Tập đoàn quân sự Miến Điện (Tatmadaw) đã sử dụng mức án cao nhất để trừng phạt đối lập. Ba mươi bốn năm sau lần thi hành án tử hình cuối cùng, bốn nhà đối lập, trong đó có một dân biểu của chính quyền dân sự, đã bị hành quyết trong tù vì "các hành vi khủng bố tàn bạo và vô nhân tính", lý do được chính quyền quân sự thông báo ngày 25/07/2022.
Một công dân Miến Điện tham gia biểu tình bên ngoài đại sứ quán Miến Điện ở Bangkok, Thái Lan, ngày 26/07/2022, tay cầm ảnh 4 tù nhân chính trị bị tập đoàn quân sự Miến Điện hành quyết trong nhà tù. AP - Sakchai Lalit
Tập đoàn quân sự gieo rắc sợ hãi
Quyết định tử hình, bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, đánh dấu một ngưỡng mới trong chiến dịch trấn áp đối lập của tập đoàn quân sự kể từ cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, sau khi họ đã bất lực, không khống chế được phong trào dân sự và kháng chiến vũ trang trên cả nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của nhà nghiên cứu Chong Jia Ian, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), được nhật báo Pháp Le Figaro trích dẫn : "Tập đoàn quân sự trong tình cảnh khó khăn nên tìm cách khủng bố".
Trước hết, kinh tế Miến Điện rơi vào khủng hoảng vì bị phương Tây cấm vận và tác động từ đại dịch Covid-19. Theo đại sứ mãn nhiệm Anh tại Miến Điện Pete Vowles, được nhật báo Washington Post trích dẫn ngày 25/07, giới tướng lĩnh "chắc chắn đã đánh giá sai thực lực để giải quyết vấn đề. Họ thất bại trong việc củng cố quyền lực và càng cho thấy không có khả năng quản lý kinh tế và đảm nhận những chức năng cơ bản của Nhà nước. Dường như họ mất uy tín hơn bao giờ hết".
Trong 18 tháng cầm quyền, tập đoàn quân sự đã kết án tử hình hơn 100 người, bắt giam khoảng 15.000 người trong khuôn khổ thiết quân luật. Việc Kyaw Min Yu, nhà đấu tranh xuất thân từ phong trào sinh viên 1988 và Phyo Zeya Thaw, nghệ sĩ hip-hop biểu tượng cho thế hệ mới của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), bị hành quyết cùng với hai người khác còn là thông điệp của chế độ quân sự cảnh cáo phong trào kháng chiến : "Dù anh là gương mặt nổi tiếng hay là người vô danh, thì không ai, kể cả cộng đồng quốc tế, có thể bảo vệ anh, tập đoàn quân sự muốn nói thế", theo nhận định của một nhà ngoại giao ẩn danh tại Miến Điện với Le Figaro.
Khó thắng cuộc nội chiến
Vẫn theo nhà ngoại giao trên, "trên thực tế, tập đoàn quân sự đang bị thụt lùi. Cuộc tấn công của quân đội đang gặp nhiều hạn chế". Thực vậy, dù đã dày dặn kinh nghiệm chống các nhóm nổi dậy vũ trang người thiểu số trong suốt nhiều thập niên, tập đoàn quân sự Miến Điện không lường được sự liên kết giữa những lực lượng này và phong trào dân sự đối lập để tạo thành mạng lưới kháng chiến mạnh mẽ trên cả nước, tập hợp dưới tên gọi mới Lực lượng Phòng vệ Nhân Dân (People’s Defence Force, PDF), hiện có khoảng 60.000 thành viên.
Chiến thuật đánh du kích cũng khiến quân đội Miến Điện gặp khó khăn. Trước "kẻ thù" liên tục di động, chế độ quân sự đã không kiểm soát được những trung tâm lớn. Ngoài ra, các cuộc xung đột diễn ra trên quy mô toàn quốc, từ đồng bằng đến miền núi, thay vì thường tập trung ở vùng núi biên giới như trước đây, buộc quân đội phải phân tán quân. Thêm vào đó, tập đoàn quân sự cũng đang phải đối mặt với nạn đào ngũ, trong khi lại khó tuyển tân binh.
Do không đủ lực lượng để đàn áp phong trào nổi dậy, quân đội sử dụng biện pháp mạnh và dã man hơn : triển khai vũ khí hạng nặng, huy động cả không quân, để oanh kích các vùng núi biên giới, "oanh kích vào cả những ngôi làng, tàn sát thường dân, đốt phá nhiều thành phố trên cả nước", theo ghi nhận của Joshua Kurlantzick, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations), với nhật báo Washington Post.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty Internation) ghi nhận trong tuần qua, quân đội Miến Điện gài mìn xung quanh ít nhất 20 ngôi làng ở bang Kayah, gần biên giới Thái Lan, nơi lực lượng thiểu số Karen đang chiến đấu chống quân chính phủ. Máy bay Miến Điện tấn công quân nổi dậy từng "bay nhầm" sang không phận của Thái Lan, buộc không quân nước này phải giám sát.
Ngày càng bị cô lập
Những quyết định được đưa ra vì vô vọng càng khiến tập đoàn quân sự Miến Điện bị cô lập hơn. Ngoài những lời chỉ trích, lên án của ASEAN và cộng đồng quốc tế, chế độ của tướng Min Aung Hlaing không nhận được sự đồng tình của Trung Quốc. Bắc Kinh, vẫn ngầm ủng hộ tập đoàn quân sự Miến Điện, bị rơi vào thế khó xử sau khi 4 nhà đối lập Miến Điện bị xử tử.
Ngày 25/07, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải lên tiếng kêu gọi Miến Điện giải quyết các cuộc xung đột trong khuôn khổ Hiến pháp. Trước đó, ngoại trưởng Vương Nghị cũng khẳng định Trung Quốc mong tất cả các bên liên quan ở Miến Điện ưu tiên giải quyết tình hình cho phù hợp với lợi ích của dân tộc, tiến hành hòa giải chính trị để đi đến hòa bình và ổn định bền vững. Tuy nhiên, dường như chế độ của tướng Min Aung Hlaing không để tâm đến lời kêu gọi của đồng minh Bắc Kinh.
Thu Hằng