Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/05/2022

Bán đảo Triều Tiên : miền Nam vững tin, miền Bắc lo ngại

RFI tổng hợp

Ngoại giao Hàn Quốc : Củng cố trục Mỹ- Nhật -Hàn, cứng rắn với Bắc Triều Tiên

Thanh Hà, RFI, 13/05/2022

Phủ tổng thống Hàn Quốc vừa đổi chủ. Đâu là những thách thức trong chính sách đối ngoại của Seoul trong tay tổng thống thuộc cánh bảo thủ Yoon Suk-yeol ? Theo giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS, Barthélémy Courmont, nguy cơ căng thẳng leo thang với Bắc Triều Tiên, chủ đích sưởi ấm quan hệ với Tokyo, qua đó củng cố tam giác Mỹ- Nhật Hàn, nhưng cần tránh khiêu khích Trung Quốc là kim chỉ nam của ngoại giao Hàn Quốc.

trieutien1

Yoon Suk-yeol, tân tổng thống Hàn Quốc, nền kinh tế thứ 10 trên thế giới. AFP - JUNG YEON-JE

Ngày 10/05/2022 tân tổng thống Yoon Suk-yeol chính thức lên cầm quyền và chưa đầy hai tuần sau, nguyên thủ Mỹ, Joe Biden sẽ là vị khách quốc tế đầu tiên công du Seoul, mở ra một chương mới trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc.

Viễn cảnh một cuộc đối đầu Yoon–Kim ?

Bắc Triều Tiên chiếm một vị trí quan trọng trong bài diễn văn nhậm chức của tổng thống Yoon Suk-yeol vào lúc Bình Nhưỡng đã dồn dập bắn thử tên lửa từ đầu năm tới nay, đặc biệt là kể từ khi ứng viên đảng bảo thủ Yoon, đắc cử tổng thống.

Sau thất bại của người tiền nhiệm Moon Jae-in chìa bàn tay thân thiện với Bình Nhưỡng và bắc nhịp cầu đối thoại trực tiếp giữa Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên, chính quyền mới tại Seoul tuy khẳng định "vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại" nhưng kèm theo đó là cam kết "nghiêm khắc giải quyết" mối đe dọa xuất phát từ chế độ Kim Jong-un, bởi vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên "đe dọa an ninh toàn cầu".

Trong bài phân tích trên trang chủ của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược- IRIS, giám đốc nghiên cứu đặc trách về Châu Á, Barthélémy Courmont đánh giá : "Nút thắt an ninh trên bán đảo Triều Tiên đương nhiên là hạt nhân. Seoul tập trung mọi chú ý vào những động thái của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây, vì những động thái đó có thể dẫn tới một đợt thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới".

Về phía Bắc Triều Tiên từ đầu năm tới nay, tính đến ngày 12/05/2022 Bình Nhưỡng đã 17 lần bắn thử tên lửa. Quan hệ liên Triều xấu đi thấy rõ và như thường lệ, cứ trước mỗi mùa bầu cử ở Hàn Quốc, "Bình Nhưỡng lại nhắc nhở nước láng giềng sát cạnh" chớ quên đe dọa hạt nhân, chớ quên rằng một trong những chìa khóa an ninh đông bắc Á trong tay chế độ Kim Jong-un.

Chuyên gia viện IRIS lưu ý Bắc Triều Tiên càng phải tỏ ra quyết liệt hơn nữa bởi biết trước rằng người kế nhiệm Moon Jae-in sẽ "cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, cả hai ứng cử viên tổng thống có triển vọng nhất trong cuộc bầu cử lần này cùng muốn nhanh chóng sang trang" chính sách thân thiện của chính quyền mãn nhiệm.

Riêng Yoon Suk-yeol từ trước khi đắc cử, ông luôn mạnh mẽ chỉ trích chính sách liên Triều của tổng thống Moon. Trong quá trình vận động tranh cử, ứng viên bảo thủ 61 tuổi này đã chẳng ngần ngại coi chủ tịch Bắc Triều Tiên là "một kẻ thô thiển" và ông đã từng kêu gọi cử tri Hàn Quốc hay tạo cơ hội để Yoon Suk-yeol "cho hắn bài học".

