Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/05/2022

Bongbong Marcos trở thành Tổng thống Philippines

RFI tổng hợp

Ferdinand Marcos Junior tuyên bố thắng cử tổng thống Philippines

Anh Vũ, RFI, 11/05/2022

Hôm 11/05/2022, ông Ferdinand Marcos Junior, con trai nhà cựu độc tài Philippines đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines và cam kết sẽ là lãnh đạo của "mọi người dân" trong nhiệm kỳ 6 năm. 

phi1

   Ứng viên tổng thống Philippines "Bongbong" Marcos Junior, vẫy chào các ủng hộ viên, tại trụ sở ban vận động tranh cử, Mandaluyong, Manila, Philippines, ngày 11/05/2022.  Reuters – Lisa Marie David

Trong thông cáo ra hôm nay, Vic Rodriguez, phát ngôn viên của tổng thống tân cử cho biết, ông Marcos Junior nói với tất cả mọi người rằng "Hãy phán xét tôi trên hành động chứ đừng dựa trên gia tộc của tôi". 

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ gần như toàn bộ các phòng phiếu, ông Marcos Junior, biệt danh "Bongbong", đã thu được 56% phiếu bầu, tức là nhiều gấp hai lần số phiếu bầu cho đối thủ, bà phó tổng thống mãn nhiệm Leni Robredo. 

Chiến thắng áp đảo của con trai nhà cựu độc tài nổi tiếng của Philippines Ferdinand Marcos (1965-1986), đã khép lại 6 năm cầm quyền của tổng thống Rodrigo Duterte, được ghi dấu ấn bằng cuộc chiến chống ma túy đầy bạo lực và đường lối lãnh đạo chuyên chế ngày càng khắc nghiệt. Chiến thắng của ông Marcos Junior cũng đánh dấu sự trở lại cầm quyền của gia đình Marcos, 36 năm sau khi bị dân chúng nổi dậy lật đổ vì tham nhũng và độc tài. 

Ông Ferdiand Marcos Junior, 64 tuổi, đã chuẩn bị cho sự trở lại chính trường Philippines của gia tộc Marcos này từ nhiều năm nay. Sau một chiến dịch vận động tranh cử được giới quan sát đánh giá là bị bóp méo thông tin, che đậy những quá khứ tội ác của gia đình nhà Marcos. Tuy nhiên, ứng cử viên Marcos Junior lại được phe của cựu tổng thống Duterte ủng hộ mạnh mẽ.

"Bongbong" là ứng cử viên tổng thống đầu tiên giành đa số tuyệt đối kể từ sau khi cha ông bị lật đổ năm 1986, khiến cả gia đình phải lưu vong tại Hoa Kỳ. Gia đình Marcos sau đó đã trở về nước đầu những năm 1990 và dần dần khôi phục được mạng lưới ủng hộ chính trị cho đến ngày trở lại đỉnh cao quyền lực ở Philippines hôm nay.

Anh Vũ

**********************

Bầu cử tổng thống Philippines : Gia tộc Marcos trở lại cầm quyền sau gần 40 năm lưu vong

Minh Anh, RFI, 1005/2022

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, Ferdinand Marcos Junior, con trai nhà độc tài quá cố cùng tên, đã thắng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines, diễn ra ngày 09/05/2022. AFP cho rằng thắng lợi áp đảo này đánh dấu sự trở lại cầm quyền của triều đại Marcos sau gần 40 năm bị cuộc nổi dậy của người dân đánh đuổi. 

PHILIPPINES-ELECTION/

Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr ăn mừng kết quả bầu cử sơ khởi, tại thành phố Mandaluyong, Philippines, ngày 10/05/2022.  Reuters – Willy Kurniawan

Kết quả kiểm phiếu tại 90% điểm bỏ phiếu cho thấy Marcos Junior, có biệt danh "Bongbong" đã thu được 56% lá phiếu ủng hộ, cao gấp hai lần so với đối thủ chính là phó tổng thống mãn nhiệm, bà Leni Robredo.

