Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/11/2021

Biển Đông : Chiến dịch lôi kéo ASEAN của AUKUS và Anh

RFI tổng hợp

Biển Đông : AUKUS có ảnh hưởng ra sao đến đàm phán ASEAN-Trung Quốc về COC ?

Minh Anh, RFI, 22/11/2021

Thứ Hai, 22/11/2021, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo khối ASEAN. Đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử (COC) tại vùng Biển Đông giầu tài nguyên là tâm điểm của cuộc họp. Giới chuyên gia tại Châu Á cho rằng liên minh quân sự AUKUS, gồm ba nước Anh, Úc, Mỹ là một trong những yếu tố tác động đến kết quả cuộc họp.

anhuc1

Ảnh tự liệu : Thủ tướng Úc Scott Morrison (giữa màn hình) họp thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo Asean, ngày 27/10/2021. © Brunei ASEAN via AP

Từ nhiều thập kỷ, những tranh chấp về yêu sách chủ quyền giữa Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn chưa được giải quyết, bất chấp những nỗ lực giữa Bắc Kinh và khối ASEAN nhằm soạn thảo một khuôn khổ cho các quy tắc và chuẩn mực tại Biển Đông.

Vào lúc tình hình khu vực vốn dĩ đã căng thẳng do những thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, thì thông báo thành lập AUKUS – một hiệp ước an ninh giữa Úc, Anh và Mỹ nhằm giúp Canberra có được một hạm đội tầu ngầm hạt nhân, một liên minh được cho là chống Trung Quốc, đã làm cho những căng thẳng đó thêm phần phức tạp.

Tờ South China Morning Post tự hỏi : Thông báo này có những ảnh hưởng ra sao đối với cuộc đàm phán COC giữa Trung Quốc với ASEAN ? Nếu nhìn một cách lạc quan, Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên Luật học trường đại học Indonesia cho rằng sự ra đời của AUKUS có nguy cơ thúc đẩy Trung Quốc "xúc tiến nhanh hơn nữa cuộc đàm phán COC trước khi Mỹ gia tăng thêm ảnh hưởng trong khu vực".

Bắc Kinh ngày càng quan ngại trước các hoạt động quân sự của Mỹ và các nước đồng minh trong cũng như ngoài khu vực tại Biển Đông. Ông nhắc lại rằng Trung Quốc và ASEAN, hồi tháng 7/2019, đã hoàn thành việc xem xét dự thảo đầu tiên về những văn bản đàm phán của COC, nhưng do đại dịch Covid-19 và những bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN nên đôi bên ít có những tiến bộ từ đó.

Nhưng Charles Dunst, thành viên Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) lại thấy rằng AUKUS ra đời có lẽ sẽ làm cho cuộc đàm phán COC thêm phần phức tạp. Sự việc phản ảnh rõ những quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Cam kết này của Mỹ có nguy cơ làm cho "Trung Quốc cứng rắn hơn, phản đối mạnh mẽ hơn việc ký kết một bộ quy tắc ứng xử, vốn dĩ hạn chế Trung Quốc bằng mọi cách", Charles Dunst phân tích. Hệ quả là Bắc Kinh sẽ còn hung hăng hơn, gia tăng các nỗ lực quân sự hóa ở Biển Đông, đe dọa các quốc gia có đòi hỏi chủ quyền. Và "điều đó sẽ làm chậm lại việc đạt được một COC, lẽ ra được dự trù hoàn thành vào tháng 11/2018", theo như nhận định của ông Chester Cabalza, sáng lập viên cơ quan tham vấn Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế, trụ sở tại Manila.

Ngoài ra, theo nhật báo Hồng Kông, còn có một nguyên nhân khác gây khó khăn cho cuộc đàm phán : Việc Trung Quốc đề xuất một cơ chế liên quan đến việc quân đội nước ngoài tập trận chung với các nước thành viên ASEAN. Một cơ chế bị xem như là "đi ngược lại quyền tự chủ - chủ quyền quốc gia" của nhiều nước trong khu vực.

SCMP lưu ý mặc dù Indonesia và Malaysia đều phản đối việc hình thành AUKUS, nhưng cả hai nước này đều duy trì các mối quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh tương ứng với các thành viên của AUKUS, cụ thể là Mỹ và Úc.

