Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/05/2022

Điểm báo Pháp - Tập Cận Bình mắc bẫy "Zero Covid"

RFI tiếng Việt

Bắc Kinh ảo tưởng sức mạnh độc tài, Tập Cận Bình mắc bẫy "Zero Covid"

Thất bại của chính sách Zero Covid tại Trung Quốc làm lộ rõ sự bế tắc của chế độ Tập Cận Bình, quyền phá thai của phụ nữ Mỹ bị đe dọa hủy bỏ là chủ đề thời sự quốc tế nổi bật trên các báo Pháp hôm 04/05/2022.

covid1

Tập Cận Bình cố gắng khẳng định tính ưu việc của chế độ với chính sách "Zero Covid". Ảnh chủ tịch Trung Quốc tại một triển lãm về chính sách phòng chống Covid-19, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 31/12/2020. Reuters – Tingshu Wang

Báo chí Pháp tiếp tục có nhiều bài về cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga với các tiêu điểm như "nỗ lực ngoại giao" của Nhật, sự "lúng túng" của Đức, giáo hoàng Francis lên án thượng phụ Chính Thống Giáo Nga là con rối của Putin, hay các hồ sơ về những người dũng cảm lên án chiến tranh tại Nga, chiến tranh Ukraine và gia đình Dmitri Peskov (phát ngôn viên đầy quyền lực của tổng thống Nga), hay về những nhân chứng may mắn sống sót tại thành phố Mariupol bị chiến tranh tàn phá. Về thời sự trong nước, việc tổng thống tái cử Macron chậm trễ trong việc lập chính phủ mới, và các đảng phái cánh tả nỗ lực lập liên minh với mục tiêu giành đa số trong Quốc hội mới là chủ đề chính.

Bắc Kinh "tự trói mình trong ngõ cụt"

"Trung Quốc trong chiếc bẫy của chính sách "Zero Covid"" là hồ sơ chính của Le Figaro ("Zero Covid" là chính sách hướng đến phát hiện và cách ly toàn bộ người nhiễm virus). Theo nhật báo Pháp, bất chấp việc chính sách này không giúp cho việc ngăn chặn đà lây lan của virus gây bệnh Covid, Bắc Kinh vẫn tự trói mình trong ngõ cụt của chính sách ngày càng gây mất lòng dân. Xã luận Le Figaro nhan đề "Ngõ cụt không có đường thoát" ghi nhận "mô hình chính trị cộng sản" mà Bắc Kinh những tưởng đã "vượt xa các mô hình dân chủ phương Tây" trong cuộc chiến chống Covid, hiện đang rơi vào bất lực. Việc 26 triệu dân Thượng Hải "đói", là nạn nhân của chính sách phong tỏa điên rồ cưỡng bức, không khác gì kỷ luật sắt trong các trại cải tạo (hay trại lao cải) khắc nghiệt trước đây. Chính sách Zero Covid của Trung Quốc chắc chắn đã từng cho phép cứu được nhiều mạng sống, nhưng với các giá phải trả là một chế độ phong tỏa khắc nghiệt như lao tù và không có đường thoát.

"Trung Quốc : Chiếc bẫy của chính sách Zero Covid", dòng tựa chính của La Croix in trên nền hình ảnh một nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân ngồi bất động, vẻ mặt buồn bã. La Croix chú thích: "Tập Cận Bình ngoan cố tiếp tục chính sách y tế rất bó buộc của mình bất chấp sự phẫn nộ gia tăng của người dân Trung Quốc và giới đầu tư phương Tây".

Hồ sơ chính của nhật báo công giáo La Croix nhan đề "Chỉ trong vòng vài tháng, Trung Quốc trở nên điên rồ", cho biết cụ thể : trong vòng hai tháng, Bắc Kinh đã phong tỏa gần 300 triệu dân Trung Quốc. Hiện tại 25 triệu dân Thượng Hải đang bị phong tỏa, và sẽ có thể tiếp tục bị phong tỏa thêm một tháng. 22 triệu dân Bắc Kinh đã được xét nghiệm, cũng có nguy cơ bị phong tỏa như Thượng Hải. Một nhân chứng Thượng Hải phẫn nộ: "bị đói tại Thượng Hải – thành phố giàu nhất Trung Quốc – vào năm 2022, thật không thể tin nổi !".