Tuy vậy một khi đắc cử, lời lẽ của tân lãnh đạo Hàn Quốc có phần trau chuốt hơn. Ông đã dùng lại chiến thuật "cậy gậy và củ cà rốt", kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân đổi lấy viện trợ kinh tế.

Lời kêu gọi đó được đưa ra trước khi Bình Nhưỡng chính thức công nhận bị virus corona tấn công và phải phong tỏa toàn quốc.

Nhưng liệu rằng chiêu bài đổi vũ khí lấy lương thực đó có còn tính thời sự nữa hay không ? Theo quan điểm của giáo sư Park Won Gon, đại học Ehwa-Seoul được tuần báo Pháp L’Obs trích dẫn, có lẽ luận điểm này đã "lỗi thời" bởi vì "Từ 2009 Bắc Triều Tiên đã nhất quyết không tử bò vũ khí hạt nhân để đổi lấy những gói hỗ trợ kinh tế". Rất có thể là lời dỗ ngọt của tân tổng thống Yoon Suk-yeol "càng khiến Bình Nhưỡng tức giận và Bắc Triều Tiên có thể coi đó như một lời tuyên chiến".

Khởi động lại Bộ Ba Mỹ - Nhật –Hàn và nguy cơ chọc giận Trung Quốc

Trước nguy cơ căng thẳng liên Triều với những thách thức về an ninh và chiến lược mới, Yoon Suk-yeol trông cậy vào hai đồng minh truyền thống là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tân tổng thống Hàn Quốc lên cầm quyền vào lúc xung đột Nga-Ukraine là điểm nóng trên bàn cờ quốc tế. Ngay từ đầu chiến tranh Ukraine, Seoul và Tokyo là hai trong số ít các tiếng nói tại Châu Á hợp lực với phương Tây, áp dụng các biện pháp trừng phạt Moskva đưa quân sang xâm chiếm nước láng giềng sát cạnh. Đó là một điểm son của Hàn Quốc trong mắt Washington. Tuy vậy, trọng tâm cả về ngoại giao lẫn chiến lược của Seoul vẫn là khu vực Đông Bắc Á.

Chuyên gia Pháp Barthelémy Courmont lưu ý : cũng cần hiểu rằng, đối với Hàn Quốc "quan hệ một bên là với Nhật Bản, bên kia và với Trung Quốc, vẫn chiếm vị trí then chốt (…) quan trọng hơn nhiều so với liên hệ với Moskva, quan trọng hơn cả việc đồng thanh với phương Tây, đứng đầu là Mỹ" trên hồ sơ Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ dành chuyến xuất ngoại đầu tiên trong năm 2022 đến Châu Á, công du hai đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản. Mọi chú ý đang hướng về cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai ông Joe Biden và Yoon Suk-yeol, bởi như Barthélémy Courmont viện IRIS giải thích, sự kiện này sẽ cho phép giải mã chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Seoul và trả lời câu hỏi "cánh hữu quay lại cầm quyền sau 5 năm dưới thời tổng thống của cánh dân chủ đem lại những thay đổi gì trong chính sách đối ngoại" của Hàn Quốc ?.

Theo tác giả bài viết, về cơ bản phe bảo thủ qua hai đời tổng thống gần đây nhất là Lee Myung-bak và Park Geun-hye luôn cứng rắn với Bắc Triều Tiên và do vậy người ta có thể "dễ dàng trông thấy viễn cảnh tân chính quyền Yoon nhượng bộ trước sức ép của Mỹ để gia nhập nhóm Bộ Tứ QUAD bao gồm Hoa Kỳ Nhật Bản, Ấn Độ và Úc", cho dù là khủng hoảng Ukraine đã làm lộ rõ "tính chất vô dụng" của tổ chức này khi mà Ấn Độ dứt khoát từ chối lên án Moskva xâm chiếm Ukraine.

