Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/07/2022

Sri Lanka vừa có Tổng thống mới nhưng lòng dân vẫn chưa yên

Anh Vũ, Trọng Thành

Sri Lanka : Quyền tổng thống được Quốc hội bầu làm tổng thống

Anh Vũ, RFI, 20/07/2022

Theo AFP, hôm 20/07/2022, ông Ranil Wickremesinghe, tổng thống tạm quyền đã được bầu làm tổng thống với đa số phiếu áp đảo tại Quốc hội để thay thế cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã từ chức sau khi bỏ chạy ra nước ngoài, để lại đất nước khánh kiệt và hỗn loạn.

srilanka1

Dân Sri Lanka tham gia một cuộc tọa kháng bên ngoài văn phòng tổng thống ở Colombo đòi thủ tướng và quyền tổng thống Ranil Wickremesinghe từ chức ngày 20/07/2022. AP - Eranga Jayawardena

Theo kết quả chính thức, ông Ranil Wickremesinghe, mới được chỉ định làm tổng thống tạm quyền, đã giành được 134 phiếu, trước đối thủ chính là ông Dullas Alahapperuma, thu được 82 phiếu và ứng cử viên cánh tả Anura Dissanayake, chỉ được 3 phiếu.

Ngay sau khi có kết quả bầu ông làm lãnh đạo đất nước giữa lúc đang có cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị chưa từng có trong lịch sử Sri Lanka, trước Quốc hội, ông Ranil Wickremesinghe đã tuyên bố mọi sự chia rẽ đất nước "đã kết thúc".

Xuất thân từ một gia đình giàu có, từng 6 lần được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Ranil Wickremesinghe đã trở thành nguyên thủ quốc gia của Sri lanka ở tuổi 73. Hôm 15/07, do là thủ tướng, theo hiến pháp Sri Lanka, ông được chỉ định làm quyền tổng thống sau khi tổng thống Gotabaya Rajapaksa trốn khỏi Sri Lanka và từ chức trước làn sóng phẫn nộ của dân chúng.

Ông Wickremesinghe sẽ lãnh đạo đất nước cho đến hết nhiệm kỳ hiện tại của cựu tổng thống Rajapaksa, tức là đến tháng 11/2024.

Ông Wickremesinghe đắc cử tổng thống là do được sự ủng hộ của phe cựu tổng thống Rajapaksa, chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc hội. Tuy nhiên, phong trào dân chúng chống chính phủ đã lật đổ tổng thống cũ cũng không chấp nhận vị thủ tướng của chính quyền cũ này. Trong làn sóng nổi dậy của dân chúng, hôm 09/07, người biểu tình đã chiếm dinh tổng thống và phóng hỏa tư dinh của thủ tướng, đốt 2500 cuốn sách quý trong thư viện riêng của ông.

Ông Ranil Wickremesinghe được giới quan sát chính trị tại Sri Lanka đánh giá là người có đầu óc cải cách thân phương Tây, ủng hộ tự do thương mại, nên ở Colombo, người ta hy vọng ông có thể sẽ dễ thương lượng với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và các chủ nợ nước ngoài để đưa đất nước ra khỏi tình trạng kiệt quệ kinh tế hiện nay. Từ tháng Tư, Sri Lanka đã mất khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài 51 tỷ đô la. Đất nước 22 triệu dân này rơi vào tình trạng khan hiếm nhiên liệu, lương thực thực phẩm, thuốc men chưa từng có.

Tuy nhiên, tân tổng thống Sri Lanka đã cảnh báo trước là sẽ không có giải pháp nào nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, tài chính. Hồi đầu tháng này, trước Quốc hội, ông đã tuyên bố "chúng ta đang phá sản" và "điều tồi tệ nhật đang đến". 

Anh Vũ

********************

Trung Quốc có đóng vai trò gì trong khủng hoảng ở Sri Lanka ?

