Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc xâm lăng Ukraine có thể khiến Nga mất hẳn đồng minh đàn em Kazakhstan

Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga do chính quyền Putin phát động từ ngày 24/02/2022, kéo dài bốn tháng nay, không chỉ khiến Nga và phương Tây gần như đi đến chỗ tuyệt giao. Cuộc xâm lăng của Nga còn có nguy cơ khiến Moskva mất đi một số ít ỏi đồng minh thuộc không gian Liên Xô cũ. Kazakhstan nằm trong số đó.  

kazaskh01

Biểu tình phản đối cuộc xâm lăng Nga chống Ukraine tại Almaty, Kazakhstan, đầu tháng 3/2022. Reuters – Pavel Mikheyev

Kazakhstan là nước cộng hòa cuối cùng thuộc Liên Xô cũ tuyên bố độc lập, ngày 19/12/1991. Nước cộng hòa Trung Á Kazakhstan có diện tích lớn thứ hai trong Liên Xô trước đây, sau Nga, với hơn 2,7 triệu km vuông. Cho đến nay, Kazakhstan, quốc gia có đường biên giới trên bộ dài nhất với Nga (6.846 km), về mặt thể chế vẫn gắn bó mật thiết với Nga thông qua ba định chế.

Kazakhstan vốn gắn bó với ba định chế quốc tế chủ chốt của điện Kremlin

Thứ nhất là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC), liên minh chính trị - quân sự bao gồm 6 nước cộng hòa Liên Xô cũ, trong đó Liên bang Nga là trụ cột. Thứ hai là Liên minh Kinh tế Á – Âu (một dạng khu vực thị trường chung thời hậu Xô Viết, bao gồm 5 thành viên chính thức, là 5 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, và một số quan sát viên trong đó có Trung Quốc, Iran).Và định chế thứ ba là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), với Nga và Trung Quốc là thành viên trụ cột.

Toàn bộ ba định chế chủ chốt mà Kazakhstan tham gia cũng được coi là các yếu tố căn bản trong chiến lược đối ngoại của điện Kremlin, và đặc biệt là các công cụ cho phép Nga xác lập ảnh hưởng trong khu vực. Khoảng 20% trong tổng số dân cư 20 triệu dân Kazakhstan nói tiếng Nga. Cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev, một cựu lãnh đạo thời Liên Xô, cầm quyền liên tục từ năm 1991 đến 2019, điều hành đất nước với bàn tay sắt. Những nhân tố nói trên, cùng với việc đông đảo nhân sự trong bộ máy lãnh đạo chính quyền xuất thân thời Xô Viết, bảo đảm sự trung thành không gì lay chuyển của Kazakhstan đối với Moskva.

kazaskh1

Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev, không thừa nhận hai vùng lãnh thổ ly khai miền đông Ukraine

Bác bỏ chủ quyền "Cộng hòa Donetsk" và "Cộng hòa Lugansk" trước mặt Putin

Tuy nhiên, cuộc xâm lăng Ukraine của Nga có nguy cơ khiến Moskva mất đi, hay ít nhất cũng bị đồng minh đàn em lâu đời xa lánh. Bất đồng sâu sắc Kazakhstan – Nga thể hiện rõ rệt trong dịp Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại thành phố St Petersburg trung tuần tháng 6 vừa qua. Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev, là một trong các lãnh đạo quốc gia hiếm hoi trên thế giới tham gia diễn đàn kinh tế thường niên nổi tiếng do Nga tổ chức, nhưng bị đông đảo các nước tẩy chay năm nay do cuộc xâm lăng Ukraine. Tuy tham gia, nhưng chính tại diễn đàn này, nguyên thủ Kazakhstan đã tuyên bố thẳng ngay trước tổng thống Nga Vladimir Putin : Kazakhstan không thừa nhận hai vùng lãnh thổ ly khai miền đông Ukraine, với tên gọi "Cộng hòa Donetsk" và "Cộng hòa Lugansk", mà Nga công nhận. Can thiệp vào Ukraine để bảo vệ hai vùng lãnh thổ ly khai nói trên là cái cớ mà điện Kremlin đưa ra để biện minh cho cuộc xâm lăng.

Trả đũa : Nói trại tên đồng nhiệm, chặn xuất khẩu dầu của láng giềng...

Phía Nga cũng có trả đũa ngay tức thì trước thái độ kiên quyết của Kazakhstan. Theo Les Echos, tổng thống Nga đã đáp trả khi "cố tình phát âm sai tên" của đồng nhiệm Kazakhstan, một phản ứng được coi là "mang đầy ý nghĩa biểu tượng". Đúng hai hôm sau, Moskva đưa ra một trừng phạt cụ thể : ngừng cho phép dầu mỏ Kazakhstan xuất khẩu ra bên ngoài thông qua cảng dầu Novorossisk trên Biển Đen. Cảng dầu nói trên - với khả năng vận chuyển 1,4 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 3% lưu lượng dầu mỏ toàn cầu - được coi là cánh cửa chủ yếu đưa dầu mỏ Kazakhstan xuất khẩu ra thế giới (1).  

Theo lời giải thích của chính quyền Nga, việc tạm thời ngưng cho phép dầu mỏ Kazakhstan xuất qua cảng Novorossiysk trên Biển Đen là do vấn đề an ninh không bảo đảm. Cụ thể là để vô hiệu hóa một số bom chưa nổ dưới đáy Biển Đen, lưu lại từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, hiện diện gần khu vực cảng này. Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, lời biện bạch của Nga không thuyết phục được ai. Trên thực tế, phản ứng cứng rắn từ phía Nga không chỉ để trả đũa tuyên bố trực diện và dứt khoát của tổng thống Kazakhstan, bác bỏ "chủ quyền tự phong" của hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga thuộc Ukraine. Phản ứng này cũng đồng thời để đáp trả lại việc  chính quyền Kazakhstan trước đó hai tuần đã quyết định chuyển đổi tên gọi dầu mỏ của Kazakhstan thành KEBCO (Kazakhstan Export Blend Crude Oil), để tránh bị đánh đồng với dầu mỏ của Nga, nhằm không bị dính phải các trừng phạt từ phương Tây.

Tổng thống Kazakhstan bác bỏ vị thế bề trên của Nga…

Ngoài hai hành động dứt khoát của chính quyền Kazakhstan - tách khỏi sự chồng chéo trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ với Nga, tái khẳng định nguyên tắc không thừa nhận chủ quyền hai vùng lãnh thổ tự phong (được Nga hậu thuẫn) ngay trước mặt tổng thống Nga (nguyên tắc vốn đã được chính quyền Kazakhstan khẳng định ngay từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine), nhật báo Les Echos còn ghi nhận một động thái thứ ba.

Đây có thể là động thái báo hiệu sự rạn nứt khó vãn hồi của quan hệ Nga – Kazakhstan với tư cách mối quan hệ giữa nước lớn và quốc gia chư hầu. Ngày Chủ nhật 19/06 - tức một ngày trước khi Nga đưa ra quyết định ngăn chặn dầu xuất khẩu Kazakhstan, tổng thống Kazakhstan, đưa ra một tuyên bố được đánh giá là "rất cứng rắn", có thể được nhìn nhận như "một hành động khiêu khích" từ phía Moskva, theo Les Echos. Tổng thống Kazakhstan Tokaiev nhấn mạnh là "nước Nga đừng nên cố gắng đóng vai trò của đấng cứu thế, bởi sẽ không ai cần đến việc này, cũng sẽ không ai khuất phục".

