Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/06/2022

Lập căn cứ hải quân tại Ream, Bắc Kinh muốn khống chế Vịnh Thái Lan

Trọng Nghĩa, Trọng Thành

Bắc Kinh đặt cơ sở pháp lý cho "can thiệp quân sự" ngoài Hoa Lục

Trọng Thành, RFA, 15/06/2022

Trung Quốc đặt nền tảng pháp lý cho các hoạt động can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ, với khái niệm mới "hoạt động quân sự phi chiến tranh". Chính sách nói trên có thể mở đường cho các can thiệp quân sự quy mô hạn chế của Trung Quốc. Đài Loan và một số quốc gia ven Biển Đông có thể là đối tượng nhắm đến hàng đầu của chính sách này, theo một số nhà quan sát.

ream01

Lính Mũ Xanh Trung Quốc tập luyện tại căn cứ huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình ở huyện Quế Sơn, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, ngày 15/09/2021.  AP - Ng Han Guan

Báo chí Úc dẫn thông tin từ Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản Anh ngữ, theo đó chính sách mới liên quan đến "các hoạt động quân sự phi chiến tranh" của Trung Quốc bắt đầu được triển khai thử nghiệm kể từ hôm nay, 15/06/2022. Đề cương về "các hoạt động quân sự phi chiến tranh của quân đội", gồm 6 chương, 59 điều, quy định các hoạt động của quân đội "nhằm ngăn chặn và hóa giải các rủi ro và thách thức, xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo vệ con người và tài sản, bảo vệ chủ quyền quốc gia…". Hiện tại, Bắc Kinh chưa công bố toàn văn bản đề cương này.

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh đến các hoạt động của quân đội trong việc cứu trợ thiên tai, thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ và gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, giới quan sát đặc biệt chú ý đến khả năng Bắc Kinh sử dụng cơ sở pháp lý này để biện minh cho các can thiệp vũ trang.

Theo một số chuyên gia, chính sách mới của Bắc Kinh có điểm giống với chính sách của Nga, được đưa ra cách đây ít tháng, cho phép quân đội tiến hành các "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở nước ngoài, mà không tuyên bố chiến tranh, cụ thể trong cuộc xâm lăng Ukraine hiện nay. Hành động xâm lăng một quốc gia có chủ quyền của Nga bị cộng đồng quốc tế lên án như một cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng chính quyền Nga khẳng định đây chỉ là một chiến dịch can thiệp quân sự quy mô hạn chế.

Các hướng dẫn này cũng nhằm "tạo cơ sở pháp lý" để Trung Quốc can thiệp quân sự tại nhiều nơi, như quần đảo Solomon (Nam Thái Bình Dương), nơi Bắc Kinh vừa ký kết một hiệp định hợp tác. Quân đội Trung Quốc có thể can thiệp, nếu tình hình bất ổn do đảo chính hoặc các vấn đề an ninh khác. 

Trả lời báo Úc ABC, nhà phân tích độc lập Wu Qiang, ở Bắc Kinh, từng giảng dạy tại trường đại học hàng đầu của Trung Quốc Thanh Hoa (trước khi bị sa thải vì "lý do chính trị"), nhấn mạnh đến trường hợp Đài Loan. Theo ông, "nhìn từ quan điểm của Bắc Kinh, sứ mệnh thống nhất Đài Loan trong tương lai sẽ chỉ là sự tiếp nối của cuộc nội chiến còn dang dở năm 1949", "như vậy, đây là nỗ lực để xác định rằng một cuộc can thiệp quân sự trong tương lai vào Đài Loan sẽ là một hoạt động ‘phi chiến tranh’".

Chuyên gia Eugene Kuo Yujen, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan, cũng khẳng định chính sách nói trên của Bắc Kinh là "bản sao" chính sách can thiệp quân sự hạn chế của Nga. Theo ông, "sau những gì đã xảy ra ở Ukraine, điều này gửi đi một tín hiệu đầy đe dọa đến Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia ven Biển Đông".

Theo tiến sĩ Eugene Kuo Yujen, chính quyền Tập Cận Bình đang cố gắng tăng cường "các hoạt động trong vùng xám", tức các hành động với mục tiêu gây tổn hại cho các quốc gia khác, nhưng nằm dưới mức "chiến tranh". 

