Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/11/2021

Điểm báo Pháp - Trung Quốc, thương mại là "một vũ khí"

RFI tiếng Việt

Với Trung Quốc, thương mại là "một vũ khí"

Cây vợt Trung Quốc Bành Súy và Covid-19 tiếp tục là tâm điểm của các tờ báo Pháp ngày đầu tuần. Cũng Trung Quốc là đề tài được bốn chuyên gia mổ xẻ dưới khía cạnh, Pháp nói riêng Châu Âu nói chung, có thể "tách rời" và "giảm bớt mức độ lệ thuộc" vào kinh tế Trung Quốc được hay không ?

vukhi1

Contener tại cảng Thượng Hải : Mỗi kiện hàng của Trung Quốc nhập vào Châu Âu là một vũ khí giúp Bắc Kinh mở rộng quyền lực. Ảnh chụp ngày 19/10/2021. Reuters- Aly Song

Giáo sư Jonathan Holslag đại học Bruxelles trong bài nhận định "Đối với Bắc Kinh, thương mại và chính trị là hai vế không thể tách rời" nêu lên câu hỏi : nếu Bắc Kinh sử dụng đòn thương mại để tấn công – mà kèm theo đó là những tác động cả về chính trị và quân sự, liệu Châu Âu có khả năng kháng cự hay không ? Trung Quốc dùng "thương mại như một loại vũ khí". Lục địa già thấy trước nguy cơ đó nhưng thực sự không biết phải ứng xử ra sao.

Tác giả đơn cử một ví dụ thể hiện thái độ lúng túng của Châu Âu và Pháp trước ông khổng lồ Châu Á này : Tây Âu ngăn cản Hoa Vi tham gia vào mạng 5G. Paris thậm chí đã thông qua một đạo luật "loại tập đoàn Trung Quốc này" khỏi những lĩnh vực "nhậy cảm" trong việc xây dựng mạng internet thế hệ mới tại các thành phố lớn trên lãnh thổ Pháp.

Điều đó không cấm cản Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh "con đường tơ lụa kỹ thuật số" qua trung gian tập đoàn viễn thông Pháp Orange. Nhà cung cấp mạng của Pháp tiếp tục cộng tác với Hoa Vi "tại những quốc gia khác trên thế giới và để củng cố vị thế tại Châu Phi". Hệ quả kèm theo là Orange đã cùng với "một tập đoàn Trung Quốc khai thác cả một hệ thống cáp quang xuất phát từ Pakistan đến tận thành phố cảng Marseille", miền nam nước Pháp.

Châu Âu chết vì hàng rẻ Trung Quốc

Trong cuộc đọ sức giữa Châu Âu và Trung Quốc chỉ riêng trên mặt trận thương mại, Bắc Kinh còn có một lợi thế không nhỏ đó là khoản thặng dư mậu dịch hơn 200 tỷ euro một năm so với các bạn hàng Châu Âu và "trong mô hình tư bản" theo kiểu của Trung Quốc các quyết định về chiến lược đầu tư, phát triển… thuộc về Nhà nước

Trong bối cảnh đó, vấn đề cốt lõi đặt ra với Châu Âu nằm ở chỗ, Lục địa già không thể nào ngăn cản đà tiến của Trung Quốc và cũng không thể có được một mối quan hệ cân đối hơn với Bắc Kinh nếu như Châu Âu vẫn "nghiện" hàng rẻ Trung Quốc. Đó là một thứ "thuốc phiện giết chết khả năng bảo đảm an ninh cho tương lai của Châu Âu". Giáo sư về quan hệ quốc tế đại học Bruxelles, Jonathan Holslag báo động : mỗi một contener, mỗi kiện hàng Trung Quốc nhập vào Châu Âu cho phép Bắc Kinh mở rộng thêm quyền lực tại Châu lục này.

Không dễ chia tay

Nhưng "cai nghiện" hàng Trung Quốc không dễ. Giáo sư Mary-Françoise Renard đại học Clermont Ferrand vùng Auvergne, cũng trên tờ Le Monde, ghi nhận : khủng hoảng y tế và căng thẳng địa chính trị hiện tại làm dấy lên lo ngại về "quan hệ kinh tế" của phương Tây với Trung Quốc. Nhưng Pháp chẳng hạn lệ thuộc vào nền kinh tế thứ hai này đến mức độ nào ?