Trên thực tế, phản ứng của tổng thống Kazakhstan cũng không hẳn là một hành động khiêu khích đơn thuần từ phía chính quyền Kazakhstan. Les Echos nhấn mạnh đến việc tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các vùng lãnh thổ Liên Xô cũ, bao gồm đặc biệt Kazakhstan, là thuộc về "lãnh thổ lịch sử của nước Nga". Đối với Kazakhstan, diễn đạt "gây lạnh sống lưng này" rõ ràng chứa đầy hàm ý đe dọa. Mùa hè năm ngoài, chủ nhân điện Krelin đã từng đưa ra một thông điệp về việc người Nga và người Ukraine cùng chia sẻ "một không gian lịch sử và tâm linh chung". Dưới diễn đạt vẻ ngoài mang đầy ý nghĩa văn hóa có vẻ vô hại này, "Không gian lịch sử và tâm linh chung Nga – Ukraine" giờ đây trở thành một tín điều căn bản đang được chính quyền Putin sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lăng Ukraine. Kazakhstan hoàn toàn có thể trở thành một Ukraine thứ hai.  

…nhưng tìm cách giảm nhẹ căng thẳng, duy trì hòa khí

Cũng liên quan đến phản ứng khác thường của tổng thống Kazakhstan tại Diễn đàn Kinh tế St Petersburg, nhật báo Anh ngữ Moscow Times, phát hành tại Nga, ghi nhận thái độ phản đối mạnh mẽ của nguyên thủ Kazakhstan với một bộ phận giới chính trị và truyền thông Nga, mà theo ông, đang góp phần "gieo rắc bất hòa" trong quan hệ hai nước. Cho đến nay, dường như chính quyền Kazakhstan vẫn cố gắng duy trì thế cân bằng trong quan hệ giữa phương Tây và Nga. Chính quyền của tổng thống Tokayev đã bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Thế nhưng, vấn đề không công nhận chủ quyền đối với hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga miền đông Ukraine là "lằn ranh đỏ" với Kazakhstan. Về phía Nga, dường như chính quyền Putin muốn gây áp lực để buộc Kazakhstan từ bỏ lập trường trung lập.

Theo Moscow Times, "một trong những người chỉ trích gay gắt nhất lập trường trung lập của Kazakhstan đối với Ukraine chính là bà Margarita Simonyan, tổng biên tập của báo Russia Today, người đã điều tiết cuộc thảo luận giữa hai nguyên thủ Putin và Tokayev ngày 17/6 (tại St Peterburg)" (2).

Theo nhà phân tích chính trị Dosym Satpayev, làm việc tại Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan, các phát biểu của tổng thống Tokayev tại St Petersburg chắc chắn sẽ được theo dõi sát tại Kazakhastan "nơi chính sách đối ngoại rất hiếu chiến của điện Kremlin có thể gây nhiều phản đối, nhưng cũng có được nhiều ủng hộ". Báo Moscow Times cũng ghi nhận nỗ lực làm dịu căng thẳng trong quan hệ song phương với Nga của tổng thống Kazakhstan. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ít ngày sau Diễn đàn St Petersburg, tổng thống Kazakhstan đã ca ngợi đồng nhiệm Nga là một "đồng minh trung thành", và hai bên đã có một "cuộc gặp rất tốt đẹp." Chính quyền Kazakhstan cố gắng duy trì hòa khí, nhưng thái độ của điện Kremlin sẽ ra sao ? Già néo liệu có đứt dây ?

Cuộc xâm lăng Ukraine thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa ở Kazakhstan ?

Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cũng đưa ra một góc nhìn bổ sung. Đó là quan hệ Kazakhstan và Nga đang bước vào giai đoạn đặc biệt nhạy cảm. Chính quyền của tổng thống Tokayev (đắc cử từ năm 2019) đang tìm cách dần từng bước thoát khỏi di sản độc tài của chế độ Nazarbayev. Đầu tháng 6 vừa qua, Kazakhstan đã trưng cầu dân ý cải cách Hiến pháp hướng đến "dân chủ hóa" – theo hướng chuyển từ chế độ tổng thống tập trung toàn bộ quyền lực, sang một nền cộng hòa tổng thống chế nhưng với một Quốc hội mạnh, cấm người thân cận với tổng thống nắm quyền trong các cơ quan quan trọng. Cuộc trưng cầu dân ý được 77% dân chúng ủng hộ nói trên, được nhiều người coi là một biến cố chính trị lớn nhất tại Kazakhstan kể từ 30 năm nay, khi cho đến rất gần đây tập đoàn Nazarbayev luôn nắm trọn vẹn quyền lực (3).

Tiến trình dân chủ hóa, xích lại gần với các giá trị của phương Tây phải chăng không sớm thì muộn cũng dẫn đất nước Kazakhstan lìa xa khỏi chế độ chính trị của nước Nga nơi điện Kremlin thâu tóm mọi quyền lực ? Nếu nhìn theo hướng này, phải chăng cuộc xâm lăng Ukraine của Nga trên thực tế đang góp phần đẩy nhanh tiến trình khẳng định rõ ràng nền độc lập, khả năng tự lựa chọn chế độ chính trị phù hợp cho mình, vốn đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong nội bộ xã hội Kazakhstan ?

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 28/06/2022

Chú thích :

(1) "Le Kazakhstan s'éloigne à son tour de la Russie", Les Echos, ngày 20/06/2022

(2) "Ukraine War Strains Ties Between Kazakhstan and Russia", Moscow Times, ngày 24/06/2022

(3) "Kazakhstan : une majorité de "oui" au référendum pour tourner la page Nazarbayev", France 24, 05/06/2022

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Diễn đàn

Kazakhstan : Chiến thuật đổ lỗi cho "chế độ cũ

Ba tháng trước bầu cử tổng thống Pháp, chính phủ tránh để làn sóng phẫn nộ của giới giáo chức châm ngòi cho một phong trào phản kháng khó để dập tắt. Trong bối cảnh đó cánh tả đang "lao đầu vào tường", bị chia rẽ về mọi mặt. Điểm tín nhiệm tổng thống Macron lao dốc vì làn sóng dịch thứ 5 nhưng hy vọng biến thể "Omicron báo trước đại dịch Covid-19 sắp tới hồi kết" và Paris nghiên cứu khả năng chích "thêm một liều thứ tư" chống virus corona.

kazakh1

Binh lính tuần tra trên đường phố sau cuộc bạo loạn ở Almaty, Kazakhstan, 12/01/2021.  Reuters – Pavel Mikheyev

Kazakhstan, Trung Quốc và Nga lấn át NATO, Mỹ, Ukraine trên các tờ báo Paris ngày 14/01/2022. Sau khi tuyên bố đã "dẹp được loạn", tổng thống Kazakhstan chọn giải pháp mang người tiền nhiệm Nazarbayev ra làm bia đỡ đạn nhằm xoa dịu phẫn uất của quần chúng. "Kazakhstan bắt đầu một cuộc thanh trừng trong cỗ máy quyền lực".

Nazarbayev, "vật tế thần" ?

