Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sri Lanka : Quyền tổng thống được Quốc hội bầu làm tổng thống

Anh Vũ, RFI, 20/07/2022

Theo AFP, hôm 20/07/2022, ông Ranil Wickremesinghe, tổng thống tạm quyền đã được bầu làm tổng thống với đa số phiếu áp đảo tại Quốc hội để thay thế cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã từ chức sau khi bỏ chạy ra nước ngoài, để lại đất nước khánh kiệt và hỗn loạn.

srilanka1

Dân Sri Lanka tham gia một cuộc tọa kháng bên ngoài văn phòng tổng thống ở Colombo đòi thủ tướng và quyền tổng thống Ranil Wickremesinghe từ chức ngày 20/07/2022. AP - Eranga Jayawardena

Theo kết quả chính thức, ông Ranil Wickremesinghe, mới được chỉ định làm tổng thống tạm quyền, đã giành được 134 phiếu, trước đối thủ chính là ông Dullas Alahapperuma, thu được 82 phiếu và ứng cử viên cánh tả Anura Dissanayake, chỉ được 3 phiếu.

Ngay sau khi có kết quả bầu ông làm lãnh đạo đất nước giữa lúc đang có cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị chưa từng có trong lịch sử Sri Lanka, trước Quốc hội, ông Ranil Wickremesinghe đã tuyên bố mọi sự chia rẽ đất nước "đã kết thúc".

Xuất thân từ một gia đình giàu có, từng 6 lần được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Ranil Wickremesinghe đã trở thành nguyên thủ quốc gia của Sri lanka ở tuổi 73. Hôm 15/07, do là thủ tướng, theo hiến pháp Sri Lanka, ông được chỉ định làm quyền tổng thống sau khi tổng thống Gotabaya Rajapaksa trốn khỏi Sri Lanka và từ chức trước làn sóng phẫn nộ của dân chúng.

Ông Wickremesinghe sẽ lãnh đạo đất nước cho đến hết nhiệm kỳ hiện tại của cựu tổng thống Rajapaksa, tức là đến tháng 11/2024.

Ông Wickremesinghe đắc cử tổng thống là do được sự ủng hộ của phe cựu tổng thống Rajapaksa, chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc hội. Tuy nhiên, phong trào dân chúng chống chính phủ đã lật đổ tổng thống cũ cũng không chấp nhận vị thủ tướng của chính quyền cũ này. Trong làn sóng nổi dậy của dân chúng, hôm 09/07, người biểu tình đã chiếm dinh tổng thống và phóng hỏa tư dinh của thủ tướng, đốt 2500 cuốn sách quý trong thư viện riêng của ông.

Ông Ranil Wickremesinghe được giới quan sát chính trị tại Sri Lanka đánh giá là người có đầu óc cải cách thân phương Tây, ủng hộ tự do thương mại, nên ở Colombo, người ta hy vọng ông có thể sẽ dễ thương lượng với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và các chủ nợ nước ngoài để đưa đất nước ra khỏi tình trạng kiệt quệ kinh tế hiện nay. Từ tháng Tư, Sri Lanka đã mất khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài 51 tỷ đô la. Đất nước 22 triệu dân này rơi vào tình trạng khan hiếm nhiên liệu, lương thực thực phẩm, thuốc men chưa từng có.

Tuy nhiên, tân tổng thống Sri Lanka đã cảnh báo trước là sẽ không có giải pháp nào nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, tài chính. Hồi đầu tháng này, trước Quốc hội, ông đã tuyên bố "chúng ta đang phá sản" và "điều tồi tệ nhật đang đến". 

Anh Vũ

********************

Trung Quốc có đóng vai trò gì trong khủng hoảng ở Sri Lanka ?

Anh Vũ, RFI, 20/07/2022

Sri Lanka đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị chưa từng có trong lịch sử đảo quốc 22 triệu dân này. Bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng, thiếu thốn lương thực, thuốc men, nhiên liệu, người dân Sri Lanka trong hơn ba tháng đã nổi dậy lật đổ chế độ gia đình trị của tổng thống Rajapaksa, đã đẩy đất nước rơi vào khánh kiệt. Đó cũng là chế độ có những mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc,

srilanka2

Ảnh tư liệu : Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa tại sân bay Colombo ngày 16/09/2014.  AP - Eranga Jayawardena

Hơn 100 ngày qua đất nước Sri Lanka đã sôi sục với phong trào biểu tình chống chính phủ của dân chúng. Gia đình nhà Rajapksa, cầm quyền từ 2005, bị người dân coi là phải chịu trách nhiệm chính để nền kinh tế sụp đổ. Từ hôm 12/04, Sri Lanka đã mất hết khả năng chi trả các khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ đô la. Trong số đó, có khoảng 10% là của chủ nợ Trung Quốc, nước mà từ 15 năm qua đã có quan hệ khăng khít với gia tộc cầm quyền Rajapaksa. 

Bắc Kinh đã nhìn ra được vị trí chiến lược của hòn đảo Sri Lanka trong vùng Ấn Độ Dương. Giáo sư Harsh V.Pant, phó chủ tịch Quỹ Quan sát Nghiên cứu - l’Observer Research Foundation (ORF) tại New Delhi (Ấn Độ) giải thích trên nhật báo Pháp Le Journal du Dimanche : "Trung Quốc lâu nay đã tìm một lối vào Ấn Độ Dương và Sri Lanka có một vị trí chiến lược cho con đường tơ lụa mới của họ".

Về truyền thống, Sri Lanka vốn có nhiều quan hệ gần gũi với Ấn Độ, nhưng năm 2009, sau cuộc nội chiến đánh thắng lực lượng Hổ Tamul theo Ấn Độ Giáo, đất nước này đã nhanh chóng xích lại gần hơn với Trung Quốc. Ban đầu, Bắc Kinh đã cung cấp cho chính quyền của tổng thống Mahinda Rajapaksa vũ khí. Trung Quốc sau đó đã đầu tư mạnh hơn, trước tiên là vào các quan hệ với gia đình Rajapaksa. Ngoài việc cung cấp tài chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống của những người trong gia tộc Rajapaksa, Trung Quốc đã dồn dập đầu tư vào các dự án lớn ở Sri Lanka, từ sân bay quốc tế, khu phố tài chính ở Colombo, hay hải cảng Hambantota.

Vẫn theo chuyên gia Harsh, các đầu tư trên không phục vụ phúc lợi trực tiếp cho người dân Sri Lanka. Cách thức đầu tư bằng cách cho vay đã đóng vai trò gián tiếp gây ra khủng hoảng kinh tế hiện nay. Hầu hết các dự án không mang lại hiệu quả kinh tế. Không có khả năng trả nợ vay, dần dần chính phủ Sri Lanka đã buộc phải nhượng lại cho người Trung Quốc các cơ sở hạ tầng đó và vô hình chung đã mở rộng cửa để Trung Quốc có được sự hiện diện trong vùng dất chiến lược này. Đó chính là cái mà giới quan sát thời gian qua vẫn thường gọi là "bẫy nợ Trung Quốc" mà Sri Lanka bị rơi vào.

Dù những biến động ở Sri Lanka là một mối nguy cơ không nhỏ cho các tham vọng của Trung Quốc tại vùng Ấn Độ Dương, nhưng từ đầu cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh vẫn kín đáo theo dõi, chưa tỏ động thái nào rõ rệt. Lý do được chuyên gia Harsh V.Pant phân tích : "Trung Quốc rất lo cho hình ảnh của mình. Họ không muốn đóng vai trò gì trong cuộc khủng hoảng này. Họ không muốn bị coi là đồng lõa với gia đình nhà Rajapaksa". Giờ đây mọi phẫn nộ đổ lên phe cánh nhà Rajapaksa và hình ảnh của Trung Quốc cũng bị hoen ố nhiều trong cái nhìn của người dân Sri Lanka. 

Tất nhiên việc Sri Lanka bị phá sản có những nguyên nhân chủ yếu từ nội tình đất nước : quản lý kém, tham nhũng và những yếu tố liên quan đến lịch sử chính trị của đất nước này từ nhiều thập kỷ qua... Nhưng cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm như hiện nay ít nhiều bắt nguồn sự lệ thuộc của Colombo vào Bắc Kinh, theo phần đông giới quan sát.

Nay Sri Lanka đã có tổng thống mới, nhưng đó lại là một thủ tướng dưới thời của chế độ nhà Rajapaksa vừa bị nhân dân vùng lên lật đổ. Không có gì bảo đảm Sri Lanka sẽ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, nhất là khi Trung Quốc đã cắm chân khá sâu ở mảnh đất này.

Anh Vũ

************************

Bầu tổng thống Sri Lanka : Lãnh đạo đối lập rút, để dồn phiếu cho đồng minh

Trọng Thành, RFI, 19/07/2022

Sri Lanka trước cơ hội thay đổi. Ngày 20/07/2022, Quốc hội nước này sẽ bầu tổng thống mới, thay thế cho cựu tổng thống vừa trốn khỏi Sri Lanka, để lại một đất nước chìm trong khủng hoảng. Hôm 19/07, lãnh đạo đối lập chủ chốt Sajith Premadasa quyết định không ra tranh cử, để gia tăng cơ hội thắng cử cho một đồng minh, người duy nhất có hy vọng đánh bại tổng thống tạm quyền cùng phe với cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa.  

srilanka3

Trụ sở Quốc hội Sri Lanka tại thủ đô Colombo, ngày 16/07/2022.  AP - Rafiq Maqbool

Theo AFP, ít phút trước thời điểm Quốc hội chính thức thông báo danh sách ứng cử viên  tổng thống, trên mạng Twitter, lãnh đạo đối lập chủ chốt thuộc đảng SJB đã thông báo rút khỏi cuộc tranh cử. Chính trị gia Sajith Premadasa cho biết rõ quyết định nói trên là "vì lợi ích lớn của đất nước". Lãnh đạo đối lập tuyên bố ủng hộ ứng viên Dullas Alahapperuma, cựu bộ trưởng Giáo Dục, người đã ly khai khỏi đảng cầm quyền SLPP. Ông Dullas Alahapperuma, 63 tuổi, là một cựu phóng viên, nhà tranh đấu nhân quyền cuối thập niên 1980.  

AFP dẫn lại thông tin từ một dân biểu đối lập đảng SJB cho biết, trong đêm qua, lãnh đạo đối lập và cựu bộ trưởng Giáo Dục đã đạt được một thỏa thuận lập liên minh. Hai bên đã thống nhất về một "cương lĩnh hành động tối thiểu". Nếu ông Alahapperuma đắc cử tổng thống, lãnh đạo đối lập sẽ được bổ nhiệm làm thủ tướng.  

Theo thông báo của Quốc hội Sri Lanka, có ba ứng cử viên tổng thống. Ngoài hai ứng cử viên chủ chốt nói trên, còn có ông Anura Dissanayake, 53 tuổi, lãnh đạo đảng cánh tả JVP, có ba ghế trong Quốc hội.  

Việc lãnh đạo đối lập rút khỏi cuộc tranh cử làm gia tăng khả năng thắng cử đối với ứng viên cựu bộ trưởng Giáo Dục. Về mặt chính thức, đảng cầm quyền SLPP, chiếm đa số trong Quốc hội hiện nay, ủng hộ tổng thống tạm quyền Ranil Wickremesinghe, 73 tuổi.  

Theo AFP, đối với đông đảo người dân Sri Lanka tham gia phong trào tranh đấu đòi tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức, quyền tổng thống Wickremesinghe là một đồng minh, người bảo vệ gia tộc Rajapaksa. Hiện tại cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa (2005-2015), anh trai của tổng thống vừa bỏ chạy, vẫn ở lại đất nước. Theo một số nguồn tin nội bộ, nhân vật có thế lực này đang gây nhiều sức ép để các nghị sĩ đảng SLPP ủng hộ tổng thống tạm quyền.  

Tổng thống tạm quyền Ranil Wickremesinghe vừa tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp, từ hôm 18/07, dành nhiều quyền hạn hơn cho cảnh sát và các lực lượng an ninh. Những người biểu tình dự kiến sẽ tập hợp đông đảo tại thủ đô vào cuối ngày hôm nay để yêu cầu quyền tổng thống từ chức. 

Trọng Thành

Published in Châu Á

Sri Lanka : Đánh đuổi độc tài từ kinh nghiệm biểu tình ở Ukraine và Hồng Kông

Le Figarogiải thích "Làm thế nào làn sóng phẫn nộ đã tăng cao và trong ba tháng đã nhấn chìm quyền lực ở Sri Lanka". Sinh ra từ những cuộc biểu tình tự phát, phong trào phản kháng tập hợp nhiều tầng lớp xã hội dần dà trở nên có tổ chức.

sri1

Người biểu tình đã rút đi sau khi ông Gotabaya Rajapaksa gởi email thông báo từ chức, nhưng chướng ngại vật vẫn còn trước văn phòng tổng thống ở Colombo, Sri Lanka, ngày 15/07/2022.  AP - Eranga Jayawardena

Bài học từ Cách mạng Maidan và Cách mạng Dù

Tình trạng thiếu xăng dầu, khí đốt, sữa bột… đã khiến người dân bắt đầu xuống đường từ tháng Ba. Bất mãn tràn ngập trên mạng và trên đường phố, khiến nhiều hiệp hội phi chính trị, nghiệp đoàn, tổ chức thanh niên bắt tay với nhau hành động. Trong số đó có Hội sinh viên liên trường (IUSF), một nghiệp đoàn lớn, Black Cap Movement, một nhóm nhà hoạt động tự do… Đầu tháng Tư, những nhóm xã hội dân sự này cùng với những người nổi tiếng trên mạng liên lạc với nhau, họ thỏa thuận ngày 09/04 cắm trại tại Galle Face, một đại lộ gần văn phòng tổng thống. Từ nơi đó, người biểu tình có thể diễu hành qua trước nhiều cơ quan chính phủ, Ngân hàng Trung ương và Dinh tổng thống chỉ cách 1 kilomet.

Nhưng muốn trụ lại chẳng thể chỉ có tay không. Ban đầu một nhóm đi mua giấy vệ sinh, nước, dù, áo mưa… mang lại, rồi đăng ảnh, video lên mạng kêu gọi giúp đỡ, nhất là thực phẩm. Giới trung lưu, những gia đình giàu có, chủ doanh nghiệp… đều hưởng ứng, cư dân mạng gởi cho họ những chiếc lều. Bộ phận hành chánh của người biểu tình ở Galle Face đánh số lều trại, cấp thẻ cho từng người và khoảng 30 người tình nguyện phụ trách phân phối hàng thiết yếu. Phong trào Gota Go Gama (GGG) hình thành.

