Chiến hạm Mỹ lại đến gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông
Thanh Phương, RFI, 16/07/2022
Reuters trích dẫn thông báo của Đệ thất Hạm đội Mỹ hôm 16/07/2022, cho biết, một khu trục hạm của Hoa Kỳ lại đến gần quần đảo Trường Sa, đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Đây là lần thứ hai chỉ trong một tuần, chiếc tàu USS Benfold lại đến gần khu vực này trong khuôn khổ chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông.
Khu trục hạm USS Benfold (DDG 65) trong một lần thực thi nhiệm vụ bảo đảm tự do lưu thông hàng hải tại vùng biển Philippines ngày 24/06/2022. AP - Petty Officer 2nd Class Arthur R
Hôm thứ Tư 13/7, Quân đội Trung Quốc thông báo đã huy động hải quân và không quân đuổi chiếc khu trục hạm USS Benfold bị xem là "xâm nhập trái phép lãnh hải của Trung Quốc" khi đến gần quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đã xây nhiều đảo nhân tạo và đặt trên đó các cơ sở quân sự.
Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tại vùng Biển Đông, bất chấp những hạn chế do Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan áp đặt đối với quyền "qua lại vô hại" trên biển.
Thông báo của Đệ thất Hạm đội Mỹ cho rằng, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan vi phạm luật quốc tế do vẫn đòi các nước phải xin phép hoặc báo trước, khi một tàu quân sự sử dụng quyền "qua lại vô hại" để đi vào vùng lãnh hải, tức khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo đang tranh chấp ở Trường Sa.
Hoa Kỳ vẫn cho rằng những hạn chế như vậy là "một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải và tự do hàng không, đối với tự do giao thương và tự do về cơ hội kinh tế".
Bắc Kinh vẫn khẳng định không cản trở quyền tự do hàng hải và hàng không, và tố cáo Washington cố tình gây căng thẳng ở khu vực Biển Đông.
Theo hãng tin Anh, bộ quốc phòng Trung Quốc hiện chưa có phản ứng gì về việc chiến hạm Mỹ lần thứ hai đến gần quần đảo này chỉ trong vòng một tuần.
Thanh Phương
*********************
Tầu khu trục Mỹ USS Benfold áp sát quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tức giận
Thu Hằng, RFI, 13/07/2022
Hoa Kỳ tiếp tục các chuyến tuần tra vì tự do lưu thông ở Biển Đông. Ngày 13/07/2022, tầu khu trục USS Benfold đã áp sát quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1974 khiến Bắc Kinh tức giận và điều lực lượng "đuổi" tầu Mỹ khỏi lãnh hải.
Ảnh do hải quân Mỹ, US Navy, cung cấ p: Tàu khu trục USS Benfold, đang hoạt động tuần tra thường lệ ngoài khơi Philippines, ngày 24/06/2022. AP - Petty Officer 2nd Class Arthur R
Theo Reuters, Hải quân Mỹ cho biết tầu USS Benfold "khẳng định các quyền và tự do được lưu thông ở Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế". Ngược lại, bộ chỉ huy Chiến Khu Miền Nam của Quân đội Trung Quốc cáo buộc "hoạt động của tầu Mỹ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc với việc thâm nhập trái phép vùng lãnh hải của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa".
Do đó, "Bộ chỉ huy Chiến khu Miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã phải tổ chức lực lượng hải quân, không quân để theo dõi, cảnh báo và đuổi" tầu Mỹ. Phía Trung Quốc cũng cáo buộc "thêm một lần nữa Mỹ không khác gì là một kẻ quấy rối đối với an ninh ở Biển Đông" và là một "kẻ phá hoại hòa bình và ổn định khu vực".
Hải quân Mỹ cũng ngay lập tức đáp trả, cho rằng cáo buộc của Trung Quốc về hoạt động của tầu Benfold là "sai sự thật" nhằm "bóp méo những chuyến tuần tra hợp pháp của Mỹ và để nhằm khẳng định những yêu sách chủ quyền quá đáng và bất hợp pháp đối với những nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông".