Nhìn tổng thể, Trung Quốc là bạn hàng chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu và 7% nhập khẩu của Pháp. Năm ngoái gần 19% xuất khẩu thực phẩm chế biến của Pháp hướng về thị trường Trung Quốc, trong khi đó, xe hơi Pháp vẫn không cất cánh nổi tại thị trường rộng lớn này. Về đầu tư nước ngoài vào Pháp, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5% FDI nhưng vốn Trung Quốc "chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực mang tính chiến lược". Vậy có thể "tách rời khỏi Trung Quốc" được hay không ?

Tác giả bài tham luận trả lời : Thực tế cho thấy, thị trường nước đông dân nhất địa cầu làm mê hoặc các doanh nghiệp Pháp nói riêng, của phương Tây nói chung. Vả lại ngay chính sách tái dịch chuyển các công xưởng từ Hoa Lục trở về lại nguyên quán còn phải được xét theo những tiêu chuẩn của từng ngành nghề. Không có chuyện vơ đũa cả nắm.

Cuối cùng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, chưa chắc là Châu Âu sẵn sàng đón nhận trở lại một số nhà máy đang hoạt động tại Trung Quốc.

Về hai bài báo còn lại trên tờ Le Monde trong loạt bài nói về sự phụ thuộc của phương Tây vào Bắc Kinh, Agnès Verdier Molinié giám đốc IFRAP quỹ nghiên cứu về các vấn đề hành chính và chính sách công của Pháp tìm cách trả lời câu hỏi "liệu chúng ta có quyền làm phật lòng Trung Quốc hay không" khi mà 50% nợ công của Pháp do nước ngoài kiểm soát, trong đó có cả Trung Quốc. Còn nhà nghiên cứu Isabelle Feng thì chú ý đến trường hợp của tập đoàn điện lực Pháp EDF sa bẫy nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn tình Quảng Đông. Công ty điện lực Pháp vấp phải "văn hóa che đậy của chế độ Trung Quốc".

Cây vợt nữ Bành Súy thách thức chính quyền trung ương ?

Về chuyện dài nhiều tập chung quanh cây vợt tennis nữ Bành Súy tố cáo cựu ủy viên thường trực Bộ Chính Trị Trung Quốc, nguyên phó thủ tướng Trương Cao Lệ cưỡng bức tình dục, báo Les Echos liên tưởng đến hình ảnh năm 1989 một thanh niên Trung Quốc trước họng súng xe tăng của quân đội : "Tương tự như cậu thanh niên năm xưa, Bành Súy giờ đây cũng đang đứng trước bức tường của chế độ độc tài Trung Quốc".

Tác giả bài báo tin tưởng vào sự can đảm và khả năng đối mặt với những thách thức của nữ vận động viên 35 tuổi này. Les Echos nhắc lại : năm lên 8 cô đã can đảm từ bỏ gia đình để lập nghiệp, vươn lên trong số hàng trăm ngàn vận động viên quần vợt khác trên toàn quốc để tham gia các cuộc thi đấu quốc tế mà từ 60 đến 80% thu nhập phải nộp cho Nhà nước. Bành Súy trở thành cây vợt nữ thứ 14 trong làng quần vợt thế giới. Cô từng hai lần đoạt chức vô địch tại các giải đấu danh tiếng như Wimbledon và Roland Garros ở hạng mục đôi nữ và từng là nữ vận động viên số 1 trong bảng xếp hạng WTA ở hạng mục này. Bành Súy đã "nhiều lần lãnh đòn đau và luôn vượt lên trên những thử thách đó".

Libération chú ý đến việc "cỗ máy tuyên truyền Trung Quốc dàn dựng kịch bản" để Bành Súy xuất hiện trở lại trước công chúng. Hai đoạn video với hình ảnh của tay vợt họ Bành, chủ tịch Ủy Bạn Thế Vận Quốc Tế cho biết đã trao đổi với nữ vận động Trung Quốc qua cầu truyền hình "không đủ sức thuyết phục".