*******************

Căn cứ hải quân Trung Quốc tại Cam Bốt : Mối đe dọa "sát sườn" đối với Việt Nam

Trọng Nghĩa, RFI, 15/06/2022

Cam Bốt và Trung Quốc hôm 08/06/2022 đã làm lễ động thổ dự án nâng cấp căn cứ Hải Quân Ream ở miền nam Cam Bốt, nhìn ra Vịnh Thái Lan. Trước đó hai ngày, báo chí Mỹ đã tiết lộ khả năng Bắc Kinh sẽ được Phnom Penh cho "độc quyền" sử dụng một phần căn cứ, điều đã làm dấy lên lo ngại tại nhiều nước như Mỹ, Úc và dĩ nhiên là Việt Nam.

ream02

Hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ Hải Quân Cam Bốt Ream ngày 25/04/2022.  AP - Planet Labs PBC

Trong bài phân tích ngày 14/06 mang tựa đề "Phải chăng Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự tại Cam Bốt ?", hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW) đã trích dẫn nhiều chuyên gia cho rằng dù trước mắt quy mô dự án này còn "khiêm tốn", nhưng việc Trung Quốc có căn cứ hải quân sự tại Cam Bốt, để từ đó dễ dàng vươn ra Biển Đông mà họ đang áp đặt chủ quyền, là một yếu tố đáng quan ngại.

DW nhắc lại rằng từ nhiều năm qua, các nhà phân tích và các quan chức chính phủ Mỹ đã báo động về khả năng có sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt. Việc sử dụng căn cứ này có thể giúp Hải Quân Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt, cũng như làm leo thang cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực.

Trung Quốc được độc quyền tiếp cận Ream ?

Trước lễ khởi công, nhật báo Mỹ The Washington Post dẫn lời một số "quan chức phương Tây" xin giấu tên cho biết là Phnom Penh sẽ cho Bắc Kinh "độc quyền" tiếp cận một phần quân cảng Ream và có thể cho phép Bắc Kinh đóng quân ở đó.

Phnom Penh đã liên tục bác bỏ các thông tin về việc họ cho phép Bắc Kinh đóng quân trên lãnh thổ của mình, giải thích rằng điều đó sẽ vi phạm một điều khoản của Hiến Pháp Cam Bốt vốn cấm sự hiện diện của các căn cứ quân sự nước ngoài.

Tại Đối Thoại Shangri-La ở Singapore vào tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh khẳng định rằng Trung Quốc chỉ giúp phát triển căn cứ, đang được "hiện đại hóa và nâng cấp phù hợp với các yêu cầu của Cam Bốt", nhưng sẽ không có quyền tiếp cận độc quyền quân cảng này.

Căn cứ trước mắt chỉ có quy mô hạn chế

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là quy mô căn cứ Hải Quân mà Trung Quốc có thể có tại quân cảng Ream của Cam Bốt sẽ như thế nào ? Căn cứ vào những thông tin hiếm hoi có được, trước mắt cơ sở này chỉ có quy mô hạn chế.

Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Châu Á tại Đại Học Úc New South Wales, hiện vẫn chưa biết chính xác quy mô các cơ sở do Trung Quốc xây dựng tại Ream, nhưng có dấu hiệu là chúng rất "khiêm tốn", với tổng cộng diện tích được giao cho Trung Quốc cải tạo chỉ khoảng 0,3 km vuông.

Theo thông tin báo chí, đó sẽ là một trung tâm chỉ huy mới, các phòng họp và nhà ăn, cũng như các bệnh viện dã chiến. Một ụ cạn, đường trượt và hai cầu tàu mới cũng sẽ được xây dựng. Có nguồn tin cho rằng việc nạo vét sẽ được thực hiện để cho phép các tàu lớn hơn cập bến nhưng vẫn chưa rõ độ sâu của việc này sẽ diễn ra như thế nào.

Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết : "Nếu những tuyên bố của chính phủ Cam Bốt chính xác, và dựa trên những thông tin có sẵn, có thể phỏng đoán rằng đây là một cơ sở lưỡng dụng, không hẳn là một căn cứ quân sự".

Sự bành trướng của Trung Quốc tại Cam Bốt gây quan ngại

Gregory Poling, giám đốc Chương Trình Đông Nam Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington, lưu ý rằng việc tiếp cận Ream không có nghĩa là hải quân Trung Quốc gần về mặt địa lý hơn với Eo Biển Malacca, một tuyến đường vận chuyển quốc tế quan trọng, vì Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở quân sự ở Biển Đông. Thế nhưng, căn cứ tại Ream "sẽ tăng cường khả năng giám sát và thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc xung quanh Vịnh Thái Lan và thậm chí ở phía đông Ấn Độ Dương".

Câu hỏi quan trọng hơn là việc Hải Quân Trung Quốc đặt căn cứ tại Cam Bốt sẽ tác động ra sao đến khu vực ? Theo giới quan sát, ngoài Việt Nam, đã có một tuyên bố thận trọng, các nước Đông Nam Á khác chưa có phản ứng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không lo ngại.

