Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/12/2021

Số phận của Aung San Suu Kyi và dân Miến dưới chế độ quân phiệt

RFI tổng hợp

Miến Điện : Tập đoàn quân sự giảm 2 năm tù cho bà Aung San Suu Kyi

Chi Phương, RFI, 07/12/2021

Vài giờ sau các phản ứng mạnh mẽ về bản án nhắm vào cựu lãnh đạo dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, tập đoàn quân sự ngày 6/12/2021 đã quyết định giảm án tù từ bốn năm xuống còn hai năm. Giải Nobel Hòa Bình bị kết tội xúi giục gây rối trật tự công cộng và vi phạm luật về thiên tai. Đối với người Miến Điện, điều này không có gì ngạc nhiên, và sự tức giận hòa lẫn với sự bất lực. 

aung1

Sau khi phán quyết phát tù bà Aung San Suu Kyi, nhiều người Miến Điện đã xuống đường biểu tình tại Rangoon, ngày 06/12/2021  via Reuters – Social Media

Từ Rangoon, thông tín viên RFI, Juliette Verlin gửi về bài tường trình : 

"Đối với May, một nhân viên trẻ làm việc cho một công ty quốc tế và Aung nhân viên một tổ chức địa phương, bản án nhắm vào lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ được thông báo ngày hôm qua không mang lại điềm lành cho tương lai.

May nói : ‘Tôi vừa tức giận vừa thất vọng. Nhưng tôi biết quân đội có thể làm mọi chuyện. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên cả. Như bà Aung San Suu Kyi đã từng nói vậy ở một trong những phiên tòa, tất cả đều phi lý. Chúng tôi biết rằng những hành vi phạm tội là không có thực, những lời buộc tội là giả. 

Nhưng chúng tôi cảm thấy bất lực, chúng tôi không thể ngăn cản họ lại. Chúng tôi không thể can thiệp. Tối hôm qua, khi tôi biết tin bản án của bà được giảm xuống từ bốn năm còn hai năm, tôi đã cười, bởi vì điều này thật nực cười. Họ đùa giỡn với luật pháp. Họ thay đổi bản án chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ. Tâm trạng tôi còn không thay đổi nhanh đến thế’.

‘Họ giảm án như là cử chỉ độ lượng, hay là một hành động hòa giải dân tộc. Bà Aung San Suu Kyi đã bị buộc nhiều tội danh, như tham nhũng, gian lận bầu cử, vi phạm luật thiên tai hay về truyền thông. Các tội danh tiếp theo sẽ được thực hiện theo các trình tự tương tự, như đối với hai tội danh hiện nay. Chúng ta sẽ sớm biết thôi. Hiện giờ, chúng ta không thể biết chính xác trò chơi chính trị giữa quân đội Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi. 

Không ai đứng trên luật pháp cả. Quân đội chính là luật pháp. Họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn’ - May tóm lại. 

Trong những ngày tới, sẽ có những phán quyết khác cho các tội danh sắp tới". 

Theo AFP, bà Aung San Suu Kyi vẫn còn phải ra tòa với các tội danh khác nữa, và việc xét xử bà có thể kéo dài trong nhiều tháng. Từ hôm qua, ngay sau khi chính quyền quân sự Miến Điện tuyên án, nhiều nước trên thế giới đồng loạt lên tiếng bày tỏ bất bình. Hoa Kỳ cho rằng việc kết án như vậy là "không công bằng" và việc bà Aung San Suu Kyi phải vào tù là một sự "xúc phạm đến nền dân chủ và công lý ở Miến Điện".

Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, ông Josep Borelle, đã mạnh mẽ lên án phán quyết của tòa và cho rằng đây là một "nỗ lực nhằm loại trừ các nhà lãnh đạo dân chủ ra khỏi quá trình đối thoại toàn diện". 

Chi Phương

********************

Miến Điện : Tập đoàn quân sự kết án bà Aung San Suu Kyi 4 năm tù

Thu Hằng, RFI, 06/12/2021

Bà Aung San Suu Kyi, đồng sáng lập đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND), bị kết án bốn năm tù ngày 06/12/2021 vì tội xúi giục gây rối trật tự công cộng và vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19. Đây là bản án đầu tiên đối với cựu lãnh đạo Miến Điện, bị tập đoàn quân sự lật đổ từ cuộc đảo chính ngày 01/02.

aung2

Người Miến Điện tại Mandalay biểu tình chống tham nhũng, đòi tập đoàn quân sự trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, ngày 05/03/2021.  AP (Ảnh minh họa) -

Trả lời AFP, ông Zaw Min Tun, người phát ngôn của tập đoàn quân sự, cho biết bà Aung San Suu Kyi bị "kết án hai năm tù theo điều khoảng 505 (b) và hai năm tù chiểu theo luật về thiên tai". Cụ thể, cáo buộc kích động gây rối trật tự công cộng liên quan đến những lời lên án giới tướng lĩnh cướp chính quyền, được đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND) đăng sau cuộc đảo chính. Còn cáo buộc vi phạm quy định phòng dịch liên quan đến việc tổ chức cuộc bầu cử lập pháp năm 2020 với chiến thắng áp đảo cho đảng LND nhưng bị tập đoàn quân sự cáo buộc gian lận.

Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi sẽ còn phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác, như nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm, phản loạn, tham nhũng, gian lận bầu cử… Với tất cả những cáo buộc trên, tập đoàn quân sự Miến Điện muốn nhà cựu lãnh đạo dân chủ chịu án tù mãn đời và như vậy loại hẳn đối thủ khỏi chính trường.

Cựu tổng thống Win Myint cũng bị kết án tương tự trong phiên xử ngày 06/12. Nhưng cả hai cựu lãnh đạo vẫn tại ngoại ở Naypyidaw và "sẽ phải đối mặt với những cáo trạng khác tại nơi họ đang sống", theo phát ngôn viên Zaw Min Tun, nhưng ông không nêu thêm chi tiết.

Chuyên gia Richard Horsey, thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), cho rằng các cáo buộc trên "thể hiện sự trả thù và quyền lực của giới tướng lĩnh". Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi có thể không phải ngồi tù mà "sẽ thi hành án tại nhà riêng hoặc trong một "nhà khách" do chế độ chỉ định".

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế lên án các cáo buộc "xảo quyệt" nhắm vào bà Aung San Suu Kyi là nhằm loại bỏ đối lập chính trị và bóp nghẹt các quyền tự do. Ngoại trưởng Anh Liz Trus cũng lên án tương tự, đồng thời kêu gọi chế độ "trả tự do cho các tù nhân chính trị, tái lập đối thoại và dân chủ. Việc bắt giữ tùy tiện các nhà chính trị chỉ gây thêm bất ổn".

Các cuộc biểu tình đòi dân chủ và trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, dù ở quy mô nhỏ, vẫn diễn ra bất chấp đàn áp của tập đoàn quân sự. Trong vụ tông xe vào đoàn người biểu tình tại Rangoon ngày 05/12, số nạn nhân tử vong đã tăng lên thành 5 người. Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Miến Điện trừng phạt bất kỳ ai lạm dung vũ lực đối với thường dân không vũ khí.

Thu Hằng

************************

Miến Điện : Quân đội tông xe vào người biểu tình ở Rangoon

Thu Hằng, RFI, 05/12/2021

Tập đoàn quân sự Miến Điện vẫn tiếp tục tấn công dã man những người ủng hộ dân chủ và biểu tình một cách ôn hòa. Ngày 05/12/2021, quân đội đã cố tình tông xe vào một nhóm người biểu tình ở thành phố Rangoon, khiến 3 người bị thương.

aung3

Người biểu tình đòi dân chủ đối diện với cảnh sát, Rangoon 2021. Ảnh chụp của nhà báo ẩn danh, tác giả bộ ảnh phóng sự "Cuộc cách mạng Mùa Xuân", được trao giải phóng sự ảnh Prix Bayeur des correspondants de guerre. © Ảnh The New York Times / Giải thưởng quốc tế phóng viên chiến trường Bayeur

Theo một nhà báo có mặt tại chỗ, được AFP trích dẫn, khi một nhóm người biểu tình ôn hòa ở một phố thương mại tại thủ phủ kinh tế Rangoon để yêu cầu "trả lại chính quyền cho dân" thì một chiếc xe ô tô lớn đã tông thẳng vào họ. Lái xe cố tình "tăng tốc khi lao vào đám đông""tông vào nhiều người""Sau đó, quân nhân trên xe nhảy xuống và bắt đầu bắn" vào người biểu tình. Trong ba người bị thương, có một nhà báo Miến Điện đến đưa tin sự kiện. Nhóm quân nhân đánh ba người đã bị xe tông và ngã dưới đất, "chĩa súng vào những người qua đường ra lệnh giải tán".

Từ cuộc đảo chính ngày 01/02, đã có hơn 1.300 thường dân bị thiệt mạng, theo thống kê của Hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Miến Điện (AAPP). Lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bà Aung San Suu Kyi, bị tập đoàn quân sự Miến Điện truy tố với nhiều cáo trạng, trong đó có tội kích động và vi phạm các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19. Tòa đã hoãn tuyên án đến ngày 06/12. 