Vẫn theo chuyên gia Barthélémy Courmont, chưa biết Seoul sẽ tham gia Bộ Tứ dưới hình thức nào, nhưng nếu gia nhập khối này, thì đây sẽ là "quyết định quan trọng đầu tiền về đối ngoại của chính quyền Yoon song song với việc sưởi ấm quan hệ giữa Seoul và Tokyo".

Theo tầm nhìn của tân lãnh đạo Hàn Quốc củng cố quan hệ với Nhật Bản là một ưu tiên bởi sự chọn lựa đó có thể tác động tích cực đến bang giao của chính Seoul với Washington. Nguy cơ duy nhất ở đây là một khi bộ ba Mỹ-Nhật-Hàn hoạt động nhịp nhàng trở lại, sẽ khiến Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn của Seoul, bực mình.

Ông Courmont nhắc lại năm 2017 trước khi tổng thống Moon Jae-in chính thức lên cầm quyền, quyết định trang bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa THAAD do tập đoàn Mỹ Lockheed Martin chế tạo đã gây nhiều sóng gió trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Tổng thống Moon Jae-in đã phải thay đổi chiến thuật, đấu dịu với ông Tập Cận Bình.

Do vậy vồ vập quá với Tokyo và Washington, tạo đà mới cho bộ ba Mỹ -Nhật-Hàn chắc chắn Seoul sẽ phải chịu sức ép của Bắc Kinh, đó là điều "không tránh khỏi".

Bên cạnh nguy cơ gây sóng gió với đối tác thương mại là Trung Quốc, với công luận trong nước việc thắt chặt quan hệ với Nhật Bản cũng không dễ. Tân tổng thống Hàn Quốc đã đắc cử với số "đa số rất mỏng". Chênh lệnh giữa ông và ứng viên về thứ nhì "thấp chưa từng thấy trong lịch sử", mà vì những hiềm khích trong quá khứ lịch sử, Nhật Bản vẫn là một cái gai trong tâm khảm của một phần công luận Hàn Quốc.

Chuyên gia viện IRIS, Barthélémy Courmont kết luận : Thế còn với Mỹ, nếu như đại đa số người Hàn Quốc nhìn nhận Washington là một đồng minh thiết yếu, nhưng cũng không ít người hoài nghi về mức độ "vững chắc trong những cam kết của Hoa Kỳ". Điều đó từng được chứng minh trong những nước cờ của Washington tại Châu Á và những nơi khác trên thế giới. 

Thanh Hà

***********************

Công du Châu Á, Tổng thống Mỹ Biden dự tính đến vùng phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên

Thùy Dương, 13/05/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự tính đến vùng phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên trong chuyến công du Châu Á trong tháng 05/2022. Đây là thông báo của phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki hôm 12/05/2022.

trieutien2

Lính Hàn Quốc và Mỹ đứng gác trong lễ kỷ niệm 64 năm ngày ký Hiệp định Đình chiến Triều Tiên, Bàn Môn Điếm, phía Hàn Quốc, ngày 27/07/2017. AP - Jung Yeon-Je

Nguyên thủ Mỹ Joe Biden sẽ công du Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 20 đến ngày 24/05/2022 và sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo hai nước đồng minh Châu Á. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 12/05 cho biết lịch trình cụ thể chuyến công du của tổng thống Biden đang được Nhà Trắng cân nhắc điều chỉnh.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nhắc lại là các đại diện của Mỹ khi đến thăm khu vực Đông Bắc Á thường đến thăm khu vực phi quân sự DMZ ở biên giới Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Bản thân ông Biden, khi là phó tổng thống Mỹ, hồi năm 2003 đã từng có chuyến đến thăm DMZ.

Theo Reuters, nhiều tổng thống tiền nhiệm của Donald Trump đã từng đến khu vực DMZ, nhưng ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un, tại khu vực phi quân sự giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên hồi năm 2019.  

Mặc dù tên gọi DMZ ("demilitarized zone") có nghĩa là khu phi quân sự, nhưng trên thực tế đây lại là một trong những vùng được quân sự hóa mạnh nhất thế giới, với nhiều tháp canh, đồn bốt quân sự, đại bác, được gài mìn dọc theo vùng đất rộng 4 km và dài gần 250 km.