Le Monde nhắc lại trong diễn văn hôm 11/01/2022 trước Quốc hội, tổng thống Tokayev không một lần nhắc đến tên thủ đô Nursultan, cái tên mới của Astana mang tên người tiền nhiệm và đã mỉa mai mở đầu bài phát biểu bằng câu :

Nhờ ơn Lãnh tụ Dân tộc, (như tổng thống đầu tiên của nước Kazakhstan độc lập kể từ khi Liên Xô sụp đổ từng tự nhận) mà nhiều công ty đã vô cùng thịnh vượng, một tầng lớp rất giàu có, kể cả ở cấp quốc tế, đã nổi lên (…). Đã đến lúc phải trả lại cho người dân món nợ đó.

Le Figaro chạy tít "Đế chế Nazarbayev trong tầm ngắm của Tokayev" : đương kim tổng thống Kazakhstan đang tận dụng cơ hội để thu hẹp ảnh hưởng và thế lực kinh tế của gia đình cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev.

Tuyên bố này là một đòn chính trị để xoa dịu công luận hay là cơ hội để Kassym-Jomart Tokayev thực sự thoát khỏi cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm từng cất nhắc ông lên đến đỉnh cao quyền lực ?

Emmanuel Grynzspan trên Le Monde nhìn nhận chính quyền hiện tại trút thịnh nộ của công luận về phía "chế độ cũ" để thoát hiểm nhưng khủng hoảng lần này phơi bày ra ánh sách xung khắc giữa Tokayev - Nazarbayev và ông mới là người thực sự điều hành đất nước dù đã rời khỏi ghế tổng thống Kazakhstan. Sử gia Nariman Shelekpayev giảng dậy tại đại học Saint Petersbourg giải thích : chính mô hình phân chia quyền lực tại quốc gia Trung Á này đã cho phép cựu tổng thống Nazarbayev thọc gậy bánh xe và thậm chí là "phá hoại" chính sách của Tokayev. Đã nhiều lần, tổng thống Tokayev quyết định một đàng, nội các làm một nẻo, bởi được Nazarbayev giật dây. Le Monde cho rằng, việc thanh trừng một số thành phần trong guồng máy lãnh đạo là điều "dễ hiểu".

Chiến dịch thanh trừng : bình mới rượu cũ !

Về mặt kinh tế, thu hẹp ảnh hưởng của gia đình Nazarbayev gặp nhiều trở ngại hơn. Le Figaro giải thích : Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi vẫn còn kiểm soát "phần lớn các hoạt động kinh tế, tài chính Kazakhstan". Ngành ngân hàng và viễn thông được đặt trong tay một người cháu cựu tổng thống Kazakhstan. Một người con rể của cựu tổng thống Nazarbayev, ông Timur Kulibayev, 55 tuổi, được mệnh danh là ông vua dầu hỏa, nắm giữ 6 tỷ đô la vốn trong các nhà máy khai thác vàng đen. Hơn thế nữa, chàng rể quý này còn là "người của Nga", hiện diện trong hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Gazprom. Cũng chính vì trọng lượng quá lớn của ông "con rể này" mà tổng thống Tokayev đã thay thế bộ trưởng Năng Lượng, một người thân tín trong quỹ đạo Nazarbayev bằng một người khác, cũng là tai mắt của gia đình Nazarbayev.

Vậy Nga sẽ hài lòng ? Chưa chắc. Theo báo Le Figaro gió vẫn có thể xoay chiều : càng lúc càng có nhiều tiết lộ gia đình Nazarbayev bán rẻ khí đốt của Kazakhstan cho Nga để chuộc lợi. Nói cách khác, liên hệ với Nga có thể là một lá bùa hộ mạng nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi, tùy theo từng trường hợp, đối với một số thành viên trong "đế chế" mang tên Nursultan Nazarbayev.

Tokayev vừa đi vừa dò

Liên quan đến quyết định cải tổ nội các, cũng tờ báo này, nêu bật hai điểm : thứ nhất tổng thống Tokayev chỉ thay thế 7 trong số 18 thành viên trong chính phủ và như một chuyên gia được tờ báo trích dẫn, đây chỉ là một sự thay đổi về "nhân sự", "hệ thống chính trị" tại Kazakhstan vẫn được "giữ nguyên" và chế độ "chuyên chế đó vẫn tồn tại". Điểm đáng chú ý thứ nhì là Kazakhstan có một vị thủ tướng mới và đó là một người trung thành với tổng thống Tokayev. Có điều, tân thủ tướng Kazakhstan Alihan Smaiylov và nhất là tân bộ trưởng bộ Thông tin, Askar Umarov có thể là hai cái gai trong mắt Moskva. Askar Umarov luôn tỏ thái độ "gần gũi" với Ankara và công khai bày tỏ lập trường thắt chặt quan hệ giữa Kazakhstan với Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền thông Moskva xem việc chỉ định Askar Umarov đứng đầu bộ Thông tin là một hành động "đâm sau lưng" chiến sĩ sau khi Kazakhstan đã cầu viện Nga can thiệp để "dẹp loạn" và  "dẹp quân khủng bố". Phải chăng vì lẽ đó mà lính Nga chỉ cần "vài giờ" để hiện diện trên lãnh thổ Kazakhstan nhưng phải mất đến "chục ngày" để rời khỏi quốc gia Trung Á này như ghi nhận của thông tín viên báo Le Monde ?

Đan Mạch, "mồi ngon" của ngành tình báo Trung Quốc, Nga và Iran

Vào lúc đối thoại giữa Nga và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương vẫn dậm chân tại chỗ, báo kinh tế Pháp, Les Echos chú ý đến Đan Mạch, một thành viên NATO và Liên Hiệp Châu Âu, một trong những "con chim đầu đàn trong ngành công nghệ cao" trở thành miếng mồi ngon của các lực lượng thù nghịch nước ngoài. Tình báo Đan Mạch báo động "mối đe dọa càng lúc càng lớn", với "mức độ càng lúc càng dồn dập". Các tổ chức nước ngoài tìm cách "thâm nhập" vào hệ thống hành chính, vào quân đội và các doanh nghiệp của quốc gia Bắc Âu nhỏ bé này. Theo tài liệu được công bố hôm 13/01/2022 cơ quan an ninh Đan Mạch xem Nga là mối đe dọa hàng đầu, kế tới là Trung Quốc, Pakistan, Bắc Triều Tiên và Syria : các quốc gia kể trên muốn đánh cắp "công nghệ và sản phẩm của Đan Mạch phục vụ trong lĩnh vực quốc phòng". Riêng các toán tấn công xuất phát từ Iran chủ yếu nhắm vào các đối tượng người Iran sống tại Đan Mạch.

Moskva đặc biệt "tập trung thu thập thông tin về chính trị, kinh tế, quân sự và tất cả những gì có thể giúp ích cho nước Nga" trong đối thoại với Liên Hiệp Châu Âu. Trung Quốc thì chú trọng nhiều đến những thông tin tình báo về kinh tế, và trong một chừng mực nào đó là cả về cộng đồng người Hoa. Trong cuộc đọ sức giữa Nga, Mỹ và kể cả Trung Quốc để kiểm soát Bắc Cực khiến "mối đe dọa" nhắm vào Đan Mạch tăng tốc. Vẫn căn cứ vào tài liệu nói trên, các điệp viên ngoại quốc tìm cách chia rẽ Copenhagen với các đồng minh, nhất là với Washington, gây căng thẳng giữa Đan Mạch với Groenland, với quần đảo Féroé, vùng tự trị đặt dưới quyền quản lý của Copenhagen. 

