Hàng trăm người tụ tập tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn ở Đài Loan
VOA, 05/06/2022
Hàng trăm người đã tụ tập tại Đài Bắc vào ngày thứ Bảy để tưởng niệm cuộc đàn áp đẫm máu của Trung Quốc đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh cách đây 33 năm.
Người Đài Loan tụ tập để kỉ niệm 33 năm vụ đàn áp Thiên An Môn ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 4 tháng 6 năm 2022.
Lãnh thổ Hong Kong do Trung Quốc quản lý đã triển khai lực lượng an ninh nghiêm ngặt để ngăn chặn bất cứ dấu hiệu biểu tình phản đối nào ở đó, Reuters đưa tin.
Ngày thứ Bảy là ngày kỉ niệm quân đội Trung Quốc nổ súng để chấm dứt vụ bất ổn do học sinh sinh viên dẫn đầu trong và xung quanh quảng trường ở trung tâm Bắc Kinh. Trung Quốc chưa bao giờ công bố số người tử vong đầy đủ từ sự kiện ngày 4 tháng 6 năm 1989, nhưng các tổ chức nhân quyền và nhân chứng nói rằng con số này có thể lên tới hàng ngàn người.
Trung Quốc cấm mọi hoạt động kỉ niệm công khai sự kiện này ở đại lục, và chính quyền Hong Kong cũng đã trấn áp, khiến Đài Loan dân chủ trở thành nơi duy nhất của thế giới nói tiếng Hoa mà sự kiện này được tưởng niệm một cách công khai.
Các nhà hoạt động đã gắn ráp một phiên bản mới của "Cột Ô Nhục" - một bức tượng tưởng niệm những người biểu tình ở Thiên An Môn mà một trường đại học hàng đầu của Hong Kong đã dỡ bỏ vào tháng 12 khỏi khuôn viên trường, nơi nó đã đứng suốt hơn hai thập niên, Reuters cho biết.
Những tiếng reo hò ủng hộ Hong Kong vang lên sau khi bức tượng được dựng lên
Nhà lãnh đạo Hong Kong, Carrie Lam, tuần này nói bất cứ sự kiện nào để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong cuộc đàn áp năm 1989 sẽ nằm trong phạm vi áp dụng của luật an ninh quốc gia.
Tại Công viên Victoria của Hong Kong, nơi người dân trước đây thường tụ tập tưởng niệm hàng năm trước đại dịch Covid-19, chính quyền đã phong tỏa các khu vực chính của địa điểm và cảnh báo người dân chớ tụ tập bất hợp pháp, theo Reuters.
Lần cuối cùng hoạt động tưởng niệm được tổ chức ở Hong Kong, vào năm 2019, hơn 180.000 người tham dự, theo ước tính của ban tổ chức.
Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong vào tháng 6 năm 2020, trừng phạt các hành vi lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài với mức lên tới tù chung thân. Bắc Kinh nói luật này là cần thiết để khôi phục sự ổn định sau các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2019.
Tại Đài Loan, hòn đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Tổng thống Thái Anh Văn lên án điều mà bà nói là "kí ức tập thể về ngày 4 tháng 6 đang bị xóa bỏ một cách có hệ thống ở Hong Kong".
"Nhưng chúng ta tin rằng vũ lực như vậy không thể xóa bỏ kí ức của mọi người", bà nói trên trang Facebook và Instagram của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi vụ đàn áp Thiên An Môn là "một cuộc tấn công tàn bạo", đồng thời nói thêm trong một tuyên bố : "Những nỗ lực của những cá nhân dũng cảm này sẽ không bị lãng quên".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong một cuộc họp báo thường kì hôm thứ Năm, nhắc lại lập trường của Bắc Kinh về các sự kiện này. "Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã đi đến kết luận rõ ràng về biến cố chính trị xảy ra vào cuối những năm 1980", ông nói.
