Ông Tập Cận Bình được dọn đường để tiếp tục lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc
Đảng cộng sản Trung Quốc hôm 11/11 đã thông qua nghị quyết về lịch sử và thành tựu của Đảng, Tân Hoa Xã đưa tin, một biện pháp được cho là củng cố hơn nữa quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hình ông Tập Cận Bình tại lối vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh
‘Nghị quyết lịch sử’ được đưa ra vào lúc cao trào của Hội nghị Trung ương 6 với khoảng 370 ủy viên trung ương dự họp kín ở Bắc Kinh kể từ hôm 8/11.
Nghị quyết được thông qua một năm trước Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào năm 2022 khi ông Tập dự kiến sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo nhiệm kỳ thứ ba – phá vỡ tiền lệ của Đảng.
Đây là ‘nghị quyết lịch sử’ thứ ba kể từ khi Đảng cộng sản Trung Quốc được thành lập vào năm 1921. Hai nghị quyết trước đó, vào các năm 1945 và 1981, có tác dụng củng cố quyền lực của các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. ‘Nghị quyết lịch sử’ được đưa ra dưới thời Tập Cận Bình là cách để nâng ông lên ngang hàng với Mao và Đặng.
Ông Tập được xem là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông.
Nghị quyết tuyên bố hệ tư tưởng của Tập Cận Bình là ‘tinh hoa văn hóa Trung Hoa’. Trung ương Đảng nói rằng ‘điều này có ý nghĩa quyết định’ đối với ‘sự phục hưng của quốc gia Trung Quốc’.
Đảng đã bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước của ông Tập vào năm 2018, cho thấy ý định của ông Tập sẽ tiếp tục nắm quyền sau năm 2022.
Ngoài ra, các nhà chính trị học chỉ ra những gì đã xảy ra ở các nước Châu Á, Phi và Mỹ Latinh để cảnh báo rằng một người cai trị quá lâu sẽ dẫn đến các quyết định và thành tích kinh tế tệ hại.
Ông Tập đã thực thi chính sách đối ngoại quả quyết và mở rộng Giải phóng Quân. Nước này có ngân sách quân sự lớn thứ hai thế giới sau Mỹ và đang phát triển tàu ngầm, máy bay tàng hình và tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân để mở rộng sức mạnh của Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ của họ.
Ông Tập cũng lãnh đạo sáng kiến ‘Thịnh vượng chung’ nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập và của cải giữa giới tỷ phú Trung Quốc và đa số dân nghèo. Các công ty đang chịu áp lực phải san sẻ của cải với dân lao động bằng cách tăng lương, tạo việc làm ở thôn quê và tài trợ các nỗ lực phát triển khác.
Đảng cộng sản cũng thắt chặt kiểm soát xã hội, đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập và các nhà hoạt động nhân quyền.
Bản thân ông Tập Cận Bình đã sử dụng bộ máy tuyên truyền rộng lớn của đảng để đánh bóng hình ảnh của mình.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ghi công ông Tập trong những thành tựu như chống dịch Covid-19, sự vươn lêncủa Trung Quốc như là đất nước sáng tạo công nghệ và sứ mạng khảo sát Mặt trăng hồi năm ngoái để về đá Mặt trăng.
Nguồn : VOA, 12/11/2021
Nguồn : VOA, 12/11/2021
*********************
Trung Quốc thông qua nghị quyết lịch sử
Huyền Lê, VnExpress, 11/11/2021
Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua nghị quyết quan trọng về lịch sử đảng do ông Tập trình bày, dự kiến củng cố di sản của ông trong sử sách.
Nghị quyết "Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh trăm năm của đảng" được khoảng 400 thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua chiều nay, trong ngày làm việc cuối cùng của hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đảng (Hội nghị Trung ương 6) tại thủ đô Bắc Kinh.
Theo hãng thông tấn Xinhua, nghị quyết này nhằm củng cố di sản của Chủ tịch Tập Cận Bình trong sử sách, kêu gọi duy trì "quan điểm đúng đắn về lịch sử đảng", đồng thời cho rằng đảng đã "viết nên bản hùng ca tráng lệ nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Trung Hoa".
Du khách trước màn hình chiếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bảo tàng Đảng cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm nay. Ảnh : AFP.
"Ban Chấp hành Trung ương đảng kêu gọi toàn đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc đoàn kết chặt chẽ hơn nữa quanh Ban Chấp hành Trung ương đảng do đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt, thực hiện đầy đủ kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình đề ra", nghị quyết nêu.
Đây là "nghị quyết lịch sử" thứ ba được Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) thông qua từ khi thành lập, sau văn kiện năm 1945 của Mao Trạch Đông nhằm xác lập mục tiêu của đảng, cùng "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử từ khi dựng nước đến nay" năm 1981 của Đặng Tiểu Bình..
Hội nghị Trung ương 6 Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra ngày 8-11/11, là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 5 năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19. Chương trình nghị sự của hội nghị là tuyệt mật, chỉ được công bố bằng một thông cáo về nội dung thảo luận và nghị quyết được thông qua sau khi hội nghị kết thúc.