Olympic Bắc Kinh 2022 : Omicron hơn "nặng ký" hơn các lãnh đạo phương Tây

14 năm sau lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh mùa hè 2008, lễ khai mạc Olympic mùa đông lần này tổng thống Nga Vladimir Putin là một trong những khách mời quốc tế hiếm hoi xuất hiện trên khán đài danh dự cùng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hầu hết các lãnh đạo phương Tây khéo léo tẩy chay sự kiện thể thao này. Điều đó thể hiện "quan hệ vẫn rất căng thẳng" giữa Bắc Kinh với các nền dân chủ trên thế giới và càng cô lập Trung Quốc trên bàn cờ ngoại giao, như Le Figaro đánh giá.

Nhưng không chắc "thế cô lập" đó, nếu đúng là Bắc Kinh bị cô lập về ngoại giao, là ưu tư hàng đầu của Bắc Kinh hiện nay. Cũng tờ báo này giải thích trong một bài viết thứ nhì mang tựa đề "Cái bóng Covid-19 đè lên Thế Vận Hội mùa đông" : dân tình được lệnh tránh xa người nước ngoài, kể cả trong trường hợp cần được cấp cứu.  

Vài tuần trước giờ khai mạc Olympic Bắc Kinh, số ca nhiễm trên toàn quốc liên tục tăng cao. Chính điều này mới đặt chế độ trong tình trạng "bất an", bởi Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan một khi đã chọn chiến thuật "zero Covid". Tệ hơn nữa, vào lúc ống kính truyền hình toàn thế giới chuẩn bị hướng về Trung Quốc, về Bắc Kinh, thì "dưới tác động của biến thể Omicron con đê ngăn dịch đang bắt đầu bị phá vỡ". Bài toán càng nan giải bởi ông Tập Cận Bình tự xem mình là một vị dũng tướng đánh bại một con siêu vi làm cả thế gian bấn loạn và ông cũng muốn khai thác sự kiện thể thao Olympic 2022 để chứng minh thế thượng phong của mô hình Trung Quốc cả trong lĩnh vực chống dịch. Tham vọng đó liệu có nguy cơ tan thành mây khói vì biến thể Omicron hay không ? Chưa chắc sự hiện diện của hàng chục ngàn người nước ngoài trong hai tuần lễ Olympic từ ngày 04-20/02/2022 là nguy cơ lớn nhất tạo nên một làn sóng dịch mới tại Trung Quốc. Bắc Kinh biết rõ điều đó vào dịp mà hàng trăm triệu người dân Trung Quốc chuẩn bị về quê ăn Tết. Còn đối với người dân tại Hoa lục thì băn khoăn đầu tiên là liệu rằng kịch bản đón mừng năm mới trong cảnh bị phong tỏa như 2 năm trước đây có tái diễn hay không.

Omicron, virus corona tàn cuộc chơi ?

Với công luận Pháp, Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh, chiếm rất nhiều thời gian của chính phủ : Paris nghiên cứu khả năng "tiêm thêm một liều thứ tư", tựa nổi bật trên trang nhất báo Le Monde. Le Figaro lạc quan hơn khi chạy tít "Omicron, hy vọng rồi cũng thoát khỏi đại dịch".  

Đó là hy vọng "nối lại với cuộc sống như xưa" trong đời sống chính trị, để các đảng phái không bị chia trí về một con virus nhỏ, để virus corona không làm lu mờ các đề tài thời sự trong chương trình tranh cử của các ứng viên tổng thống tháng 4 tới đây.

Vào lúc Pháp vẫn có hơn 300.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, thì Le Figaro thực sự nói tới "hy vọng" đang lóe lên tại Tây Ban Nha khi Madrid bắt đầu "chuẩn bị cho giai đoạn hậu đại dịch", còn tại Anh Quốc, cho dù thủ tướng Boris Johnson liên tục xin lỗi vì đã tổ chức liên hoan tại Phủ thủ tướng trong giai đoạn cả nước Anh bị phong tỏa, nhưng từ hai ngày qua, số ca bệnh Covid-19 đang từ 200.000 giảm đi được phân nửa, số phải nhập viện cũng đã giảm đi đáng kể tại nhiều tỉnh thành.

Phóng sự trên báo Libération đưa độc giả vào thế giới của các mạng lưới làm giấy chứng nhận y tế giả và tờ báo gọi virus corona là siêu vi cho phép "dễ kiếm tiền" nhưng đó cũng là một hình thức "tội phạm mới". Khoảng 10.000 giấy chứng nhận y tế giả đang lưu hành và theo giới điều tra, giá mỗi tờ chứng nhận đó là khoảng từ 250 đến 330 euro !  

Djokovic vua quần vợt "xem trời bằng vung"

Cuối cùng về thể thao, 48 giờ trước ngày giải quần vợt mở rộng ở Melbourne khởi động, chuyện dài nhiều tập chung quanh tay vợt số 1 thế giới Djokovic vẫn chưa tới hồi kết. Vận động viên người Serbia này đã "thua nhiều" trên đất Úc, tựa của báo Le Figaro.

Hệ thống phân phối phim Netflix đang tập trung một loạt phim tài liệu liên quan đến vận động viên quần vợt Novak Djokovic và cuộc "hành trình Úc Châu". Chắc chắn đây sẽ là một chủ đề ăn khách. Ban tổ chức giải Úc Mở Rộng ở Melbourne vẫn duy trì Djokovic trong các chương trình thi đấu nhưng trước mắt vận động viên người Serbia này đang đọ sức với Tư pháp Úc sau khi visa vừa bị hủy.  

Nhưng tay vợt số 1 thế giới này đã đánh mất hào quang. Vốn đã là một vận động viên không có sức thu hút cảm tình của công chúng như Nadal hay Federer, Andy Muray… Djokovic giờ đây còn bị gán thêm nhãn hiệu "ăn gian, nói dối" do vi phạm lệnh tự cách ly khi bị nhiễm Covid-19, do thái độ xem trời bằng vung "quên" khai báo đã đến Tây Ban Nha vào dịp Tết dương lịch vừa qua, lại còn "mập mờ" về ngày tháng trên tờ giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR và tựu chung thì dương tính hay không, Djokovic vẫn tiếp xúc với những người chung quanh với nguy cơ mang bệnh cho người khác.

Thực hư thế nào đi chăng nữa, dù có giành được quyền thi đấu ở Melbourne lần này, Novak liệu có thể sang được tới Mỹ dự giải đấu Úc Mở Rộng hay không nếu anh vẫn cương quyết không chích ngừa ? Trước mắt cái tên Novak của anh đã bị mọi người chế nhạo gọi Djoko và No–Vax và Djokovic bị nói chại ra thành Djo-Covid : không hay ho chút nào.  

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Thanh Hà
Published in Châu Á

Khủng hoảng Kazakhstan, Nga danh chính ngôn thuận điều quân đến Trung Á

Thanh Hà, RFI, 06/01/2022

Tổng thống Vladimir Putin phải chăng đang ghi thêm một bàn thắng quan trọng trên trường quốc tế nhờ khủng hoảng tại Kazakhstan ? Ngày 05/01/2021 tổng thống Kassym-Jomart yêu cầu Nga và các đồng minh "hỗ trợ" để vượt qua "đe dọa khủng bố". Sáng nay, Nga thông báo huy động "một lực lượng tập thể gìn giữ hòa bình" trong khuôn khổ liên minh quân sự Tổ Chức Hiệp Định An Ninh Tập Thể OTSC, giúp tái lập ổn định và bình thường hóa tình hình tại Kazakhstan.

ongtrum1

Ảnh trích từ video của Bộ quốc phòng Nga : "Lực lượng tập thể gìn giữ hòa bình" Nga lên máy bay đến giúp chính quyền Kazakhstan vãn hồi trật tự, ngày 06/01/2022. AP

Đúng 30 năm sau ngày Liên Xô tan rã, phong trào nổi dậy tại Kazakhstan có lẽ là món quà ngoài mong đợi giúp tổng thống Putin phục hồi ảnh hưởng của Liên bang Nga với quốc gia lớn nhất trong khu vực Trung Á. Điện kremlin vừa có lý do để điều quân đến Kazakhstan, vừa chận đứng ý định của Nursultan (tên gọi trước đây là Astana) muốn thoát khỏi quỹ đao của Moskva.

