Kazakhstan : Chiến thuật đổ lỗi cho "chế độ cũ
Ba tháng trước bầu cử tổng thống Pháp, chính phủ tránh để làn sóng phẫn nộ của giới giáo chức châm ngòi cho một phong trào phản kháng khó để dập tắt. Trong bối cảnh đó cánh tả đang "lao đầu vào tường", bị chia rẽ về mọi mặt. Điểm tín nhiệm tổng thống Macron lao dốc vì làn sóng dịch thứ 5 nhưng hy vọng biến thể "Omicron báo trước đại dịch Covid-19 sắp tới hồi kết" và Paris nghiên cứu khả năng chích "thêm một liều thứ tư" chống virus corona.
Binh lính tuần tra trên đường phố sau cuộc bạo loạn ở Almaty, Kazakhstan, 12/01/2021. Reuters – Pavel Mikheyev
Kazakhstan, Trung Quốc và Nga lấn át NATO, Mỹ, Ukraine trên các tờ báo Paris ngày 14/01/2022. Sau khi tuyên bố đã "dẹp được loạn", tổng thống Kazakhstan chọn giải pháp mang người tiền nhiệm Nazarbayev ra làm bia đỡ đạn nhằm xoa dịu phẫn uất của quần chúng. "Kazakhstan bắt đầu một cuộc thanh trừng trong cỗ máy quyền lực".
Nazarbayev, "vật tế thần" ?
Le Monde nhắc lại trong diễn văn hôm 11/01/2022 trước Quốc hội, tổng thống Tokayev không một lần nhắc đến tên thủ đô Nursultan, cái tên mới của Astana mang tên người tiền nhiệm và đã mỉa mai mở đầu bài phát biểu bằng câu :
Nhờ ơn Lãnh tụ Dân tộc, (như tổng thống đầu tiên của nước Kazakhstan độc lập kể từ khi Liên Xô sụp đổ từng tự nhận) mà nhiều công ty đã vô cùng thịnh vượng, một tầng lớp rất giàu có, kể cả ở cấp quốc tế, đã nổi lên (…). Đã đến lúc phải trả lại cho người dân món nợ đó.
Le Figaro chạy tít "Đế chế Nazarbayev trong tầm ngắm của Tokayev" : đương kim tổng thống Kazakhstan đang tận dụng cơ hội để thu hẹp ảnh hưởng và thế lực kinh tế của gia đình cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev.
Tuyên bố này là một đòn chính trị để xoa dịu công luận hay là cơ hội để Kassym-Jomart Tokayev thực sự thoát khỏi cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm từng cất nhắc ông lên đến đỉnh cao quyền lực ?
Emmanuel Grynzspan trên Le Monde nhìn nhận chính quyền hiện tại trút thịnh nộ của công luận về phía "chế độ cũ" để thoát hiểm nhưng khủng hoảng lần này phơi bày ra ánh sách xung khắc giữa Tokayev - Nazarbayev và ông mới là người thực sự điều hành đất nước dù đã rời khỏi ghế tổng thống Kazakhstan. Sử gia Nariman Shelekpayev giảng dậy tại đại học Saint Petersbourg giải thích : chính mô hình phân chia quyền lực tại quốc gia Trung Á này đã cho phép cựu tổng thống Nazarbayev thọc gậy bánh xe và thậm chí là "phá hoại" chính sách của Tokayev. Đã nhiều lần, tổng thống Tokayev quyết định một đàng, nội các làm một nẻo, bởi được Nazarbayev giật dây. Le Monde cho rằng, việc thanh trừng một số thành phần trong guồng máy lãnh đạo là điều "dễ hiểu".
Chiến dịch thanh trừng : bình mới rượu cũ !
