Sri Lanka : Đánh đuổi độc tài từ kinh nghiệm biểu tình ở Ukraine và Hồng Kông
Le Figarogiải thích "Làm thế nào làn sóng phẫn nộ đã tăng cao và trong ba tháng đã nhấn chìm quyền lực ở Sri Lanka". Sinh ra từ những cuộc biểu tình tự phát, phong trào phản kháng tập hợp nhiều tầng lớp xã hội dần dà trở nên có tổ chức.
Người biểu tình đã rút đi sau khi ông Gotabaya Rajapaksa gởi email thông báo từ chức, nhưng chướng ngại vật vẫn còn trước văn phòng tổng thống ở Colombo, Sri Lanka, ngày 15/07/2022. AP - Eranga Jayawardena
Bài học từ Cách mạng Maidan và Cách mạng Dù
Tình trạng thiếu xăng dầu, khí đốt, sữa bột… đã khiến người dân bắt đầu xuống đường từ tháng Ba. Bất mãn tràn ngập trên mạng và trên đường phố, khiến nhiều hiệp hội phi chính trị, nghiệp đoàn, tổ chức thanh niên bắt tay với nhau hành động. Trong số đó có Hội sinh viên liên trường (IUSF), một nghiệp đoàn lớn, Black Cap Movement, một nhóm nhà hoạt động tự do… Đầu tháng Tư, những nhóm xã hội dân sự này cùng với những người nổi tiếng trên mạng liên lạc với nhau, họ thỏa thuận ngày 09/04 cắm trại tại Galle Face, một đại lộ gần văn phòng tổng thống. Từ nơi đó, người biểu tình có thể diễu hành qua trước nhiều cơ quan chính phủ, Ngân hàng Trung ương và Dinh tổng thống chỉ cách 1 kilomet.
Nhưng muốn trụ lại chẳng thể chỉ có tay không. Ban đầu một nhóm đi mua giấy vệ sinh, nước, dù, áo mưa… mang lại, rồi đăng ảnh, video lên mạng kêu gọi giúp đỡ, nhất là thực phẩm. Giới trung lưu, những gia đình giàu có, chủ doanh nghiệp… đều hưởng ứng, cư dân mạng gởi cho họ những chiếc lều. Bộ phận hành chánh của người biểu tình ở Galle Face đánh số lều trại, cấp thẻ cho từng người và khoảng 30 người tình nguyện phụ trách phân phối hàng thiết yếu. Phong trào Gota Go Gama (GGG) hình thành.
Một người thuộc Black Cap Movement cho biết đã theo dõi kỹ càng cuộc Cách mạng Maidan ở Ukraine, cũng như phong trào Cách mạng Dù ở Hồng Kông, và rút được ba bài học. Trước hết, phong trào cần phải ôn hòa để chính quyền không thể kiếm cớ đàn áp, và thu hút được nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp tham gia. Tiếp đến là phải đoàn kết, tìm được một cái nền chung. Tại Galle Face, mọi khuynh hướng chính trị từ tả sang hữu đều có đủ. Cuối cùng, chìa khóa của thành công là sự kiên trì.
Phong trào phản kháng tập hợp được mọi giới
Thấy ngai vàng bị đe dọa, phe Rajapaksa và đảng của họ là SLPP ra tay đàn áp. Ngày 09/05, khu lều trại bị tấn công, nhưng người biểu tình đẩy lùi. Phong trào GGG mở đại hội gồm khoảng 50 thành viên thuộc 30 tổ chức tham gia, các cuộc tranh luận được cha Jeevantha Peiris và hai nhà sư điều hành. Phải mất nhiều tuần lễ họ mới thỏa thuận được một kế hoạch hành động gồm 6 điểm. Văn bản được thông qua ngày 05/07 đòi hỏi tổng thống Gotabaya Rajapaksa, thủ tướng Ranil Wickremesinghe phải từ chức, cải cách thuế khóa, thiết lập một nền dân chủ có sự tham gia của công dân…
Gota Go Gama được sự trợ giúp của nhiều chùa, tu viện Phật giáo, giáo hội Công giáo Sri Lanka, hàng giáo phẩm Hồi giáo và Ấn giáo, chưa kể cộng đồng người Sri Lanka ở hải ngoại. Những người Sri Lanka ở Mỹ, Úc, Canada, Saudi Arabia, Châu Âu gởi tiền về cho gia đình để mua đồ tiếp tế cho phong trào.