Tờ báo này nói đến "một trò hề" của cơ quan tuyên truyền Trung Quốc hay ít ra là phía Bắc Kinh không thoải mái với hồ sơ Bành Súy như Le Figaro ghi nhận. Việc Bắc Kinh cố gắng đưa ra những bằng chứng Bành Súy chưa bị xóa sổ cho thấy áp lực của công luận quốc tế có tác động nhưng cũng phải nhìn nhận cây vợt nữ Trung Quốc đã gặp may. Nhà báo Laurence Lefranoux của tờ Libération giải thích : từ thời Mao Trạch Đông đến giờ những vụ bê bối của các quan chức cao cấp nhất trong hàng ngũ Đảng luôn xảy ra, nhưng mọi tiếng kêu cứu có thể đe dọa đến thanh danh của Đảng đều bị vùi dập.

Bắc Kinh sợ già néo đứt dây

Bành Súy may mắn ở chỗ là cô "tung đòn" ba tháng trước ngày Bắc Kinh tổ chức Thế Vận Hội mùa đông và sự kiện thể thao trọng đại này lại diễn ra vào lúc kinh tế Trung Quốc cũng như nội bộ Đảng đang chịu nhiều áp lực và bị đặt trong tình huống "căng thẳng".

Về đối ngoại, Trung Quốc mạnh mẽ bị chỉ trích vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, chà đạp các quyền tự do của Hồng Kông, đòi xâm chiếm Đài Loan là những hồ sơ nhậy cảm đến nỗi, một số quốc gia như Anh, Mỹ bắt đầu tính đến khả năng "tẩy chay" Olympic mùa Đông Bắc Kinh về mặt ngoại giao. Vẫn Libération cho rằng, chính quyền ý thức rằng sẽ phải "trả giá đắt" nếu chính thức bắt giam Bành Súy. Cho nên Bắc Kinh đã chọn giải phảm "xóa" hết vết tích của nữ vận động viên này trên mạng và trông đợi vào sự thờ ơ của công luận quốc tế. Chẳng ngờ thế giới quần vợt, làng thể thao và cả xã hội dân sự trên thế giới đều đã phản ứng mạnh mẽ.

Chủ tịch Hiệp hội Quần vợt nữ WTA không hài lòng với kịch bản được cơ quan tuyên truyền Trung Quốc biên tập để "che mắt thiên hạ". WTA thậm chí nghiêm khắc đe dọa sẵn sàng ngừng các sinh hoạt tại quốc gia này. Libération xem đây là một cử chỉ "mạnh dạn hiếm thấy", bởi Trung Quốc là một trong những nguồn tài trợ chính cho các cuộc thi đấu quần vợt nữ : nhờ 10 cuộc đấu tại Trung Quốc mỗi năm WTA thu về hơn 26 triệu euro. Le Monde nhấn mạnh đến một "sự đương đầu đầy can đảm của WTA" và tờ báo này kỳ vọng rằng "vụ Bành Súy là một bước ngoặt" trong cuộc đấu tranh của phụ nữ Trung Quốc trước những hành vi lạm dụng của nam giới.

Vòng xoáy xung đột tại Ethiopia và Ukraine 

Báo công giáo La Croix trong phần trang quốc tế chú ý đến Ethiopia tại Châu Phi và Ukraine sát cạnh nước Nga. "Ethiopia, một quốc gia bên bờ vực thẳm", phe nổi dậy đe dọa chiếm đóng thủ đô Addis Abeba. Xung đột vũ trang ở vùng Tigray, miền bắc nổ ra cách nay một năm đang lan rộng đến thủ đô Ethiopia. Thủ tướng Abyi Ahmed, giải Nobel Hòa Bình 2019, nay trở thành một "thủ lĩnh" đưa đất nước lao vào chiến tranh và đẩy 110 triệu dân Ethioia vào một cuộc thảm họa nhân đạo.

Xã luận của tờ báo chú ý đến mùi thuốc súng đang bốc lên từ vùng biên giới giữa Nga và Ukraine : Phương Tây lo ngại trước sự hiện diện của binh lính Nga trong khu vực trong lúc Moskva lên án các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đen. Mỗi bên đều khẳng định trong thế "tự vệ" trước nguy cơ bị tấn công. Nhưng ai đã khai mào cuộc đọ sức đó ? Tác giả xã luận trên tờ La Croix, Jean Christophe Ploquin trả lời : từ khi Liên Xô tan rã các dân tộc từng sống dưới gọng kềm cộng sản đều hướng về mô hình kinh tế tự do của phương Tây và các nền dân chủ. Đợt đầu tiên đã gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và Liên Hiệp Châu Âu. Moskva ngăn cản kịp thời lớp thứ nhì.