Nhà phân tích về các vấn đề quốc tế Hunter Marston, tại Đại Học Quốc Gia Úc ANU, cho rằng tác động đối với an ninh khu vực phụ thuộc vào cách Trung Quốc sử dụng cơ sở này.

Trả lời DW, ông Marston nhận định rằng, nếu là "các hoạt động cưỡng chế" hoặc xua đuổi Hải Quân nước khác đang hoạt động trong khu vực, thì điều đó "sẽ biến vùng biển Đông Nam Á thành một khu vực căng thẳng hơn với nhiều sự hiện diện quân sự chồng chéo và cạnh tranh nhau hơn".

Việt Nam sẽ bị "tam diện giáp công"

Bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là Việt Nam, quốc gia đã có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ về Biển Đông. Cuộc chiến cuối cùng mà Trung Quốc tham gia là cuộc chiến chống Việt Nam vào những năm 1980.

Hà Nội vẫn rất nghi kỵ Bắc Kinh. Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở miền nam Cam Bốt, nước láng giềng của Việt Nam, có thể bị Hà Nội coi là thủ đoạn bao vây của Bắc Kinh.

Giáo sư Alexander Vuving, tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K Inouye ở Honolulu, Hawaii nhận xét : "Điều đó đẩy Việt Nam vào tình thế bị lưỡng diện, thậm chí tam diện giáp công, phải đối mặt với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc không chỉ dọc theo biên giới phía Bắc và trên Biển Đông, mà còn ở biên giới phía Tây Nam".

Việt Nam hôm 09/06 đã lên tiếng về thông tin cho rằng quân cảng Ream của Cam Bốt có thể trở thành căn cứ để Trung Quốc sử dụng nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhắc lại rằng Việt Nam "luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới, đồng thời việc hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới".

Im lặng không hẳn là không lo ngại

The DW, các chính phủ Đông Nam Á khác đã im lặng trên vấn đề căn cứ Ream, tuy nhiên, sự hiện diện quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc có khả năng gây ra lo ngại.

Natalie Sambhi, giám đốc điều hành của Verve Research, một tổ chức tư vấn về quân sự-dân sự Đông Nam Á cho biết : "Với căn cứ Hải Quân Ream nằm gần như ở ngay trung tâm vùng Đông Nam Á, sự hiện diện nhiều hơn của Trung Quốc sẽ gây ra sự kinh hoàng ở một số thủ đô".

Một ví dụ : Indonesia đã từng lo lắng trước các hành vi xâm phạm của Trung Quốc vào các vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ) của họ. Theo ông Sambhi : "Nhưng viễn cảnh về các vụ vi phạm vùng biển Indonesia họ thường xuyên hơn, nếu không muốn nói là hung hăng hơn, có thể sẽ buộc Jakarta phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình".

Khả năng Quân đội Trung Quốc hiện diện ở Cam Bốt rõ dần ?

Dẫu sao thì các diễn biến liên quan đến căn cứ Ream phản ánh đà lún sâu của Phnom Penh vào quỹ đạo của Bắc Kinh, khẳng định thêm các thông tin ghi nhận trong những năm gần đây về khả năng quân đội Trung Quốc ở Cam Bốt.

Vào năm 2019, nhật báo Mỹ The Wall Street Journal đã đưa tin về một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội Trung Quốc đóng quân tại căn cứ hải quân Ream. Cùng năm đó, một dự án phát triển du lịch do Trung Quốc xây dựng ở tỉnh Koh Kong của Cam Bốt đã gây nghi ngờ rằng đường băng sân bay và cảng nước sâu của nước này có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng.

Mối quan hệ Cam Bốt-Hoa Kỳ cũng trở nên tồi tệ khi quan hệ với Phnom Penh-Bắc Kinh ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Cam Bốt đã từ chối đề nghị của Mỹ muốn tài trợ cho việc tái phát triển căn cứ Ream, đơn phương đình chỉ các hoạt động quân sự chung với Mỹ vào đầu năm 2017 và thay vào đó bắt đầu tiến hành tập trận với Quân Đội Trung Quốc.

Sophal Ear, thuộc Trường Quản Lý Toàn Cầu Thunderbird tại Đại Học Bang Arizona (Hoa Kỳ), nói với DW rằng Phnom Penh hiện đã gắn bó quá chặt với Bắc Kinh, nên khó có thể lùi bước : Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất và là đồng minh địa chính trị quan trọng của Cam Bốt.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 15/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Trọng Thành
Read 365 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)