Về mặt kinh tế, thu hẹp ảnh hưởng của gia đình Nazarbayev gặp nhiều trở ngại hơn. Le Figaro giải thích : Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi vẫn còn kiểm soát "phần lớn các hoạt động kinh tế, tài chính Kazakhstan". Ngành ngân hàng và viễn thông được đặt trong tay một người cháu cựu tổng thống Kazakhstan. Một người con rể của cựu tổng thống Nazarbayev, ông Timur Kulibayev, 55 tuổi, được mệnh danh là ông vua dầu hỏa, nắm giữ 6 tỷ đô la vốn trong các nhà máy khai thác vàng đen. Hơn thế nữa, chàng rể quý này còn là "người của Nga", hiện diện trong hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Gazprom. Cũng chính vì trọng lượng quá lớn của ông "con rể này" mà tổng thống Tokayev đã thay thế bộ trưởng Năng Lượng, một người thân tín trong quỹ đạo Nazarbayev bằng một người khác, cũng là tai mắt của gia đình Nazarbayev.
Vậy Nga sẽ hài lòng ? Chưa chắc. Theo báo Le Figaro gió vẫn có thể xoay chiều : càng lúc càng có nhiều tiết lộ gia đình Nazarbayev bán rẻ khí đốt của Kazakhstan cho Nga để chuộc lợi. Nói cách khác, liên hệ với Nga có thể là một lá bùa hộ mạng nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi, tùy theo từng trường hợp, đối với một số thành viên trong "đế chế" mang tên Nursultan Nazarbayev.
Tokayev vừa đi vừa dò
Liên quan đến quyết định cải tổ nội các, cũng tờ báo này, nêu bật hai điểm : thứ nhất tổng thống Tokayev chỉ thay thế 7 trong số 18 thành viên trong chính phủ và như một chuyên gia được tờ báo trích dẫn, đây chỉ là một sự thay đổi về "nhân sự", "hệ thống chính trị" tại Kazakhstan vẫn được "giữ nguyên" và chế độ "chuyên chế đó vẫn tồn tại". Điểm đáng chú ý thứ nhì là Kazakhstan có một vị thủ tướng mới và đó là một người trung thành với tổng thống Tokayev. Có điều, tân thủ tướng Kazakhstan Alihan Smaiylov và nhất là tân bộ trưởng bộ Thông tin, Askar Umarov có thể là hai cái gai trong mắt Moskva. Askar Umarov luôn tỏ thái độ "gần gũi" với Ankara và công khai bày tỏ lập trường thắt chặt quan hệ giữa Kazakhstan với Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền thông Moskva xem việc chỉ định Askar Umarov đứng đầu bộ Thông tin là một hành động "đâm sau lưng" chiến sĩ sau khi Kazakhstan đã cầu viện Nga can thiệp để "dẹp loạn" và "dẹp quân khủng bố". Phải chăng vì lẽ đó mà lính Nga chỉ cần "vài giờ" để hiện diện trên lãnh thổ Kazakhstan nhưng phải mất đến "chục ngày" để rời khỏi quốc gia Trung Á này như ghi nhận của thông tín viên báo Le Monde ?
Đan Mạch, "mồi ngon" của ngành tình báo Trung Quốc, Nga và Iran
Vào lúc đối thoại giữa Nga và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương vẫn dậm chân tại chỗ, báo kinh tế Pháp, Les Echos chú ý đến Đan Mạch, một thành viên NATO và Liên Hiệp Châu Âu, một trong những "con chim đầu đàn trong ngành công nghệ cao" trở thành miếng mồi ngon của các lực lượng thù nghịch nước ngoài. Tình báo Đan Mạch báo động "mối đe dọa càng lúc càng lớn", với "mức độ càng lúc càng dồn dập". Các tổ chức nước ngoài tìm cách "thâm nhập" vào hệ thống hành chính, vào quân đội và các doanh nghiệp của quốc gia Bắc Âu nhỏ bé này. Theo tài liệu được công bố hôm 13/01/2022 cơ quan an ninh Đan Mạch xem Nga là mối đe dọa hàng đầu, kế tới là Trung Quốc, Pakistan, Bắc Triều Tiên và Syria : các quốc gia kể trên muốn đánh cắp "công nghệ và sản phẩm của Đan Mạch phục vụ trong lĩnh vực quốc phòng". Riêng các toán tấn công xuất phát từ Iran chủ yếu nhắm vào các đối tượng người Iran sống tại Đan Mạch.
