Bắc Triều Tiên có khả năng thử thêm tên lửa liên lục địa ICBM
Thu Hằng, RFI, 26/03/2022
Ngày 25/03/2022, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã không ra được tuyên bố chung lên án vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM của Bắc Triều Tiên, do Nga và Trung Quốc phủ quyết. Trong khi đó, theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, chế độ Bình Nhưỡng có khả năng sẽ tiến hành nhiều vụ thử tên lửa ICBM khác.
Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, J. Sullivan, cảnh báo Bắc Triều Tiền sẽ tiếp tục thử tên lửa liên lục địa. © AP - Patrick Semansky
Phát biểu với báo giới, ông Jake Sullivan cho rằng vụ thử tên lửa ICBM của Bình Nhưỡng "nằm trong kế hoạch thử nghiệm và khiêu khích của Bắc Triều Tiên đã được thực hiện từ tháng trước và sẽ tiếp tục diễn ra". Tuy nhiên, không có "dấu hiệu đặc biệt" nào cho thấy Bắc Triều Tiên lên kế hoạch thử tên lửa vào lúc tổng thống Mỹ công du Châu Âu.
Theo ông Sullivan, được Yonhap trích dẫn, "đa số các quyết định liên quan đến chương trình thử hạt nhân đều được đưa ra tùy theo bối cảnh của bán đảo Triều Tiên và tầm nhìn của Bắc Triều Tiên về tình hình an ninh, chứ không theo lịch trình làm việc của tổng thống Biden".
Còn tại Liên Hiệp Quốc, sau nhiều giờ họp kín ngày 25/03, 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An lại bị chia rẽ về vụ thử tên lửa liên lục địa ICBM của Bắc Triều Tiên. Theo AFP, Hoa Kỳ đã không thuyết phục được các nước thành viên thông qua " các biện pháp trừng phạt mạnh hơn" đối với chế độ Kim Jong Un và lên án các vụ thử tên lửa là "những hành động khiêu khích ngày càng nguy hiểm".
Nga và Trung Quốc đã loại mọi biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Bình Nhưỡng. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) thậm chí còn đề nghị "giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt vào thời điểm thích hợp". Còn phó đại sứ Nga Anna Evstigneeva cho rằng "việc tăng cường trừng phạt đe dọa đến người dân Bắc Triều Tiên với những vấn đề kinh tế-xã hội và nhân đạo không chấp nhận được".
Thu Hằng
********************
Bình Nhưỡng thử tên lửa ICBM : Thêm nhiều thực thể Nga và Bắc Triều Tiên bị trừng phạt
Thu Hằng, RFI, 25/03/2022
Ngày 24/03/2022, ngay sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa liên lục địa và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, Hoa Kỳ thông báo thêm một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào nhiều thực thể Nga và Bắc Triều Tiên. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức họp khẩn lúc 15 giờ (giờ địa phương) ngày 25/03.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một loại tên lửa được báo chí chính thức Bắc Triều Tiên gọi là một "loại hình mới" của tên lửa liên lục địa ICBM. Ảnh do KCNA công bố ngày 24/03/2022 via Reuters - KCNA
Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ được AFP trích dẫn, những đối tượng này bị cáo buộc "chuyển giao thiết bị nhạy cảm cho chương trình tên lửa của Bắc Triều Tiên". Những biện pháp trừng phạt mới được Washington giải thích là "nằm trong những nỗ lực liên tục" của Mỹ để "ngăn nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đẩy mạnh chương trình tên lửa của họ và nhấn mạnh đến vai trò độc hại của Nga trên trường quốc tế" khi ủng hộ một chương trình như vậy.
Đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh và giám sát vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 ngày 24/03 để cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho "cuộc đối đầu lâu dài" với Hoa Kỳ. Sau nhiều lần thử thất bại, Bình Nhưỡng khẳng tên lửa Hwasong-17 giờ có thể tấn công bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tên lửa Hwasong-17 xuất hiện lần đầu vào tháng 10/2020 và được các nhà phân tích đặt biệt danh "tên lửa quái vật". Theo cơ quan thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên, "tên lửa, được phóng từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, đã đạt đến độ cáo tối đa là 6.248,5 km và vượt chặng đường 1.090 km trong vòng 4.052 giây trước khi phá hủy chính xác khu vực được xác định trước".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên án vụ thử đã "phá vỡ việc hoãn các vụ phóng tên lửa liên lục địa mà chủ tịch Kim Jong-un đã cam kết năm 2017".
Thu Hằng