Với hàng triệu người của cả đôi bên canh gác ngày và đêm, theo France 24, DMZ còn được coi là "bức tường chia cắt" lâu năm nhất trên thế giới, suốt gần 70 năm qua. Nhiều chuyên gia ước tính Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, mỗi bên đều tập trung tới 60-70% quân tại vùng này. Tuy nhiên, mỗi năm, cũng có hàng trăm ngàn du khách nước ngoài đến thăm vùng đất bí ẩn này.

Thùy Dương

***********************

Diễu binh dường như là nguyên nhân khiến Covid-19 lan nhanh ở Bắc Triều Tiên

Phan Minh, RFI, 13/05/2022

Bắc Triều Tiên xác nhận 6 bệnh nhân Covid tử vong và hiện có khoảng 18.000 ca đang bị sốt cao với triệu chứng nhiễm virus corona. Tin trên do hãng tin KCNA thông báo hôm 13/05/2022. Một số nhà quan sát nêu lên khả năng cuộc diễu binh vào tuần trước là nguyên nhân khiến dịch lan nhanh. 

trieutien3

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đeo khẩu trang : hình ảnh chưa từng thấy từ đầu đại dịch Covid-19. Ảnh ngày 12/05/2022. AP

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca tường trình :

Bằng việc bắn thử ba tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào tối thứ Năm, Bắc Triều Tiên dường như muốn chứng tỏ rằng mọi hoạt động trong nước vẫn diễn ra bình thường. Nhưng hình ảnh đầu tiên của Kim Jong-un đeo khẩu trang và hàng trăm nghìn trường hợp "sốt đáng ngờ" được chính quyền công bố, trong đó có 18.000 trường hợp trong 24 giờ qua, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình tại chỗ.

Với một hệ thống y tế cực kỳ mong manh, không có khả năng tầm soát trên quy mô lớn, thì không thể xác định chính xác sự lây lan của vi rút và việc đưa ra các biện pháp phòng dịch hiệu quả sẽ rất phức tạp đối với chính phủ.

Đặc biệt là làn sóng sốt này bùng lên vào đúng lúc hạn hán nghiêm trọng và trong suốt giai đoạn cấy lúa, một thời điểm quan trọng đối với an ninh lương thực của đất nước. Hơn nữa, trong khi ở Bình Nhưỡng, người dân đã nhận được lệnh trở về nhà vào thứ Ba, nhưng ở biên giới miền Nam, hôm thứ Năm, người ta vẫn thấy nông dân tiếp tục canh tác. Dường như chế độ Bình Nhưỡng muốn tiếp tục các hoạt động kinh tế một cách bình thường nếu có thể, nhưng đồng thời muốn hạn chế hơn quyền tự do đi lại vốn đã bị hạn chế từ trước. Hiện các chuyên gia đang băn khoăn không biết liệu Bắc Triều Tiên có tiếp tục các vụ bắn thử tên lửa hay thậm chí còn chuyển sang mức độ cao hơn là tiến hành thử hạt nhân hay không.

Đối với chính quyền, đây là một lựa chọn để "đánh thức" lòng nhiệt thành yêu nước trong cuộc chiến chống virus.

Phan Minh

*********************

Covid-19: Bắc Triều Tiên phong tỏa toàn quốc, sau thông báo về ca nhiễm đầu tiên từ 2 năm nay

Trọng Thành, RFI, 12/05/2022

Hôm 12/05/2022, theo hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, chính quyền Bình Nhưỡng đã thông báo nhiều biện pháp "phong tỏa" trên quy mô toàn quốc, để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, sau khi một số ca nhiễm đầu tiên được thông báo.  

trieutien4

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì một cuộc họp của đảng Lao Động Triều Tiên. Ảnh do hãng thông tấn Trung ương Bắc Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 12/05/2022. via Reuters - KCNA