Moskva đặc biệt "tập trung thu thập thông tin về chính trị, kinh tế, quân sự và tất cả những gì có thể giúp ích cho nước Nga" trong đối thoại với Liên Hiệp Châu Âu. Trung Quốc thì chú trọng nhiều đến những thông tin tình báo về kinh tế, và trong một chừng mực nào đó là cả về cộng đồng người Hoa. Trong cuộc đọ sức giữa Nga, Mỹ và kể cả Trung Quốc để kiểm soát Bắc Cực khiến "mối đe dọa" nhắm vào Đan Mạch tăng tốc. Vẫn căn cứ vào tài liệu nói trên, các điệp viên ngoại quốc tìm cách chia rẽ Copenhagen với các đồng minh, nhất là với Washington, gây căng thẳng giữa Đan Mạch với Groenland, với quần đảo Féroé, vùng tự trị đặt dưới quyền quản lý của Copenhagen.
Olympic Bắc Kinh 2022 : Omicron hơn "nặng ký" hơn các lãnh đạo phương Tây
14 năm sau lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh mùa hè 2008, lễ khai mạc Olympic mùa đông lần này tổng thống Nga Vladimir Putin là một trong những khách mời quốc tế hiếm hoi xuất hiện trên khán đài danh dự cùng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hầu hết các lãnh đạo phương Tây khéo léo tẩy chay sự kiện thể thao này. Điều đó thể hiện "quan hệ vẫn rất căng thẳng" giữa Bắc Kinh với các nền dân chủ trên thế giới và càng cô lập Trung Quốc trên bàn cờ ngoại giao, như Le Figaro đánh giá.
Nhưng không chắc "thế cô lập" đó, nếu đúng là Bắc Kinh bị cô lập về ngoại giao, là ưu tư hàng đầu của Bắc Kinh hiện nay. Cũng tờ báo này giải thích trong một bài viết thứ nhì mang tựa đề "Cái bóng Covid-19 đè lên Thế Vận Hội mùa đông" : dân tình được lệnh tránh xa người nước ngoài, kể cả trong trường hợp cần được cấp cứu.
Vài tuần trước giờ khai mạc Olympic Bắc Kinh, số ca nhiễm trên toàn quốc liên tục tăng cao. Chính điều này mới đặt chế độ trong tình trạng "bất an", bởi Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan một khi đã chọn chiến thuật "zero Covid". Tệ hơn nữa, vào lúc ống kính truyền hình toàn thế giới chuẩn bị hướng về Trung Quốc, về Bắc Kinh, thì "dưới tác động của biến thể Omicron con đê ngăn dịch đang bắt đầu bị phá vỡ". Bài toán càng nan giải bởi ông Tập Cận Bình tự xem mình là một vị dũng tướng đánh bại một con siêu vi làm cả thế gian bấn loạn và ông cũng muốn khai thác sự kiện thể thao Olympic 2022 để chứng minh thế thượng phong của mô hình Trung Quốc cả trong lĩnh vực chống dịch. Tham vọng đó liệu có nguy cơ tan thành mây khói vì biến thể Omicron hay không ? Chưa chắc sự hiện diện của hàng chục ngàn người nước ngoài trong hai tuần lễ Olympic từ ngày 04-20/02/2022 là nguy cơ lớn nhất tạo nên một làn sóng dịch mới tại Trung Quốc. Bắc Kinh biết rõ điều đó vào dịp mà hàng trăm triệu người dân Trung Quốc chuẩn bị về quê ăn Tết. Còn đối với người dân tại Hoa lục thì băn khoăn đầu tiên là liệu rằng kịch bản đón mừng năm mới trong cảnh bị phong tỏa như 2 năm trước đây có tái diễn hay không.
Omicron, virus corona tàn cuộc chơi ?