GGG còn đòi tổ chức bầu Quốc hội để có những khuôn mặt mới nhằm cải tổ hệ thống, vì nạn tham nhũng quanh các dự án cơ sở hạ tầng vay vốn của Trung Quốc đã khiến đất nước bị lâm vào cảnh vỡ nợ. Nhưng việc bầu cử lại đặt ra vấn đề về một số khuôn mặt của GGG bước vào chính trường. Linh mục Jeevantha Peiris cho rằng Gota Go Gama không nên trở thành một đảng phái, nhưng ông nhìn nhận có một số đồng chí không che giấu tham vọng chính trị.
Đánh đuổi chế độ độc tài, nhưng tương lai Sri Lanka vẫn âm u
Cũng về Sri Lanka, Le Mondetóm lược "Hòn đảo lộng lẫy bị tàn phá bởi bốn mươi năm bạo lực chính trị", bên cạnh đó là bài phóng sự "Tại Sri Lanka, một cuộc nổi dậy trên cái nền phá sản". Lịch sử của đất nước có tên cũ là Tích Lan đầy dẫy những cuộc chiến tranh, khủng bố, ám sát đã làm gần 200.000 người chết kể từ đầu thập niên 80. Đảo quốc được mệnh danh là "viên ngọc Ấn Độ Dương" phải chịu đựng nhiều cuộc xung đột đẫm máu giữa những phe ly khai, du kích… Các chính khách bất lương vơ vét tài nguyên của hòn đảo đầy châu báu (saphir, hồng ngọc, topaze), chưa kể trà Tích Lan nổi tiếng.
Sau khi tổng thống Gotabaya từ chức hôm 14/07 được vài giờ, pháo bông nở rộ trên bầu trời Sri Lanka, nhưng niềm vui chỉ ngắn ngủi trước thực trạng khủng hoảng kinh tế. Một sự im lặng kỳ lạ lại bao trùm đường phố Colombo. Những tuần lễ gần đây, lưu thông xe cộ hầu như ngưng hẳn vì thiếu xăng. Ngay cả đèn giao thông cũng không hoạt động vì cúp điện.
Không ít người dân ra nước ngoài làm mướn để kiếm sống, có người sẵn sàng ngủ bốn đêm liền trước trạm xăng để có thể mua được số xăng đủ để ra sân bay đi lao động ở Qatar. Bệnh viện thiếu thốn từ kim chích đến thuốc men, bệnh nhân phải tự mua ngoài. Sri Lanka đang nợ 51 tỉ đô la, trước hết phải thỏa thuận được với các chủ nợ rồi mới có thể xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trợ giúp. Nhưng Trung Quốc nhất quyết không giảm món nợ 7,6 tỉ đô la, vì không muốn tạo tiền lệ cho những nước khác đang vay mượn của Bắc Kinh trong khuôn khổ "Con đường tơ lụa mới".
Zelensky buộc lòng phải chia tay với hai nhân vật thân tín
Tại điểm nóng ở Châu Âu là Ukraine, đặc phái viên La Croix nói về việc Kiev truy quét những kẻ làm tay trong cho Nga ; còn Libération quan tâm đến việc tổng thống Zelensky cách chức một số nhân vật thân cận. Sự kiện Ivan Bakanov, 47 tuổi, người đứng đầu cơ quan an ninh (SBU) và chưởng lý Iryna Venediktova, 43 tuổi bị "thôi giữ chức" tối Chủ nhật chẳng khác nào một quả bom nổ ra tại Kiev. Khoảng mấy chục, thậm chí hàng trăm nhân viên của hai cơ quan trên được cho là làm nội gián cho Nga, ít nhất 651 vụ đã bị khởi tố hình sự. Volodymyr Zelensky đứng trước sự chọn lựa : vào thời chiến, phải dựa vào lòng trung thành hay năng lực ?