Kết quả cuộc bầu cử phản ảnh nỗi bất bình của người dân đối với các chính phủ dân chủ liên tiếp bất lực trong việc cải thiện mức sống của người dân. Nhưng thắng lợi của ông Marcos để lại nhiều cay đắng cho hàng triệu người Philippines muốn sang trang 6 năm nhiệm kỳ tổng thống Duterte, mang đậm dấu ấn bạo lực, điển hình là cuộc chiến chống ma túy đẫm máu.

Theo AFP, chiến thắng của Marcos Junior, một phần cũng nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của phe tổng thống mãn nhiệm Duterte. Một đa số lớn đã ủng hộ con gái ông Rodrigo Duterte giữ vị trí phó tổng thống.

Trong một bài phát biểu truyền hình sáng sớm hôm nay, Ferdinand Marcos Junior, 64 tuổi, tỏ ra khiêm tốn không vội kêu mừng chiến thắng, trông chờ kết quả chung cuộc.

Gia tộc Marcos, bị lật đổ năm 1986 sau một cuộc nổi dậy rộng lớn của quần chúng, buộc phải sống lưu vong ở Mỹ một thời gian dài, trước khi trở về nước, kiên nhẫn gầy dựng mạng lưới hậu thuẫn chính trị. Chưa đầy nửa thế kỷ sau ngày bị lật đổ, gia tộc Marcos trở lại phủ tổng thống Malacanang ở Manila vào tháng 7/2022, với lời cam kết tái thiết "thống nhất" đất nước trong suốt 6 năm nhiệm kỳ tới của "Bongbong".

Minh Anh

********************

Philippines : Marcos Junior dịu với Trung Quốc về Biển Đông để ưu tiên hợp tác kinh tế

Thu Hằng, RFI, 10/05/2022

Khoảng 30 triệu cử Philippines đã dành phiếu cho Ferdinand Marcos Junior, con trai của nhà độc tài Marcos, trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 09/05/2022. Chính sách đối ngoại chưa bao giờ là lý do khiến cử tri bỏ phiếu cho một ứng cử viên, nhưng vấn đề chủ quyền của Philippines ở Biển Đông cũng như mối quan hệ với Trung Quốc sẽ được xử lý như nào trong nhiệm kỳ của ông Marcos Junior ? 

bongbong2

Hình ảnh đăng tải trên Facebook của Bongbong Marcos, ứng viên tổng thống Philippines, ngày 09/05/2022.  AP

Ông Marcos Junior, người được "tổng thống mãn nhiệm Duterte dọn đường" sẽ hoàn toàn tự do theo đuổi chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, đặc biệt là với một phó tổng thống cũng là con gái của ông Duterte. 

Theo giới quan sát, Marcos Junior sẽ tiếp tục lập trường hữu hảo với Trung Quốc. Không thẳng thừng coi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 là "tờ giấy lộn" như cách gọi của người tiền nhiệm, nhưng ông Marcos Junior lại thấy "vô ích" khi áp dụng phán quyết, mà theo ông "không còn ý nghĩa trọng tài" vì chỉ có một bên tham gia (Philippines), còn Bắc Kinh "sẽ không nghe những phán quyết của Tòa"

Phát biểu trong một diễn đàn vào tháng 01/2022, con trai của cố độc tài thừa nhận "biển Tây Philippines (tên gọi Biển Đông của Philippines) hiện là một điểm nóng về mặt địa chính trị" và Philippines sẽ đi theo "một nguyên tắc đơn giản : chúng ta sẽ không nhân nhượng một centimet vuông nào cho bất kỳ nước nào". Ông khẳng định Philippines "phải tìm ra được đường lối riêng". Tuy nhiên, theo những phát biểu sau đó của ông Ferdinand Marcos Junior, đường lối riêng đó sẽ được bắt đầu từ việc duy trì "mối quan hệ hài hòa với nước láng giềng lớn phương bắc"