Một người thuộc Black Cap Movement cho biết đã theo dõi kỹ càng cuộc Cách mạng Maidan ở Ukraine, cũng như phong trào Cách mạng Dù ở Hồng Kông, và rút được ba bài học. Trước hết, phong trào cần phải ôn hòa để chính quyền không thể kiếm cớ đàn áp, và thu hút được nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp tham gia. Tiếp đến là phải đoàn kết, tìm được một cái nền chung. Tại Galle Face, mọi khuynh hướng chính trị từ tả sang hữu đều có đủ. Cuối cùng, chìa khóa của thành công là sự kiên trì.

Phong trào phản kháng tập hợp được mọi giới

Thấy ngai vàng bị đe dọa, phe Rajapaksa và đảng của họ là SLPP ra tay đàn áp. Ngày 09/05, khu lều trại bị tấn công, nhưng người biểu tình đẩy lùi. Phong trào GGG mở đại hội gồm khoảng 50 thành viên thuộc 30 tổ chức tham gia, các cuộc tranh luận được cha Jeevantha Peiris và hai nhà sư điều hành. Phải mất nhiều tuần lễ họ mới thỏa thuận được một kế hoạch hành động gồm 6 điểm. Văn bản được thông qua ngày 05/07 đòi hỏi tổng thống Gotabaya Rajapaksa, thủ tướng Ranil Wickremesinghe phải từ chức, cải cách thuế khóa, thiết lập một nền dân chủ có sự tham gia của công dân…

Gota Go Gama được sự trợ giúp của nhiều chùa, tu viện Phật giáo, giáo hội Công giáo Sri Lanka, hàng giáo phẩm Hồi giáo và Ấn giáo, chưa kể cộng đồng người Sri Lanka ở hải ngoại. Những người Sri Lanka ở Mỹ, Úc, Canada, Saudi Arabia, Châu Âu gởi tiền về cho gia đình để mua đồ tiếp tế cho phong trào.

GGG còn đòi tổ chức bầu Quốc hội để có những khuôn mặt mới nhằm cải tổ hệ thống, vì nạn tham nhũng quanh các dự án cơ sở hạ tầng vay vốn của Trung Quốc đã khiến đất nước bị lâm vào cảnh vỡ nợ. Nhưng việc bầu cử lại đặt ra vấn đề về một số khuôn mặt của GGG bước vào chính trường. Linh mục Jeevantha Peiris cho rằng Gota Go Gama không nên trở thành một đảng phái, nhưng ông nhìn nhận có một số đồng chí không che giấu tham vọng chính trị.

Đánh đuổi chế độ độc tài, nhưng tương lai Sri Lanka vẫn âm u

Cũng về Sri Lanka, Le Mondetóm lược "Hòn đảo lộng lẫy bị tàn phá bởi bốn mươi năm bạo lực chính trị", bên cạnh đó là bài phóng sự "Tại Sri Lanka, một cuộc nổi dậy trên cái nền phá sản". Lịch sử của đất nước có tên cũ là Tích Lan đầy dẫy những cuộc chiến tranh, khủng bố, ám sát đã làm gần 200.000 người chết kể từ đầu thập niên 80. Đảo quốc được mệnh danh là "viên ngọc Ấn Độ Dương" phải chịu đựng nhiều cuộc xung đột đẫm máu giữa những phe ly khai, du kích… Các chính khách bất lương vơ vét tài nguyên của hòn đảo đầy châu báu (saphir, hồng ngọc, topaze), chưa kể trà Tích Lan nổi tiếng.

Sau khi tổng thống Gotabaya từ chức hôm 14/07 được vài giờ, pháo bông nở rộ trên bầu trời Sri Lanka, nhưng niềm vui chỉ ngắn ngủi trước thực trạng khủng hoảng kinh tế. Một sự im lặng kỳ lạ lại bao trùm đường phố Colombo. Những tuần lễ gần đây, lưu thông xe cộ hầu như ngưng hẳn vì thiếu xăng. Ngay cả đèn giao thông cũng không hoạt động vì cúp điện.

Không ít người dân ra nước ngoài làm mướn để kiếm sống, có người sẵn sàng ngủ bốn đêm liền trước trạm xăng để có thể mua được số xăng đủ để ra sân bay đi lao động ở Qatar. Bệnh viện thiếu thốn từ kim chích đến thuốc men, bệnh nhân phải tự mua ngoài. Sri Lanka đang nợ 51 tỉ đô la, trước hết phải thỏa thuận được với các chủ nợ rồi mới có thể xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trợ giúp. Nhưng Trung Quốc nhất quyết không giảm món nợ 7,6 tỉ đô la, vì không muốn tạo tiền lệ cho những nước khác đang vay mượn của Bắc Kinh trong khuôn khổ "Con đường tơ lụa mới".

Zelensky buộc lòng phải chia tay với hai nhân vật thân tín

Tại điểm nóng ở Châu Âu là Ukraine, đặc phái viên La Croix nói về việc Kiev truy quét những kẻ làm tay trong cho Nga ; còn Libération quan tâm đến việc tổng thống Zelensky cách chức một số nhân vật thân cận. Sự kiện Ivan Bakanov, 47 tuổi, người đứng đầu cơ quan an ninh (SBU) và chưởng lý Iryna Venediktova, 43 tuổi bị "thôi giữ chức" tối Chủ nhật chẳng khác nào một quả bom nổ ra tại Kiev. Khoảng mấy chục, thậm chí hàng trăm nhân viên của hai cơ quan trên được cho là làm nội gián cho Nga, ít nhất 651 vụ đã bị khởi tố hình sự. Volodymyr Zelensky đứng trước sự chọn lựa : vào thời chiến, phải dựa vào lòng trung thành hay năng lực ?

Ivan Bakanov hiếm thấy xuất hiện kể từ đầu cuộc xâm lăng. Ngược lại bà Iryna Venediktova luôn có mặt khắp nơi, nhất là sau vụ thảm sát Bucha. Theo các nhà báo Ukraine, sự nổi tiếng này khiến một số thành viên trong ê-kíp của tổng thống phụ trách việc thương lượng gay go với các phái viên Nga không được vui. Venediktova vốn là đồng minh với Zelensky từ rất lâu. Trường hợp Bakanov lại càng khó xử vì ông là bạn từ thời thơ ấu, rồi là luật gia và người cộng tác trong công ty Kvartal 95 của Zelensky.

Ông Bakanov còn rất ít thời gian để giải thích về sự vắng mặt của ông trong lúc quốc gia nguy biến, thậm chí có người còn đặt vấn đề liệu giám đốc SBU có hiện diện tại thủ đô lúc quân Nga bắt đầu đánh vào Kiev hay không. Serhiy Rakhmanine, dân biểu thuộc đảng đối lập Golos, cho biết hôm 24/02, khi tham gia cuộc họp tại Phủ tổng thống, ông thấy tất cả những người đứng đầu các cơ quan nhà nước đều hiện diện hoặc tại nơi làm việc, hoặc tiếp xúc với tổng thống. Người duy nhất vắng mặt hôm đó là Bakanov.

Nga xâm lăng Ukraine : Vì sao không nên nhân nhượng Putin ?

Trong khi Nga liên tục gia tăng sức ép lên Donbass, về phía Châu Âu ; tiến sĩ địa chính trị Frédéric Encel trên Le Figaro nhấn mạnh "Chúng ta không nên khoan nhượng trước Moskva". Ông khẳng định, tuy trừng phạt không phải là thuốc tiên để ngăn chủ nghĩa đế quốc hoặc ngăn việc vi phạm trầm trọng nhân quyền, nhưng nếu không dùng đến lại càng tệ hại hơn, đặc biệt là trong trường hợp Ukraine. Tiến sĩ Encel phản biện ba lý lẽ thường được đưa ra để phản đối cấm vận.

Trước hết, "trừng phạt Kremlin về kinh tế, tài chánh, công nghệ và ngoại giao không mang lại hiệu quả", bằng chứng là Nga vẫn tiếp tục tấn công Ukraine. Ông Encel cho rằng luận điệu này hoàn toàn ngớ ngẩn. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, làm thế nào Moskva có thể cho thấy mình khom lưng cúi đầu trước phương Tây ? Cần phải suy nghĩ ngược lại, nếu không trừng phạt, tại sao Vladimir Putin sau hai thập niên tung hoành lại không đi xa hơn ? Ông ta đã từ bỏ việc đánh chiếm thủ đô Kiev, không một người lính Nga nào được triển khai sang biên giới NATO, vũ khí nguyên tử không được sử dụng. Nhất là áp đặt trừng phạt nặng nề ngày hôm nay có nghĩa là treo lưỡi gươm Damoclès ngày mai trên đầu những chế độ có ý định phiêu lưu quân sự.

Lý lẽ thứ hai : "quốc gia ra lệnh trừng phạt cũng bị thiệt hại". Nhưng mọi chính sách đều có cái giá của nó. Nếu việc từ chối trừng phạt giúp cứu vãn độc lập cho Ukraine và răn đe kẻ tấn công, phải chăng nên từ bỏ luôn chính sách quốc phòng và sức mạnh nguyên tử của châu lục với cớ tốn kém ? Ngoài ra, trừng phạt giúp Liên Hiệp Châu Âu thích ứng với các giải pháp thay thế, giảm lệ thuộc vào Nga và tiếp đến là với sức mạnh đầy đe dọa của Trung Quốc.

Thứ ba : khi trừng phạt, các nền dân chủ "tự vào vai thần công lý". Trong trường hợp Ukraine, một nhà nước có chủ quyền tại lục địa Châu Âu và nằm sát bên các đồng minh NATO đã bị xâm lược, chính phủ được bầu lên một cách dân chủ bị xóa đi tính chính danh bằng nhãn "quốc xã", làm sao có thể khoanh tay đứng nhìn ? Những người chống trừng phạt còn cho rằng chỉ người dân Nga là bị thiệt thòi. Nhưng Putin, lo sợ dân chúng nổi dậy, đã phải lập tức tung tiền ra để hỗ trợ sức mua. Tác giả cho rằng, thay vì chạy theo luận điệu của phe cực tả và cực hữu, những người bị các chế độ toàn trị mê hoặc, cần nghiêm túc nghĩ về một Châu Âu hùng mạnh để bảo vệ các lợi ích chiến lược cũng như các giá trị đạo đức.

Iran, Nga, Thổ : Phe độc tài siết chặt hàng ngũ ở Tehran

Chỉ còn thiếu có Tập Cận Bình là "câu lạc bộ" được đủ mặt. Recep Tayyip Erdogan, Ebrahim Raissi và Vladimir Putin hôm nay gặp mặt tay ba ở Tehran, ngay sau chuyến thăm Trung Đông của ông Joe Biden. Đây là một cú đá giò lái vào Mỹ và là một bước tiến trong việc củng cố cực chống phương Tây, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Ukraine cho dù có những khác biệt.

Erdogan tìm kiếm đèn xanh cho "chiến dịch đặc biệt" của ông ta chống các chiến binh thân Kurdistan ở Syria, nơi mà Nga đang làm chủ không phận. Đổi lại, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm trung gian hòa giải ở Ukraine và kiểm soát việc giải tỏa 20 triệu tấn ngũ cốc. Phía Iran thì từ lâu muốn mua các chiến đấu cơ, hỏa tiễn phòng không của Nga, và bán cho Moskva hàng trăm drone tác chiến. Còn Putin muốn chứng tỏ dù bị trừng phạt vẫn có thể lập được liên minh, tham gia hội nghị quốc tế - Nga và Iran có điểm chung là đều bị phương Tây cấm vận. Cho dù không đạt đến những quyết định cụ thể, cuộc họp này muốn chứng tỏ các thế lực độc tài vẫn đứng vững.

Pháp : Từ cháy rừng đến điện gió

Trang bìa nhiều tờ báo hôm nay rực lên một màu lửa và hình ảnh những người lính cứu hỏa, trong một ngày mà nhiệt độ ở Paris lên đến 41°C. La Croixchạy tựa "Chống cháy là việc của mọi người", "Ấn tượng như trong một bộ phim thảm họa" - tít củaLibération, "Ngọn lửa này là một con quái vật" - Le Mondekhẳng định : tỉnh Gironde đang làm mồi cho nhiều trận hỏa hoạn lịch sử, tại Tây Ban Nha 22.000 hecta rừng đã thành tro, còn chính phủ Anh tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia".

La Croix cho biết hiện nay Pháp có 18 máy bay chữa lửa, gồm 12 chiếc Canadair và 6 chiếc Dash, 2 trực thăng hạng nặng và 3 phi cơ thám sát. Phi đội này đóng tại phi trường Nîmes-Garons (tỉnh Gard), vì miền đông nam nước Pháp dễ bị cháy rừng. Nhưng nay trước trận cháy quá lớn ở Gironde, vấn đề này đang được đặt lại vì từ Gard bay sang mất đến hai tiếng đồng hồ. Một thực tế khác là ý thức : 80-90% vụ hỏa hoạn thường bùng lên ở những khu vực có hoạt động của con người, chứ không phải từ rừng sâu.

Riêng trang bìa Les Echos mang màu xanh mát mắt, với hình ảnh điện gió và thông tin "Phong điện : Nhà nước được lợi bất ngờ 8 tỉ euro". Lần đầu tiên, năng lượng tái tạo và nhất là hệ thống điện gió tại Pháp không làm tiêu tốn ngân sách, mà còn giúp Nhà nước "trúng số". Đó là hệ quả chưa từng thấy từ tình trạng giá năng lượng tăng vọt ở Châu Âu.

Thụy My

Published in Châu Á

Sri Lanka ban hành lại tình trạng khẩn cấp, người biểu tình rời dinh tổng thống

Anh Vũ, RFI, 18/07/2022

Theo Reuters, ngày 17/07/2022, quyền tổng thống Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghen, đã ra sắc lệnh ban hành tình trạng khẩn cấp mới, nhằm đề phòng tình trạng hỗn loạn trước khi Quốc hội bầu tân tổng thống ngày 20/07.

sri1

Cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình gần văn phòng thủ tướng ở Colombo, Sri Lanka, ngày 13/7/2022. AP - Rafiq Maqbool

Kể từ tháng Tư, khi có phong trào chống chính phủ đã để đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, chính quyền Sri Lanka đã nhiều lần đặt đất nước trong tình trạng khẩn cấp. Trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp, Quân đội được phép bắt giữ người, giải tán các cuộc tập hợp phản kháng chính phủ. Sau khi có thông báo ban hành tình trạng khẩn cấp, những người biểu tình đã quyết định rời khỏi dinh tổng thống cùng phủ thủ tướng, mà họ chiếm giữ từ nhiều ngày qua.