Chuyến tuần tra của tầu Benfold diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 6 năm Tòa Trọng tài Thường trực La Haye bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. Phát biểu hôm 12/07, ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ đồng minh trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Thu Hằng
***********************
Tân tổng thống Philippines Marcos dường như muốn duy trì lập trường mập mờ về Biển Đông
Phan Minh, RFI, 14/07/2022
Chiến tranh ở Ukraine đang khiến cho tình hình địa chính trị thế giới có biến động và Châu Á cũng không phải là ngoại lệ. Nếu Đài Loan đương nhiên thu hút sự chú ý, thì giới quan sát cũng chú ý đến tình hình ở Philippines, nơi một tổng thống mới nhậm chức. Ở Manila và Biển Đông, một cuộc tranh giành ảnh hưởng lớn đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh. Tân tổng thống Marcos Jr. sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (trái) nhậm chức tại Manila, Philippines ngày 30/06/2022. © Francis R. Malasig / Pool / AFP
Rodrigo Duterte, Donald Trump, Joe Biden và bây giờ là Ferdinand Marcos Jr. Sau mỗi cuộc bầu cử, các nhà lãnh đạo mới phải đối diện với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, và sẽ có một câu hỏi luôn tái xuất hiện: người này sẽ giải quyết hồ sơ hóc búa đó ra sao ?
Có những vị nguyên thủ dường như phát hiện ra một cách muộn màng sự phức tạp và tầm quan trọng của hồ sơ này. Điển hình là ông Trump và ông Duterte lúc mới nhậm chức. Nhưng tổng thống Mỹ Biden và đồng nhiệm Philippines Marcos có vẻ như ngay từ đầu đã nhận thức rõ hơn về vấn đề này.
Ngay sau khi nhậm chức, với những năm tháng ở bên cựu tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden dường như ý thức được việc phải "ngăn chặn sự bành trướng" của Trung Quốc, một chế độ tiếp tục triển khai chiến lược trên biển từ năm này qua năm khác, để thoát ra khỏi sự kiềm tỏa và thậm chí, không có nguy cơ gây ra những thay đổi chính trị trong ngắn hạn.
Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn về tân tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., người vừa nhậm chức vào ngày 30/06 tại Manila. Liệu ông ta có giống như người cha quá cố của mình, nhà độc tài Ferdinand Marcos, hay Benigno Aquino III, cứng rắn trong việc bảo vệ lãnh hải mà đất nước ông đòi hỏi chủ quyền ?
Mọi phát biểu của ông đều bị để ý rất kỹ. Cho đến giờ, những tuyên bố rất thận trọng của ông không cho thấy được nguyên thủ quốc gia mới sẽ có lập trường như thế đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trên thực tế, ông dường như muốn quan hệ với cả hai. Bài phát biểu nhậm chức hùng hồn của ông cho thấy ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc.
Vào những năm 1990, Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn trong vùng Đặc quyền Kinh tế mà Manila tuyên bố chủ quyền. Cái bãi đá lúc đầu trông giống như một nơi tranh giành vơ vét hải sản của những ngư dân trôi dạt tránh gió mùa này đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biến thành cơ sở hạ tầng, với một phi đạo dài hơn 2,5 km.
Vào năm 2012, vụ việc dường như đã tái diễn tại bãi cạn Scarborough, xa hơn về phía bắc. Và mặc dù Trung Quốc vẫn chưa bồi đắp cát khu vực này, nhưng họ vẫn ở đó, họ không thực sự rời đi và vẫn quay trở lại thường xuyên khiến cho nhiều người thấy khó chịu.
Gần đây nhất, vào tháng 6 năm 2022, Manila đã ra công văn phản đối các hoạt động trên biển của Trung Quốc. Bộ ngoại giao Philippines chỉ ra rằng vô số tàu thuyền của Trung Quốc đã được phát hiện vào tháng 4 gần Đá Ba Đầu, ở giữa Trường Sa, quần đảo tranh chấp giữa các nước ở khu vực Biển Đông.
Năm ngoái, Philippines cũng cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắn vòi rồng vào hai tàu tiếp tế quân sự của nước này, ngăn không cho họ tiếp cận Bãi Cỏ Mây, thuộc quyền kiểm soát của Manila kể từ năm 1999, cũng ở quần đảo Trường Sa.
Vào năm 2019 tại Bãi Cỏ Rong, một tàu Philippines thậm chí đã bị một tàu Trung Quốc đâm vào lúc nửa đêm. Và tàu của Trung Quốc bị cáo buộc không cứu vớt các nạn nhân. Tổng thống Duterte có mặt ở Trung Quốc vào thời điểm đó, đã phải công khai lên tiếng, nhắc lại các quyền của đất nước ông.
Trong sáu năm, Philippines cho biết đã có tới 300 công hàm khiếu nại ngoại giao liên quan đến Trung Quốc. Kết quả là trong một cuộc phân xử diễn vào năm 2016, tòa trọng tài thường trực quốc tế đã khẳng định Philippines có lý khi đáp trả các hành xử trên biển của Trung Quốc.