Ivan Bakanov hiếm thấy xuất hiện kể từ đầu cuộc xâm lăng. Ngược lại bà Iryna Venediktova luôn có mặt khắp nơi, nhất là sau vụ thảm sát Bucha. Theo các nhà báo Ukraine, sự nổi tiếng này khiến một số thành viên trong ê-kíp của tổng thống phụ trách việc thương lượng gay go với các phái viên Nga không được vui. Venediktova vốn là đồng minh với Zelensky từ rất lâu. Trường hợp Bakanov lại càng khó xử vì ông là bạn từ thời thơ ấu, rồi là luật gia và người cộng tác trong công ty Kvartal 95 của Zelensky.
Ông Bakanov còn rất ít thời gian để giải thích về sự vắng mặt của ông trong lúc quốc gia nguy biến, thậm chí có người còn đặt vấn đề liệu giám đốc SBU có hiện diện tại thủ đô lúc quân Nga bắt đầu đánh vào Kiev hay không. Serhiy Rakhmanine, dân biểu thuộc đảng đối lập Golos, cho biết hôm 24/02, khi tham gia cuộc họp tại Phủ tổng thống, ông thấy tất cả những người đứng đầu các cơ quan nhà nước đều hiện diện hoặc tại nơi làm việc, hoặc tiếp xúc với tổng thống. Người duy nhất vắng mặt hôm đó là Bakanov.
Nga xâm lăng Ukraine : Vì sao không nên nhân nhượng Putin ?
Trong khi Nga liên tục gia tăng sức ép lên Donbass, về phía Châu Âu ; tiến sĩ địa chính trị Frédéric Encel trên Le Figaro nhấn mạnh "Chúng ta không nên khoan nhượng trước Moskva". Ông khẳng định, tuy trừng phạt không phải là thuốc tiên để ngăn chủ nghĩa đế quốc hoặc ngăn việc vi phạm trầm trọng nhân quyền, nhưng nếu không dùng đến lại càng tệ hại hơn, đặc biệt là trong trường hợp Ukraine. Tiến sĩ Encel phản biện ba lý lẽ thường được đưa ra để phản đối cấm vận.
Trước hết, "trừng phạt Kremlin về kinh tế, tài chánh, công nghệ và ngoại giao không mang lại hiệu quả", bằng chứng là Nga vẫn tiếp tục tấn công Ukraine. Ông Encel cho rằng luận điệu này hoàn toàn ngớ ngẩn. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, làm thế nào Moskva có thể cho thấy mình khom lưng cúi đầu trước phương Tây ? Cần phải suy nghĩ ngược lại, nếu không trừng phạt, tại sao Vladimir Putin sau hai thập niên tung hoành lại không đi xa hơn ? Ông ta đã từ bỏ việc đánh chiếm thủ đô Kiev, không một người lính Nga nào được triển khai sang biên giới NATO, vũ khí nguyên tử không được sử dụng. Nhất là áp đặt trừng phạt nặng nề ngày hôm nay có nghĩa là treo lưỡi gươm Damoclès ngày mai trên đầu những chế độ có ý định phiêu lưu quân sự.
Lý lẽ thứ hai : "quốc gia ra lệnh trừng phạt cũng bị thiệt hại". Nhưng mọi chính sách đều có cái giá của nó. Nếu việc từ chối trừng phạt giúp cứu vãn độc lập cho Ukraine và răn đe kẻ tấn công, phải chăng nên từ bỏ luôn chính sách quốc phòng và sức mạnh nguyên tử của châu lục với cớ tốn kém ? Ngoài ra, trừng phạt giúp Liên Hiệp Châu Âu thích ứng với các giải pháp thay thế, giảm lệ thuộc vào Nga và tiếp đến là với sức mạnh đầy đe dọa của Trung Quốc.