**********************
Hồng Kông : Lãnh sự quán nước ngoài kỷ niệm thảm sát Thiên An Môn, bất chấp Bắc Kinh ngăn cấm
Trọng Thành, RFI, 05/06/2022
Năm nay, chính quyền Trung Quốc tiếp tục ngăn cấm các hoạt động tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989 tại Hồng Kông. Sở Ngoại Vụ Hồng Kông lần đầu tiên yêu cầu các lãnh sự quán nước ngoài tránh bày tỏ thái độ trong dịp kỉ niệm này. Tuy nhiên, cảnh báo của Bắc Kinh đã không có kết quả.
Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông thắp nến trên cửa số tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn, ngày 04/06/2022. AP - Kin Cheung
Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
"Lời kêu gọi của các nhà chức trách Trung Quốc không những đã không bị phớt lờ, mà ngược lại, còn khuyến khích trí tưởng tượng của quản trị viên mạng các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Hồng Kông. Tiêu biểu nhất cho cách bày tỏ quan điểm phản đối gián tiếp là của lãnh sự quán Ba Lan. Trên Facebook, đại diện ngoại giao Ba Lan đã nhắc lại rằng rằng đất nước này là nhà sản xuất nến lớn nhất của Liên Hiệp Châu Âu.
Mười hai dòng về lịch sử ngành sản xuất chân đèn nến ở nước này, cùng với nhiều biểu tượng cảm xúc "hình ngọn nến". Biểu tượng "nến" – một cách tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn Mùa Xuân 1989 - vốn bị hệ thống kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc ngặn chặn trên các mạng xã hội.
"Nến" cũng có mặt trên tài khoản Twitter của Phái bộ Liên Hiệp Châu Âu tại Hồng Kông. Đây là điều mà các nhà chức trách Trung Quốc hoàn toàn không muốn xảy ra. Thái độ của các lãnh sự quán Châu Âu và Hoa Kỳ, vào dịp kỉ niệm năm 2021, vẫn còn khiến Bắc Kinh tức giận. Vào thời điểm đó, các cơ quan đại diện ngoại giao phương Tây đã thắp nến trên cửa sổ. Bắc Kinh đã cáo buộc "đùa với lửa".
Hôm qua, thứ Bảy, đúng vào dịp kỉ niệm thảm sát Thiên An Môn, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục khắng định : "Cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do tiếp tục tại Hồng Kông".
Về phần mình, sở Ngoại Vụ Hồng Kông tố cáo một "thủ đoạn chính trị". Các phương tiện truyền thông nhà nước ở Trung Quốc dĩ nhiên giữ im lặng trong dịp kỷ niệm thảm sát Thiên An Môn. Ngay cả "ngày Lục Tứ" (tức ngày mùng 4 tháng Sáu, ngày diễn ra vụ thảm sát) cũng bị kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Thay vào đó, báo chí Trung Quốc nhấn mạnh đến những vụ giết người hàng loạt hoặc nạn nhân của bạo lực ở Hoa Kỳ".
Dựng tượng tưởng niệm vụ Thiên An Môn tại Đài Loan
Nhiều người dân Đài Loan cũng tập hợp tối hôm qua, 04/06, tại Quảng trường Tự Do, thủ đô Đài Bắc, để tưởng niệm những người tranh đấu vì dân chủ, nạn nhân của cuộc đàn áp ở Thiên An Môn. Nhân dịp này, các nhà tranh đấu Đài Loan đã đưa đến Quảng trường Tự do bản sao bức tượng đài nổi tiếng "Pillars of Shame" (hay Tượng đài của sự ô nhục), tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát.
"Pillars of Shame", đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh phá hủy năm 2021.
Tượng đài "Pillars of Shame" đặt tại Hồng Kông đã bị chính quyền Trung Quốc phá hủy cuối năm 2021. Tượng đài là sáng tác của nghệ sĩ điêu khắc Đan Mạch Jens Galschiøt, lần đầu tiên được dựng lên tại công viên Victoria, Hồng Kông, năm 1997, nhân dịp 8 năm vụ thảm sát.
