Cảnh sát được lệnh bắn đạn thật vào những kẻ "gây rối"
Thanh Phương, RFI, 11/05/2022
Cảnh sát Sri Lanka nay được lệnh chuyển sang thế tấn công và bắn đạn thật vào những kẻ "gây rối", để tránh cho nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Lính Sri Lanka cầm súng canh giữ tại một trạm kiểm soát bên ngoài tư dinh thủ tướng tại Colombo (Sri Lanka) ngày 10/05/2022. AP - Eranga Jayawardena
Trên đây là tuyên bố của một quan chức cao cấp của cảnh sát Sri Lanka với hãng tin AFP hôm nay, 11/05/2022, sau hai ngày bạo động đẫm máu trong các cuộc biểu tình chống chính phủ, khiến 8 người chết và hơn 225 người bị thương, theo tổng kết của cảnh sát.
Theo lời quan chức cảnh sát nói trên, đây không còn là một sự bày tỏ tức giận một cách tự phát, mà đã trở thành "bạo động có tổ chức". Cho nên, lực lượng cảnh sát Sri Lanka, gồm 85.000 người, kể từ nay được lệnh bắn đạn thật vào những kẻ gây rối. Việc bảo vệ an ninh cho các thẩm phán bị đe dọa tính mạng cũng sẽ được tăng cường.
Sau vụ hỏa hoạn tối qua tại một khách sạn hạng sang thuộc quyền sở hữu của phe tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở miền nam Sri Lanka, tại nhiều nơi, cảnh sát đã phải bắn chỉ thiên để giải tán những đám đông đốt xe. Ngay từ tối qua, quân đội Sri Lanka đã được lệnh bắn thẳng vào những kẻ gây bạo loạn.
Từ nhiều ngày qua, người dân Sri Lanka ngày càng phẫn nộ sau nhiều tháng khan hiếm lương thực, nhiên liệu, thuốc men, cắt điện liên tục. Trong nhiều tuần lễ, người dân đã xuống đường biểu tình một cách ôn hòa để đòi tổng thống Rajapaksa từ chức. Nhưng những người ủng hộ chính phủ, được chở từ các tỉnh lên thủ đô Colombo, đã tấn công vào những người biểu tình, dẫn đến các vụ đụng độ đẫm máu.
Hôm thứ Hai vừa qua, thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã từ chức và sáng sớm hôm qua, quân đội đã phải can thiệp để đưa ông ra khỏi tư dinh của ông đang bị bao vây ở thủ đô Colombo.
Lệnh giới nghiêm, trên nguyên tắc được bãi bỏ hôm nay, đã được triển hạn 24 tiếng đồng hồ. Nhưng những người biểu tình bất chấp lệnh giới nghiêm hôm nay vẫn cắm trại trước văn phòng tổng thống Gotabaya Rajapaksa.
Sau Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, đến lượt Hoa Kỳ hôm qua, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price, đã bày tỏ quan ngại về bạo động leo thang ở Sri Lanka và về việc triển khai quân đội ở nước này.
Thanh Phương
********************
Sri Lanka : Tiếp tục biểu tình kêu gọi tổng thống từ chức
Phan Minh, RFI, 10/05/2022
Khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka tiếp tục. Hôm 09/05/2022, tại thủ đô Colombo, Sri Lanka, xung đột dữ dội đã xẩy ra giữa phe ủng hộ thủ tướng và phe đòi tổng thống, từ chức. Đây là vụ bạo động nghiêm trọng nhất kể từ khi có các cuộc biểu tình chống tổng thống. Ngay trong ngày hôm qua, thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã đệ đơn từ chức lên tổng thống và cũng là em trai của ông, Gotabaya Rajapakse.
Một góc phố ở Colombo, Sri Lanka, ngày 10/05/2022, một hôm sau cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ chính phủ và người chống chính phủ. AP - Eranga Jayawardena
Tuy nhiên, theo thông tín viên trong khu vực, Sébastien Farcis, tình hình vẫn còn rất căng thẳng :
"Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi hàng trăm người ủng hộ đảng cầm quyền đến từ nông thôn lao vào và tấn công bằng dùi cui những người biểu tình ôn hòa bên ngoài dinh thự của tổng thống ở trung tâm Colombo. Cảnh sát đã không làm gì để ngăn cản họ, thậm chí còn bảo vệ họ khi những người biểu tình chống trả.
Cuộc tấn công này đã làm bùng nổ cơn thịnh nộ bị kìm nén từ một tháng qua của những người biểu tình chống lại triều đại Rajapakse cầm quyền. Trong đêm, họ đã đốt cháy hàng chục ngôi nhà của các đại biểu thân chính quyền và một trong những ngôi nhà của tổng thống Rajapakse. Một trong những dân biểu bị chặn lại bởi đám đông giận dữ, đã rút súng bắn chết hai người trước khi tự sát.
Lệnh giới nghiêm toàn quốc đã được ban hành, ngoài tình trạng khẩn cấp được áp dụng kể từ cuối tuần qua, giúp quân đội có thêm quyền hạn, nhưng một số người biểu tình dường như đã không tôn trọng các lệnh này hôm tối thứ 2 do quá tức giận.
Do đó, một bầu không khí vô chính phủ đáng lo ngại đang hoành hành ở Sri Lanka. Và việc thủ tướng từ chức vẫn không khiến ai nguôi giận, bởi điều mà những người biểu tình thực sự muốn là tổng thống đầy quyền lực, Gotabaya Rajapakse, người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có phải từ chức".
Phan Minh