Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/03/2022

Điểm báo Pháp – Nga : đồng minh phiền toái của Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Nga - đồng minh ngày càng phiền toái của Trung Quốc

Đã 6 ngày từ khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, tất cả các nhật báo Pháp hôm 01/03/2022, vẫn dành trang nhất cho cuộc xung đột này.

ngatq01

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp về kinh tế tại Brazil, 14/11/2019. Reuters - POOL

Báo Le Monde chạy tựa "Liên Hiệp Châu Âu (EU) cung cấp vũ khí cho Ukraine", nói về việc lần đầu tiên 27 thành viên EU đã thống nhất về việc chuyển giao vũ khí sát thương, bao gồm máy bay chiến đấu với tổng trị giá 450 triệu euro để hỗ trợ quân sự cho Kiev. 

Đối mặt với cuộc xâm lược Ukraine của Nga có thể khiến chính mình bị liên lụy, Liên Hiệp Châu Âu (EU), gã khổng lồ về kinh tế và chú lùn về địa chính trị, đã quyết định thực hiện một bước nhảy vọt trong lĩnh vực quốc phòng bằng cách hỗ trợ Ukraine. 

Đồng thời, EU cũng sẽ trợ giúp chính quyền Kiev trong lĩnh vực phòng thủ mạng. Hôm qua 28/02 đã diễn ra cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng EU nhằm cụ thể hóa kế hoạch này và xác định vai trò của Ba Lan như một cơ sở hậu cần cho việc chuyển giao thiết bị. Một khoản tiền trị giá 50 triệu euro cũng sẽ được tháo khoán để cung cấp nhiên liệu, thiết bị bảo hộ và viện trợ y tế khẩn cấp. 

Tờ báo nhận định rằng việc giúp "lực lượng kháng chiến Ukraine" gây áp lực với Nga là mục đích ngầm của EU. Thực tế là cán cân quyền lực không cân xứng và về cơ bản sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách tổng thống Putin thực hiện các "phép tính" của mình. 

Bước nhảy vọt của EU

Bài xã luận của Le Monde hôm nay nói cụ thể hơn về bước nhảy vọt trong quyết định chuyển giao vũ khí cho Ukraine của EU. Liên Âu dường như đang muốn chứng tỏ mình là một thế lực lớn về mặt địa chính trị, nhất là khi an nguy của chính mình có thể sẽ bị đe dọa, nếu như chiến tranh vẫn tiếp tục leo thang ở Ukraine. 

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng đây là bước ngoặt lịch sử trong chính sách quốc phòng của Liên Âu. 

Kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề sau các lệnh trừng phạt

Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix hôm nay có bài viết "Nga đối mặt với cú sốc kinh tế của lệnh trừng phạt". Theo tờ báo, Nga đã thấy được hậu quả của việc xâm lược Ukraine khi phải hứng chịu tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế, vốn chủ yếu nhắm vào lĩnh vực tài chính. Ngay sau khi thị trường mở cửa, đồng rúp đã giảm giá 30% so với đồng đô la. Ngân hàng Trung ương Nga đã phải can thiệp khẩn cấp bằng cách tăng mạnh mức lãi suất chỉ đạo thêm 10 điểm để đưa tỷ giá lên 20%. 

Sự can thiệp này đã cho phép đồng rúp phục hồi vào giữa trưa và hạn chế được việc người dân Nga đổ xô đi rút tiền gửi ở ngân hàng. Nhưng người dân đang có những mối lo lắng khác phải đương đầu như là lạm phát, thiếu lương thực, các vấn đề về giao thông hàng không. Một người đàn bà trạc 50 tuổi sống ở Moskva nói rằng :

Thế hệ chúng tôi đã trải qua tất cả những điều này. Đó là sự trở lại của Liên Xô. Nó sẽ đặc biệt khó khăn đối với thanh thiếu niên. 

Ngoài ra, để tránh gặp sự cố, sàn chứng khoán Moskva vẫn đóng cửa vào hôm qua. Tại các thị trường phương Tây, tài sản của Nga bị bán tháo, chẳng hạn như Sberbank, ngân hàng thương mại chính của nước này, giảm 74% khi mở cửa giao dịch ở thị trường Luân Đôn. 

Theo cách nói của một quan chức Mỹ, trong mắt Tây phương, Nga đang trở thành một "kẻ khốn cùng về kinh tế". Hầu như tất cả các cường quốc kinh tế đều đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga, như các nước thành viên EU, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản. Ngay cả Thụy Sĩ, thường là quốc gia trung lập, cũng sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Moskva. 

Ngoài các biện pháp trừng phạt tài chính và kinh tế đối với Nga đã được ban hành trong những ngày gần đây, EU cũng đã công bố hai biện pháp quan trọng khác vào hôm 27/02, đó là đóng không phận của mình đối với tất cả các máy bay Nga hoặc máy bay do các công ty Nga kiểm soát và cấm các phương tiện truyền thông Nga RT và Sputnik hoạt động, nhằm ngăn chặn họ phát tán thông tin sai lệch. 

Putin điện đàm với Macron

Về chủ đề này, nhật báo thiên tả Libération có bài viết "Putin không thay đổi lập trường, Châu Âu bị dồn vào chân tường" nói về việc hôm qua tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin để giải quyết xung đột về Ukraine. Thảo luận làm gì khi có thể "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" ? Dường như, ông chủ điện Kremlin vẫn duy trì những yêu cầu phi lý của mình với Emmanuel Macron như là phương Tây phải công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, bị Moskva sáp nhập vào năm 2014, hoặc là phi quân sự hóa và trung lập hóa Ukraine… 

Tại điện Elysée, tất cả các phương án đều đang được cân nhắc nhằm "thoát ra khỏi khủng hoảng hiện tại", đồng thời phủ tổng thống cũng cho biết rằng tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu đồng nhiệm Pháp Macron "cố gắng duy trì liên lạc với Nga" và "gây áp lực lớn" với Moskva. 