Cũng trong ngày 05/12, tướng Min Aung Hlaing đã đến thăm ông Tin Oo, đồng sáng lập đảng đối lập NLD, và hứa "hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nếu ông Tin Oo thấy cần và bệnh viện quân y sẽ giúp ông". Theo AFP, đây là cuộc tiếp xúc quan trọng đầu tiên với đảng đối lập NLD kể từ khi tập đoàn quân sự đảo chính.

Tuy nhiên, chuyến thăm này chỉ mang tính hình thức vì ông Tin Oo đã rời chính trường do tuổi cao (98 tuổi) và không còn vai trò quan trọng trong đảng NLD. Theo nhận định của ông Richard Horsey, cố vấn về Miến Điện của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), "vì ông Min Aung Hlaing dường như kiên quyết loại Aung San Suu Kyi và sẽ không gặp bà, nên có thể ông sẽ có những cuộc gặp vô thưởng vô hại khác về mặt chính trị".

Thu Hằng

**********************

Nhóm điều tra Liên Hiệp Quốc về Miến Điện : Có bằng chứng về tội ác của tập đoàn quân sự

Trọng Nghĩa, RFI, 07/11/2021

Người đứng đầu cơ quan điều tra Liên Hiệp Quốc về các tội ác nghiêm trọng nhất tại Miến Điện ngày 05/11/2021 khẳng định : Các bằng chứng sơ bộ thu thập được kể từ khi quân đội đảo chánh để lên nắm quyền vào ngày 1 tháng 2 cho thấy cả một cuộc tấn công trên diện rộng và có hệ thống nhằm vào thường dân có thể bị "quy kết thành tội ác chống nhân loại".

aung4

Cảnh sát giương súng tiến vào Đại học Công nghệ Mandalay, Miến Điện, ngày 07/03/2021  via Reuters – Obtained by Reuters

Theo hãng tin Mỹ AP, phát biểu với báo chí tại Liên Hiệp Quốc, ông Nicholas Koumjian xác nhận rằng Cơ chế Điều tra Độc lập về Miến Điện do ông đứng đầu, đã nhận được hơn 200.000 thông tin kể từ ngày quân đội Miến Điện tiến hành đảo chính, và đã thu thập được hơn 1,5 triệu bằng chứng. Các dữ liệu này đang được phân tích "để một ngày nào đó những người chịu trách nhiệm nặng nhất về các tội ác quốc tế nghiêm trọng ở Miến Điện sẽ phải giải trình".

Theo ông Koumjian, để đi đến nhận xét là các tội ác đối với thường dân được thực hiện trên diện rộng và mang tính hệ thống, các nhà điều tra đã xuất phát từ việc trong thời gian khoảng sáu tuần ngay sau cuộc dảo chánh, các vụ đàn áp đã gia tăng đáng kể nhắm vào những người biểu tình, với những biện pháp dữ dội hơn. Đàn áp xảy ra đồng thời ở những nơi khác nhau cho thấy đó là việc thực hiện một chính sách chung.

Ông Koumjian nói tiếp : "Và chúng tôi cũng thấy rằng một số nhóm cụ thể đã trở thành mục tiêu đàn áp, cụ thể là bị bắt giữ và giam cầm mà không tuân theo bất kỳ thủ tục pháp lý nào". Trong số các đối tượng này, có nhà báo, nhân viên y tế và các đối thủ chính trị" của tập đoàn quân sự.

Cơ quan Điều tra của Liên Hiệp Quốc được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Genève thành lập vào tháng 9 năm 2018 với nhiệm vụ thu thập, củng cố, lưu trữ và phân tích bằng chứng về các tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất và những vụ vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra ở Miến Điện kể từ ngày 01/01/2011.

Theo ghi nhận của AP, cuộc đảo chánh ngày 01/02/2021 diễn ra sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020, với sự kiện đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo, điều đã bị quân đội bác bỏ là gian lận.

Kể từ cuộc đảo chánh, Miến Điện đã chìm trong bất ổn, với các cuộc biểu tình thoạt đầu ôn hòa chống lại các tướng lĩnh cầm quyền, sau đó biến thành những vụ bạo loạn nhỏ ở nhiều khu vực thành thị sau khi lực lượng an ninh sử dụng vũ lực tàn khốc.

Gần đây hơn đã xuất hiện những cuộc giao tranh nghiêm trọng ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở khu vực biên giới. với sự tham gia của lực lượng dân quân các dân tộc thiểu số chống lại quân đội chính phủ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương, Thu Hằng, Trọng Nghĩa
Read 449 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)