Kazakhstan là quốc gia lớn nhất cả về mặt địa lý lẫn trọng lượng kinh tế tại Trung Á, nơi gần 20 % dân số là người Nga, với Baikonur là "trung tâm vũ trụ chính của nước Nga" và Nga là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng nhất của Kazakhstan. Từ khi giành được độc lập năm 1991, tổng thống đầu tiên của Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev, cũng như tổng thống đương nhiệm Tokayev đều chứng minh vẫn trung thành với Kremlin. Cả hai cùng là những nhà lãnh đạo "khả dĩ" theo quan điểm của Moskva. Bằng chứng cụ thể là ngày 22/12/2021 Kazakhstan vừa ký kết với Nga một hiệp định về an ninh, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực từ an ninh mạng đến các thông tin tình báo và nhất là trong "nỗ lực chống khủng bố".

Dù vậy điều đó không cấm cản chính sách ngoại giao của Kazakhstan trong thời gian gần đây có dấu hiệu khiến Nga lo ngại. Năm ngoái, Kazakhstan ký hợp đồng trang bị drone và xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Tháng 10/2021 cũng chính quyền của tổng thống Tokayev đã thông qua một hiệp ước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với Ý, một thành viên khác của NATO. Ngày 07/12/2021 Kazakhstan vừa triển hạn thêm 5 năm thỏa thuận về hợp tác quân sự với Hoa Kỳ.

Vào lúc Kremlin tìm mọi cách để buộc phương Tây cam kết không mở rộng hoạt động quân sự đến gần những vùng thuộc ảnh hưởng của Nga, rõ ràng, việc Kazakhstan cầu viện Moskva can thiệp để "dẹp quân nổi dậy" là cơ hội tốt để nước Nga, danh chính ngôn thuận, tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Á. 

Tuy nhiên, theo phân tích của giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, ông Jean de Gliniasty trên đài phát thanh France Info, có khả năng Moskva "tránh can thiệp một cách quá lộ liễu và ồ ạt" vào Kazakhstan.

Điển hình là trong thông cáo sáng nay, bộ Ngoại Giao Nga nhấn mạnh đến tính "có giới hạn về mặt thời gian" của việc huy động "lực lượng tập thể" giúp Kazakhstan tái lập ổn định. Chuyên gia Gliniasty cho rằng, với rất nhiều quyền lợi tại Kazakhstan, từ kinh tế đến chiến lược, tổng thống Putin có nhiều phương tiện để can thiệp vào tình hình quốc gia Trung Á này và đó "không nhất thiết" phải là những biện pháp quân sự.

Thế còn nhìn từ phía Kazakhstan, cuộc nổi dậy lần này phải chăng là một thất bại trong nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của Moskva - và trong một chừng mực nào đó là kể cả với Trung Quốc ?

Theo giới phân tích, cho dù là một trong số các sáng lập viên của Tổ Chức Hiệp Định An Ninh Tập Thể được đặt dưới sự chỉ đạo của Moskva, nhưng Kazakhstan liên tục nhìn về phía Thổ Nhĩ Kỳ vì một sự gần gũi về văn hóa, về ngôn ngữ và cả về mặt tôn giáo. Điều đó càng thể hiện rõ hơn với tham vọng của Ankara phát triển OET - Tổ chức các quốc gia nói tiếng Thổ, trong đó có 5 nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ.

Theo nhà chính trị học Kazakhstan Dossym Satpayev được Le Monde trích dẫn, với Kazakhstan, sáng kiến tăng cường vai trò của OET là một "cánh cổng" để thoát khỏi "vòng kiềm tỏa của Nga và Trung Quốc đặc biệt là kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan". Nga vẫn xem Kazakhstan là sân sau của mình, còn Trung Quốc gần đây đã gợi ý Kazakhstan "về mặt lịch sử từng thuộc về Trung Quốc"

Chính quyền của tổng thống Tokayev và người tiền nhiệm đã tránh chỉ trích Nga "thôn tính" bán đảo Crimea của Ukraine hay lên tiếng về hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương bị cưỡng bức, để tránh làm phật lòng hai cường quốc thế giới này.

Tuy nhiên, vào lúc phong trào phản kháng đang bùng lên tại Kazakhstan gây thiệt hại về nhân mạng, thì Nga, Mỹ lại tố cáo lẫn nhau đổ dầu vào lửa, gây bất ổn cho một quốc gia thứ ba. Như chuyên gia về Trung Á, Temur Umarov, Viện nghiên cứu Carnegie tại Moskva ghi nhận : Trong bối cảnh mà xung khắc giữa các siêu cường của thế giới gia tăng, một quốc gia như Kazakhstan càng khó để duy trì thế dung hòa về mặt địa chính trị.

Thanh Hà

**********************

Kazakhstan : Chính quyền trấn áp người biểu tình và kêu gọi Nga trợ giúp

Thùy Dương, RFI, 06/01/2022

Sự nhượng bộ của tổng thống Kazakhstan - hạ giá chất đốt, giải tán chính phủ - đã không làm dịu được phong trào biểu tình chống tăng giá nhiên liệu. Đất nước Trung Á lâm vào cảnh bạo động dữ dội, nhiều người chết và hàng ngàn người bị thương, cả phía người biểu tình và lực lượng an ninh. 

ongtrum2

Người biểu tình đốt phá khu tòa thị chính thành phố Almaty, Kazakhstan, ngày 05/01/2022.  AP - Yan Blagov

Tại thành phố Almaty, miền tây Kazakhstan, nơi các cuộc biểu tình khởi phát hôm Chủ Nhật 02/01/2022 rồi sau đó lan ra cả nước trong suốt 4 ngày vừa qua, biểu tình đã biến thành bạo động. Chiều 05/01, nhiều người biểu tình đã tìm cách đột nhập vào các tòa nhà trụ sở các cơ quan hành chính, sân bay, đài truyền hình. Nạn đốt phá đã nổ ra bất chấp tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm mà tổng thống ban bố ngày hôm qua 05/01 và có hiệu lực cho đến ngày 19/01. 

Phát ngôn viên lực lượng cảnh sát Kazakhstan hôm nay 06/01 cho biết có vài chục người biểu tình đã chết khi tìm cách đột nhập vào các cơ quan hành chính và cả sở cảnh sát trong vùng Almaty trong đêm hôm qua.

Từ Tbilissi, thông tín viên Régis Genté, gửi về bài tường trình : 

Hàng chục người, bị coi là "những kẻ nổi loạn" đã bị lực lượng lượng cảnh sát hạ sát vào tối qua, ở Almaty, thủ đô kinh tế của Kazakhstan. Sáng nay, phát ngôn viên sở cảnh sát thành phố này đã cho biết như vậy. 