"Bạch vệ binh" của Tập Cận Bình gây phẫn nộ

Các "dàn nhạc xoong nồi" vang lên trong đêm phản đối tình trạng cung cấp thực phẩm hỗn loạn cho thấy "nỗi giận dữ hiếm có" của dân chúng. "Những hành động bạo lực thường xuyên quá đáng" của "các bạch vệ binh" (những nhân viên y tế áo trắng) của Tập Cận Bình gây sốc với giới trẻ Trung Quốc. Họ ví các "bạch vệ binh" hung hãn thực thi "chính sách Zero Covid" khắc nghiệt với những "hồng vệ binh" độc ác của Cách mạng Văn hóa thời Mao Trạch Đông (1966 – 1976).

Chính sách bị coi là mù quáng, nhưng chính quyền Tập Cận Bình không có ý định thay đổi. Một nữ bác sĩ thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, tỏ ra bất lực : "Bất chấp những đau khổ ghê gớm với người dân, Tập Cận Bình sẽ không thay đổi chính sách, không bao giờ. Bởi điều đó sẽ cho thấy ông ta sai, và điều này là không thể chấp nhận được đối với Đảng cộng sản Trung Quốc luôn muốn chứng tỏ hệ thống chính trị Trung Quốc ưu việt hơn hệ thống chính trị phương Tây !".

Đông đảo dân Trung Quốc vẫn tin chính quyền vì dân

Vẫn trong hồ sơ này, La Croix tổng kết : "Một bộ phận đông đảo dân chúng Trung Quốc tin tưởng chắc nịch là chính quyền trung ương, các cấp chính quyền địa phương và các bác sĩ đã làm tất cả để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân. Chỉ có một thiểu số người có trình độ là hiểu rất rõ là ông Tập Cận Bình (làm như vậy là) muốn bằng mọi giá bảo vệ quyền lực của ông tại Đại hội Đảng cộng sản diễn ra vào tháng 11 tới. Đàn áp sẽ tiếp tục gia tăng nhằm bịt miệng tất cả những tiếng nói chỉ trích đang bùng lên mạnh mẽ", theo Connie Cheung, một nữ doanh nhân giàu có tại Thượng Hải".

Ngược lại, theo một nhà Hán học rất có uy tín, công dân Mỹ, ông Minxin Pei, nhà nghiên cứu thuộc German Marshall Fund, "Tập Cận Bình có thể tránh được sự sụp đổ của nền kinh tế, xoa dịu sự phẫn nộ xã hội và như vậy chứng minh là ông ấy có thể sửa chữa được các sai lầm". Tuy nhiên, từ bỏ chính sách Zero Covid đang đi vào ngõ cụt hiện nay không phải dễ, theo Minxin Pei, bởi "sẽ tăng vọt số ca nhiễm, ca nhập viện, ca tử vong, và hệ thống y tế Trung Quốc sẽ khó lòng đối mặt", Tập Cận Bình khó lòng dám đưa ra quyết định mạo hiểm như vậy, ít nhất cho đến Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 11.

La Croix, trong hồ sơ "Các doanh nghiệp chờ đợi, ngoại kiều chuẩn bị ra đi", ghi nhận tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài đang thấp thỏm chờ đợi diễn biến tiếp theo để ra quyết định. Theo một thông tin từ Phòng Thương Mại Mỹ tại Trung Quốc, cuối tháng 3, trước khi Thượng Hải bị phong tỏa, hơn 80% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân các nhân viên người nước ngoài.