Đây chính là sự tiếp nối chính sách của tổng thống Duterte. Theo ông Wang Yiwei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Nhân Dân Trung Quốc, được báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn, "nhìn từ quan điểm phát triển của Philippines, dù là về mặt kinh tế quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng, thậm chí là hòa bình và an ninh, thì việc duy trì một mối quan hệ tương đối tốt với Trung Quốc sẽ có lợi cho an ninh và phát triển của Philippines"

Chính quyền mới kỳ vọng rằng mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh có thể tạo cơ hội cho Philippines thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc. Tổng thống Duterte từng kỳ vọng như vậy để rồi phải "vỡ mộng". Tuy nhiên, giữa tổng thống đắc cử và Trung Quốc dường như đã có một mối quan hệ khá thân thiện. Tháng 10/2021, Marcos Junior là khách mời danh dự của đại sứ quán Trung Quốc ở Manila trong buổi khai trương một triển lãm ảnh, trong đó có một bức ảnh của nhà độc tài Marcos, ngồi phía dưới hai lá cờ Philippines và Trung Quốc. 

Nói tóm lại, để "giữ thế cân bằng tế nhị" tại Biển Đông, tổng thống đắc cử Marcos sẵn sàng đưa ra thảo luận song phương với Trung Quốc về những bất đồng, tranh chấp chủ quyền trong vùng biển. Điểm này luôn được Bắc Kinh yêu cầu, thậm chí là tìm cách áp đặt đối với các nước có tranh chấp, thay vì phải đàm phán với toàn khối ASEAN. 

Ngoài ra, ông muốn "một cách tiếp cận cân bằng hơn" để vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Bắc Kinh nhưng đồng thời cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Trái với tổng thống Duterte, người nhiều lần dọa hủy các thỏa thuận quân sự với Mỹ, để đến gần phút cuối mới quyết định duy trì hiệp ước phòng thủ chung có từ năm 1951, ít nhất trong 6 năm tới, Mỹ vẫn có thể đưa quân và thiết bị quân sự vào Philippines nếu ông Marcos Junior giữ lời hứa duy trì các hiệp ước với Washington. Về các liên minh quân sự quốc tế, như Bộ Tứ - QUAD, ông Marcos Junior cổ vũ vì "có lợi ích cho Philippines" nhưng lại không tin vào "phạm vi ảnh hưởng" trong khu vực của các cường quốc. 

Cuối cùng, bên hài lòng nhất với kết quả bầu cử tổng thống Philippines vẫn là Bắc Kinh. Trong bài xã luận ngày 10/05, Global Times, cơ quan ngôn luận tiếng Anh của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tỏ ra hân hoan : "Cam kết với Trung Quốc "sẽ được tiếp tục" trong thời hậu Duterte, bất chấp yếu tố Mỹ"

Thu Hằng

***********************

Bầu tổng thống Philippines : Con trai nhà độc tài Marcos có thể giành chiến thắng áp đảo

Thu Hằng, RFI, 09/05/2022

Ngày 09/05/2022, khoảng 67 triệu cử tri Philippines được mời gọi đến phòng phiếu bầu tổng thống mới trong số 10 ứng cử viên. Ngoài ra, nhiều cuộc bỏ phiếu cũng được tổ chức song song để bầu ra phó tổng thống, các dân biểu, một nửa số thượng nghị sĩ, 81 thống đốc và các đại biểu dân cử địa phương. Theo nhiều cuộc thăm dò, ông Ferdinand Marcos Junior được cho là sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống. Tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu được dự báo rất cao.

bongbong3

Phó tổng thống Philippines, ứng viên tổng thống Leni Robredo bỏ phiếu tại một khu bầu cử ở Magarao, Camarines Sur, Philippines, ngày 9/5/2022. Reuters – Lisa Marie David

Ông Ferdiand Marcos Junior, còn được gọi là "Bongbong", 64 tuổi, là con trai của nhà cựu độc tài Marcos, đã bỏ phiếu tại thành phố quê thương Ilocos Norte cùng với chị gái là Irene và mẹ là bà Imelda, 92 tuổi. Theo AFP, "Bongbong" nổi tiếng nhờ chiến dịch vận động tranh cử bóp méo thông tin trên các mạng xã hội và nhắm vào giới cử tri trẻ không biết đến "triều đại độc tài" của người cha, nổi tiếng với các vụ tra tấn, giết người, lạm dụng, vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Chế độ này chấm dứt vào năm 1986.