Anh Vũ, RFI, 20/07/2022

Sri Lanka đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị chưa từng có trong lịch sử đảo quốc 22 triệu dân này. Bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng, thiếu thốn lương thực, thuốc men, nhiên liệu, người dân Sri Lanka trong hơn ba tháng đã nổi dậy lật đổ chế độ gia đình trị của tổng thống Rajapaksa, đã đẩy đất nước rơi vào khánh kiệt. Đó cũng là chế độ có những mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc,

srilanka2

Ảnh tư liệu : Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa tại sân bay Colombo ngày 16/09/2014.  AP - Eranga Jayawardena

Hơn 100 ngày qua đất nước Sri Lanka đã sôi sục với phong trào biểu tình chống chính phủ của dân chúng. Gia đình nhà Rajapksa, cầm quyền từ 2005, bị người dân coi là phải chịu trách nhiệm chính để nền kinh tế sụp đổ. Từ hôm 12/04, Sri Lanka đã mất hết khả năng chi trả các khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ đô la. Trong số đó, có khoảng 10% là của chủ nợ Trung Quốc, nước mà từ 15 năm qua đã có quan hệ khăng khít với gia tộc cầm quyền Rajapaksa. 

Bắc Kinh đã nhìn ra được vị trí chiến lược của hòn đảo Sri Lanka trong vùng Ấn Độ Dương. Giáo sư Harsh V.Pant, phó chủ tịch Quỹ Quan sát Nghiên cứu - l’Observer Research Foundation (ORF) tại New Delhi (Ấn Độ) giải thích trên nhật báo Pháp Le Journal du Dimanche : "Trung Quốc lâu nay đã tìm một lối vào Ấn Độ Dương và Sri Lanka có một vị trí chiến lược cho con đường tơ lụa mới của họ".

Về truyền thống, Sri Lanka vốn có nhiều quan hệ gần gũi với Ấn Độ, nhưng năm 2009, sau cuộc nội chiến đánh thắng lực lượng Hổ Tamul theo Ấn Độ Giáo, đất nước này đã nhanh chóng xích lại gần hơn với Trung Quốc. Ban đầu, Bắc Kinh đã cung cấp cho chính quyền của tổng thống Mahinda Rajapaksa vũ khí. Trung Quốc sau đó đã đầu tư mạnh hơn, trước tiên là vào các quan hệ với gia đình Rajapaksa. Ngoài việc cung cấp tài chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống của những người trong gia tộc Rajapaksa, Trung Quốc đã dồn dập đầu tư vào các dự án lớn ở Sri Lanka, từ sân bay quốc tế, khu phố tài chính ở Colombo, hay hải cảng Hambantota.

Vẫn theo chuyên gia Harsh, các đầu tư trên không phục vụ phúc lợi trực tiếp cho người dân Sri Lanka. Cách thức đầu tư bằng cách cho vay đã đóng vai trò gián tiếp gây ra khủng hoảng kinh tế hiện nay. Hầu hết các dự án không mang lại hiệu quả kinh tế. Không có khả năng trả nợ vay, dần dần chính phủ Sri Lanka đã buộc phải nhượng lại cho người Trung Quốc các cơ sở hạ tầng đó và vô hình chung đã mở rộng cửa để Trung Quốc có được sự hiện diện trong vùng dất chiến lược này. Đó chính là cái mà giới quan sát thời gian qua vẫn thường gọi là "bẫy nợ Trung Quốc" mà Sri Lanka bị rơi vào.

Dù những biến động ở Sri Lanka là một mối nguy cơ không nhỏ cho các tham vọng của Trung Quốc tại vùng Ấn Độ Dương, nhưng từ đầu cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh vẫn kín đáo theo dõi, chưa tỏ động thái nào rõ rệt. Lý do được chuyên gia Harsh V.Pant phân tích : "Trung Quốc rất lo cho hình ảnh của mình. Họ không muốn đóng vai trò gì trong cuộc khủng hoảng này. Họ không muốn bị coi là đồng lõa với gia đình nhà Rajapaksa". Giờ đây mọi phẫn nộ đổ lên phe cánh nhà Rajapaksa và hình ảnh của Trung Quốc cũng bị hoen ố nhiều trong cái nhìn của người dân Sri Lanka. 

Tất nhiên việc Sri Lanka bị phá sản có những nguyên nhân chủ yếu từ nội tình đất nước : quản lý kém, tham nhũng và những yếu tố liên quan đến lịch sử chính trị của đất nước này từ nhiều thập kỷ qua... Nhưng cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm như hiện nay ít nhiều bắt nguồn sự lệ thuộc của Colombo vào Bắc Kinh, theo phần đông giới quan sát.