Tự do không là "món hàng xa xỉ" như tuyên truyền của Tập Cận Bình

La Croix cũng dành bài xã luận cho chủ đề chính sách Zero Covid của Trung Quốc, với nhan đề "Tự do phải chăng là một món đồ xa xỉ ?". Xã luận của La Croix đả kích quan điểm của chủ tịch Trung Quốc: "Tập Cận Bình là đối thủ của các nền dân chủ, người không bỏ lỡ dịp nào trong nội bộ để khẳng định các lãnh đạo phương Tây đã sai lầm. Theo chủ tịch Trung Quốc, dân chúng mong muốn trước hết sự an toàn và thịnh vượng. Quyền tự do về mặt nào đó chỉ là một thứ đồ xa xỉ". Tuy nhiên, thực tế hơn một tháng phong tỏa cho thấy, 25 triệu dân Thượng Hải phải chịu một chính sách phong tỏa khắc nghiệt, đến mức ngay cả một số khu phố thiếu cả nước và thực phẩm.

Theo La Croix, chính sách chống dịch khắc nghiệt của lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể đẩy người dân đến chỗ "làm cách mạng", cũng "không khiến quyền lực của Bắc Kinh lung lay", tuy nhiên, uy tín của Bắc Kinh với giới đầu tư đang bị giáng một đòn mạnh. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu tính đến việc chuyển hướng, họ lo sợ bị mắc bẫy trong một xã hội mà hoạt động kiểm soát của chính quyền "vừa nôn nóng, vừa tinh vi". Những hậu quả rõ ràng của chính sách phong tỏa thái quá tại Trung Quốc cho thấy "tự do hoàn toàn không chỉ là một món hàng xa xỉ là một điều kiện cho sự thịnh vượng".

Khủng hoảng giống năm 2008 tại phương Tây, dân Trung Quốc bất mãn chưa từng thấy

Cũng về chủ đề Covid, Le Monde có bài "Tập Cận Bình rơi vào chiếc bẫy của chính mình" đáng chú ý, tổng hợp ý kiến của ba chuyên gia kinh tế hàng đầu, được coi là những người hiểu rõ về nền kinh tế và xã hội Trung Quốc. Cả ba chuyên gia cũng được coi là những người thân chính quyền Bắc Kinh. Nhà tài chính gốc Trung Quốc Weijian Shan, lãnh đạo PAG, một quỹ đầu tư tại Hồng Kông, quản lý hơn 50 tỉ đô la, nhận định : khủng hoảng kinh tế Trung Quốc hiện nay có thể được so với những gì đã diễn ra ở phương Tây năm 2008. Chưa bao giờ kinh tế Trung Quốc lại tồi tệ như vậy từ 30 năm nay, trong lúc cũng chưa bao giờ "sự bất bình trong dân chúng lại gia tăng như vậy kể từ những năm 1990".

Chuyên gia Mỹ Stephen Roach, một cựu lãnh đạo của Morgan Stanley Asia, nhận định những điểm chính gây khó khăn cho Trung Quốc hiện nay: "Chính sách Zero Covid, lập trường thân Nga và việc đẩy lĩnh vực công nghệ xuống hàng thứ yếu". Cựu lãnh đạo của Morgan Stanley Asia chỉ trích thái độ cứng nhắc của giới lãnh đạo Trung Quốc, "không có khả năng thừa nhận sai lầm, và điều chỉnh chính sách". Chuyên gia thứ ba là chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, ông Jorg Wuttke, người Đức, cũng cực lực phê phán việc các lãnh đạo Trung Quốc "bị cầm tù trong câu chuyện thành công mà họ muốn buộc xã hội phải tin. Đó là điều bi kịch".

Le Monde khép lại bài tổng hợp với nhận định : "Lịch sử đang lập lại". Hiện nay, khi người dân Thượng Hải gõ xoong nồi để phản đối chính quyền khiến họ bị đói, người ta cáo buộc họ bị phương Tây điều khiển. Le Monde nhắc lại, cách đây hơn nửa thế kỷ, vào năm 1959, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Bành Đức Hoài (Peng Dehuai) vào thời điểm đó đã dám nói với Mao Trạch Đông là chính sách Đại Nhảy Vọt là một thảm họa. Ông Bành Đức Hoài đã bị khép tội là nhân viên của Moskva, và buộc phải từ chức.