Sự mập mờ, động lực mới trong chính sách ngoại giao của Philippines
Cho đến nay, "Bongbong" Marcos đã đưa ra những nhận xét trái ngược nhau. Vào tháng Giêng, ông nói sẽ đi theo đường lối của cựu tổng thống Duterte, rằng ông sẽ không để ý đến phán quyết năm 2016, để không làm giảm cơ hội tìm kiếm những đồng thuận với Bắc Kinh, vốn chỉ chấp nhận khuôn khổ song phương, chứ chắc chắn không tuân thủ phán quyết nói trên của tòa.
Ông Marcos cũng chỉ ra rằng cần phải loại bỏ nguy cơ chiến tranh ngay từ đầu, một lập trường đúng đắn. Ông Marcos giải thích rằng cái mà Philippines cần làm là một thỏa thuận song phương. Nhưng vào tháng 5, ông đã thay đổi lập trường, cam kết sẽ bảo vệ phán quyết năm 2016 và không chấp nhận các quyền ven biển của Philippines bị vi phạm, dù chỉ một ly.
Vài ngày sau khi nhậm chức, ông Marcos Jr đã cố gắng làm rõ lập trường của mình. Ông nói về chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa đa phương, liên quan đến cái mà ông gọi là "Biển Tây Philippines" và ông xác nhận sẽ gặp người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc đã có mặt tại Manila vào ngày hôm sau. Trong trang phục truyền thống của Philippines, ngoại trưởng Vương Nghị là đại diện nước ngoài đầu tiên gặp ông Ferdinand Marcos Jr. sau khi nhậm chức. Ông Vương Nghị cũng nói rằng tổng thống Marcos đã nhận lời mời của chủ tịch Tập Cận Bình tới Bắc Kinh.
Vào tháng 5, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết quan điểm của nước ông đối với phán quyết năm 2016 không thay đổi một chút nào. Nhưng theo ông Vương Nghị phát biểu tại Manila, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã "sang một trang mới".
"Lựa chọn duy nhất của chúng ta là phải thân thiện, thân thiện và thân thiện", dường như ngoại trưởng Trung Quốc đã nói với ông Marcos như vậy, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng nhất với Bắc Kinh : "Tôi tin rằng với việc hai bên cùng hợp tác, chúng ta chắc chắn có thể mở ra một kỷ nguyên hoàng kim cho quan hệ song phương".
Không có tuyên bố chi tiết nào về cuộc hội đàm được đưa ra từ phía Philippines, nhưng tổng thống Marcos đã tweet rằng "cuộc họp tập trung vào những chủ đề như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng và cam kết duy trì mối quan hệ bền vững giữa hai nước trong những năm tới".
Một quốc gia mong manh bấp bênh trong mối quan hệ Washington-Bắc Kinh
Năm 2016, ông Rodrigo Duterte đắc cử ở Philippines, một quốc gia có lịch sử gần gũi với Hoa Kỳ về mặt quân sự, đồng thời ông hô hào bảo vệ ý tưởng xích lại gần Bắc Kinh, với hy vọng có được các khoản đầu tư của Trung Quốc để phát triển đất nước, đặc biệt là cơ sở hạ tầng đường sắt.
Nhưng trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông phải sống chung với áp lực của một bộ phận dư luận và của các thế lực nghi ngờ Trung Quốc tại Philippines, trên các phương tiện truyền thông, trong Quân đội, tầng lớp chính trị gia, nơi mà Washington vẫn còn có các hậu thuẫn.
Thế nhưng, ông cũng không có được các đầu tư mà ông từng hy vọng. Và theo thời gian, ông đã đánh giá được các thách thức chiến lược thực sự, có thể giải thích cho những hành vi của Bắc Kinh ngoài khơi bờ biển Philippines, những thách thức được mô tả khá trần trụi trong các hồ sơ lưu trữ của Quân đội Philippines.
Nhiều lần trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Duterte đã mập mờ về ý định của mình ở Biển Đông. Có lúc, ông đột nhiên đơn phương hứa sẽ đi mô tô nước (jetski) để bảo vệ các vị trí trên biển của Manila, một lần khác, ông lại dường như tính tới việc gạt bỏ các vị trí này vì các lợi ích tình thế.