Nghị quyết được thông qua trong bối cảnh Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc năm 2022, quyết định liệu ông Tập có tiếp tục giữ chức chủ tịch Trung Quốc, sau khi quốc hội nước này năm 2018 bỏ giới hạn nhiệm kỳ trong hiến pháp.
Các nhà phân tích cho rằng nghị quyết mới được thông qua sẽ giúp ông Tập củng cố quyền lực bằng cách thiết lập tầm nhìn đối với Trung Quốc trước thềm đại hội năm tới. Theo họ, nghị quyết cũng sẽ xác định lịch sử Trung Quốc được giảng dạy ra sao, đồng thời nêu bật những thành công của đất nước nhờ vai trò lãnh đạo và các chính sách của ông Tập.
Tại hội nghị trung ương đảng năm 2016, Đảng cộng sản Trung Quốc đã thông qua văn kiện gọi ông Tập là "lãnh đạo cốt lõi", đặt ông ngang hàng với Mao Trạch Đông cùng Đặng Tiểu Bình, song cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế tập thể lãnh đạo. Xinhua tuần này đưa tin ông Tập "chắc chắn là nhân vật cốt lõi để vạch ra tiến trình lịch sử".
(theo AFP)
Huyền Lê
Nguồn : VnExpress, 11/11/2021
**********************
Trung Quốc sắp ra 'nghị quyết lịch sử'
Nguyễn Tiến, VnExpress, 09/11/2021
Hội nghị Trung ương 6 Đảng cộng sản Trung Quốc dự kiến thông qua "nghị quyết lịch sử" về thành tựu của đất nước và tầm nhìn của ông Tập.
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc (Hội nghị Trung ương 6) diễn ra ngày 8-11/11 tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 5 năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc hội nghị hôm qua với báo cáo công tác của Bộ Chính trị và trình bày dự thảo "nghị quyết về những thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử 100 năm của Đảng cộng sản Trung Quốc". Đây được coi là "nghị quyết lịch sử" đầu tiên được Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua trong 40 năm qua, kể từ sau nghị quyết được lãnh đạo Đặng Tiểu Bình công bố năm 1981.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một sự kiện ở Bắc Kinh ngày 9/10. Ảnh : Reuters.
Chương trình nghị sự của hội nghị là tuyệt mật, chỉ được công bố bằng một thông cáo về nội dung thảo luận và nghị quyết được thông qua sau khi hội nghị kết thúc ngày 11/11.
Nghị quyết nhiều khả năng được thông qua trong bối cảnh Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc vào năm 2022. Đại hội này sẽ quyết định việc ông Tập có tiếp tục giữ chức Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ ba hay không, sau khi quốc hội nước này bỏ giới hạn nhiệm kỳ trong hiến pháp vào năm 2018.
Tại hội nghị trung ương đảng năm 2016, Đảng cộng sản Trung Quốc đã thông qua văn kiện gọi ông Tập là "lãnh đạo cốt lõi", đặt ông ngang hàng với Mao Trạch Đông cùng Đặng Tiểu Bình, song cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế tập thể lãnh đạo.
Đây sẽ là "nghị quyết lịch sử" thứ ba được Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua kể từ khi thành lập, sau văn kiện năm 1945 của Mao Trạch Đông nhằm xác lập mục tiêu của đảng, cùng "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử từ khi dựng nước đến nay" năm 1981 của Đặng Tiểu Bình.
"Nghị quyết năm 1945 khẳng định vai trò lãnh đạo của Mao Trạch Đông với Đảng cộng sản Trung Quốc, còn nghị quyết năm 1981 mở ra trang mới sau những biến động từ cách mạng văn hóa", Dali Yang, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Chicago, cho biết. "Nghị quyết năm nay sẽ mang tính dung hòa giữa lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc với tương lai của ông Tập".
Giới chuyên gia cho rằng nghị quyết này sẽ xác định lịch sử Trung Quốc được giảng dạy ra sao, đồng thời nêu bật những thành công của đất nước nhờ vai trò lãnh đạo và các chính sách của ông Tập.
Ông Tập hồi tháng 7 tuyên bố Đảng cộng sản Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu trong 100 năm đầu tiên là xây dựng xã hội thịnh vượng vừa phải cho mọi người và xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực. Ông nhấn mạnh thống nhất Đài Loan "là một sứ mệnh lịch sử và cam kết không thể lay chuyển của Đảng cộng sản Trung Quốc".
Anthony Saich, giáo sư tại Đại học Harvard, nhận định hội nghị trung ương 6 sẽ thể hiện vai trò mới của Trung Quốc trên trường quốc tế và "vai trò của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc giúp người Trung Quốc đạt được giấc mơ Trung Hoa".
"Chúng ta sẽ tiếp tục thấy một Trung Quốc quyết đoán trên bình diện quốc tế. Ở trong nước, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn sẽ ưu tiên nhiệm vụ chống tham nhũng, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và suy thoái môi trường", Saich nói.
(theo The Guardian)
Nguyễn Tiến
Nguồn : VnExpress, 09/11/2021