Chiến tranh Ukraine : Đức khó đổi chính sách, Nhật nỗ lực vận động chống Nga

Về chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, Les Echos đặc biệt chú ý đến những khó khăn của nước Đức trong việc chuyển hướng chính sách : "Tình thế tiến thoái lưỡng nan của thủ tướng Sholz cũng là vấn đề chung của toàn nước Đức". Hồ sơ trang nhất của Les Echos nhận xét : "Những lưỡng lự" của chính phủ Đức trong việc hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine chống xâm lược Nga bị nhiều đối tác Châu Âu phê phán. Bức biếm họa kèm theo hồ sơ này, vẽ thủ tướng Đức chân tiếp tục đi về phía trước, khoác trên tay một xe tăng mang cờ ba màu Đen Vàng Đỏ, đầu ngoảnh ngược về phía sau, về hướng Ukraine, minh họa rõ ràng cho tình trạng phân tâm cao độ hiện nay của nước Đức.

Tuy nhiên, theo Les Echos, đây không phải chỉ là khó khăn riêng với chính phủ Đức, mà bản thân toàn thể xã hội Đức cũng không dễ dàng trong việc xem xét lại định hướng lớn của quốc gia. Đó là liệu nước Đức có thể xét lại chính sách đối ngoại và quốc phòng, khi đặt các lợi ích kinh tế xuống hàng thứ hai hay không ?

Trong lúc nước Đức bị kẹt trong thế lưỡng lự, "Nhật Bản nỗ lực vận động ngoại giao chống Nga" là tựa đề một hồ sơ mục quốc tế của Le Monde. Thủ tướng Fumio Kishida đã cố gắng tập hợp nhiều quốc gia Đông Nam Á vốn có thái độ trung lập về cuộc khủng hoảng Ukraine. Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga khiến Nhật Bản, thành viên Châu Á duy nhất của khối G7, thoát ra khỏi ứng xử chừng mực lâu nay liên quan đến các khủng hoảng quốc tế.

Nhật Bản đã ngay lập tức thừa nhận là cuộc chiến tranh tại Ukraine có thể dẫn đến việc hủy hoại các chuẩn mực quốc tế. Đe dọa trực tiếp với Nhật không chỉ là Nga láng giềng phía bắc của Nhật, mà còn là Trung Quốc với các tham vọng lãnh thổ. Le Monde nhấn mạnh là, trong chuyến công du Việt Nam cách đây ít hôm, Hà Nội và Tokyo thống nhất chia sẻ lập trường chung "phản đối mọi hành động vũ lực để thay đổi nguyên trạng". Nhật Bản có thế mạnh là có các quan hệ kinh tế quan trọng với Đông Nam Á, bên cạnh chính sách hòa bình hơn nửa thế kỷ khiến Nhật Bản trở thành đối tác tin cậy của khu vực Đông Nam Á. Không cổ vũ các nước Đông Nam Á đối đầu trực diện với Trung Quốc, nhưng nỗ lực để góp phần tập hợp toàn khu vực xung quanh "các giá trị chung" về một nền an ninh tập thể, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia vùng Thái Bình Dương, Bộ Tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương, và các cường quốc Châu Âu, Đức, Anh, Pháp tiếp tục là ưu tiên của Nhật. Chính sách "đi từng bước một" theo hướng này xuyên suốt chuyến công du Châu Á vừa qua của thủ tướng Kishida.

Quyền nạo phá thai "trở lại trung tâm bàn cờ chính trị Mỹ"

Quyền nạo phá thai của phụ nữ dự kiến sắp bị Tối cao Pháp viện Mỹ hủy bỏ, theo một văn bản dự thảo được báo Politico công bố. Les Echos có bài "Quyền nạo phá thai trở lại trung tâm bàn cờ chính trị Mỹ" cho biết : văn bản dự thảo được soạn từ tháng 2/2022, và được công bố tối thứ Hai 02/05, chủ trương hủy bỏ một phán quyết năm 1973, bảo đảm cho phụ nữ có quyền nạo thai trước 24 tuần. Tối cao Pháp viện Mỹ, với đa số thuộc phe bảo thủ, được coi là chắc chắn sẽ thông qua quyết định này. Quyết định dự kiến sẽ được đưa ra vào khoảng cuối tháng 7/2022.