Đặc phái viên Sébastien Farcis từ Colombo gửi về bài phóng sự :

Sau một ngày chiến đấu để giành được văn phòng thủ tướng, người biểu tình đã để người dân Sri Lanka vào thăm trong tòa nhà có kiến trúc từ thời thuộc địa. Trong số các vị khách đến để ủng hộ phong trào có Prabhat, một viên chức của bộ quốc phòng:

"Chúng tối sẽ chiếm tất cả các tòa nhà này cho đến khi có một chính phủ mới, với sự tham gia của mọi đảng phái. Để lãnh đạo chính phủ, chúng tôi sẵn sàng tạo cơ hội cho tất cả nhưng ai muốn, nhưng với điều kiện người đó không được có mối liên hệ nào với phe Rajapakse."

Vấn đề bây giờ là để xem người biểu tình sẽ đi đến đâu. Theo ông Dennis Kularatne, một trong những lãnh đạo cuộc tấn công hôm trước, mọi chuyện rất rõ ràng :

"Tôi tới đây vì tôi có một đứa con, tôi muốn nó có tương lai. Tôi muốn có một đất nước Sri Lanka được quét sạch tham nhũng và những chính khách tha hóa. Tôi ủng hộ những việc người biểu tình làm vì những chính trị gia đã có thời gian để hành động, nhưng họ đã không làm gì. Giờ đây, chúng tôi không còn lựa chọn. Chúng tôi phải dùng đến những phương cách này".

Thủ tướng vừa được chỉ định làm quyền tổng thống thứ Tư tuần trước đã trả lời người biểu tình bằng cách ban hành lệnh giới nghiêm toàn quốc trong cả đêm.

Anh Vũ

******************

Sri Lanka : Khan hiếm lương thực nhiên liệu trầm trọng, khủng hoảng chính trị kéo dài

Anh Vũ, RFI, 17/07/2022

Hôm 17/07/2022, tại Sri Lanka các cuộc biểu tình chống chính phủ vì đã để đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế bước sang ngày thứ 100. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải bỏ chạy ra nước ngoài và từ chức. Người dân quay sang trút nỗi phẫn nộ lên thủ tướng, vừa được chỉ định làm quyền tổng thống. Trong khi chờ đợi Quốc hội bầu tổng thống mới, khủng hoảng kinh tế tiếp tục trầm trọng thêm, đẩy người dân vào tình trạng khan hiếm mọi nhu yếu phẩm chưa từng có.

sri2

Xếp hàng chờ mua xăng tại một trạm bán xăng dầu ở Colombo, Sri Lanka ngày 16/07/2022.  © Côme Bastin / RFI

Đặc phái viên RFI Côme Bastin tại Colombo ghi nhận :

Sáu triệu người Sri Lanka, tức hơn 1/4 dân số đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn lương thực thực phẩm, theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc. Các gian hàng trống không, giá thực phẩm bùng nổ và tình hình sẽ còn tồi tệ nữa. Tình trạng này không ngoại trừ ai. Surani Weerasinghe, một bà mẹ hai con giải thích :

"Tôi xuất thân từ một gia đình khá giả, trước đây tôi có thể mua cho con tôi mọi thứ chúng muốn ăn. Nhưng giờ đây, chúng tôi phải hạn chế. Tôi không thể mua những thứ đơn giản như bơ hay phô mai ? Để nấu bếp, tôi phải dùng củi".

Dùng củi nấu thay vì khí đốt, bởi căn nguyên của mọi vấn đề là quốc đảo trong Ấn Độ Dương này đang thiếu nhiên liệu hoàn toàn. Sri Lanka giờ không có khả năng chi trả cho nhập khẩu nhiên liệu.

Jérôme là một tài xế taxi nhỏ ở địa phương đang xếp hàng dài nhiều cây số trước một trong số hiếm hoi những trạm bán xăng dầu còn mở cửa. Anh cho biết : "Anh có tưởng tượng nổi khi giờ đây tôi phải kiên nhẫn xếp hàng đến 5 ngày để đổ được nửa bình xăng của xe không ? Năm ngày xếp hàng và phải ăn uống, làm mọi nhu cầu trên phố…".

Trong khi đó, một số tàu trở dầu vừa cập cảng Sri Lanka, chính phủ đã hứa cung cấp nhiên liệu theo hạn mức hàng tuần cho mỗi chiếc xe bằng mã QR. Trung khi chờ đợi chính phủ mới, ông thủ tướng giờ là quyền tổng thống Ranil Wickremesinghe thông báo kế hoạch khẩn cấp cung cấp lương thực cơ bản cho dân chúng.

Những biện pháp đó đã được cân nhắc nhiều lần. Vì Nhà nước không còn bao nhiêu nguồn lực nên các biện pháp đó cũng sẽ không thay đổi cơ bản nỗi thống khổ của người dân Sri Lanka.

Anh Vũ

******************

Sri Lanka bắt đầu tiến trình bầu chọn tân tổng thống

Trọng Thành, RFI, 16/07/2022

Sau khi tổng thống Sri Lanka tuyên bố từ chức, hôm 16/07/2022, Quốc hội nước này bắt đầu tiến trình bầu chọn tân tổng thống. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Tư 20/07.

sri3

Sajith Premadasa, lãnh đạo đảng đối lập ở Sri Lanka, trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành cho hãng tin Mỹ AP.  AP - Eranga Jayawardena

Theo hãng tin Reuters, tuy ông Gotabaya Rajapaksa từ chức, nhưng sự ủng hộ của đảng SLPP đối với cựu tổng thống vẫn còn rất mạnh trong Quốc hội. Hôm qua, đảng SLPP cho biết sẽ không cử người ra tranh chức tổng thống, nhằm dồn sự ủng hộ cho quyền tổng thống Ranil Wickremesinghe, 73 tuổi, cựu thủ tướng. 

Nhưng theo AFP, ông Wickremesinghe - được coi là người có nhiều khả năng đắc cử - cũng bị đông đảo người biểu tình coi như một người thuộc phe cánh của cựu tổng thống. Hôm thứ Tư vừa qua, văn phòng của thủ tướng Wickremesinghe đã bị người biểu tình chiếm lĩnh, đông đảo dân chúng muốn ông Wickremesinghe phải từ chức. 

Ứng cử vào chức tổng thống, ngoài quyền tổng thống Wickremesinghe, còn có cựu bộ trưởng Y Tế Dullas Alahapperuma, nguyên thành viên đảng cầm quyền, cựu lãnh đạo Quân đội Sarath Fonseka, 73 tuổi, và ông Sajith Premadasa, lãnh đạo đối lập tại Quốc hội Sri Lanka. 

Sarath Premadasa từng là ứng viên tổng thống của đảng Mặt trận Dân tộc Thống nhất năm 2019, nhưng đã bị thua Gotabaya Rajapaksa, chỉ thu được hơn 41% phiếu bầu.

Theo lãnh đạo đối lập, bất luận là ai, tân tổng thống Sri Lanka đứng trước sứ mạng nặng nề, vực dậy nền kinh tế, thay đổi triệt để hệ thống chính trị hiện hành. Thông tín viên Côme Bastin tường trình từ Colombo : 

"Ông Sajith Premadasa 55 tuổi là con trai của một cựu tổng thống Sri Lanka bị ám sát năm 1993 trong cuộc nội chiến. Dáng vẻ thư giãn, lãnh đạo đối lập tránh để lộ bất cứ biểu hiện mừng chiến thắng nào trong bối cảnh hiện nay. Ông nói :

"Chúng ta phải định hình lại nền kinh tế của mình dựa trên các công nghệ mới và xuất khẩu. Nông nghiệp phải phát triển trở lại. Chúng ta phải lập ra được các khoản cứu trợ dành cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. Nhưng về tất cả những chuyện này, nguồn lực của chúng ta bị hạn chế. Các cuộc thảo luận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF do đó rất quan trọng để giúp Sri Lanka giành lại được uy tín quốc tế".

Lãnh đạo đảng đối lập SJB, Sajith Premadasa, là một dân biểu. Ông có được sự ủng hộ từ đảng của người sắc tộc thiểu số Tamil. Nhưng bất luận là ai, tân lãnh đạo Sri Lanka cũng sẽ phải làm rất nhiều việc để khôi phục niềm tin của người dân vào các chính sách của ông để đưa Sri Lanka thoát khỏi vực thẳm kinh tế hiện nay.

Lãnh đạo đối lập nói : "Đông đảo dân chúng đã bỏ phiếu cho đảng của gia tộc Rajapaksa, và đảng này đã phản bội họ. Phe cánh của cựu tổng thống đã thông qua được một sửa đổi luật củng cố đáng kể quyền lực của tổng thống. Vì vậy, chúng tôi không có quyền làm người dân thất vọng. Cần phải thay đổi toàn bộ hệ thống. Phải có các kết quả cụ thể và nhiều dân chủ hơn".

Nghị Viện Sri Lanka cần nhanh chóng tìm được người kế nhiệm thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người vừa trở thành tổng thống lâm thời. Nhưng trên tuyến đường đi dạo dọc bờ biển của thủ đô Colombo, những người biểu tình nói rằng họ sẽ chỉ rời đi cho đến khi nào người dân bầu ra được một chính phủ mới và một Hiến pháp mới".

Trọng Thành

******************

Tổng thống Sri Lanka trốn sang Singapore, người biểu tình chiếm văn phòng thủ tướng

Thùy Dương, RFI, 14/07/2022

Trong khi tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa, chạy trốn sang Maldives rồi từ Maldives cùng vợ và hai vệ sĩ hôm nay 14/07 sang Singapore trên một chuyến bay thương mại, trong nước những người biểu tình chống chính phủ hôm thứ Tư 13/07/2022 đã chiếm văn phòng thủ tướng.

sri4

Những người biểu tình Sri Lanka vẫy quốc kỳ từ nóc văn phòng thủ tướng, yêu cầu ông từ chức. Ảnh chụp tại Colombo, Sri Lanka ngày 13/07/2022.  © AP - Rafiq Maqbool

Đây là tòa nhà văn phòng làm việc thứ 4 của các quan chức hành pháp bị người biểu tình chiếm giữ. Và cũng giống như những nơi khác, người biểu tình để mở văn phòng thủ tướng cho công chúng đến, và có rất đông người đã đến ủng hộ phong trào đấu tranh. Tuy nhiên, bất chấp áp lực từ công chúng, cả tổng thống Sri Lanka và thủ tướng đều chưa từ chức. Nhiều người đang tự hỏi bước tiếp theo sẽ là gì.

Từ Colombo, đặc phái viên Sébastien Farcis gửi về bài phóng sự :

"Sau một ngày tranh đấu để chiếm văn phòng thủ tướng, những người biểu tình chào đón người dân Sri Lanka đến tòa nhà đẹp có từ thời thuộc địa. Trong số những người đến tham quan và ủng hộ phong trào này có Prabhat, một quan chức bộ quốc phòng. Ông Prabhat nói :

"Tôi đến vì tôi có một đứa con, và tôi muốn con tôi có tương lai. Tôi muốn một đất nước Sri Lanka thoát khỏi nạn tham nhũng và thoát những chính trị gia tham nhũng này. Tôi ủng hộ những gì những người biểu tình đang làm bởi các chính trị gia đã có thời gian để hành động nhưng họ đã không làm gì cả. Bây giờ chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, chúng tôi phải sử dụng những phương pháp này".

Câu hỏi hiện nay là những người biểu tình này sẽ còn làm gì nữa. Đối với Dennis Kularatne, một trong những người đứng đầu vụ xâm chiếm văn phòng thủ tướng vào hôm qua, mọi chuyện đã rõ ràng. Anh nói :

"Chúng tôi sẽ chiếm tất cả các tòa nhà này cho đến khi một chính phủ gồm thành viên nhiều đảng thực sự được chỉ định. Để điều hành chính phủ, chúng tôi sẵn sàng trao cơ hội cho bất cứ ai muốn, chỉ với một điều kiện : người này không có bất cứ mối liên hệ nào với gia tộc Rajapakse".

Thủ tướng, người trở thành tổng thống lâm thời từ thứ Ba vừa qua, đã phản ứng bằng cách thiết lập lệnh giới nghiêm toàn quốc trong suốt ban đêm".

Theo tin mới nhất, một người phát ngôn của phong trào biểu tình hôm 13/07 cho biết họ sẽ rút lui ôn hòa khỏi phủ tổng thống, văn phòng tổng thống và phủ thủ tướng, nhưng sẽ tiếp tục tranh đấu. Theo AFP, thông báo được đưa ra trong bối cảnh tổng thống lâm thời Ranil Wickremesinghe đã yêu cầu lực lượng an ninh giải tỏa trụ sở các cơ quan công quyền bị chiếm giữ và làm mọi điều cần thiết để tái lập trật tự.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Sri Lanka vẫn bất định, Ukraine nhen nhúm chút hy vọng ở miền nam

Nước Pháp lại chịu thêm một đợt nóng mới trong lúc chuẩn bị cho cuộc duyệt binh truyền thống ngày Quốc khánh 14/07, tình hình Sri Lanka và Ukraine, chuyến công du Trung Đông của tổng thống Mỹ Joe Biden, những hình ảnh đầu tiên của viễn vọng kính Webb, đó là những chủ đề được báo chí Pháp đề cập nhiều hôm 13/07/2022.

srilanka1

Đông đảo người dân biểu tình bên ngoài văn phòng thủ tướng Ranil Wickremesinghe ở Colombo, Sri Lanka ngày 13/07/2022.  Reuters – Adanan Abidi

Sri Lanka : Một kết thúc nhục nhã cho gia tộc Rajapaksa

Liên quan đến châu Á, Le Monde nói về sự sụp đổ nhanh chóng của phe Rajapaksa ở Sri Lanka, gia tộc đã thống trị đất nước này gần 20 năm qua. Vội vã chạy trốn đám đông người biểu tình phẫn nộ xông vào Phủ tổng thống, ông Gotabaya Rajapaksa bỏ quên 17,85 triệu rupi (49.000 euro) và những người dân nghèo khổ đã nộp lại những tờ giấy bạc mới tinh này cho cảnh sát. Ông rất vất vả mới đến được Maldives bằng máy bay quân sự, sau khi đã lỡ nhiều chuyến bay dân sự đi Saudi Arabia do hành khách và cơ quan di trú ngăn trở. Một kết thúc nhục nhã cho gia tộc đã điều hành đất nước bằng bàn tay sắt.