Trọng Thành
*************************
Sinh viên Bắc Kinh không còn biết đến Thiên An Môn
Thanh Phương, RFI, 04/06/2022
Hôm 04/06/202, là kỷ niệm đúng 33 năm sự kiện Thiên An Môn, vụ đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Bắc Kinh ngày 04/06/1989. Vụ thảm sát này không hề được nhắc đến ở Trung Quốc, trong khi tại Hồng Kông, kỷ niệm Thiên An Môn năm nay diễn ra rất kín đáo.
An ninh siết chặt tại Quảng trường Thiên An Môn (Tiananmen), Bắc Kinh, ngày 4/6/2022, ngày kỷ niệm 33 năm vụ thảm sát sinh viên. AP - Mark Schiefelbein
Theo hãng tin AFP, hôm nay, tại Bắc Kinh, cảnh sát đã kiểm soát chặt chẽ mọi ngả đường dẫn đến quảng trường Thiên An Môn và kiểm tra căn cước rất kỹ lưỡng những người đi ngang qua đây. Từ 33 năm nay, chính quyền Trung Quốc đã làm đủ mọi cách để xóa bỏ hoàn toàn sự kiện Thiên An Môn khỏi ký ức tập thể. Các sách giáo khoa lịch sử không hề nhắc đến và mọi thảo luận trên mạng về đề tài này đều bị kiểm duyệt. Đến mức mà các sinh viên ngày nay ở Bắc Kinh chẳng còn ai biết đến sự kiện Lục Tứ, theo tường trình của thông tín viên Stéphane Lagarde từ thủ đô Trung Quốc :
"Nỗi bất bình đã quay trở lại các khuôn viên đại học trong mùa Xuân 2022 này. Trên mạng xã hội trong những ngày qua đã lan truyền các hình ảnh tại đại học Bắc Kinh hay đại học Thiên Tân đang tụ tập và giương các khẩu hiệu. Có điều lần này các sinh viên tỏ thái độ tức giận về những biện pháp phong tỏa khiến họ không thể trở về nhà.
Giới trẻ phản đối các hàng rào kiểm soát, các biện pháp hạn chế về dịch tễ và nạn quan liêu, nhưng ta thử hỏi xem ba sinh viên này biết gì về ngày 04/06 ? Một trong ba sinh viên do dự trả lời : "Tôi biết là có một lễ hội hôm đó, nhưng không biết là lễ gì. Sinh viên kia thì hỏi : "Hình như là lễ hội thuyền rồng". Sinh viên thứ thì nói : "Không phải đâu, hình như là một cái gì đó màu đỏ (ý nói đến đảng cộng sản)".
Ngày 04/06 đã là ngày tự do, nhưng đó cũng là ngày mà quân đội đàn áp cuộc nổi dậy của người dân tại Bắc Kinh cũng như tại 300 thành phố khác của Trung Quốc. Các sinh viên này không sinh ra cách đây 33 năm, còn nữ giáo viên này thì có. Nhưng bà cũng không nhớ rõ ngày Lục Tứ ngày gì : "Từ nhiều năm nay, người ta không nói đến nữa. Các sinh viên xuống đường hồi nào vậy nhỉ ? Vào lúc đó tôi sống ở tỉnh Hà Nam, tôi không còn nhớ nữa".
"Tôm tươi đây, tôm tươi mua mang về đây !", một chủ tiệm ăn đứng rao bán trên con đường mà chúng tôi đang làm phóng sự. Trong thời Covid này, các trường đại học khóa chặt cửa và những ai được phép ra ngoài đường đều thu mình lại, khi nghe nhắc đến ngày kỷ niệm đã bị bóp nghẹt sau ba thập niên kiểm duyệt gắt gao".