Với công luận Pháp, Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh, chiếm rất nhiều thời gian của chính phủ : Paris nghiên cứu khả năng "tiêm thêm một liều thứ tư", tựa nổi bật trên trang nhất báo Le Monde. Le Figaro lạc quan hơn khi chạy tít "Omicron, hy vọng rồi cũng thoát khỏi đại dịch".
Đó là hy vọng "nối lại với cuộc sống như xưa" trong đời sống chính trị, để các đảng phái không bị chia trí về một con virus nhỏ, để virus corona không làm lu mờ các đề tài thời sự trong chương trình tranh cử của các ứng viên tổng thống tháng 4 tới đây.
Vào lúc Pháp vẫn có hơn 300.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, thì Le Figaro thực sự nói tới "hy vọng" đang lóe lên tại Tây Ban Nha khi Madrid bắt đầu "chuẩn bị cho giai đoạn hậu đại dịch", còn tại Anh Quốc, cho dù thủ tướng Boris Johnson liên tục xin lỗi vì đã tổ chức liên hoan tại Phủ thủ tướng trong giai đoạn cả nước Anh bị phong tỏa, nhưng từ hai ngày qua, số ca bệnh Covid-19 đang từ 200.000 giảm đi được phân nửa, số phải nhập viện cũng đã giảm đi đáng kể tại nhiều tỉnh thành.
Phóng sự trên báo Libération đưa độc giả vào thế giới của các mạng lưới làm giấy chứng nhận y tế giả và tờ báo gọi virus corona là siêu vi cho phép "dễ kiếm tiền" nhưng đó cũng là một hình thức "tội phạm mới". Khoảng 10.000 giấy chứng nhận y tế giả đang lưu hành và theo giới điều tra, giá mỗi tờ chứng nhận đó là khoảng từ 250 đến 330 euro !
Djokovic vua quần vợt "xem trời bằng vung"
Cuối cùng về thể thao, 48 giờ trước ngày giải quần vợt mở rộng ở Melbourne khởi động, chuyện dài nhiều tập chung quanh tay vợt số 1 thế giới Djokovic vẫn chưa tới hồi kết. Vận động viên người Serbia này đã "thua nhiều" trên đất Úc, tựa của báo Le Figaro.
Hệ thống phân phối phim Netflix đang tập trung một loạt phim tài liệu liên quan đến vận động viên quần vợt Novak Djokovic và cuộc "hành trình Úc Châu". Chắc chắn đây sẽ là một chủ đề ăn khách. Ban tổ chức giải Úc Mở Rộng ở Melbourne vẫn duy trì Djokovic trong các chương trình thi đấu nhưng trước mắt vận động viên người Serbia này đang đọ sức với Tư pháp Úc sau khi visa vừa bị hủy.
Nhưng tay vợt số 1 thế giới này đã đánh mất hào quang. Vốn đã là một vận động viên không có sức thu hút cảm tình của công chúng như Nadal hay Federer, Andy Muray… Djokovic giờ đây còn bị gán thêm nhãn hiệu "ăn gian, nói dối" do vi phạm lệnh tự cách ly khi bị nhiễm Covid-19, do thái độ xem trời bằng vung "quên" khai báo đã đến Tây Ban Nha vào dịp Tết dương lịch vừa qua, lại còn "mập mờ" về ngày tháng trên tờ giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR và tựu chung thì dương tính hay không, Djokovic vẫn tiếp xúc với những người chung quanh với nguy cơ mang bệnh cho người khác.
Thực hư thế nào đi chăng nữa, dù có giành được quyền thi đấu ở Melbourne lần này, Novak liệu có thể sang được tới Mỹ dự giải đấu Úc Mở Rộng hay không nếu anh vẫn cương quyết không chích ngừa ? Trước mắt cái tên Novak của anh đã bị mọi người chế nhạo gọi Djoko và No–Vax và Djokovic bị nói chại ra thành Djo-Covid : không hay ho chút nào.
Thanh Hà