Kể từ phán quyết 1973, quyền nạo thai được coi là một quyền căn bản với người Mỹ. Năm 2018, khoảng 620.000 cuộc nạo thai được thống kê, với khoảng 189 cuộc nạo thai so với 1.000 ca đẻ (tỉ lệ này ở Pháp là 300/1.000). Tuyệt đại đa số ca phá thai (92%) được thực hiện trong 13 tuần lễ thụ thai đầu tiên, theo cơ quan y tế Mỹ CDC.

Theo Les Echos, nếu Tối cao Pháp viện Mỹ thông qua quyết định cấm nạo thai thì đây sẽ là được coi là một "thắng lợi" của phe Cộng Hòa. Tuy nhiên, quyết định này của Tối Cao Pháp Viện cũng có thể làm dấy lên một làn sóng phản kháng mạnh mẽ trong xã hội Mỹ. Theo một thăm dò của Pew Research, 59% người Mỹ ủng hộ quyền nạo thai hợp pháp "đối với tất cả hoặc phần lớn trường hợp". Đảng Dân Chủ ắt hẳn sẽ thúc đẩy các hoạt động chống lại quyết định, nếu được Tối cao Pháp viện thông qua, và đây sẽ là một cuộc chiến quan trọng trước thêm bầu cử Quốc hội Mỹ, tháng 11 tới. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thúc đẩy việc các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ Mỹ ra một luật bảo vệ quyền nạo thai, và ông cho biết sẽ nỗ lực để luật được ban hành.

Nguy cơ phụ nữ Mỹ bị tước quyền phá thai cũng là chủ đề trang nhất của Le Monde. Nhật báo chạy tựa "Hoa Kỳ : Quyền nạo thai bị đe dọa". Libération cũng dành hồ sơ chính trang nhất cho chủ đề "Quyền nạo phá thai bị đe dọa hủy bỏ tại nước Mỹ". Báo La Croix tìm cách giải thích "Tại sao quyền nạo phá thai lại bị cấm đoán ?".

Macron chậm rãi lập chính phủ, cánh tả Pháp nỗ lực lập liên minh

Về thời sự nước Pháp, sự chậm trễ của tổng thống Macron trong việc thành lập chính phủ mới là chủ đề trang nhất của Le Monde.  Theo Le Monde, việc chuẩn bị thành phần chính phủ mới đang được tổng thống vừa tái đắc cử xem xét, nhưng gần như không có thông tin gì được tiết lộ ra ngoài. Thành phần chính phủ mới có ý nghĩa định hướng nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Macron chậm được công bố đang gây một không khí bất định trong các bộ và giới dân biểu đảng cẩm quyền. Theo Le Monde, đang có những căng thẳng lớn giữa những người ủng hộ tổng thống Macron, và những người ngả theo cựu thủ tướng Edouard Philippe – cũng thuộc liên minh cầm quyền.

Trong khi đó, các đảng phái cánh tả đang tiếp tục các đàm phán căng thẳng nhằm lập liên minh tranh cử Quốc hội. Theo Le Monde, nội dung chính tập trung vào đàm phán về việc phân chia các đơn vị bầu cử. Nhật báo thiên tả có hồ sơ về các đàm phán lập liên minh của cánh tả : nhà thương thuyết Manuel Bompard, lãnh đạo thương thuyết của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), nổi tiếng là "một nhà tổ chức tài năng", giới thiệu những nét chính của các đàm phán giữa LFI với các đảng cánh tả khác, như đảng Xanh, đảng Xã Hội, Đảng cộng sản. Về phần mình, Le Figaro thiên hữu chú ý đến tình hình nội bộ của đảng Xã Hội đứng bên bờ tan vỡ, do một bộ phận không chấp nhận thỏa hiệp với LFI.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)