Gotabaya Rajapaksa, được mệnh danh là "Terminator" lên làm tổng thống sau các vụ khủng bố làm hơn 250 người chết, đã bổ nhiệm người anh - cựu tổng thống, Mahinda Rajapaksa, làm thủ tướng. Người em Basil Rajapaksa, có biệt danh "Ông 10%" do huê hồng mỗi lần ký hợp đồng với Nhà nước, trở thành bộ trưởng Tài chính. Anh cả Chamal Rajapaksa nắm một bộ phụ trách việc dẫn thủy nhập điền. Thế hệ tiếp nối cũng không bị bỏ quên : Namal Rajapaksa, con trai lớn của Mahinda được cho là sẽ kế vị sau này, lãnh đạo bộ Thể thao và Thanh niên. Tất cả đều buộc lòng phải từ chức với hy vọng duy trì được quyền lực của Gotabaya.

Trước đó, tổng thống đã cho tu chính Hiến pháp để có quyền bổ nhiệm và bãi miễn các viên chức, thẩm phán, cảnh sát, bộ trưởng, kiểm soát các ủy ban độc lập về nhân quyền và chống tham nhũng, nhằm né được mọi cuộc điều tra. Năm 2009 khi Gotabaya là bộ trưởng Quốc phòng và ông anh Mahinda là tổng thống, đã thẳng tay với phe Hổ Tamul, ước tính 40.000 thường dân người Tamul đã bị giết chết trong vài tuần lễ.

Vay của Trung Quốc món nợ khổng lồ cho những công trình vô bổ

Sự sụp đổ nhanh chóng của gia đình Rajapaksa là hệ quả của một loạt quyết định tai hại. Từ nhiều tháng qua, Sri Lanka lâm vào khủng hoảng. Các vụ tấn công đẫm máu vào lễ Phục Sinh 2019 và đại dịch Covid từ 2020 làm suy sụp kỹ nghệ du lịch, mất đi nguồn thu khổng lồ, dự trữ ngoại tệ từ 7,5 tỉ đô la còn 1,8 tỉ. Ngược với khuyến cáo của các nhà kinh tế, gia đình Rajapaksa không cầu viện đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà dùng cách hạn chế nhập khẩu kể cả hàng thiết yếu. Người dân thiếu thốn mọi thứ : xăng dầu, khí đốt, thực phẩm, thuốc men, điện bị cúp thường xuyên. Việc cấm nhập khẩu phân bón hóa học khiến sản lượng nông phẩm sút giảm nghiêm trọng.

Nhưng gốc rễ lại sâu xa hơn, từ thời Mahinda còn làm tổng thống, với những dự án quy mô và món nợ khổng lồ vay của Bắc Kinh. Quận Hambatota, thành trì của gia tộc Rajapaksa ở miền nam được đầu tư không tiếc tiền. Chẳng hạn một phi trường quốc tế xây dựng ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên mang tên gia đình, không dành cho người ngoài và gần đó là một sân bóng chày khổng lồ nhưng không hề có sự kiện thể thao. Đặc biệt cảng Hambatota chưa bao giờ đón một tàu hàng nào, nhưng phải nhượng cho Trung Quốc 99 năm vì không trả nổi món nợ trên 1 tỉ đô la.

Đặc phái viên Libération tại Colombo cho biết hàng trăm thanh niên vẫn đang sống trong Phủ tổng thống. Họ bảo vệ đồ đạc trong dinh thự và điều hành lượng người tham quan bằng các bộ đàm, dưới cái nhìn thú vị của vài cảnh sát. Ngoài một lan can bị sập trong ngày đầu tiên, Phủ tổng thống Sri Lanka vẫn yên tĩnh như viện bảo tàng Louvre trong Ngày di sản. Người biểu tình được đại diện bởi "Ủy ban đấu tranh Galle Face" (tên đại lộ bên cạnh dinh thự) gồm khoảng 100 người, đóng ở văn phòng tổng thống và thủ tướng, khẳng định chỉ ra đi khi hai nhân vật này thực sự từ chức.

Ukraine cố gắng phản công ở miền nam

Về chiến sự tại Ukraine, Libération quan tâm đến việc"Kiev tìm cách phản công ở miền nam".Quân đội Ukraine hôm qua đã tấn công vào một đơn vị Nga và một kho đạn ở Nova Kakhovka, cách Kherson 70 km. Một cột khói hình nấm cao đến vài chục mét bốc lên trên bầu trời thành phố đêm khuya. Kiev nói rằng 52 lính Nga bị chết, còn Moskva tố cáo "hành động khủng bố" làm 7 người thiệt mạng và 60 người bị thương.

Theo Vincent Tourret, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược thì cuộc tấn công này giúp Ukraine chứng tỏ hiệu quả của vũ khí phương Tây trước hỏa lực dồn dập của kẻ thù. Phillips O'Brien, đại học Saint Andrews nhận xét : "Người Nga đã để cho kho đạn dễ xác định vị trí một cách rất buồn cười". Hoặc là do chỉ đạo không đến nơi đến chốn, hoặc không thể chuyển kho đi nơi khác vì thiếu xe tải.

Số vụ tấn công của Ukraine tăng lên làm Moskva phải di dời một căn cứ xa hơn 20 km, và chuẩn bị chiến đấu trong thành phố nếu Ukraine tiến vào được Kherson. Tương tự như ở Kharkov, Kiev cố duy trì áp lực lên quân Nga đang ở thế thủ vì phải tập trung sức cho Donbass. Từ đầu tháng Bảy, Ukraine đã giành lại được hai làng Ivanivka và Lozove ở Kherson, giải thoát được năm công dân trong một hoạt động đặc nhiệm của tình báo. Cho dù là những thắng lợi hết sức nhỏ bé nhưng cũng giúp nâng cao tinh thần quân dân.

Vấn đề là liệu Ukraine có đủ phương tiện để phản công quy mô hay không ? Theo Viện Kiel, Hoa Kỳ chỉ mới cung cấp chưa đầy 40% số vũ khí đã hứa. Ông Vincent Tourret nhận xét : "Sẽ không có bất kỳ đột phá đáng kể nào nếu không có viện trợ từ phương Tây. Ukraine hầu như đã cạn kiệt đạn dược thời xô-viết, nay họ hoàn toàn lệ thuộc vào sự trợ giúp của chúng ta".

Tồn tại và kháng chiến ở Kherson bị Nga chiếm đóng

Còn tại Kherson, vốn bị quân Nga chiếm ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng, người dân sinh sống, di chuyển, làm việc như thế nào ở một thành phố bị cắt rời khỏi đất nước ? Đặc phái viên của Libération ở thành phố Mykolaiv kế cận cho biết tại đây "cuộc sống thực ra chỉ là sống sót". Veronika, một nữ kỹ sư trẻ thuật lại qua ứng dụng bảo mật : "Cuộc sống ở Kherson giống như ở tù. Bất kỳ ai đều có thể bị bắt hoặc đưa đi mất tích vì một hình xăm, một tin nhắn gởi đi, một like trên mạng xã hội. Tôi không còn ra ngoài, không đi uống cà phê hay làm đẹp, suốt ngày ở trong nhà. Hơn nữa cũng không còn việc làm, đại đa số công ty đã đóng cửa". Alexandra, một nông dân nói thêm : "Sống chỉ là cố tồn tại. Chúng tôi sợ bị cho vào danh sách đen và bị bắt ở một trạm kiểm soát. Không dám nói về chính trị, sợ bị nghe được và tố cáo".

Một chính quyền mới do một cựu FSB đứng đầu đã được dựng lên, đang chuẩn bị "trưng cầu dân ý" để sáp nhập vào Nga. Đồng rúp trở thành bản vị, các hộ chiếu Nga được phân phát cho dân, đa số giáo sư đại học bị đuổi việc và tiếng Nga được áp đặt trong giảng dạy. Lính Nga tỏ rõ là ông chủ, họ vào các cửa tiệm không thèm xếp hàng, với thái độ cười cợt. Họ vào các nông trại cướp xăng dầu, máy nông nghiệp... Ít nhất 600 thường dân ở Kherson bị bắt cóc trong đó có thị trưởng Ihor Kulekaev, những ai trở về được đều đã bị đánh đập và suy sụp tinh thần. Những cuộc biểu tình trong thời gian đầu vừa bị chiếm đóng đã chấm dứt từ lâu dưới những họng súng kalachnikov.

Tuy nhiên kháng chiến vẫn âm thầm diễn ra dưới dạng những hình vẽ, vệt màu xanh vàng trên những bức tường, băng ghế, hàng cây, những lá cờ Ukraine ở góc phố. Chiến dịch "ruy-băng vàng" này đi kèm với việc cung cấp các thông tin về vị trí quân sự của Nga cho quân đội Ukraine. Những tuần lễ gần đây, đã có các hoạt động vũ trang nhắm vào các viên chức người Nga hay làm việc cho Nga. Ngày 24/06, Dimitri Savluchenko phụ trách thể thao và thanh niên đã bị tử thương vì một quả bom. Sáu ngày sau, người đứng đầu cơ quan quản lý trại giam bị thương và thứ Hai 11/06 cựu thị trưởng Vladimir Saldo chấp nhận cộng tác với Nga suýt chết.  

Quốc khánh Pháp : Lần đầu duyệt binh với biểu tượng NATO, nhấn mạnh Đông Âu

Tại Pháp, cuộc diễn binh nhân lễ Quốc khánh 14/07 ngày mai mang dấu ấn Ukraine và NATO. Le Figaro và La Croix cho biết có 6.300 quân nhân sẽ diễu hành trên đại lộ Champs-Élysées, các quốc gia Đông Âu được vinh danh. "Chia sẻ ngọn lửa", đó là khẩu hiệu năm nay để nhắc nhở ngọn lửa kháng chiến Pháp, tưởng niệm kháng chiến quân cuối cùng Hubert Germain qua đời hồi tháng 10 ; đồng thời còn là ngọn lửa Olympic sẽ đến Paris năm 2024. Buổi lễ sẽ kết thúc bằng màn trình diễn âm nhạc của nữ ca sĩ (và là quân nhân dự bị) Candice Parise, được đặt tên là "France".

Lần đầu tiên cuộc diễn binh truyền thống mang biểu tượng NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Đối với một quốc gia luôn giữ khoảng cách với Liên minh Bắc Đại Tây Dương, sự thay đổi này rất đáng chú ý do cuộc xâm lăng Ukraine. Biểu tượng của 9 nước Đông Âu sẽ đi đầu : Estonia, Latvia, Lithuania (Litva), Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech, Bulgaria, Romania. Trên bầu trời, là hai chiếc Rafale đã bán cho Hy Lạp cùng với bốn phi cơ vận tải của Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý ; 25 trực thăng, 64 phi cơ và lần đầu tiên có một drone là chiếc Reaper tham gia.

Pháp tỏ ra chừng mực khi chỉ mời khoảng 100 đại diện quân đội Châu Âu, không có nguyên thủ nào hiện diện, và cũng không vinh danh riêng các chiến sĩ Ukraine đang chiến đấu chống lại Nga. Thay vào đó là kỷ niệm 400 năm lực lượng Hải quân, 30 năm các chiến dịch đặc biệt, 80 năm hệ thống thông tin liên lạc quân sự.

Đặc biệt ba khẩu đại pháo Caesar, niềm hãnh diện của Pháp đã chứng tỏ uy lực ở Ukraine cũng tham gia cuộc diễn binh. Paris đã tặng cho Kiev 12 khẩu và hứa giao thêm 6 khẩu, một nỗ lực đáng kể vì Lục quân Pháp chỉ có tổng cộng 76 khẩu Caesar. Có 300 khẩu đã được bán cho một số nước, mới nhất là Lithuania đặt mua 18 khẩu để trang bị cho một đơn vị gần Kaliningrad, vùng đất của Nga đang quân sự hóa. Lithuania muốn nhận sớm, nhưng Pháp đang phải dành ưu tiên cho Ukraine.

Chuyến đi Trung Đông đầy cạm bẫy của tổng thống Joe Biden

Cũng về thời sự quốc tế, các báo đều bình luận về chuyến thăm Trung Đông của tổng thống Joe Biden. Theo Le Monde, đó là nhằm"củng cố mối quan hệ với các đồng minh", Les Echos coi là một "vòng công du đầy nguy hiểm", với Le Figaro "đầy cạm bẫy". Nhật báo thiên hữu mỉa mai trong bài xã luận "Cường quốc quỳ gối" : dù là người đứng đầu đại cường số một thế giới, ông Biden lại đi với tư thế xin xỏ thay vì người làm chủ cuộc chơi.

Việc Mỹ rút lui khỏi Trung Đông sau 20 năm thất bại về chiến lược và quân sự ở Afghanistan, Iraq, Syria đã làm giảm đi kỳ vọng của các nhân tố trong khu vực đối với sức mạnh của "hiến binh quốc tế". Các nhà lãnh đạo Israel, Palestine và Saudi Arabia biết rằng sẽ tiếp một ông chủ Nhà Trắng đang yếu đi. Không chỉ tuổi tác làm ông liên tục có những cú ngã, mà Biden còn đứng trước nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ và bị chính phe của mình đòi hỏi không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

Lẽ ra phải tránh gặp thái tử Mohammed Ben Salman (MBS), nhưng Biden rất cần Saudi Arabia để đề nghị tăng sản lượng dầu lửa, nhằm làm giảm giá xăng và ngăn chận nạn lạm phát ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến những lá phiếu của đảng Dân Chủ vào tháng 11 tới. Chưa kể nguy cơ làm rạn nứt liên minh với Châu Âu chống lại Nga. Le Monde nhắc đến hai bóng ma ám ảnh chuyến công du này : nhà báo Jamal Khashoggi bị đặc vụ Saudi Arabia ám sát tháng 10/2018 và nhà báo Shireen Abu Akleh của kênh Al-Jazira, được cho là bị lính Israel bắn chết. Về phía MBS không sẵn sàng hy sinh mối quan hệ tốt với Moskva, cũng không có lợi khi dầu sụt giá.