Thứ ba : khi trừng phạt, các nền dân chủ "tự vào vai thần công lý". Trong trường hợp Ukraine, một nhà nước có chủ quyền tại lục địa Châu Âu và nằm sát bên các đồng minh NATO đã bị xâm lược, chính phủ được bầu lên một cách dân chủ bị xóa đi tính chính danh bằng nhãn "quốc xã", làm sao có thể khoanh tay đứng nhìn ? Những người chống trừng phạt còn cho rằng chỉ người dân Nga là bị thiệt thòi. Nhưng Putin, lo sợ dân chúng nổi dậy, đã phải lập tức tung tiền ra để hỗ trợ sức mua. Tác giả cho rằng, thay vì chạy theo luận điệu của phe cực tả và cực hữu, những người bị các chế độ toàn trị mê hoặc, cần nghiêm túc nghĩ về một Châu Âu hùng mạnh để bảo vệ các lợi ích chiến lược cũng như các giá trị đạo đức.
Iran, Nga, Thổ : Phe độc tài siết chặt hàng ngũ ở Tehran
Chỉ còn thiếu có Tập Cận Bình là "câu lạc bộ" được đủ mặt. Recep Tayyip Erdogan, Ebrahim Raissi và Vladimir Putin hôm nay gặp mặt tay ba ở Tehran, ngay sau chuyến thăm Trung Đông của ông Joe Biden. Đây là một cú đá giò lái vào Mỹ và là một bước tiến trong việc củng cố cực chống phương Tây, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Ukraine cho dù có những khác biệt.
Erdogan tìm kiếm đèn xanh cho "chiến dịch đặc biệt" của ông ta chống các chiến binh thân Kurdistan ở Syria, nơi mà Nga đang làm chủ không phận. Đổi lại, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm trung gian hòa giải ở Ukraine và kiểm soát việc giải tỏa 20 triệu tấn ngũ cốc. Phía Iran thì từ lâu muốn mua các chiến đấu cơ, hỏa tiễn phòng không của Nga, và bán cho Moskva hàng trăm drone tác chiến. Còn Putin muốn chứng tỏ dù bị trừng phạt vẫn có thể lập được liên minh, tham gia hội nghị quốc tế - Nga và Iran có điểm chung là đều bị phương Tây cấm vận. Cho dù không đạt đến những quyết định cụ thể, cuộc họp này muốn chứng tỏ các thế lực độc tài vẫn đứng vững.
Pháp : Từ cháy rừng đến điện gió
Trang bìa nhiều tờ báo hôm nay rực lên một màu lửa và hình ảnh những người lính cứu hỏa, trong một ngày mà nhiệt độ ở Paris lên đến 41°C. La Croixchạy tựa "Chống cháy là việc của mọi người", "Ấn tượng như trong một bộ phim thảm họa" - tít củaLibération, "Ngọn lửa này là một con quái vật" - Le Mondekhẳng định : tỉnh Gironde đang làm mồi cho nhiều trận hỏa hoạn lịch sử, tại Tây Ban Nha 22.000 hecta rừng đã thành tro, còn chính phủ Anh tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia".
La Croix cho biết hiện nay Pháp có 18 máy bay chữa lửa, gồm 12 chiếc Canadair và 6 chiếc Dash, 2 trực thăng hạng nặng và 3 phi cơ thám sát. Phi đội này đóng tại phi trường Nîmes-Garons (tỉnh Gard), vì miền đông nam nước Pháp dễ bị cháy rừng. Nhưng nay trước trận cháy quá lớn ở Gironde, vấn đề này đang được đặt lại vì từ Gard bay sang mất đến hai tiếng đồng hồ. Một thực tế khác là ý thức : 80-90% vụ hỏa hoạn thường bùng lên ở những khu vực có hoạt động của con người, chứ không phải từ rừng sâu.
Riêng trang bìa Les Echos mang màu xanh mát mắt, với hình ảnh điện gió và thông tin "Phong điện : Nhà nước được lợi bất ngờ 8 tỉ euro". Lần đầu tiên, năng lượng tái tạo và nhất là hệ thống điện gió tại Pháp không làm tiêu tốn ngân sách, mà còn giúp Nhà nước "trúng số". Đó là hệ quả chưa từng thấy từ tình trạng giá năng lượng tăng vọt ở Châu Âu.
Thụy My