã thừa nhận sự kiện tổ chức phi chính phủ Mỹ EcoHealth Alliance, vốn làm việc chặt chẽ với NIH, trên thực tế đã tài trợ cho một số công trình nghiên cứu tại Viện Virus Học Vũ Hán, đặc biệt là nghiên cứu về việc ang ang chức năng cho các loại virus corona ở loài dơi, thường được xem là tiền ang của virus gây dịch Covid-19.

Các công trình nghiên cứu đó nhằm biến đổi gien của virus, để gia ang khả năng lây nhiễm qua người của loại virus này. Những nghiên cứu loại này thường bị giới khoa học phản đối vì rất nguy hiểm cho con người.

Theo Le Figaro, lá thư của Viện Y Tế Quốc Gia cũng cho thấy là tổ chức EcoHealth Alliance đã vi phạm các điều kiện tài trợ được quy định, khi không báo cáo một kết quả nghiên cứu theo đó khả năng lây nhiễm của một mầm bệnh đã được nhân lên gấp mười lần.

Hơn nữa, theo Le Figaro, EcoHealth Alliance còn bị tố cáo là thiếu minh bạch khi không tiết lộ bản chất kết quả của những nghiên cứu thao tác gien này, đã được Viện Y Tế Quốc gia Hoa Kỳ mô tả là "bất ngờ".

Vấn đề đặt ra là tiền mà tổ chức EcoHealth Alliance đã sử dụng để tài trợ cho công việc của Viện Virus Học Vũ Hán lại là công quỹ của Hoa Kỳ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 476 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)