Đồng euro sụt ngang giá đô la gây lo lắng

1,0001 : đó là tỉ giá euro so với đô la vào lúc gần trưa hôm qua 12/07. Le Figaro ví von giờ đây phải sắm một chiếc kính hiển vi mới theo dõi được tỉ lệ hối đoái. Lần đầu tiên đồng tiền chung Châu Âu ngang giá với đồng đô la kể từ 2002, sự bất định của việc cung cấp khí đốt Nga cho Châu Âu làm đồng euro mất giá nhanh hơn. Nông sản, hàng xa xỉ, hàng không… những mặt hàng "made in France" sẽ bán chạy hơn, nước Pháp sẽ hấp dẫn hơn đối với khách du lịch Mỹ. Tuy nhiên các nhà nhập khẩu hàng điện tử, đồ chơi, dệt may… phải méo mặt, năng lượng và nguyên vật liệu đắt đỏ hơn.

Viễn vọng kính Webb và cuộc cách mạng thiên văn

Chuyển sang lãnh vực khoa học, các báo đều ca ngợi viễn vọng kính Webb, với những hình ảnh đầu tiên sau 15 năm bị trễ và chi phí khổng lồ khiến NASA bị nhiều chỉ trích. Đó là những bức ảnh đẹp nhất từ trước đến nay, tuy nhiên vấn đề không phải là thẩm mỹ mà là giá trị khoa học. Webb giúp quan sát thật xa, đến những thiên hà chưa từng được nhận diện. Cư dân Trái Đất giờ đây có thêm cặp mắt mới ở cách xa 1,5 triệu kilomet để dõi theo vũ trụ. Đây là cỗ máy tuyệt vời để đi ngược thời gian, theo vết luồng ánh sáng đã mất trên 13 triệu năm để đến với nhân loại. Webb giúp tìm kiếm nguyên nhân sinh ra những vì sao và những thiên hà, khoảng vài chục triệu năm sau vụ Big Bang.

Nhiều nhà khoa học đã rơi lệ khi những bức ảnh được công bố vào thứ Hai 11/07, mà ông Biden gọi là một "ngày lịch sử". Tổng cộng có trên 20.000 người tham gia vào việc xây dựng viễn vọng kính này với chi phí ước tính 11 tỉ đô la, cái giá phải trả cho một cuộc cách mạng thiên văn.

Thụy My

Published in Châu Á

Dân Sri Lanka lật đổ chế độ, bẫy nợ Trung Quốc vẫn rình rập các nước

Chính quyền độc tài, tham nhũng, quản lý kinh tế tồi tệ, lệ thuộc Bắc Kinh... Tập hợp những yếu tố này cũng thấy được ở một số quốc gia, và theo La Croix, cuộc nổi dậy mới đây ở Colombo báo trước nhiều cuộc phản kháng khác của dân chúng.

sri1

Người biểu tình tràn ngập bên trong Phủ tổng thống ở Colombo, Sri Lanka ngày 09/07/2022 sau khi ông Gotabaya Rajapaksa chạy trốn.  Reuters – Dinuka Liyanawatte

Dân chúng Sri Lanka không còn gì để mất

Ngày thứ Bảy 09/07, sau khi vượt qua các rào cản và cảnh sát, một biển người tràn vào Phủ tổng thống, họ nhảy nhót trên giường, bơi trong hồ tắm, nấu nướng trong nhà bếp, chơi piano, tập thử ở phòng gym của tổng thống Gotabaya Rajapaksa... Tư dinh thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng bị dân chúng tràn ngập rồi phóng hỏa.

La Croix coi đây là "Một cuộc động đất chính trị trong bối cảnh kinh tế sụp đổ" ở Sri Lanka. Những hình ảnh khó tin trên mạng xã hội cho thấy chiến thắng của một dân tộc - từ nhiều tháng qua đòi hỏi tổng thống phải từ chức. Lâm vào cảnh cùng cực, đầy phẫn nộ, người biểu tình đã khiến ông Gotabaya phải chạy trốn, dẫn đến sự sụp đổ của cả một gia tộc quyền lực.

Một nhà báo địa phương cho biết, người biểu tình đi bộ, đi xe đạp hay xe lửa đến do không có xăng dầu. Trước lựu đạn cay và những loạt súng, họ không lùi bước, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Nhà phân tích Bhavani Fonseka nhận thấy người dân đã buộc một tổng thống đầy quyền hành phải hứa từ chức, là một "sự kiện lịch sử". Nhà đấu tranh nhân quyền Ruki Fernando nhận xét, vụ chiếm Phủ tổng thống và tư dinh cho thấy các dinh thự xa hoa này được nuôi dưỡng bằng công quỹ, trong khi chính quyền nói rằng không có tiền để mua những hàng hóa thiết yếu.

Bẫy nợ của Bắc Kinh vẫn đang rình rập nhiều nước

Sự kiên nhẫn của người Sri Lanka đã đến mức tột cùng. Hòn đảo 22 triệu dân trước đây thịnh vượng, nay mất khả năng chi trả món nợ 51 tỉ đô la từ tháng Tư. Tỉ lệ lạm phát lên đến mức kỷ lục 54,6% trong tháng Sáu, hàng hóa khan hiếm từ thuốc men cho đến xăng dầu, 80% dân số bị đứt bữa. Tuy được cho là do đại dịch, nhưng dân chúng tin rằng do nạn tham nhũng của gia tộc Rajapaksa thống trị từ nhiều năm qua, sau khi đè bẹp phe Hổ Tamul.

Trong bài xã luận "Sri Lanka, chiếc bẫy Trung Quốc", La Croix nhận định cuộc nổi dậy có những nguyên nhân nội tại, nhưng còn chứng tỏ vai trò quan trọng của Bắc Kinh. Là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc tung ra vô số chương trình "đối tác" để thâu tóm những cơ sở hàng hải, kinh tế và chính trị ở nước ngoài. Đảo quốc Sri Lanka với vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương trở thành mục tiêu hàng đầu. Tổng thống Gotabaya cùng với người anh Mahinda, cựu tổng thống nay là bộ trưởng Quốc phòng, ký với Bắc Kinh những hợp đồng cơ sở hạ tầng béo bở (cảng nước sâu, nhà chọc trời, phi trường quốc tế), những chiếc thùng không đáy ngốn tiền. Trung Quốc cho vay những món tiền lớn và từ chối cho đảo nợ khi Sri Lanka gặp khó khăn.

Chế độ độc tài, quản lý kinh tế tồi tệ, tham nhũng, lệ thuộc Bắc Kinh... đó là món cocktail cũng tìm thấy ở nhiều quốc gia dễ tổn thương khác. Tờ báo cho rằng cuộc nổi dậy ở Colombo báo trước nhiều cuộc khác, được thổi bùng lên với khủng hoảng năng lượng và thực phẩm do cuộc xâm lăng Ukraine gây ra.

Trung Quốc càn quét hải sản biển Ả Rập

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Mondecó bài phóng sự dài về hiện tượng những đoàn tàu hùng hậu của nước này tỏa đi đánh bắt mực ở phía bắc Ấn Độ Dương, đúng hơn là nạn cướp bóc tài nguyên ở nơi cách xa Hoa lục đến 10.000 cây số. Trong mùa đánh bắt từ tháng 8/2021 đến tháng 5/2022, các phóng viên của tờ báo đã theo sát dấu vết một đoàn 14 tàu từ Phúc Kiến, nhờ dữ liệu vệ tinh của Global Fishing Watch (GFW). Những tàu này dùng ánh sáng để dẫn dụ, câu mực, thả lưới trên cả một vùng biển lớn. Ban đêm, quan sát từ không trung, là cả một vầng sáng rộng như một thành phố.

Trên các vùng biển quốc tế, tàu Trung Quốc thâu tóm 50% đến 70% loại hải sản giàu protein này – loài mực ở vùng biển gần Hoa lục ngày càng ít và giá trị thấp hơn. Chính quyền bang Kerala của Ấn Độ ước tính khoảng 1.000 tàu Trung Quốc xuôi ngược trên Ấn Độ Dương đánh bắt trái phép, rất nhiều chiếc không bật định vị. Theo tính toán của Le Monderiêng trong mùa 2021-2022, Trung Quốc đã gom được đến 420.000 tấn cá các loại và mực tại biển Ả Rập (vùng biển trên Ấn Độ Dương).

Shinzo Abe, "hoàng tử của đảng Dân chủ Tự do"

Về Châu Á, các báo Pháp đều đề cập đến sự kiện chấn động gần đây : cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát. Cú sốc gây ra và vô số phản ứng từ khắp thế giới chứng tỏ tầm quan trọng của ông Abe, người thừa kế của dòng họ nổi tiếng Nhật Bản, nắm giữ kỷ lục giữ chức thủ tướng lâu nhất. Ngoại trưởng Mỹ Blinken ca ngợi "một nhà lãnh đạo có tầm nhìn lớn", thủ tướng Ấn Độ Modi "đau buồn hơn cả những ngôn từ", chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Leyen tố cáo "vụ sát hại hèn hạ và dã man" ông Shinzo Abe, "một nhà dân chủ lớn và người bảo vệ một trật tự quốc tế đa phương".

Le Monde cho biết ông Abe sinh ra trong một danh gia vọng tộc lừng lẫy ở Yamaguchi. Ông ngoại ông, Nobusuke Kishi là thủ tướng Nhật từ 1957 đến 1960 ; ông cậu Eisaku Sato cũng là thủ tướng từ 1964 đến 1972, giải Nobel hòa bình 1974 ; người cha Shintaro Abe là ngoại trưởng và nhiều hy vọng trở thành thủ tướng nhưng sau đó qua đời vì bệnh tim. Con trai ông, Shinzo Abe cần phải nối tiếp truyền thống gia đình, đó là mong muốn và mệnh lệnh của người mẹ, bà Yoko, tuy lúc nhỏ ông chỉ muốn trở thành cầu thủ bóng chày hay thám tử.

Ngay từ khi bước chân vào chính trường, Shinzo Abe đã tham gia phe thiên hữu nhất trong đảng Dân chủ Tự do (PLD) là Hosoda. Ông tấn công vào những hồ sơ phức tạp như các vụ người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc, sự cứng rắn và lịch thiệp của ông thu hút cử tri nhất là phụ nữ, Abe được mệnh danh là "hoàng tử của PLD". Ông lên làm thủ tướng năm 2006 với chương trình bảo thủ về chính trị và tự do về kinh tế, gây ngạc nhiên khi đi thăm Bắc Kinh và Seoul để nối lại quan hệ thay vì đi Mỹ.

Giấc mơ sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của ông Abe liệu có thành ?

Chính sách Abenomics của ông dựa vào linh hoạt tiền tệ, tái thúc đẩy ngân sách và cải tổ cơ cấu đã đưa Nhật Bản vào thời kỳ tăng trưởng kéo dài. Tập trung vào việc tăng cường liên minh với Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh cho Nhật, Abe làm mọi cách để thu hút sự chú ý của các tổng thống Mỹ, và thậm chí còn đạt được mối quan hệ thân thiết với ông Donald Trump. Về uy tín trong nước, Le Monde gọi ông Shinzo Abe là "người dựng lên những ông vua" : cả Yoshihide Suga lẫn Fumio Kishida lên làm thủ tướng được nhờ ông Abe. Sự hiện diện của ông bên cạnh các ứng cử viên luôn rất quý giá, thế nên ông mới có mặt ở Nara trong cái ngày 08/07 định mệnh ấy.

Le Figaro chú ý đến việc các cơ quan truyền thông lớn của Nhật Bản khi đưa tin về lời khai từ hung thủ, chỉ nói chung chung hắn nghi ngờ ông Abe có liên hệ với một "tổ chức tôn giáo" chứ không nêu tên tổ chức này. Tuy nhiên những tờ báo nhỏ và báo chí ngoại quốc đều cho biết đó là Giáo hội Thống Nhất, còn gọi là giáo phái Moon. Các tôn giáo như Thần Đạo, Soka Gakkai, Seicho no ie, Giáo hội Thống Nhất... đều âm thầm đóng những vai trò trên chính trường Nhật Bản trong việc huy động tín đồ đi bỏ phiếu, quyên góp… La Croixghi nhận, xúc động trước vụ ám sát, số cử tri đi bầu Thượng Viện đông đảo hơn thường lệ,đảng PLD chắc chắn giành được ưu thế.

Các nhà điều tra đang do dự giữa hai giả thiết tấn công khủng bố và hình sự đơn thuần. Một số tờ báo tiếng Nhật và tiếng Anh đã dùng chữ "khủng bố". Nếu trước đây chiến dịch vận động chỉ xoay quanh vấn đề vật giá và môi trường, thì giờ đây còn là ngân sách quốc phòng trước các mối đe dọa quân sự. Trường hợp PLD giành được hai phần ba số ghế, sẽ có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc hủy bỏ điều 9 Hiến pháp chủ hòa. Với một công chúng nhạy cảm, nếu vụ ám sát cựu thủ tướng được coi là "hành vi khủng bố", sẽ tạo điều kiện cho việc tu chính Hiến pháp. Đó là giấc mơ của ông Shinzo Abe. Nhưng khả năng tiếp nhận vũ khí nguyên tử Mỹ để răn đe các láng giềng sở hữu loại vũ khí này, đã trở nên mỏng manh hơn với sự ra đi của ông.

Nga thiếu quân cho chiến thuật "tiền pháo hậu xung"

Trên chiến trường Ukraine, Le Monde nhận thấy quân Nga hầu như không tiến thêm được từ sau khi chiếm Luhansk. Tạm ngơi nghỉ, chuẩn bị chiến thuật mới hay bước ngoặt của cuộc chiến ? Hơn bốn tháng sau khi Nga tấn công Ukraine, khó thể biết được cuộc xung đột sẽ diễn biến ra sao.

Việc tập trung ít nhất 30 cụm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) ở Donbass xác nhận ý đồ chiếm ít nhất là Donetsk, nhưng Moskva luôn nói muốn tiến đến tận Transnistria (ở Moldova) để cắt lối vào Hắc Hải của Ukraine. Và những tuyên bố của Nga cũng như Belarus khiến không thể bỏ qua giả thiết một cuộc tấn công thứ hai vào thủ đô Kiev. Hôm 05/07, thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrouchev khẳng định chiến dịch còn tiếp tục "cho tới khi nào đạt được mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine".

