Lãnh đạo ‘Bộ Tứ’ : Chuyện Ukraine không được phép xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
VOA, 04/03/2022
Các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ Tứ, gồm các quốc gia Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, hôm 3/3 đồng ý với nhau rằng những gì đang xảy ra đối với Ukraine không được phép xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại một cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 25/2/2022.
Cuộc họp trực tuyến của nhóm bốn quốc gia được tổ chức vào thời điểm lo ngại đang gia tăng về Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nơi đã tăng cường mức độ cảnh giác, đề phòng Trung Quốc lợi dụng phương Tây mất tập trung để ra tay.
"Chúng tôi đã đồng thuận rằng không cho phép có động thái đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực kiểu này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Kishida nói, đề cập đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Kishida nói : "Chúng tôi cũng nhất trí rằng diễn tiến này càng cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhận thức về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Điều phối viên của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Kurt Campbell, hôm thứ Hai 28/2 cho biết Hoa Kỳ vẫn duy trì tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine, mặc dù điều này sẽ khó khăn và tốn kém.
Ông nói Washington đã tác chiến tích cực ở cả hai chiến trường cùng một lúc trước đây, bao gồm cả trong Đệ nhị Thế chiến và Chiến tranh Lạnh.
Hoa Kỳ coi Bộ Tứ và các mối quan hệ ngày càng tăng với Ấn Độ là yếu tố cần thiết cho nỗ lực đẩy lùi Trung Quốc ở Thái Bình Dương, nhưng họ cũng đang ở trong một thế cân bằng tế nhị với New Delhi, vì mối quan hệ lâu nay của nước này với Nga.
Trong số 4 nước thuộc nhóm Bộ Tứ, chỉ có Ấn Độ là không lên án việc Nga xâm lược Ukraine.
Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội Ấn Độ, và Ấn Độ hiện đang đối mặt với khả năng bị Mỹ trừng phạt vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ động thái nào của chính quyền Biden nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ vì đã bắt tay với Moscow có thể sẽ phản tác dụng và cản trở sự hợp tác trong Bộ Tứ.
Ông Campbell cho biết hôm 28/2 rằng Washington vẫn "lạc quan" về mối quan hệ với Ấn Độ.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trước cuộc họp hôm 3/3 rằng họ sẽ theo dõi một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9 của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ ở Washington, và sẽ "trao đổi quan điểm và đánh giá về những diễn tiến quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Trung Quốc lên án Bộ Tứ là một cấu trúc Chiến tranh Lạnh và một bè phái "nhắm vào các nước khác".
Theo Reuters
************************
Thượng đỉnh QUAD : Cơ hội để gây sức ép với Ấn Độ về Ukraine
Thùy Dương, RFI, 03/03/2022
Thượng đỉnh trực tuyến giữa tổng thống Mỹ Joe Biden với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản và Úc trong khuôn khổ QUAD dự kiến diễn ra hôm 03/03/2022, theo thông báo của New Delhi. Ấn Độ và nhiều nước trong khu vực hiện lo ngại chiến tranh Ukraine sẽ khiến Washington không còn quan tâm đến Châu Á - Thái Bình Dương.
Thượng đỉnh trực tuyến giữa tổng thống Mỹ Joe Biden với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản và Úc trong khuôn khổ QUAD – Ảnh Getty
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, được công bố đi một hôm sau cuộc điện đàm lần thứ hai giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ khi quân đội Nga tấn công nước láng giềng Ukraine hôm 24/02. Thông cáo không cho biết cụ thể mục tiêu thượng đỉnh bộ tứ QUAD lần này gì, nhưng theo New Delhi, tổng thống Joe Biden và các thủ tướng Fumio Kishida, Scott Morrison và Narendra Modi sẽ "trao đổi quan điểm" về "những diễn tiến quan trọng trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Washington từng kêu gọi New Delhi "tác động" lên Moskva và thượng đỉnh lần này có thể là dịp 3 nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật - Úc gây sức ép để thủ tướng Ấn Độ Modi thể hiện quan điểm rõ ràng về vụ Nga xâm lược Ukraine.
AFP nhắc lại Nga và Ấn Độ đã là hai nước thân cận suốt thời chiến tranh lạnh và đến nay vẫn duy trì được quan hệ gần gũi. Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ.
Từ khi Nga xâm lăng Ukraine, New Delhi mới chỉ kêu gọi đôi bên ngưng đối đầu, nhưng chưa hề lên án Moskva. Hôm qua 02/03, một lần nữa Ấn Độ không bỏ phiếu khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga ngưng ngay lập tức việc sử dụng vũ lực ở Ukraine.
Thùy Dương