Nhiều người lo ngại xẩy ra các vụ trấn áp, giết chóc khi chính quyền thiết lập tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, ngăn chặn internet, và tiến hành một chiến dịch mà chính quyền gọi là chống khủng bố. Đương nhiên, hiện nay, không có vấn đề khủng bố gì cả. Do vậy, đây chỉ là một sự chuẩn bị công luận cho một đợt trấn áp tàn bạo. 

Sáng nay, đã đến lúc cần tái lập trật tự, trong đêm qua, đã xẩy ra các vụ đập phá hôi của và một số người biểu tình có thể đã cố chiếm giữ một số công sở như họ đã từng làm vào hôm trước. 

Hôm nay, thứ Năm, các xe bọc thép và xe vận chuyển binh sĩ đã đậu tại các quảng trường ở những thành phố lớn, trong khi tại Almaty, chiến dịch trấn áp tiếp tục diễn ra ở nhiều khu phố". 

Trong khắp cả nước, tổng cộng có gần 1.000 người bị thương, gần 400 người phải nhập viện điều trị và 62 người bị thương nặng phải nằm khoa điều trị tích cực.

Theo AFP, phong trào biểu tình lần này đặc biệt nhắm vào cựu tổng thống Nazarbayev, nhiệm kỳ 1989-2019. Năm nay 81 tuổi, cựu tổng thống Nazarbayev, một đồng minh của tổng thống Nga Putin, là vị chủ tịch đầy quyền uy của Hội đồng an ninh quốc gia, "quân sư" của tổng thống đương nhiệm Tokayev của Kazakhstan. Nhưng hôm qua, tổng thống đương nhiệm Tokayev thông báo từ nay ông sẽ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia. 

Tình hình an ninh nghiêm trọng đến mức tổng thống đương nhiệm Tokayev hôm qua đã kêu gọi sự trợ giúp của đồng nhiệm Nga Vladimir Putin để chống nguy cơ khủng bố. Trong khi Mỹ và Liên Âu kêu gọi các bên liên quan kiềm chế thì Moskva sáng hôm nay 06/01 thông báo đã huy động "lực lượng tập thể gìn giữ hòa bình" trong khuôn khổ liên minh quân sự của Tổ Chức Hiệp Định An Ninh Tập Thể OTSC, đến Kazakhstan nhằm giúp chính quyền nước láng giềng Trung Á ổn định lại tình hình. 

Thùy Dương

*********************

Kazakhstan : Tổng thống giải tán chính phủ để xoa dịu người biểu tình chống tăng giá khí đốt

Thùy Dương, RFI, 05/01/2022

Hôm 04/01/2022 là ngày thứ ba liên tiếp phong trào biểu tình chống tăng giá khí nén tự nhiên diễn ra ở nhiều thành phố tại Kazakhstan, quốc gia Trung Á giàu khí đốt. Căng thẳng nghiêm trọng tới mức tổng thống Kassym-Jomart Tokayev trong đêm qua đã phải xoa dịu dân chúng bằng cách ra lệnh giải tán chính phủ và ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số nơi. 

ongtrum3

Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev, tham dự cuộc họp giữa lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, là thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), tại Điện Konstantin ở Strelna, ngoại ô thành phố St Petersburg, Nga, ngày 28/12/2021.  © AP - Yevgeny Biyatov

Từ Tbilissi, thông tín viên khu vực Trung Á, Régis Genté, gửi về bài tường trình :

"Bất chấp sự nhượng bộ của chính phủ, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn hôm thứ Ba và thậm chí đã lan rộng ra khắp cả nước. Quy mô các cuộc biểu tình đã khiến tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đêm qua phải giải tán chính phủ và ban bố tình trạng khẩn cấp ở các vùng Almaty và Mangysthau. Hầu hết các thành phố lớn trong cả nước hôm qua (thứ Ba) đã chứng kiến ​​các cuc biu tình ca nhiu ngàn người.

Cảm thấy tình hình căng thẳng có thể bùng nổ, nhà chức trách đã áp dụng trở lại ở các vùng miền tây đất nước mức giá 50 tenge (tương đương 0,1 euro)/1 lít khí đốt tự nhiên dưới dạng nén, sau khi giá tăng vọt lên tới 120 tenge/lít, do chính quyền đưa vào sử dụng một hệ thống điện tử định giá đối với loại nhiên liệu mà có tới 80% xe cơ giới ở miền tây Kazakhstan sử dụng. Đó là nơi phong trào biểu tình khởi phát hôm Chủ Nhật.

Nhưng sự nhượng bộ của chính phủ có thể là chưa đủ để làm dịu thái độ phản kháng trong nước, cho dù tình trạng khẩn cấp được ban hành có hiệu lực đến tận ngày 19/01/2022.

Những đòi hỏi của người biểu tình còn thể hiện sự chỉ trích sâu sắc nhắm vào việc quản lý lãnh đạo đất nước như nạn tham nhũng, phân chia bất bình đẳng nguồn lợi từ dầu lửa, sự thiếu trách nhiệm của các nhà lãnh đạo đối với 18 triệu dân Kazakhstan".

Hôm nay, cảnh sát ở vùng Almaty cho biết trong đêm hôm qua rạng sáng hôm nay đã dùng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán đám đông, tiến hành hơn 200 vụ bắt giữ. Gần 100 cảnh sát bị thương trong các vụ bạo động : theo AFP, đây là chuyện hiếm xảy ra tại Kazakhstan, quốc gia giàu khí đốt và được đặt dưới sự lãnh đạo của một chế độ chuyên quyền. 

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thanh Hà, Thùy Dương
Published in Diễn đàn

Kazakhstan : Cách mạng hay đảo chánh ?

Tại Trung Á, từ Chủ nhật 02/01, đất nước độc tài Kazakhstan rung chuyển với những vụ nổi dậy càng lúc càng mạnh mẽ. Đám đông ban đầu phản đối giá năng lượng tăng, nay đòi phải thay đổi chế độ. Libérationđặt câu hỏi, đó là một cuộc cách mạng hay đảo chánh ?

kazaks1

Cảnh sát chống bạo động sẵn sàng đối phó biểu tình tại Almaty, Kazakhstan ngày 05/01/2021.  AP - Vladimir Tretyakov

Tổng thống thừa cơ soán ngôi "cha già dân tộc" Kazakhstan ?

Libération cho biết tối hôm qua 05/01, tổng thống Kazakhstan, ông Kassym Jomart-Tokaiev xuất hiện trên truyền hình, khẳng định sẽ cứng rắn với người biểu tình nhưng cũng hứa sẽ cải cách. Đồng thời khẳng định từ nay sẽ giữ luôn vai trò chủ tịch Hội đồng An ninh. Câu nói này đã gây sửng sốt cho tất cả những ai biết về chính trường Kazakhstan.

Chiếc ghế chủ tịch Hội đồng An ninh đã có chủ, và đó chính là Noursoultan Nazarbaiev, "Elbasy" (cha già dân tộc) 81 tuổi, đã trị vì từ năm 1984 đến nay. Tượng của ông được dựng tại tất cả những thành phố lớn của Kazakhstan, và thủ đô đất nước được vinh dự mang tên ông, Noursoultan ! Năm 2019, Noursoultan Nazarbaiev đã nhường chức tổng thống cho một nhân vật ít tên tuổi là Tokaiev, để làm chủ tịch Hội đồng An ninh, một chức vụ "đo ni đóng giày" cho ông. Vào thời đó, sự kiện này gây chấn động tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Lên làm thái thượng hoàng rồi giựt dây sau hậu trường, "kịch bản Kazakhstan" sẽ là hình mẫu cho các chế độ độc tài trong khu vực ?