Putin đã được và mất gì từ hôm xâm lăng Ukraine ?

Về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài viết "Bốn cuộc chiến bại của Putin" khi nhấn mạnh về thiệt hại của Nga sau khi xâm lăng Ukraine. Đối với tác giả bài viết Renaud Girard, tổng thống Putin đã thực hiện một hành động gần như tự sát. 

Vào mùa hè năm 2021, Vladimir Putin đang ở đỉnh cao khi ông có tầm ảnh hưởng lớn về địa chính trị thế giới. Ông được cả thế giới kính sợ và kính trọng. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải lặn lội tới Genève, Thụy Sĩ vào tháng 6 năm 2021 để có cuộc gặp với ông Putin. Cùng với Joe Biden, ông Putin đã gia hạn hiệp ước Start về việc cắt giảm vũ khí chiến lược trong vòng 5 năm. Một "hiệp ước ngừng bắn" trong chiến tranh mạng cũng đã được ký kết giữa Hoa Kỳ và Nga. Biden thậm chí đã chấp nhận để Nga và Đức cho đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đi vào hoạt động. Ở Châu Á, ông Putin đã thiết lập quan hệ rất gần gũi với Trung Quốc, đồng thời duy trì mối liên kết lịch sử giữa Ấn Độ và Nga. Nga cũng không có quan hệ xấu với Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Vậy việc tổng thống Putin xâm lược Ukraine đã đạt được kết quả gì ? Sự lên án của cả thế giới ? Sự căm thù của người Ukraine ? Sự sa lầy của quân đội và cái chết của hàng nghìn lính Nga trẻ tuổi ? Sự cô lập của Nga khiến cho kinh tế nước này tụt dốc ? 

Đối với ông Girard, tổng thống Putin đã mắc sai lầm lớn khi ông quyết định xâm lược toàn bộ Ukraine. Có thể nói rằng ông ta đã thua bốn cuộc chiến. Cuộc chiến đạo lý, do vi phạm Hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Cuộc chiến truyền thông khi coi ông Zelensky như một tên Quốc xã, trong khi tổng thống Ukraine dường như đã trở thành một anh hùng đối với toàn thế giới khi can đảm ở lại Kiev chiến đấu cùng với các binh sĩ của mình. Cuộc chiến kinh tế, bởi ngay các ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ phải tuân thủ việc không cho các ngân hàng Nga tiếp cận với đồng đô la và đồng euro. Cuộc chiến ngoại giao, khi ông xóa bỏ cảm giác tội lỗi mà Berlin có đối với Moskva sau khi Đức phát động chiến dịch Barbarossa vào năm 1941, cũng như mong muốn trung lập hóa Phần Lan và Thụy Điển. 

Năm ngày sau khi Ukraine bị tấn công, uy tín của tổng thống Putin đã tụt dốc mạnh. Ông không còn được tôn trọng hay thậm chí là sợ hãi, thể hiện qua việc Đức quyết định chuyển giao tên lửa phòng không di động Stinger cho quân kháng chiến Ukraine. 

Đây là hậu quả của việc tổng thống Putin sai lầm về mặt chiến lược. Ông Putin đã nhầm tưởng rằng người Ukraine sẽ không chống trả và cuộc tấn công quân sự của ông sẽ là một cuộc dạo chơi trong công viên. Sự khinh thường của ông đối với EU đã khiến ông đánh giá thấp khả năng đoàn kết của Châu Âu khi đối mặt với nguy hiểm. 

Trung Quốc đã có những động thái gì từ hôm Nga xâm lăng Ukraine ?

Về chủ đề này, báo Les Echos có bài viết "Trung Quốc ngày càng khó xử với một đồng minh gây phiền toái". 

Kể từ khi xung đột nổ ra, Trung Quốc hầu như không nêu rõ lập trường. Trung Quốc không muốn đối đầu trực diện với đồng minh Nga, đồng thời cũng không muốn bị coi là ủng hộ một cuộc xâm lược Ukraine. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng họ "hiểu" các yêu cầu an ninh "hợp lý" của Nga, thông cảm với những bất bình của Moskva đối với NATO. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh là "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia". 

Vào tuần trước, phái đoàn Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết cáo buộc Nga "tấn công Ukraine". Dự thảo do Mỹ và Albania thực hiện, đề nghị sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ nhất phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và yêu cầu Moskva lập tức rút quân. 

Trước đó vài giờ, một cuộc điện đàm giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã cho thấy sự bất an của Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc nói rằng ông ủng hộ giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao. 

Trung Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng gia tăng từ Hoa Kỳ và Châu Âu khi phương Tây muốn nước này nêu rõ lập trường của mình và lên tiếng chống lại việc Nga xâm lược Ukraine. Việc Bắc Kinh từ chối giúp xoa dịu xung đột có thể sẽ làm gia tăng sự thù địch của phương Tây đối với Trung Quốc trong trung hạn. Điều này có thể làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, làm cho mối liên kết giữa Hoa Kỳ-Châu Âu khăng khít hơn và chống lại Trung Quốc. 

Vốn rất thực dụng, Trung Quốc không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột có khả năng làm mất ổn định lợi ích của họ trong khu vực, làm xấu đi mối quan hệ với Châu Âu và Hoa Kỳ, và phá vỡ nền kinh tế của mình. Chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng cộng sản rất quan trọng đối với Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã tự đặt cho mình khẩu hiệu "ổn định". Một mục tiêu dường như đang bị đảo lộn bởi cuộc chiến tranh ở Ukraine. 

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 411 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)