Nhà phân tích quân sự Nga Serguei Poletaev cho rằng quân đội Nga cùng với quân ly khai và lính đánh thuê Wagner đã áp dụng chiến thuật dấn lên từ từ theo kiểu Đệ nhất Thế chiến "tiền pháo, hậu xung". Tuy nhiên Nga đang rất thiếu quân, không thể áp đảo được về số lượng, không thực hiện được những đột phá. Thay vì thay đổi chiến thuật, Moskva âm thầm huy động ở cấp vùng vì động viên ở cấp liên bang rất dễ mất lòng dân. Vùng Nijni Novgorod vừa lập tiểu đoàn lính xe tăng riêng, vùng Bachkortostan (Ural) gởi 12 chuyến xe buýt tình nguyện quân sang Ukraine, và danh sách nhanh chóng dài thêm.

Chiến lược mới của Ukraine : Phá kho đạn

Về phía Ukraine tiến hành cùng một chiến lược ở miền nam và miền đông : trụ lại càng lâu càng tốt để gây thiệt hại tối đa cho địch. Một cuộc chiến tiêu hao để làm kiệt sức đội quân đỏ. Nhà tư vấn Xavier Tytelman của Aviation NXT ước tính Nga đã thiệt mất 5.000 quân để chiếm Severodonetsk và Lysychansk. Tuy gây thiệt hại nặng nề cho quân Nga, nhưng vẫn chưa đủ để chặn đứng kẻ thù, chủ yếu do chênh lệch quá lớn về hỏa lực. Theo Viện RUSI của Anh, Nga bắn đi 20.000 quả đạn một ngày vào các vị trí của Ukraine, còn phía Ukraine chỉ khoảng 6.000 quả.

Ý thức được không thể tiêu diệt từng khẩu đại bác một trong số hàng trăm khẩu của Nga bố trí dọc theo tiền tuyến, quân đội Ukraine nay nhắm vào các kho đạn, kho xăng của Moskva tại những vùng chiếm đóng và cả ở hậu cứ. Có ít nhất 11 kho đã bị phá hủy trong 10 ngày qua tại nhiều thành phố Ukraine (Donetsk, Melitopol, Kherson...) và trên đất Nga (Belgorod, Koursk...). Điểm yếu của hệ thống pháo binh Nga vẫn là logistic và thói quen trữ một lượng lớn đạn pháo.

Tuy chiến lược này đã làm chậm lại thậm chí ngưng hẳn đà tiến của Nga, các nhà phân tích phương Tây vẫn cho rằng Ukraine khó thể chuyển từ thế thủ sang thế công. Kiev đang cố gắng tái chiếm Kherson, những chiến sĩ Ukraine nay đã có mặt ở phòng tuyến bảo vệ thành phố. Họ có thể vượt qua hay không ? Đó là một trong những chiếc chìa khóa của các tuần lễ sắp tới.

Nga bị đả kích ở G20, kể cả từ các nước BRICS

Trên lãnh vực ngoại giao, Les Echos thuật lại việc ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đành phải rời hội nghị G20 ở Bali ở Bali cuối tuần trước dù cuộc tranh luận chưa kết thúc, trước những chỉ trích dữ dội của phương Tây về cuộc xâm lăng Ukraine.

Ngay khi Lavrov vừa xuất hiện, ông đã phải đối mặt với một loạt câu hỏi gay gắt. "Bao giờ các ông mới kết thúc chiến tranh ?" "Tại sao không ngưng chiến ?". "Quân xâm lăng", "kẻ tấn công", "quân chiếm đóng"... đó là những từ ngữ dành cho phía Nga. Lavrov than phiền các đối tác phương Tây không muốn nói về kinh tế thế giới mà chỉ tập trung chỉ trích Moskva. Ngoại trưởng Nga không tham dự một phiên thảo luận trong đó đồng nhiệm Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu qua video, và rời phòng họp khi ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đả kích chính sách của Nga.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhấn mạnh sự cô lập của Nga, ngay cả một số nước ngỡ rằng sẽ ủng hộ Lavrov cũng chỉ trích ông ta. Bà cho biết không có một quốc gia nào thậm chí BRICS, bênh vực thái độ của Nga. "Ngay cả Trung Quốc đã bắt đầu bài phát biểu bằng cách nói rằng Hiến chương Liên Hiệp Quốc cần phải là trung tâm các mối quan hệ quốc tế, Ấn Độ cũng vậy". Có mặt tại Bali, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từ chối gặp riêng Serguei Lavrov. Ông tố cáo trách nhiệm của Nga trong cuộc khủng hoảng lương thực và nhiên liệu thế giới, đồng thời hoan nghênh cộng đồng quốc tế lên tiếng đòi chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Cảnh sát 5 nước Châu Âu phá đường dây đưa người Việt vượt biển Manche

Cũng tại Châu Âu nhưng có phần liên quan đến Việt Nam, Le Mondecó bài điều tra về "Hồi kết của một mạng lưới phát đạt chuyên đưa người vượt biên qua biển Manche". Một đợt truy quét tại năm nước Châu Âu đã phá vỡ đường dây giúp di dân sang Anh bằng "small boats".

Theo Luân Đôn, trên 28.500 người đã đến Anh bằng những chiếc xuồng cao su năm 2021, trong khi năm 2018 chỉ có 300 người, và năm nay đã có gần 15.000 vụ. Ngày 06/07, Pháp, Bỉ, Đức, Anh, Hà Lan đã phối hợp với Europol và Eurojust tung ra "chiến dịch quốc tế lớn nhất từ trước đến nay chống những kẻ đưa người vượt biển bằng xuống". Có 39 người bị bắt, trong đó cầm đầu là một người Kurdistan ở Iran 26 tuổi. Năm mươi vụ khám xét được tiến hành, tịch thu trên 1.200 áo phao, 135 chiếc xuồng và 50 đầu máy.

Tờ báo cho biết tại Pháp, vào cuối năm 2020 cánh sát bắt đầu chú ý đến một mạng lưới đưa người Việt sang Anh bằng tàu. Ngày 19/05/2021, một trong những tàu vượt biên loại này đã bị chìm cách bãi biển La Panne của Bỉ với 44 người Việt Nam và 5 người Irak. Lần theo mạng lưới ngườ Việt, cảnh sát tìm ra cả một đội quân hỗ trợ, đứng đầu là một người Kurdistan ở Irak 24 tuổi. Anh ta chỉ đạo đường dây đem lại lợi nhuận ít nhất 3,5 triệu euro/năm từ trong nhà tù ở Le Havre. Một nghi can khai rằng người Việt phải trả 3.000 euro/người, còn giá cho người Kurdistan là 2.000 euro. Nhà chức trách cho biết chiến dịch là một thành công lớn, vì đường dây vừa bị phá chiếm 40-50% các vụ đưa người vượt qua biển Manche.

Thụy My

Published in Châu Á

Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất từ khi độc lập năm 1948. Ngày 26/06/2022, xăng dầu lại tăng giá trong bối cảnh nước này gần như cạn dầu, hết tiền mua lương thực. Một phái đoàn của Mỹ đã tới Colombo để thảo luận về các biện pháp ngăn khủng hoảng kinh tế.

srilanka1

Nhiều người dân đứng chờ đợi khi đoàn biểu tình chặn giao thông gần một trạm nhiên liệu ở Colombo, Sri Lanka, ngày 24/06/2022. AP - Eranga Jayawardena

Trước đó, bộ trưởng Năng lượng thông báo là Sri Lanka đã không nhận được các đợt giao dầu lửa, dự kiến vào tuần trước. Khối lượng dầu lửa dự kiến cho tuần tới cũng sẽ không được giao vì "lý do ngân hàng".

Tình hình sẽ còn trầm trọng hơn vì công ty nhà nước Ceylon Petroleum Corporation (CPC) không thể biết được là khi nào quốc đảo này sẽ lại được giao dầu lửa. Nhà máy lọc dầu duy nhất của CPC đã phải ngừng hoạt động vì thiếu dầu thô, trong khi vào đầu tháng 06 đã phải dùng 90.000 tấn dầu thô của Nga nhập qua trung gian là công ty Coral Energy ở Dubai nhờ vào các khoản vay tín dụng hai tháng.

Theo một số nguồn tin chính thức được AFP trích dẫn, nguồn tài nguyên hiện giờ của Sri Lanka chỉ đáp ứng được nhu cầu cho hai ngày, nhưng chính quyền Colombo ưu tiên cho các dịch vụ chủ chốt. Nhiều cơ quan hành chính, được cho là không cần thiết, đã phải đóng cửa, trong đó có trường học, trong vòng hai tuần.

Từ nhiều tháng nay, quốc gia Nam Á này bị ngập trong nợ, được thẩm định lên tới 51 tỉ đô la và không có khả năng thanh toán. Thiếu ngoại tệ, chính quyền trung ương không thể cung ứng được cho người dân, từ nhu yếu phẩm đến thuốc men.

Liên Hiệp Quốc thẩm định 80% dân số Sri Lanka đã phải giảm mức tiêu thụ lương thực vì tình trạng khan hiếm nghiêm trọng và vật giá leo thang, gần 1,7 triệu người cần "hỗ trợ thiết yếu", đồng thời kêu gọi giải ngân khẩn cấp 47 triệu đô la cho những người gặp khó khăn nhất trong tổng số 22 triệu dân ở Sri Lanka.

Về phía Mỹ, phái đoàn của bộ Tài Chính và bộ Ngoại Giao đã đến Colombo "tìm hiểu những cách thức hiệu quả nhất để Hoa Kỳ hỗ trợ người dân Sri Lanka đang cần trợ giúp". Đại sứ Mỹ tại Colombo cho biết Washington đã cam kết 158,75 triệu đô la cho các dự án tài trợ mới trong hai tuần gần đây để hỗ trợ người dân Sri Lanka.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Cảnh sát được lệnh bắn đạn thật vào những kẻ "gây rối"

Thanh Phương, RFI, 11/05/2022

Cảnh sát Sri Lanka nay được lệnh chuyển sang thế tấn công và bắn đạn thật vào những kẻ "gây rối", để tránh cho nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn.

srilanka1

Lính Sri Lanka cầm súng canh giữ tại một trạm kiểm soát bên ngoài tư dinh thủ tướng tại Colombo (Sri Lanka) ngày 10/05/2022. AP - Eranga Jayawardena

Trên đây là tuyên bố của một quan chức cao cấp của cảnh sát Sri Lanka với hãng tin AFP hôm nay, 11/05/2022, sau hai ngày bạo động đẫm máu trong các cuộc biểu tình chống chính phủ, khiến 8 người chết và hơn 225 người bị thương, theo tổng kết của cảnh sát. 

Theo lời quan chức cảnh sát nói trên, đây không còn là một sự bày tỏ tức giận một cách tự phát, mà đã trở thành "bạo động có tổ chức". Cho nên, lực lượng cảnh sát Sri Lanka, gồm 85.000 người, kể từ nay được lệnh bắn đạn thật vào những kẻ gây rối. Việc bảo vệ an ninh cho các thẩm phán bị đe dọa tính mạng cũng sẽ được tăng cường.

Sau vụ hỏa hoạn tối qua tại một khách sạn hạng sang thuộc quyền sở hữu của phe tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở miền nam Sri Lanka, tại nhiều nơi, cảnh sát đã phải bắn chỉ thiên để giải tán những đám đông đốt xe. Ngay từ tối qua, quân đội Sri Lanka đã được lệnh bắn thẳng vào những kẻ gây bạo loạn. 

Từ nhiều ngày qua, người dân Sri Lanka ngày càng phẫn nộ sau nhiều tháng khan hiếm lương thực, nhiên liệu, thuốc men, cắt điện liên tục. Trong nhiều tuần lễ, người dân đã xuống đường biểu tình một cách ôn hòa để đòi tổng thống Rajapaksa từ chức. Nhưng những người ủng hộ chính phủ, được chở từ các tỉnh lên thủ đô Colombo, đã tấn công vào những người biểu tình, dẫn đến các vụ đụng độ đẫm máu.

Hôm thứ Hai vừa qua, thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã từ chức và sáng sớm hôm qua, quân đội đã phải can thiệp để đưa ông ra khỏi tư dinh của ông đang bị bao vây ở thủ đô Colombo.

Lệnh giới nghiêm, trên nguyên tắc được bãi bỏ hôm nay, đã được triển hạn 24 tiếng đồng hồ. Nhưng những người biểu tình bất chấp lệnh giới nghiêm hôm nay vẫn cắm trại trước văn phòng tổng thống Gotabaya Rajapaksa.

Sau Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, đến lượt Hoa Kỳ hôm qua, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price, đã bày tỏ quan ngại về bạo động leo thang ở Sri Lanka và về việc triển khai quân đội ở nước này.

Thanh Phương

********************

Sri Lanka : Tiếp tục biểu tình kêu gọi tổng thống từ chức

Phan Minh, RFI, 10/05/2022

Khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka tiếp tục. Hôm 09/05/2022, tại thủ đô Colombo, Sri Lanka, xung đột dữ dội đã xẩy ra giữa phe ủng hộ thủ tướng và phe đòi tổng thống, từ chức. Đây là vụ bạo động nghiêm trọng nhất kể từ khi có các cuộc biểu tình chống tổng thống. Ngay trong ngày hôm qua, thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã đệ đơn từ chức lên tổng thống và cũng là em trai của ông, Gotabaya Rajapakse.

srilanka2

Một góc phố ở Colombo, Sri Lanka, ngày 10/05/2022, một hôm sau cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ chính phủ và người chống chính phủ. AP - Eranga Jayawardena

Tuy nhiên, theo thông tín viên trong khu vực, Sébastien Farcis, tình hình vẫn còn rất căng thẳng :

"Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi hàng trăm người ủng hộ đảng cầm quyền đến từ nông thôn lao vào và tấn công bằng dùi cui những người biểu tình ôn hòa bên ngoài dinh thự của tổng thống ở trung tâm Colombo. Cảnh sát đã không làm gì để ngăn cản họ, thậm chí còn bảo vệ họ khi những người biểu tình chống trả.