Năm 2008 chiến tranh chận đứng tham vọng "Tây hướng" của Gruzia, Ukraine lãnh đòn năm 2014. Năm ngoái đến lượt phe dân chủ Belarus trả giá đắt. La Croix kết luận sở dĩ Kremlin siết chặt gọng kềm bởi biết rằng mô hình của Nga không hấp dẫn trong mắt các nước láng giềng. Dân chúng tại các quốc gia này không muốn sống trong một xã hội mà ở đó tất cả các hoạt động từ chính trị đến kinh tế, truyền thông... đều được tập trung trong tay một vài nhận vật. Trong hoàn cảnh đó Vladimir Putin phải dùng tới sức mạnh. Moskva "trong thế thủ chống lại những nguyện vọng tự do".

Không hẹn mà cây bút bình luận của báo Le Figaro thiên hữu, Nicolas Baverez cũng đưa ra quan điểm tương tự trong bài "Cái bóng của Moskva lớn dần tại Châu Âu" : chiến lược của Nga nhằm gây rối loạn và đẩy Châu Âu vào tâm trạng hoang mang, hoảng sợ… Tính toán đó có vẻ như đang đem lại kết quả như Vladimir Putin mong đợi. Có điều, "những đòn mạnh tay của Kremlin khó che đậy được những điểm yếu của nước Nga". Hai nhược điểm quan trọng hơn cả trong mắt tác giả bài báo là "dân số Nga giảm đi nửa triệu người mỗi năm, còn kinh tế thì bị đe dọa sẽ từng bước mất đi nguồn thu nhập quý giá về dầu khí".

Nỗi lo không có quà Giáng sinh

Hơn một tháng trước Noel, dân Pháp đua nhau đi mua quà Giáng Sinh là chủ đều được nhiều tờ báo Paris chú ý trong ngày. Noel cận kề, các hoạt động giao thông đường biển vẫn bị khủng hoảng y tế làm xáo trộn, không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng.

Bài toán thêm nan giải do nhiều công ty tại Pháp chủ trương không lưu giữ hàng trong kho : "Trục trặc trong chuỗi cung ứng của thế giới", tựa của La Croix. Le Figaro nói đến "nỗi lo" của các nhà cung cấp thiếu hàng bán vào dịp tết, lễ cuối năm. Một số cửa hàng tại Pháp đang đua nhau đưa ra những sáng kiến để khuyến khích khách hàng đi mua sắm sớm hơn thường lệ. Nhưng tương kế tựu kế, nguy cơ không có quà cho trẻ nhỏ vào dịp Giáng Sinh, nhiều gia đình thiên về giải pháp "cũ người, mới ta".

Điều tra của Le Figaro cho thấy, doanh thu trên thị trường mua bán đồ cũ tại Pháp lên tới 7 tỷ euro. Hoạt động trong ngành tăng từ 15 đến 20% trong vòng một năm. Tờ báo trích lời tổng giám đốc hãng phân phối Rakuten, do sợ không được giao hàng kịp thời và vì hiện tượng giá cả leo thang, doanh thu trong ngành mua bán đồ cũ tăng 20% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Xu hướng chung là mua từ đồ chơi điện tử đến quần áo, điện thoại cầm tay hay máy vi tính.

Tờ Libération cũng chú ý đến cảnh "vật giá leo thang", một hiện tượng mới đối với cả một thế hệ tại cả Châu Âu lẫn Hoa Kỳ. Tờ báo chạy hàng chữ đỏ "Lạm Phát", điểm nóng đang ở phía trước. Từ năng lượng đến giá nhà đất, giá nguyên liệu đều tăng lên. Lo ngại qua đó tăng theo.

Từ nhiều thập niên qua chính sách tiền tệ và kinh tế của Âu Mỹ đã làm chủ được tình hình, nhưng Covid-19 và đà phục hồi quá nhanh chóng của nền kinh tế thế giới đã khơi lại nỗi ám ảnh này. Đáng lo ngại hơn nữa, là với một nền "kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, dường như không một ai kiểm soát nổi tình hình, không biết lạm phát xuất phát từ đâu và hậu quả sẽ lan rộng tới mức độ nào (…) tương tự như với khủng hoảng y tế : không ai hiểu được rằng, virus corona đã bắt nguồn từ đâu"

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 399 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)