Giới chuyên gia dự báo, hệ thống y tế yếu kém của Bắc Triều Tiên khó lòng cho phép quốc gia này đối mặt với một đợt dịch lớn, đặc biệt khi Bắc Triều Tiên chưa hề tiêm chủng cho 25 triệu cư dân, từ chối mọi đề xuất biếu tặng của Tổ chức Y tế Thế giới, của Trung Quốc, cũng như Nga. Theo giáo sư Leif-Eric Easley, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học Ewha, Seoul, được AFP trích dẫn, "việc Bình Nhưỡng thừa nhận công khai có một số ca nhiễm Omicron, cho thấy tình trạng tại chỗ có thể đã là nghiêm trọng".  

Theo thông tín viên Nicolas Rocca từ Seoul, thông báo nói trên của Bình Nhưỡng có thể là một tín hiệu kêu gọi quốc tế trợ giúp :  

Trong một cuộc họp về khủng hoảng, đích thân lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố một hệ thống kiểm soát virus "hết sức khẩn cấp" sẽ được triển khai. Tuyên bố được đưa ra trong lúc người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng dường như đã bị phong tỏa từ hai ngày nay. Bình Nhưỡng có thể chính là nơi biến thể Omicron BA.2 được phát hiện vào ngày 8/5.   

Sau hai năm đóng cửa hoàn toàn đất nước, với lệnh nổ súng tại biên giới nhắm vào những người cố tình xâm nhập, nhằm hạn chế mọi nguy cơ lây nhiễm, giờ đây đến lượt Bắc Triều Tiên sẽ phải học cách sống chung với virus.   

Cho đến nay, chính quyền Bình Nhưỡng đã từ chối mọi đề nghị giúp đỡ về vac-xin, điều này khiến người dân Bắc Triều Tiên dễ bị tổn thương. Đối với hệ thống y tế cực kỳ mong manh như của Bắc Triều Tiên, một trận dịch quy mô lớn sẽ rất khó khắc phục. Để hạn chế virus lây lan, ông Kim Jong-un đã kêu gọi các biện pháp siết chặt, phong tỏa, tăng cường kiểm soát biên giới và cô lập các cơ sở sản xuất, cộng đồng dân cư.   

Trong khi nhiều chuyên gia không tin rằng đây thực sự là trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 ở Bắc Triều Tiên, người ta có thể hình dung là việc kiểm soát xã hội rất nghiêm ngặt của chính quyền Bình Nhưỡng đã cho phép chế độ này hạn chế được mức độ lây lan, cho đến nay.  

Việc Bình Nhưỡng thông báo về những trường hợp đầu tiên này chắc chắn nhằm mục đích báo động dân chúng, nhưng cũng có thể coi đây là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ trong cuộc chiến chống virus.

Hội nghị trực tuyến quốc tế về Covid, với Mỹ là đồng chủ tịch

Hôm nay, một hội nghị quốc tế trực tuyến về Covid được tổ chức, với các đồng chủ tịch là Hoa Kỳ, Đức – chủ tịch luân phiên G7, Indonesia – chủ tịch luân phiên G20, Senegal – chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi, và Belize, đại diện cho các nước vùng Vịnh Caribe. Một trong các mục tiêu chính của hội nghị là thúc đẩy tiêm chủng.  

Đây là lần thứ hai hội nghị như vậy được tổ chức. Hội nghị đầu tiên diễn vào tháng 9/2021, theo sáng kiến của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.  

Dịch bệnh vẫn còn lâu mới chấm dứt, và tiêm chủng vẫn là biện pháp quan trọng hàng đầu. Bất bình đẳng về vac-xin giữa nước nghèo và nước giàu – với việc nhiều nước thu nhập thấp như Cameroon, Tchad, hay Congo, chỉ mới có 15% dân số nhận được một liều tiêm trở lên. Nhưng vac-xin bắt đầu đến nhiều hơn. Theo tiến sĩ Emmanuel Baron, giám đốc Epicentre, nhóm nghiên cứu và chuyên về dịch tễ học của tổ chức Y sĩ không Biên giới, thách thức rất lớn hiện nay là thiếu vắng các cơ sở hậu cần tại chỗ phục vụ cho tiêm chủng, như "phương tiện vận chuyển, bảo quản".  