Nay Sri Lanka đã có tổng thống mới, nhưng đó lại là một thủ tướng dưới thời của chế độ nhà Rajapaksa vừa bị nhân dân vùng lên lật đổ. Không có gì bảo đảm Sri Lanka sẽ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, nhất là khi Trung Quốc đã cắm chân khá sâu ở mảnh đất này.

Anh Vũ

************************

Bầu tổng thống Sri Lanka : Lãnh đạo đối lập rút, để dồn phiếu cho đồng minh

Trọng Thành, RFI, 19/07/2022

Sri Lanka trước cơ hội thay đổi. Ngày 20/07/2022, Quốc hội nước này sẽ bầu tổng thống mới, thay thế cho cựu tổng thống vừa trốn khỏi Sri Lanka, để lại một đất nước chìm trong khủng hoảng. Hôm 19/07, lãnh đạo đối lập chủ chốt Sajith Premadasa quyết định không ra tranh cử, để gia tăng cơ hội thắng cử cho một đồng minh, người duy nhất có hy vọng đánh bại tổng thống tạm quyền cùng phe với cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa.  

srilanka3

Trụ sở Quốc hội Sri Lanka tại thủ đô Colombo, ngày 16/07/2022.  AP - Rafiq Maqbool

Theo AFP, ít phút trước thời điểm Quốc hội chính thức thông báo danh sách ứng cử viên  tổng thống, trên mạng Twitter, lãnh đạo đối lập chủ chốt thuộc đảng SJB đã thông báo rút khỏi cuộc tranh cử. Chính trị gia Sajith Premadasa cho biết rõ quyết định nói trên là "vì lợi ích lớn của đất nước". Lãnh đạo đối lập tuyên bố ủng hộ ứng viên Dullas Alahapperuma, cựu bộ trưởng Giáo Dục, người đã ly khai khỏi đảng cầm quyền SLPP. Ông Dullas Alahapperuma, 63 tuổi, là một cựu phóng viên, nhà tranh đấu nhân quyền cuối thập niên 1980.  

AFP dẫn lại thông tin từ một dân biểu đối lập đảng SJB cho biết, trong đêm qua, lãnh đạo đối lập và cựu bộ trưởng Giáo Dục đã đạt được một thỏa thuận lập liên minh. Hai bên đã thống nhất về một "cương lĩnh hành động tối thiểu". Nếu ông Alahapperuma đắc cử tổng thống, lãnh đạo đối lập sẽ được bổ nhiệm làm thủ tướng.  

Theo thông báo của Quốc hội Sri Lanka, có ba ứng cử viên tổng thống. Ngoài hai ứng cử viên chủ chốt nói trên, còn có ông Anura Dissanayake, 53 tuổi, lãnh đạo đảng cánh tả JVP, có ba ghế trong Quốc hội.  

Việc lãnh đạo đối lập rút khỏi cuộc tranh cử làm gia tăng khả năng thắng cử đối với ứng viên cựu bộ trưởng Giáo Dục. Về mặt chính thức, đảng cầm quyền SLPP, chiếm đa số trong Quốc hội hiện nay, ủng hộ tổng thống tạm quyền Ranil Wickremesinghe, 73 tuổi.  

Theo AFP, đối với đông đảo người dân Sri Lanka tham gia phong trào tranh đấu đòi tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức, quyền tổng thống Wickremesinghe là một đồng minh, người bảo vệ gia tộc Rajapaksa. Hiện tại cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa (2005-2015), anh trai của tổng thống vừa bỏ chạy, vẫn ở lại đất nước. Theo một số nguồn tin nội bộ, nhân vật có thế lực này đang gây nhiều sức ép để các nghị sĩ đảng SLPP ủng hộ tổng thống tạm quyền.  

Tổng thống tạm quyền Ranil Wickremesinghe vừa tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp, từ hôm 18/07, dành nhiều quyền hạn hơn cho cảnh sát và các lực lượng an ninh. Những người biểu tình dự kiến sẽ tập hợp đông đảo tại thủ đô vào cuối ngày hôm nay để yêu cầu quyền tổng thống từ chức. 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Trọng Thành
Read 489 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)