Cuộc tấn công này đã làm bùng nổ cơn thịnh nộ bị kìm nén từ một tháng qua của những người biểu tình chống lại triều đại Rajapakse cầm quyền. Trong đêm, họ đã đốt cháy hàng chục ngôi nhà của các đại biểu thân chính quyền và một trong những ngôi nhà của tổng thống Rajapakse. Một trong những dân biểu bị chặn lại bởi đám đông giận dữ, đã rút súng bắn chết hai người trước khi tự sát.

Lệnh giới nghiêm toàn quốc đã được ban hành, ngoài tình trạng khẩn cấp được áp dụng kể từ cuối tuần qua, giúp quân đội có thêm quyền hạn, nhưng một số người biểu tình dường như đã không tôn trọng các lệnh này hôm tối thứ 2 do quá tức giận.

Do đó, một bầu không khí vô chính phủ đáng lo ngại đang hoành hành ở Sri Lanka. Và việc thủ tướng từ chức vẫn không khiến ai nguôi giận, bởi điều mà những người biểu tình thực sự muốn là tổng thống đầy quyền lực, Gotabaya Rajapakse, người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có phải từ chức".

Phan Minh

Published in Châu Á

Sri Lanka đơn phương tm dng tr n nước ngoài, ưu tiên tin cho nhu cu thiết yếu

Ngân hàng trung ương Sri Lanka nói hôm th Ba 12/4 rng tình hình "quá khó khăn và bt kh thi" nên không th tr n nước ngoài, vào lúc h c gng s dng khon d tr ngoi hi đang cn dn ca mình đ nhp khu các mt hàng thiết yếu như nhiên liu.

srilanka1

Khó khăn kinh tế khiến nhiu cuc biu tình n ra Sri Lanka trong hơn 1 tháng hi tháng 3 và 4/2022.

D tr ngoi t ca đo quc này đã gim hơn 2/3 trong hai năm qua, do vic ct gim thuế và đi dch Covid-19 đã gây tn hi nng n đến nn kinh tế ph thuc vào du lch ca quc gia này và làm v l ra tình trng chính ph phi chi tiêu bng vay n.

Ti đt nước 22 triu dân, các cuc biu tình trên đường ph phn đi tình trng thiếu nhiên liu, đin, thc phm và thuc men đã din ra trong hơn mt tháng.

Thng đc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, P. Nandalal Weerasinghe, nói vi các phóng viên : "Chúng tôi cn tp trung vào các mt hàng nhp khu thiết yếu và không phi lo lng v vic tr n nước ngoài. Tình hình đã đi đến ch mà vic tr n tr nên quá khó khăn và bt kh thi".

Thng đc Weerasinghe cho biết vic tm dng thanh toán s kéo dài cho đến khi nước này đt được tha thun vi các ch n và có s tr giúp ca chương trình cho vay thuc Qu Tin t Quc tế (IMF). Sri Lanka bt đu các cuc đàm phán chính thc vi các bên cho vay toàn cu t hôm 11/4 v các khon vay khn cp.

Quc gia này có các khon n nước ngoài khong 4 t đô la đến hn phi thanh toán trong năm nay, bao gm c trái phiếu quc tế tr giá 1 t đô la đáo hn vào tháng 7. Ngay vào ngày 11/4, có hai khon lãi trái phiếu đến hn thanh toán.

Murtaza Jafferjee, giám đc điu hành công ty môi gii J.B Securities, nhn xét : "Đây chính là mt s v n. Đây là điu không th tránh khi".

Nhưng v giám đc này cũng cho rng đây là mt điu tích cc cho nn kinh tế bi vì khi không s dng các ngun ngoi t khan hiếm đ tr n, điu này s cho phép s dng s tin đ phc v cho chính các công dân ca Sri Lanka.

Ông cho biết quyết đnh tm dng tr n ca Sri Lanka nh hưởng đến các khon n song phương và thương mi có tng tr giá khong 25 t đô la, trong đó có khong 12 t đô la trái phiếu quc tế.

(Reuters)

Published in Châu Á

Khủng bố tấn công cộng đồng Thiên Chúa Giáo Á Châu

Thảm sát Sri Lanka, dầu hỏa lên giá vì Donald Trump đánh thẳng vào hầu bao Iran, tương lai bất trắc của Ukraine, Paris bị tố ủng hộ phe độc tài ở Libya, Trung Quốc và đại họa thuốc giả đe dọa toàn cầu : Đây là những tựa lớn trên báo Pháp ngày 24/04/2019.

khungbo0

Người thân khóc thương nạn nhân vụ khủng bố, được chôn cất tại nghĩa trang Công giáo Sellakanda ở Negombo, Sri Lanka ngày 23/04/2019. Reuters/Athit Perawongmetha

Thảm sát Sri Lanka : Ai gây nên tội ?

Ngày Phục Sinh đẫm máu tại Sri Lanka, ba nhà thờ và bốn khách sạn quốc tế bị tấn công, 320 người chết và gần 500 người bị thương. Du khách nước ngoài và tín đồ Công giáo là mục tiêu khủng bố. Cho dù thủ phạm là ai đi nữa, nhóm "độc thần quốc gia NTJ" như chính quyền quy buộc hay Daesh, thì đối với Le Monde, nạn nhân thánh chiến vẫn là cộng đồng Thiên Chúa giáo Sri Lanka. Tựa bài báo bên cạnh bức ảnh gia đình một nạn nhân gục đầu bên nấm mộ mới đắp.

Điểm đáng lo hơn nữa là vụ khủng bố kinh hoàng nhất từ đầu năm nay cho thấy khủng bố quốc tế có một vùng đất bao la để "chinh phục" : từ Indonesia, Philippines cho đến Bangladesh. Tấn công vào nhà thờ và khách sạn quốc tế nổi tiếng bảo đảm cho kẻ chủ mưu gây được tiếng vang khắp địa cầu.

Trong lúc chính quyền Colombo còn tập trung vào nhóm Hồi giáo nội địa thì Daesh tự nhận là tác giả. Nhật báo thiên tả Libération có vẻ nghiêng theo hướng có người ngoài can thiệp vì "nhóm độc thần quốc gia NTJ" mới được thành lập gần đây để chống lại một tổ chức Phật tử cực đoan, chỉ sử dụng đao kiếm, khó có thể điều hợp một loạt vụ nổ bom tự sát.

Theo Libération, "califat" của Daesh bị đánh đuổi khỏi Iraq và Syria, chưa có thể "sơ tán" về Sri Lanka nhưng thừa sức chỉ đạo và hỗ trợ tổ chức khủng bố. Cũng có thể, một số chiến binh người Sri Lanka từ Iraq, Syria hồi hương (32 người, theo tin cảnh sát) thực hiện. Chính quyền Colombo đã truy bắt được hơn 40 kẻ tình nghi, nhưng bản thân chính quyền này không hành động gì khi được tình báo quốc tế báo động từ 10 ngày trước. Hai lần cuối cùng là vào chiều thứ Bảy và sáng Chủ nhật. Hai giờ trước khi nổ bom, tình báo Sri Lanka lại được đồng nghiệp Ấn Độ cảnh giác một lần nữa là sắp có khủng bố ở nhà thờ và sứ quán Ấn.

Liệu Daesh có thật sự bị tiêu diệt ?

Chọn Sri Lanka làm mục tiêu, khủng bố tỏ ra vô cùng hiểm độc. La Croix giải thích :

Theo nhật báo Công giáo, mọi người còn nhớ bản tuyên bố chiến thắng Daesh hồi cuối tháng Ba năm nay, sau khi Baghouse, căn cứ cuối cùng của Daesh ở Syria bị thất thủ. Daesh bị mất cái "nhà nước" của họ nhưng lực lượng phá hoại vẫn tồn tại. Loạt khủng bố ở Sri Lanka là một bằng chứng.

Tại sao lại chọn Sri Lanka ? Bởi vì đánh vào một nước đang phát triển ở Châu Á dễ thực hiện hơn ở một nước Tây phương. Từ sau loạt khủng bố 2015 và 2016, Tây phương chuẩn bị, tổ chức ngăn ngừa hiệu quả hơn tuy vẫn không tuyệt đối. Tuy nhiên, thánh chiến có thể tấn công Tây phương qua khách du lịch và nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Đông Nam Á.

Trong bối cảnh này, khó tránh khỏi những vụ khủng bố khác trong tương lai. Để đối phó, cần có sự hợp tác quốc tế và tránh không để tôn giáo bị lợi dụng như một công cụ bạo lực. Những tuyên bố như là "trả thù" hai vụ tấn công vào đền thờ Hồi giáo ở New Zealand chỉ tạo thêm vòng xoáy bạo lực lấy oán trả oán.

Trừng phạt Iran

Donald Trump hạ độc thủ cấm Iran xuất khẩu dầu thô. Hệ quả là giá dầu tăng vọt, vịnh Ba Tư có nguy cơ bị Iran phong tỏa để trả đũa.

Theo bình luận của Libération, Donald Trump "đá thẳng vào lưới" với lệnh cấm vận toàn diện dầu thô Iran. Trong khi đồng nghiệp Le Monde nhấn mạnh đến viễn ảnh đen tối của Iran, quyết định trừng phạt của Mỹ cộng thêm thiên tai lũ lụt tàn phá nghiêm trọng nhất từ 15 năm nay, với hơn nửa triệu nạn nhân, nhật báo thiên tả đặt câu hỏi "liệu mục tiêu Zero" có thực hiện được hay không ?

Từ ngày 1 tháng Năm, tất cả 8 nước hiện còn được đặc miễn mua dầu Iran phải ngưng tức khắc nếu không muốn bị Mỹ trừng phạt. Một số đồng minh của Washington như Hy Lạp,Ý, Đài Loan đã tuân thủ từ lâu. Ấn Độ tỏ ra kín đáo trong khi Trung Quốc phản đối nhưng "không nói là sẽ tuân thủ hay không".

Theo một chuyên gia Châu Âu, mục tiêu của Donald Trump xem dễ nhưng khó thực hiện bởi vì Trung Quốc, với nhu cầu năng lượng khổng lồ, đã tính trước, trao đổi với Iran qua mậu dịch thay vì dùng đồng đô la. Vấn đề là giá dầu sẽ leo thang, cho dù Saudi Arabia có hứa gia tăng sản xuất vàng đen. Về phần Iran, từ lâu nay đã thiết lập được một đường dây "buôn lậu", dùng tàu dầu không gắn dụng cụ điện tử báo tín hiệu lộ trình, hoặc dùng đường bộ ngang qua Iraq.

Cũng như các đồng nghiệp, Le Figaro lo ngại giá dầu "nhảy vọt". Nhưng chuyện đáng lo hơn nữa là Iran đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Ormuz ra vào vịnh Ba Tư, hải lộ vận chuyển phần lớn dầu thô bán ra thị trường thế giới. Mọi yếu tố làm tăng giá dầu đã hội đủ.

Chiến sự Libya

Paris và Washington chơi trò gì ? Le Monde Libération đánh dấu hỏi.

Hai nhật báo dành cho thủ tướng Faiez Sarraj một bài phỏng vấn dài. Người đứng đầu chính phủ Tripoli không hiểu vì sao Pháp vừa ủng hộ chính quyền được Liên Hiệp Quốc thừa nhận, vừa ủng hộ tướng nổi loạn Haftar. Thủ tướng Faiez Sarraj đang tuyệt vọng tìm hậu thuẫn quốc tế, từ khi phe nổi dậy ở miền đông kéo quân về thủ đô.

Lập trường của Paris lại rất mơ hồ, Libération nhấn mạnh. Le Monde phản ảnh nỗi thất vọng của thủ tướng Faiez Sarraj qua câu hỏi : Vì sao Paris thờ ơ trước một cuộc chiến đối đầu một bên là chế độ quân sự, và bên kia là nhà nước dân sự, bảo đảm cho các quyền tự do ? Trong khi đó, người dân thủ đô sống trong nỗi lo sợ chiến cuộc tàn phá. Kẻ tìm cách vượt biển ra nước ngoài, người thì hồi hộp chờ "thống tướng giả", theo lối chế diễu - vì cấp bậc thống tướng hay thống soái không có trong quân đội Libya.

Theo Le Monde, muốn biết tình hình Libya xoay chiều lúc nào thì phải tìm câu trả lời từ Washington : ngày 19 tháng Tư, tổng thống Donald Trump có một cuộc điện đàm với tướng Haftar và nhìn nhận vai trò "chống khủng bố , bảo đảm an ninh cho các giếng dầu và nhà máy lọc dầu Lybia". Cú điện thoại này được diễn dịch là Donald Trump đã chọn phe trong cuộc khủng hoảng ở Libya.

Hơn 70% cử tri Ukraine bầu kịch sĩ hài Zelensky làm tổng thống

Giới quan sát cho rằng quốc gia láng giềng của Nga đứng trước tương lai bất định ? Hư thực ra sao ?

Theo giải thích của Le Monde, Zelensky là ứng cử viên duy nhất không vận động cử tri bằng sự sợ hãi, mà trái lại mời gọi dân chúng đập nát hệ thống cũ tham ô bất lực, để xây dựng một tương lai xán lạn. Vấn đề là nhân vật thiếu kinh nghiệm chính trị có cách nào thuyết phục hiệu quả hơn là những tuyên bố gây "sốc".

Trong khi đó thì Moskva cũng tỏ ra ra thận trọng trước tình thế mới ở Kiev. Điện Kremlin hài lòng vì Porochenko ra đi, nhưng cũng không biết tổng thống mới là người như thế nào. Theo Le Monde, phải chờ xem khi hồ sơ ống dẫn khí đốt và quan hệ kinh tế giữa hai láng giềng được mang ra thương lượng, mới có thể suy xét. Trong khi chờ đợi, chiến thắng của Zelensky chứng tỏ nền dân chủ non trẻ của Ukraine không phải là từ ngữ phù phiếm và đất nước này được một món quà với ít nhiều hy vọng.

Đại dịch thuốc giả giết hàng trăm ngàn người

Le Figaro dành một bài xã luận và nhiều trang phóng sự về "mạng lưới tội ác" mà Trung Quốc là nguồn chế tạo và xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Thuốc giả gia tăng đáng ngại, hàng trăm ngàn người chết mỗi năm vì thảm họa này. Từ đâu ? Chúng ta là nạn nhân của những nhóm tội ác đa tạp. Câu trả lời này là của chuyên gia Eric Bayle, thuộc Trung Tâm Bài Trừ Tác Hại Môi Trường Và Sức Khỏe (OCLAESP).