Bất chấp những biến động nói trên, ý tưởng xích lại gần nhau giữa hai nước đã phần nào được thực hiện dưới thời ông Duterte. Năm 2020, lực lượng tuần duyên Trung Quốc thả neo tại cảng Manila, sau các chuyến thăm ở Subic và Davao. Hai nước thảo luận song phương giống như mong muốn của Trung Quốc, quốc gia vốn dị ứng với các liên minh khu vực.
Lập trường của ông Marcos Jr., được bầu vào tháng 5/2022, và của con gái người tiền nhiệm, bà Sara Duterte, được bầu làm phó tổng thống, sẽ được để ý kỹ hơn cha ông, người nắm quyền từ năm 1965 đến 1986, dưới sự che chở của Hoa Kỳ và đã đóng góp rất nhiều cho sự hiện diện của Philippines tại quần đảo Trường Sa.
Liệu nguyên thủ mới có làm sống lại cuộc chiến của cha mình, sau đó là của Benigno Aquino trong những năm 2010 ? Lo lắng khi thấy Trung Quốc tìm kiếm nguồn tài nguyên đánh bắt cá của mình, thậm chí cả các hành lang dưới đáy biển, chính ông Aquino là người khơi mào dẫn đến phán quyết của tòa trọng tài năm 2016.
Tuy nhiên dường như tân tổng thống Philippines thực dụng, rất chú trọng đến hiện tại. Ông đang tìm kiếm sự cân bằng, biết rằng bối cảnh đã thay đổi rất nhiều kể từ thời của cha ông hay thậm chí là thời ông Aquino. Chiến dịch tranh cử đã báo trước điều đó, và những ngày đầu trên cương vị tổng thống đã khẳng định điều đó.
Giống như phần còn lại của Châu Á, Philippines phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, một gã khổng lồ đang mạnh lên mà đương nhiên Manila có quan hệ thương mại. Sự thận trọng của tân tổng thống có lẽ phản ánh một thực tế là chính quyền của ông vẫn chưa tìm ra giải pháp phù hợp cho những tình huống khó xử của mình.
Đôi bên sẽ có những cuộc đối thoại rất tế nhị, bởi Trung Quốc chỉ theo đuổi một lợi ích duy nhất là lợi ích của riêng mình. Philippines có thể sẽ hưởng lợi nếu giữ thái độ kín đáo, đồng thời vẫn phải củng cố lập trường chống lại các cuộc thâm nhập của Trung Quốc trong tương lai vào những nơi mà Manila cho rằng thuộc lãnh thổ trên biển của họ.
Phan Minh
***********************
Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh nếu Trung Quốc vi phạm phán quyết của Tòa La Haye
Thu Hằng, RFI, 12/07/2022
Ngày 12/07/2022 đánh dấu tròn 6 năm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) La Haye ra phán quyết bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Nhân sự kiện này, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết năm 2016, đồng thời cảnh báo Washington sẽ buộc phải bảo vệ đồng minh Philippines, trong trường hợp nước này bị tấn công ở vùng biển có tranh chấp.
Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) ở La Haye, Hà Lan, nơi xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông. Tòa ra phán quyết ngày 12/07/2016. © Ảnh : Tòa Trọng tài Thường trực La Haye
Trong bản tuyên bố được đại sứ quán Mỹ ở Manila đăng trên website ngày 12/07, ngoại trưởng Blinken viết : "Một lần nữa chúng tôi kêu gọi RPC (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) tôn trọng những cam kết của họ về luật pháp quốc tế và ngừng mọi hành vi gây hấn". Hoa Kỳ sẽ bảo vệ đồng minh Philippines theo khuôn khổ hiệp định quốc phòng hỗ tương giữa hai nước được ký năm 1951.
Tuy nhiên, hãng tin Mỹ AP nhắc lại là Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực, cũng như phán quyết của Tòa năm 2016 bác hầu hết yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Về phía Philippines, trong một thông cáo ngày 12/07, ngoại trưởng Enrique Manalo tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 là điều "không thể chối cãi" và là điều kiện tiên quyết cho "ổn định, hòa bình và tiến bộ" ở khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, phán quyết năm 2016 sẽ là một trụ cột cho chính sách và hành động của tân chính quyền liên quan đến vùng biển tranh chấp. Dù không nhắc đến Trung Quốc nhưng Philippines "sẽ kiên quyết bác bỏ tất cả những mưu đồ phá hoại, thậm chí là xóa bỏ luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của chúng ta".
Cũng để kỷ niệm 6 năm Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông, vài chục nhà đấu tranh cánh tả và công nhân Philippines đã biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Manilla, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết, cũng như đòi tổng thống Marcos bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông.
Thu Hằng