Trọng Thành

**********************

Người dân Hàn Quốc vui mừng vì dinh tổng thống mở cửa cho công chúng

Thụy My, RFI, 11/05/2022

 

Sáng 10/05/2022, ngày nhậm chức của tân tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, sau bài diễn văn ông không đến Nhà Xanh, dinh thự lịch sử của tất cả những người tiền nhiệm. Đó là vì tổng thống thuộc phe bảo thủ đã chuyển văn phòng và nơi ở sang địa điểm bộ Quốc Phòng để "trả lại cho nhân dân" cơ ngơi Nhà Xanh và công chúng có thể vào thăm.

trieutien5

Đông đảo người dân Hàn Quốc vào tham quan Nhà Xanh - trước đây là dinh tổng thống, ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 10/05/2022. AFP

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca tường thuật :

Khoảng 25.000 người chờ đợi phía sau hàng rào để có thể lần đầu tiên bước vào khu dinh thự rộng 250.000 mét vuông mà tất cả các tổng thống Hàn Quốc từng cư ngụ.

Đứng ở hàng đầu là Jeun-he, người hộ tống các sinh viên ngoại quốc. Ông nói : "Đây là cơ hội rất tốt để họ lần đầu trông thấy Nhà Xanh mở cửa. Dinh còn đẹp hơn cả những gì tôi từng tưởng tượng, thật là vinh dự được đứng đây với các sinh viên của tôi".

Những người khác đến với gia đình, như Min-seok. Anh cho biết : "Rất vinh hạnh khi đến đây hôm nay với cha mẹ tôi. Trong suốt 75 năm Nhà Xanh luôn khép kín, mọi người đều muốn đến xem. Rốt cuộc hôm nay là ngày đầu tiên được tham quan, nên tất cả đều vui mừng trước cơ hội này".

Kim Ho-cho cũng nằm trong số những người đầu tiên chen chúc trước những cửa kính của dinh thự mà mới hôm qua còn là nơi cư ngụ của ông Moon Jae-in, nay đã là cựu tổng thống. Cô nói : "Chúng tôi không thể thăm Nhà Xanh trước đó. Tôi rất hài lòng, tôi không nghĩ rằng việc này trở thành hiện thực một ngày nào đó trong đời. Trong thời kỳ đại dịch, người ta làm được rất ít thứ, không có nhiều nơi để đến, như vậy mở cửa Nhà Xanh với người dân thực sự là một ý tưởng rất hay".

Nếu địa điểm này chính thức trở thành công viên, những khách tham quan sắp tới phải giữ chỗ trên mạng, và giới hạn ở mức 39.000 người một ngày. Trước khi người dân có thể đi vào dinh cơ, nơi tiếp đón các nguyên thủ nước ngoài, hiện chưa biết được ông Yoon Suk-yeol sẽ đón tiếp Joe Biden ở đâu khi tổng thống Mỹ đến Hàn Quốc ngày 20/05 tới.

Dinh cơ được gọi là Nhà Xanh vì mái được lợp bằng 150.000 viên ngói thủ công màu xanh lơ, là nơi ở và làm việc của các tổng thống Hàn Quốc từ năm 1948. Theo AFP, tân tổng thống Yoon Suk-yeol nói rằng tòa nhà tọa lạc trên một ngọn đồi phía bắc Seoul mang lại vẻ "vương giả", tách biệt với dân chúng. Những người chống đối ông cho việc di dời là tốn kém và nguy hại đến an ninh, trong lúc đang căng thẳng với Bắc Triều Tiên. Một số khẳng định nguyên nhân là do ông Yoon tin vào phong thủy và có quan hệ với một pháp sư, nhưng ông bác bỏ. Nhiều người tin rằng Nhà Xanh mang lại vận xui : nhiều tổng thống Hàn Quốc đã vào tù vì tham nhũng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thùy Dương, Phan Minh, Trọng Thành, Thụy My
Read 483 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)