Thanh Phương
***********************
Thiên An Môn : Bắc Kinh nỗ lực xóa ký ức Hồng Kông
Thanh Hà, RFI, 04/06/2022
Tại Hồng Kông, cảnh sát cảnh báo mọi hình thức tham gia tưởng niệm phong trào Thiên An Môn đều "bất hợp pháp" và có thể bị phạt đến 5 năm tù. Công viên Victoria đã bị đóng cửa từ hôm qua. Đây là nơi hàng năm hàng chục ngàn người tập hợp vào mỗi đêm mồng 4 tháng 6.
Cảnh sát gác một lối vào Công viên Victoria (Hồng Kông) trong dịp kỷ niệm 33 năm cuộc đàn áp phong trào đòi dân chủ tại tam. Dân Hồng Kông thường tập hợp đông đảo tại Công viên Victoria ngày 4/6 để tưởng niệm các nạn nhân. Reuters - LAM YIK
Cho đến năm 2020 Hồng Kông luôn tổ chức Đêm Canh Thức tưởng niệm các nạn nhân cuộc đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Nhưng từ hai năm nay, chính quyền Hồng Kông viện cớ khủng hoảng y tế để cấm tổ chức sự kiện này. Với sự chỉ đạo từ Bắc Kinh, mọi hình thức gợi lại ký ức phong trào sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ càng lúc càng bị siết chặt, như giải thích của thông tín viên Florence de Changy tại Hồng Kông :
"Bối cảnh đã thay đổi triệt để từ hai năm nay. Luật An ninh Quốc gia đã được ban hành, thêm vào đó là các quy định về y tế tiếp tục hạn chế các cuộc tập họp công cộng. Cùng với các biện pháp cấm đoán nói trên, cảnh sát Hồng Kông báo trước, dù chỉ đi một mình đến Causeway Bay tối nay, cũng đủ để bị bắt với lý do "tụ tập bất hợp pháp". Thậm chí Bắc Kinh cảnh báo ngay cả các nhân viên ngoại giao đang hoạt động tại Hồng Kông vào ngày này không được đánh dấu sự kiện dưới bất kỳ một hình thức nào, thí dụ như là thắp một ngọn nến trên bệ cửa sổ của văn phòng. Bắc Kinh không chấp nhập ngay cả cử chỉ đó. Do vậy dân Hồng Kông chỉ còn cách tương kế tựu kế : họ hùa nhau mặc quần áo màu trắng thay vì màu đen đến biểu thị cảnh tang tóc. Mọi người kêu gọi "đi tản bộ" chung quanh công viên Victoria. Một số khác mua sẵn vé xi-nê để có cái cớ đi ra ngoài, trong trường hợp họ bị câu lưu.
Tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất ở Hồng Kông, sinh viên đã phát tán trong ký túc xá những bức tượng nhỏ xíu in bằng ảnh ba chiều nữ thần Dân Chủ, biểu tượng của phong trào đấu tranh sinh viên Trung Quốc hồi 1989. Sáng kiến này được đưa ra vào lúc cảnh sát Hồng Kông tìm đủ mọi cách xóa tất cả những vết tích trong ký ức mà trong 30 năm liên tiếp Hồng Kông đã gìn giữ một cách tài tình".
Mỹ : Vinh danh người tranh đấu Thiên An Môn bằng cách tiếp tục bảo vệ nhân quyền khắp nơi
Trên mạng xã hội Twitter, bị cấm tại Trung Quốc, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken viết : "Cho dù những tượng đài tưởng niệm có bị xóa bỏ và những nỗ lực gột tẩy lịch sử, chúng ta vẫn tiếp tục vinh danh những người biểu tình can đảm (…) đã đấu tranh ôn hòa đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn". Để vinh danh những người ấy, "chúng ta hãy tiếp tục bảo vệ nhân quyền ở bất cứ nơi nào mà chúng bị đe dọa".
Ân Xá Quốc Tế phối hợp tổ chức khoảng 20 buổi lễ canh thức ở khắp nơi trên thế giới vì "công lý và thể hiện đoàn kết với Hồng Kông".
Thanh Hà