Cuộc bầu cử bắt đầu với sự kiện đáng buồn. Ít nhất có 4 người chết trong các vụ tấn công một số phòng phiếu. Ngoài ra, ba nhân viên an ninh cũng bị thiệt mạng trong một vụ xả súng ở Buluan, trên hòn đảo Mindanao, nơi hoạt động của nhiều nhóm vũ trang, lực lượng nổi dậy cộng sản, chiến binh Hồi giáo cực đoan… AFP nhắc lại là các cuộc bầu cử luôn là giai đoạn khá bất ổn ở Philippines.

Bầu cử tổng thống Philippines chỉ diễn ra một vòng, ông Ferdiand Marcos Junior chỉ cần có được nhiều số phiếu nhất. Chiến thắng của "Bongbong" sẽ đánh dấu sự trở lại của triều đại nhà Marcos sau gần 40 năm lưu vong.

Sau sáu năm cầm quyền của tổng thống Rodrigo Duterte, các nhà đấu tranh vì nhân quyền, các giáo chức Công giáo, cũng như giới phân tích chính trị lo ngại ông Ferdiand Marcos Junior sẽ điều hành đất nước khắc nghiệt hơn và "làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân quyền trong nước". Con gái của tổng thống Duterte, bà Sarah Duterte, được dự đoán giành chiến thắng trong cuộc bầu cử phó tổng thống, diễn ra cùng ngày.

Thu Hằng

*********************

Philippines chuẩn bị bầu người thay thế tổng thống Duterte

Trọng Nghĩa, RFI, 08/06/2022

Cử tri Philippines ngày 09/05/2022 sẽ tham gia những cuộc bầu cử nhằm chọn ra người kế nhiệm tổng thống Rodrigo Duterte, một phó tổng thống mới, 12 thượng nghị sĩ, hàng trăm dân biểu và hàng nghìn thống đốc, thị trưởng, ủy viên hội đồng tỉnh và thành phố.

bongbong4

   Ông Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. được coi là có nhiều triển vọng đắc cử tổng thống Philippines. Ảnh hồi 2017. AFP – Noel Celis

Theo kết quả thăm dò, hai ứng cử viên tổng thống nhiều triển vọng đắc cử nhất là Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr., con trai của cố tổng thống độc tài cùng tên, và nữ phó tổng thống mãn nhiệm Leni Robredo, môt luật sư nhân quyền. 

Theo hãng tin Anh Reuters, ba tháng vận động tranh cử sôi nổi đã kết thúc hôm qua, với cả hai ứng cử viên Marcos và Robredo cố vận động cho đến giờ phút chót bằng những thông điệp yêu nước, lạc quan.

Về quan hệ với Trung Quốc, ông Marcos Jr. được cho là người sẽ đi theo đường lối thân Bắc Kinh của ông Duterte, xem nhẹ vấn đề Biển Đông để thu hút đầu tư Trung Quốc. 

Điểm đáng ghi nhận là cuộc vận động tranh cử kết thúc trong bối cảnh đương kim tổng thống Duterte không ra mặt hậu thuẫn cho bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào, cho dù đảng chính trị của ông đã ủng hộ Marcos và con gái của ông Duterte là bà Sara Duterte-Carpio, người tranh chức phó tổng thống trong liên danh của ông Marcos. 

Duterte sẽ không tham dự Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN sắp tới 

Hội nghị thượng đỉnh ngày 12-13/5 sẽ diễn ra chỉ vài ngày sau khi hàng triệu người Philippines đi bỏ phiếu để bầu ra người kế nhiệm ông Duterte. 

Chính vì lý do đó mà vào tuần trước, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thông báo có thể sẽ không qua Washington dự cuộc họp, vì không muốn phải đưa ra những cam kết mang tính rằng buộc người kế nhiệm ông. 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thu Hằng, Trọng Nghĩa
Read 518 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)