Thế mà giờ đây người kế nhiệm chỉ bằng một câu nói đã giành lấy chiếc ghế ngỡ là suốt đời của "cha già dân tộc". Các nhà ngoại giao Nga hé lộ, Nazarbaiev đã sang Moskva để "chữa bệnh". Theo tin đồn, thì gia đình ông cũng chuẩn bị ra đi kể cả con gái là Dariga vốn có ảnh hưởng chính trị lớn. Nhân vật số hai của cơ quan tình báo, là cháu của Nazarbaiev, cũng đã bị cách chức. Tokaiev nay một mình một chợ, một tình trạng khó thể tưởng tượng cách đây vài ngày.

"Kịch bản Kazakhstan" phá sản

Mọi việc bắt đầu từ thành phố nhỏ bé Janaozen hôm Chủ nhật, người dân xuống đường phản đối giá khí đốt tăng gấp đôi. Phong trào phản kháng lan ra nhiều thành phố khác : tại đất nước giàu tài nguyên này, dân chúng vẫn nghèo khó, cơ sở hạ tầng xuống cấp, vật giá không ngừng gia tăng. Bên cạnh vấn đề kinh tế, nảy sinh thêm yêu sách chính trị, người biểu tình đòi chính phủ và các thống đốc phải từ chức.

Chính quyền trung ương bèn loan báo đóng băng giá khí đốt trong sáu tháng. Nhưng đã quá trễ : người nổi dậy chiếm tòa thị chính Almaty – thủ đô kinh tế, Dinh tổng thống, phá trụ sở đảng cầm quyền Nour-Otan và nhiều tòa soạn thân chính phủ. Ở miền tây, cảnh sát bỏ hàng ngũ sang phía người biểu tình. Tối qua, tình trạng khẩn cấp được ban bố trên toàn quốc. Tổng thống Kazakhstan cầu viện người bạn lớn Nga, nhưng phát ngôn viên Kremlin nói rằng điều quan trọng là không có ai can thiệp từ bên ngoài, nên Kazakhstan có thể tự giải quyết chuyện nội bộ. Như vậy đã rõ : một khi Moskva không thấy có bàn tay phương Tây thì không muốn xen vào.

Tình hình Kazakhstan khác với Belarus, từ khi độc lập đến nay Kazakhstan luôn giữ thăng bằng giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời có quan hệ tốt với Châu Âu về thương mại và Hoa Kỳ về đầu tư. Tại đất nước lớn nhất trong số năm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, Nga có ít lợi ích địa chính trị hơn so với Belarus. Hệ quả thực sự từ sự kiện Kazakhstan nằm ở chỗ khác : nếu có ai trong giới tinh hoa Nga nghĩ đến một sự chuyển đổi hậu Putin theo "kịch bản Kazakhstan" của Nazarbaiev, thì họ đã phải thất vọng não nề.

Phương Tây vẫn ngây thơ trước Nga

Cũng liên quan đến Moskva, trong bài "Nga : Sự bất cẩn kỳ lạ của Mỹ" đăng trênLe Mondetác giả Sylvie Kauffmann nhận định, phương Tây vẫn luôn ngây thơ.

Ngày 10/02/2007, khi Vladimir Putin bước lên diễn đàn hội nghị an ninh Munich, các nước phương Tây vẫn hớn hở, nhất là chủ nhà Đức. Châu Âu và Hoa Kỳ đã hòa giải sau cuộc chiến Iraq, còn tổng thống Nga đang trong nhiệm kỳ thứ hai, mà ai cũng ngỡ là cuối cùng. Ngồi trên hàng đầu là bà Angela Merkel, làm thủ tướng được hai năm, tươi cười bên cạnh thượng nghị sĩ Mỹ John McCain.

Nhưng khi Putin phát biểu, mọi người như bị dội một gáo nước lạnh. Trong suốt 30 phút, ông ta tố cáo "mô hình đơn cực Mỹ", cáo buộc NATO mở rộng đến biên giới Nga, đòi hỏi một "cấu trúc toàn cầu mới về an ninh". Cử tọa ngán ngẩm, có người ôm đầu, một đại biểu Pháp hồi tưởng : "Chúng tôi ra về bàng hoàng, nhận ra rằng thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đã đóng lại". Hội nghị lần đó được coi như một bước ngoặt, thế tại sao tối hậu thư mà Putin đưa ra mới đây cho Hoa Kỳ và NATO, lại gây ngạc nhiên ?

Trước hết, từ nhiều năm qua, Washington đã nhìn sang phía khác. Trung Quốc trở thành ưu tiên chính trong đối ngoại, từ thời Obama sang đến Trump và bây giờ là Biden. Bảy năm sau bài diễn văn ở Munich, lẽ ra việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và đưa quân sang Donbass phải làm giật mình, thế nhưng việc xoay trục sang Châu Á đã được định đoạt.

Lo đối đầu Trung Quốc, Mỹ muốn khoán trắng hồ sơ Ukraine cho Đức, Pháp

Từ chối mọi dạng can thiệp vào Ukraine, có lẽ Mỹ muốn để cho Pháp, Đức cố gắng giải quyết với Kiev và Moskva trong khuôn khổ "công thức Normandie" dù từ một năm qua vẫn dậm chân tại chỗ. Chính quyền Biden còn tặng một món quà đáng giá cho Đức bằng cách dỡ bỏ trừng phạt Nord Stream 2, như một cách giao phó cho Berlin xoay sở với Moskva, để rảnh tay so găng với Bắc Kinh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Nhưng Putin huy động cả trăm ngàn quân ở biên giới Ukraine và đưa ra những yêu sách quá đáng, Washington phải dọa sẽ trừng phạt "chưa từng thấy", tuy nhiên không sử dụng ngôn ngữ cứng rắn như trong trường hợp Đài Loan, được coi là "lợi ích cốt lõi" của Mỹ. Phần Lan nhắc nhở là có thể xin gia nhập NATO bất kỳ lúc nào, các nước Baltic lo ngại thái độ lừng chừng của Washington có thể khiến Putin thử ra tay với Châu Âu.

Một nhà ngoại giao nhận định "Hoa Kỳ biết cách xử sự với các nước lớn, nhưng Putin, đứng đầu một cường quốc trung bình đang xuống dốc, có khả năng phá hoại dữ dội, phức tạp hơn nhiều". Bài viết nhắc lại một câu nói của Henry Kissinger : "Khi mục đích hàng đầu của một nhóm cường quốc là tránh né chiến tranh, thì hệ thống quốc tế sẽ khốn đốn trước kẻ tồi tệ nhất".

Vac-xin chống Covid : Tổng thống Pháp lại "vạ miệng"

Phát biểu về những người chống vac-xin của tổng thống Pháp khiến cánh tả lẫn cánh hữu chỉ trích là một những chủ đề được báo chí Pháp quan tâm nhất hôm nay. Chân dung tổng thống Emmanuel Macron chiếm trang nhất Le Figarovới dòng tít "Chiến lược đối đầu", Libérationcũng đăng ảnh ông Macron với vẻ khiêu khích hơn, tố cáo ông là "dân túy". Le Mondeđăng cảnh hỗn loạn ở Quốc hội, chạy tựa "Tiêm chủng : Macron chọn lựa sự chia rẽ".