Do vậy, nhà nghiên cứu Collin Koh, trường Nghiên Cứu Quốc tế S. Rajaratham của Singapore nghĩ rằng "AUKUS không thể làm thay đổi gì về vấn đề các hoạt động quân sự nước ngoài ở vùng Biển Đông" và cũng không tác động đáng kể các cuộc đàm phán về COC".

Vẫn theo nhà nghiên cứu tại Singapore, ASEAN và Trung Quốc vẫn còn vướng mắc nhiều điểm ban đầu như phạm vi địa lý, nhiệm vụ của các bên tham gia ký kết và không ký kết. Trong điều kiện này, ASEAN không muốn gây thêm khó khăn cuộc đàm phán khi đưa thêm vấn đề AUKUS, do việc điều này sẽ còn làm cho các cuộc đàm phán thêm bị lún lầy do còn có những vấn đề khác phức tạp hơn liên quan đến nhiều nhóm cấu trúc khác như Bộ Tứ - QUAD chẳng hạn.

Cuối cùng, giới chuyên gia còn cho rằng vấn đề nhậy cảm duy nhất còn lại là các nước có liên quan có thể chấp nhận đến đâu "mức độ từ bỏ chủ quyền" của mình. Đây cũng chính là một trong những vấn đề gây chia rẽ, cạnh tranh giữa các nước có liên quan, vốn dĩ cũng đang dòm ngó lẫn nhau khi sợ rằng mình đã hy sinh nhiều hơn nước khác.

Minh Anh

********************

Anh mời ASEAN tham dự G7 vào lúc liên minh Aukus gây căng thẳng trong khu vực

Chi Phương, RFI, 22/11/2021

Vương quốc Anh đã mời các quốc gia Đông Nam Á tham dự cuộc họp ngoại trưởng G7 ở Liverpool vào tháng 12-2021. Theo báo Guardian, lời mời này được đưa ra trong bối cảnh liên minh Aukus ba bên, Mỹ, Anh, Úc, đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đưa vũ trang trong khu vực. 

anhuc2

Ngoại trưởng Anh Liz Truss trong cuộc gặp thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Bangkok, hôm 10/11/2021.  © Thailand Government House via Reuters

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Quốc Anh, bà Liz Truss, cho biết mục đích lời mời là nhằm xây dựng một mạng lưới tự do trên toàn thế giới nhằm "thúc đẩy tự do, dân chủ và hoạt động kinh doanh, đồng thời khuyến khích các quốc gia có cùng chí hướng hợp tác với nhau từ một vị trí có sức mạnh".

Theo báo Guardian, hiện nay, các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang bị chia rẽ về liên minh Aukus ba bên Anh, Mỹ và Úc. Một số quốc gia, đặc biệt là Indonesia và Malaysia, đã chỉ trích gay gắt liên minh này và việc thúc ép nhiều nước trong ASEAN phải lựa chọn đứng về phe nào trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc. 

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammudin Hussain, nhận định rằng sự phát triển của liên minh Aukus có thể làm gia tăng căng thẳng và giảm đối thoại với hai siêu cường trong khu vực Đông Nam Á. Theo ông, điều này có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được, nhất là tình hình trên Biển Đông. 

Về phía Trung Quốc, quốc gia này coi việc họp mở rộng G7 là một nỗ lực để thuyết phục ASEAN tán thành thỏa thuận Aukus và tạo dựng một cách tiếp cận quân sự "cứng rắn hơn" đối với Trung Quốc. Theo AFP, liên minh này đã khiến Trung Quốc tức giận và coi đây là mối đe dọa "cực kỳ vô trách nhiệm" đối với sự ổn định của khu vực. 

 Cũng liên quan đến liên minh Aukus, hôm nay, ngày 22/11/2021, Úc đã chính thức ký thỏa thuân liên minh quốc phòng mới với Anh và Mỹ cho phép trao đổi thông tin về "phát triển tàu hải quân bằng năng lượng hạt nhân", nhằm đối phó với tình hình căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Xin nhắc lại là khi tham gia liên minh Aukus, Úc đã hủy bỏ hợp đồng khổng lồ mua 12 tàu ngầm của Pháp, châm ngòi cho thẳng giữa Pháp và Úc từ tháng 9/2021. 

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Chi Phương
Read 389 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)