Đó là những đường dây xã hội đen buôn lậu đa tạp từ vũ khí, ma túy cho đến thuốc men. Họ có cả bộ máy chuyên đánh cắp kiện hàng, chuyên viên hóa học, vận tải xuyên biên giới… Internet góp phần vào chuyện buôn lậu, gây khó khăn cho các biện pháp kiểm soát...

Trong năm 2017, theo thẩm định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, có ít nhất 116.000 người Châu Phi chết vì uống thuốc giả trị sốt rét. Đại học Edimburg ước lượng có từ 72.000 đến 169.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì kháng sinh giả để trị bệnh viêm phổi.

Câu hỏi then chốt : quốc gia nào đứng đầu thế giới chế tạo và xuất khẩu thuốc giả ? Câu trả lời là Trung Quốc. Sau tai tiếng sữa pha trộn hóa chất melamine, vắc-xin giả là thảm họa mới gây hoảng hốt cho giới cha mẹ người Trung Quốc. Mùa hè 2018, xảy ra tai tiếng nửa triệu trẻ sơ sinh Trung Quốc được chủng ngừa sốt thương hàn, phong đòn gánh và teo cơ bằng thuốc chủng giả, gây náo loạn mạng xã hội. Cả một làn sóng người bồng con chạy qua Hồng Kông tìm thuốc thật.

Tình trạng này gây phẫn nộ trong giới trung lưu, tố cáo thái độ thụ động của chính quyền và tình trạng tham nhũng.

Trước sự phẫn nộ của dân chúng, chế độ Tập Cận Bình, đặt ổn định xã hội làm ưu tiên số một, khẩn cấp ra luật kiểm soát và trừng phạt nặng các viện bào chế không tôn trọng chất lượng. Bắc Kinh cũng hứa hẹn đầu môi chót lưỡi tự do hóa công nghiệp thuốc, con gà đẻ trứng vàng 122 tỉ đô la hàng năm.

Tú Anh

Published in Châu Á

ICG : Vụ khủng bố chưa từng có trong 30 năm nội chiến Sri Lanka

Hôm nay nghỉ lễ Phục Sinh, chỉ có tờ Le Figaro ra mắt và bắt kịp thời sự, chạy tựa "Lễ Phục Sinh đẫm máu ở Sri Lanka".

sri1

Cảnh sát làm việc tại hiện trường vụ nổ nhà thờ Saint Sébastien ở Negombo, Sri Lanka. Ảnh chụp ngày 22/04/2019. Reuters/Athit Perawongmetha

Le Monde ra từ hôm trước nhấn mạnh đến hiện tượng "Tự tử trong ngành cảnh sát : Tình trạng khẩn cấp". Libération số cuối tuần đăng ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris với mái vòm và tháp nhọn được tô màu đỏ, chơi chữ "Một công trường ‘sacré’" - vừa có nghĩa là thiêng liêng, vừa có nghĩa là gai góc.

Le Figaro dành 4 trang báo và bài xã luận cho vụ khủng bố ở Sri Lanka. Ông Alan Keenan, giám đốc dự án Sri Lanka của tổ chức phi chính phủ International Crisis Group (ICG) nhận xét đó là "Bạo lực chưa từng có trong suốt 30 năm nội chiến" của đất nước này.

Trong thời kỳ quân chính phủ phải chống lại phe nổi dậy "Những con hổ Tamoul" (1983-2009) với bạo lực của cả hai phía, vẫn không có vụ tấn công nào làm cho nhiều người chết đến như thế. Cảnh sát đã bắt giữ một số nghi can, cho biết những kẻ khủng bố mang bom tự sát, và nếu như vậy thì có thể nghĩ đến một nhóm Hồi giáo cực đoan chưa được biết đến tại Sri Lanka, thay vì Phật giáo.

Tuy nhiên lâu nay đất nước này chưa có vụ tấn công nào từ Hồi giáo vào những cộng đồng khác, đặc biệt là vào người Công giáo. Còn sự hiện diện của Al Qaeda hay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ? Chỉ có mỗi một gia đình Sri Lanka đi sang Syria chiến đấu cách đây vài năm, nhưng Hồi giáo cực đoan từ nước ngoài gần đây cũng có những nhóm nhỏ đến Sri Lanka. Lực lượng duy nhất có thể tấn công tự sát là Những con hổ Tamoul. Tuy nhiên theo chuyên gia Keenan thì tổ chức này không có khả năng tấn công quy mô lớn. Hơn nữa, rất nhiều nạn nhân hôm qua là người Tamoul theo đạo Công giáo, một cộng đồng có cảm tình với tổ chức Những con hổ Tamoul.

Vụ khủng bố khiến sự kiện "Urbi et orbi" - Giáo hoàng ban phép lành cho Thành phố Roma và Toàn thế giới - nhuốm màu tang tóc. Từ balcon Đại giáo đường Thánh Phêrô, nhìn xuống thảm hoa muôn màu mà hàng năm giới kinh doanh hoa Hà Lan vẫn biếu để trang trí, Giáo hoàng Francis đầy xúc động. Ngài bày tỏ tình yêu thương đối với cộng đồng Công giáo, tuyên bố : "Tôi giao phó trong tay Thiên Chúa những người đã ra đi một cách bi thảm, và cầu nguyện cho những người bị thương và tất cả những ai đang khổ đau vì thảm kịch".

Tại Paris, ở nhà thờ Saint-Eustache, niềm vui Phục Sinh cũng bị lung lay bởi vụ khủng bố ở Sri Lanka. Khoảng hai mươi lính cứu hỏa đến dự lễ, đã được Đức ông Aupetit xướng tên từng người để vinh danh trong vụ chữa cháy Nhà thờ Đức Bà.

Còn tại Mosul, Iraq, đó là một "Lễ Phục Sinh không có người Công giáo". Họ không còn sống tại thành phố này từ năm 2014, khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tràn vào thảm sát người dân. Một trong những tín đồ hiếm hoi từ vùng Kurdistan ở Iraq trở về cho Le Figaro biết, khi quay lại, gia đình ông được hàng xóm vui vẻ chào mừng. Tuy nhiên có hai người trong số họ đã lấy cắp tất cả vật dụng trong nhà ông, nên nay ông rất muốn mua được một căn nhà ở khu khác "để khỏi phải chào hỏi những người này mỗi buổi sáng".

Trong bài xã luận "Thời của tử đạo", Le Figaro ghi nhận, trong đêm thứ Bảy rạng Chủ nhật vừa qua, tại Pháp có 4.251 người đã được rửa tội trong lễ Vọng Phục Sinh - trong trang phục màu trắng tinh tuyền, họ chọn lựa theo Công giáo. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, ở tận Sri Lanka, hàng trăm người thiệt mạng vì một loạt vụ nổ. Những tín đồ đã bị giết chết trong các thánh đường ở Colombo, Negombo và Batticaloa lúc đang mừng lễ Chúa Phục Sinh. Tờ báo so sánh, 4.300 cũng là con số những người Công giáo trong năm 2018 trở thành nạn nhân ở Nigeria, Pakistan, Ấn Độ… và nhắc nhở, cần phải ý thức rằng, chúng ta đang sống trong "thời tử đạo".

Tranh cãi vô nghĩa về mạnh thường quân Nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn luôn là mối quan tâm của các báo Pháp. Libération dành đến 13 trang báo, phân tích các khó khăn kỹ thuật, những tranh cãi về tháp chuông, về món tiền đóng góp của các mạnh thường quân… và kết luận, việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris có vẻ không êm ả.

Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà gây xúc động lớn lao, thư từ tới tấp gởi về các báo, khiến Le Monde dành hẳn một trang báo lớn cho những trích đoạn cảm động nhất ; bên cạnh đó là hai trang để các chuyên gia tiếp tục bình luận.

Nhà văn Frédéric Lenoir cho biết rất xúc động trước hai sự trùng hợp hôm xảy ra hỏa hoạn. Trước hết là sự kiện này xảy ra ngay trong Tuần Thánh, khi người Công giáo kỷ niệm Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Vô số người theo đạo đã rất xúc động khi ngôi giáo đường bị ngọn lửa thiêu cháy, như hình ảnh Chúa đã phải chịu khổ nạn. Trùng hợp thứ hai là vụ cháy Nhà thờ Đức Bà xảy ra đúng lúc tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị đọc bài diễn văn quan trọng về cuộc tranh luận toàn quốc.

Đối với nhà văn Lenoir, chỉ có thể vui mừng trước việc các gia đình Arnault, Bettencourt và Pinault tặng hàng trăm triệu đô la để tái thiết. Và chỉ ở Pháp mới có thể xảy ra những tranh cãi xung quanh hành động hào phóng này. Điều nghịch lý là đa số người Pháp đều mong muốn trở nên giàu có, nhưng họ lại ghét người giàu. Dù động cơ là gì đi nữa, đóng góp của các tỉ phú là hữu ích, hơn nữa họ đã từ chối việc được giảm thuế đối với món tiền đóng góp. Tuy nhiên sẽ đáng tiếc nếu lịch sử chỉ ghi nhận những mạnh thường quân lớn. Theo ông, nếu thời Trung Cổ người ta khắc tên lên những chiếc chuông, thì nay nên làm danh sách trên mạng để không bỏ quên một người nào đã đóng góp cho việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà.

Trên Libération, tổng giám mục địa phận Paris, Đức ông Michel Aupetit cũng cho rằng lẽ nên không nên có cuộc tranh cãi về các mạnh thường quân. Nhà thờ Đức Bà không phải là công trình dành cho người giàu, rất nhiều người không khá giả gì cũng đã đóng góp, và các nhà tỉ phú hẳn cũng có những quỹ để trợ giúp người nghèo. Ngài nhắc lại những hoạt động của Giáo hội để giúp những người cùng khổ, trong đó có quỹ của Nhà thờ Đức Bà, hoạt động tương trợ vào mỗi mùa đông hàng năm : các giáo đường ở thủ đô Paris đều mở cửa để đón tiếp những người vô gia cư.

Diễn viên hài trở thành tổng thống, Ukraine mở ra một trang mới bất định

Về Ukraine, thông tín viên Le Figaro tại Kiev nói về "Chiến thắng đáng nể của diễn viên hài Zelensky". Với chiến dịch tranh cử trong thời đại kỹ thuật số và chống hệ thống cũ, diễn viên này hôm qua đã đánh bạt tổng thống mãn nhiệm Petro Porochenko.

"Làn sóng Zelensky" theo tác giả, cho thấy tinh thần dân chủ của người dân Ukraine. Được bầu lên năm 2014 với tỉ lệ 55% số phiếu, với khát vọng thay đổi hẳn xã hội, ông Petro Porochenko lại quá nhấn mạnh đến cuộc chiến ở miền đông để điều hành như một "hetman" tức thủ lãnh kozak thời xưa, quên rằng dân chúng luôn có thể sử dụng quyền trừng phạt của mình.

Zelensky từ lâu đã thắng cuộc chiến hình ảnh, và hôm qua tại phòng phiếu ở Kiev, trước đông đảo báo chí nhà sản xuất chương trình truyền hình tiếp tục nhắc lại những từ ngữ mê hoặc như "đấu tranh chống tham nhũng và kết thúc chiến tranh". Tuy nhiên cũng có một chút màu xám : cảnh sát ập vào trụ sở chiến dịch vận động vì Zelensky giơ rõ phiếu bầu trước ống kính truyền hình – một điều bị cấm theo luật bầu cử. Ứng cử viên triển vọng nhất đành phải nộp phạt 5.100 hryvnias (170 euro).

Kênh truyền hình 1+1 đứng thứ nhì Ukraine và tài khoản Instagram có 4 triệu người theo dõi là các "vũ khí hủy diệt" của Zelensky, đánh tan mọi quy tắc tranh cử không chỉ ở Ukraine mà cả ở Châu Âu. Sự giống nhau giữa thực tế và kịch bản bộ phim truyền hình nhiều tập của Zelensky và ê-kíp thật đáng kinh ngạc.

Trên màn ảnh nhỏ, ông đóng vai Vasyl Holodborodko, một giáo sư dạy sử ở Kiev, bỗng trở thành ứng cử viên tổng thống sau khi kịch liệt chống đối hệ thống chính trị với các thế lực tài phiệt. Các học sinh lén quay video và đăng trên YouTube, tiến hành quyên góp để tài trợ tranh cử. Ba năm sau khi viết kịch bản giống như một điềm báo này, có đến 45% cử tri dưới 25 tuổi đã bầu cho Zelensky trong vòng đầu !

Tuy nhiên những tập tới của bộ phim vẫn còn đầy ẩn số, và đất nước Ukraine một lần nữa lại mở ra một trang mới hãy còn trắng tinh.

Venezuela : Thành phố dầu lửa điêu tàn

Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, Le Monde có bài phóng sự về "Cabimas, thời suy tàn của dầu lửa Venezuela". Thành phố nhỏ nằm bên bờ hồ Maracaibo ở miền tây Venezuela, trung tâm khai thác dầu trước đây giàu có giờ đã trở nên điêu tàn, đồng thời với sự sụt giảm sản lượng dầu của nước này.

Trong tháng Ba, Venezuela mỗi ngày chỉ sản xuất được 732.000 thùng dầu so với thời trước là 3,5 triệu rưỡi thùng. Không chỉ thiết bị xuống cấp, nhân viên bỏ đi, còn là vấn đề dầu lửa bị rò rỉ, buôn lậu. Tại thành phố Cabimas, người ta nhìn thấy những tiệm buôn đã đóng cửa, những mặt tiền bị phá để cướp bóc, những căn nhà không người ở, các giếng dầu bị bỏ hoang…

Một kỹ sư làm việc cho tập đoàn dầu lửa nhà nước PDVSA nói với nhà báo Pháp, với thâm niên 15 năm, lương tháng của ông chỉ có 15 đô la. Người kỹ sư cho biết : "95% nhân viên còn làm việc cho PDVSA muốn Maduro phải ra đi. Sếp của tôi đã sang Iraq cách đây hai ngày, ông ấy sẽ lãnh lương 9.000 đô la, còn tôi thì không nói được tiếng Anh và còn con gái tôi ở đây". Ở Cabimas, điện nước thỉnh thoảng mới có vì cơ sở hạ tầng xuống cấp, các cuộc biểu tình và đàn áp diễn ra hàng ngày, điều đó có thể thấy rõ nơi những con đường vẫn còn hằn dấu các vỏ xe bị đốt cháy.

Thụy My

Published in Châu Á
Trang 1 đến 2