Bài xã luậnLibérationnhận định, tuy như thủ tướng Pháp và các dân biểu đảng cầm quyền nói ngay sau đó, rằng Macron "chỉ nói to những điều người Pháp xầm xì", nhưng việc này có tính toán. Chiến thuật có thể thành công trong giai đoạn đầu, nhưng liệu ở vòng hai cuộc bầu cử tổng thống có đối phó được với các ứng cử viên cực hữu. Theo nhật báo thiên tả, tổng thống đã chọn lựa một thử thách nguy hiểm cho xã hội. Tờ báo cánh hữu Le Figaro thì cho rằng Emmanuel Macron đã trút gánh nặng nỗi sợ, sự mệt mỏi… sau hai năm đại dịch lên 10% dân không chịu chích ngừa Covid, và xóa nhòa đi những thiếu sót của chính phủ.

Trên trang Ý kiến của Le Figaro, nhà chính trị học Arnaud Benedetti so sánh một điểm chung giữa ông Macron với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump : huy động lực lượng ủng hộ bằng cách xúc phạm những người chống đối. Ngược lại, nhà báo Brice Couturier cho rằng "Những người Pháp từ chối tiêm chủng xứng đáng có một tổng thống nói năng như thế".

Tác giả nhấn mạnh, báo chí và dư luận đã tách hẳn câu nói của ông Macron ra khỏi ngữ cảnh một bài dài đến sáu trang, tóm tắt cuộc đối thoại với độc giả báo Le Parisien. Thật ra trước hết ông Macron chỉ nói không muốn làm khó dễ người dân Pháp, nhưng riêng những người từ chối vac-xin thì ông muốn làm cho họ phải "lên bờ xuống ruộng" - từ ngữ ông dùng có thể tạm dịch như thế. Nếu đọc đầy đủ bài viết, có thể hiểu những người Emmanuel Macron muốn cản trở đi ăn nhà hàng, vào quán cà phê… là thiểu số 10% chống vac-xin, làm cho bệnh viện bị quá tải, nhân viên y tế kiệt lực trong khi cả nước Pháp có 20.000 người đang nằm viện vì Covid, mỗi ngày khoảng 300 nạn nhân qua đời vì con virus ác nghiệt.

Brice Couturier trích dẫn lời ông Macron : "Khi tự do của tôi đe dọa tự do của người khác, tôi trở thành một người vô trách nhiệm. Và một người vô trách nhiệm không phải là công dân". Thế mà mạng xã hội rộ lên tin Emmanuel Macron muốn "truất quyền công dân" những người không chịu chích ngừa Covid, đăng ngôi sao David, trại tập trung người Do Thái… thậm chí còn có lời đe dọa "lấy đầu" dân biểu nào bỏ phiếu thông qua dự luật hộ chiếu vac-xin.

Donald Trump "phục kích" chờ ngày tái xuất

Nhìn sang nước Mỹ, La Croixdành ảnh bìa trang nhất cho cựu tổng thống Trump trong tư thế xung trận, với hàng tựa "Donald Trump đang phục kích". Nhật báo kinh tếLes Echoscó hẳn một bài điều tra dài "Ông Trump chuẩn bị quay lại vào năm 2024 như thế nào ?". Trong lúc vai trò trong vụ xâm nhập điện Capitol vẫn chưa rõ ràng, ông Trump trông cậy vào cuộc bầu cử giữa kỳ để đóng vai trò hàng đầu trên chính trường nước Mỹ. Ông tả xung hữu đột để giúp những người trung thành với mình giành chiến thắng, và trước hết hất cẳng 10 dân biểu đã bỏ phiếu ủng hộ truất phế ông. Donald Trump đang vận động cho khoảng 50 ứng cử viên, tổ chức những cuộc mít-tinh với đông đảo người tham dự. La Croix dẫn thăm dò mới nhất cho thấy gần 70% cử tri cánh hữu muốn Donald Trump tái tranh cử năm 2024.

Les Echos ghi nhận, nếu sau vụ tấn công điện Capitol nhiều nhân vật Cộng Hòa tỏ ra xa cách với ông Trump, thì tình hình đột ngột thay đổi vào mùa hè với cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan. Donald Trump nhanh chóng tố cáo một "thảm kịch lẽ ra không bao giờ được phép", coi vụ triệt thoái là "nỗi nhục lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ". Khó khăn bắt đầu chồng chất với Joe Biden : lạm phát, thiếu hàng hóa, kế hoạch tôn tạo cơ sở hạ tầng bị bác, phe Dân Chủ bắt đầu chỉ trích. Trong khi đó các cuộc thăm dò kể cả của các tổ chức độc lập đều cho thấy nếu bầu cử tổng thống diễn ra lúc này, Donald Trump sẽ thắng Joe Biden.

Đã bị Facebook và Twitter khóa miệng, Trump xuất hiện trên các kênh truyền hình thân cận, lập ê-kíp vận động cho phong trào "Save America" của ông. Phong trào này rất hiệu quả trong việc gây quỹ, và SPAC (công ty lập ra để đưa lên sàn chứng khoán) của mạng xã hội tương lai Truth Social đã được định giá đến 10 tỉ đô la. Donald Trump muốn loan báo ra tranh cử ngay vào cuối mùa hè này, nhưng các cố vấn của ông ngăn cản : trước hết nên để người ta nuối tiếc thời kỳ kinh tế huy hoàng trước Covid, và tránh bị kiểm soát tài chính cũng như số lần lên tivi. Ai có thể ngăn cản được Trump "tái xuất giang hồ"? Theo Les Echos, chỉ có thể là chính ông, một người rất ghét "loser" (thất bại). Các khuôn mặt tiềm năng của đảng Cộng Hòa, trẻ tuổi hơn phía Dân Chủ, vẫn có thể chờ thêm bốn năm nữa.

Trung Quốc thủ lợi với RCEP và dòm ngó CPTPP

Về kinh tế Châu Á, Le Figaro nhận xét Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương với khu vực tự do mậu dịch RCEP, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Kinh. Hiệp định tự do mậu dịch rộng lớn nhất thế giới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, với sự tham gia của 15 quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương, từ nước giàu (Nhật Bản, Úc, Trung Quốc) cho tới những nước nghèo nhất (Lào, Cam Bốt). Việc đàm phán diễn ra suốt tám năm, đã kết thúc cuối 2020 dưới áp lực của Trung Quốc, nhưng không có Ấn Độ. RCEP giúp Bắc Kinh có thể xâm nhập các thị trường quan trọng như Nhật Bản mà không bị hàng rào thuế quan cản trở, đồng thời bảo đảm nguồn cung cho mạng lưới sản xuất của mình.

Tuy nhiên đây là một hiệp định "kiểu cũ", không áp đặt những tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Nhà kinh tế Elvire Fabry của Viện Delors nhấn mạnh đến tác động địa chính trị. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, do Trung Quốc đóng cửa tương đối và nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung, sẽ có lợi nếu ký các hiệp định tự do mậu dịch song phương với các nước Châu Á. EU đã ký với Việt Nam, Singapore, và hiện đang thương lượng với Indonesia. Bên cạnh đó cũng không quên CPTPP, một hiệp định TPP không có Hoa Kỳ, mà Trung Quốc lăm le gia nhập. Nhưng khó thể hình dung Úc chấp nhận việc này, trừ phi Bắc Kinh gây áp lực thật mạnh lên các đối tác Châu Á.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Châu Á