Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/08/2022

Điểm báo Pháp – Đài Loan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Đài Loan trong vòng xoáy khủng hoảng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Chuyến công du Châu Á của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi và ý định đến thăm Đài Loan kéo theo những rủi ro địa chính trị là chủ đề được nhiều báo Pháp số ra hôm nay quan tâm.

khunghoang1

Ảnh minh họa : Báo Trung Quốc liên tục đưa tin về chuyến thăm Châu Á của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi với khả năng bà Pelosi ghé Đài Loan. Ảnh chụp ngày 31/07/2022 tại một quầy báo ở Bắc Kinh (Trung Quốc).  AP - Andy Wong

Báo Le Monde Le Figaro đều đăng hình ảnh dường như được chụp tại cùng một nơi ở Bắc Kinh : người qua đường dừng chân, đứng xem tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) với ảnh chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ở trang nhất. Không chỉ ở Trung Quốc, ý định đến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ trong chuyến công du Châu Á trở thành chủ đề được báo chí Pháp và quốc tế chú ý.

Với tựa "Chuyến thăm rủi ro của Pelosi ở Châu Á", Le Monde đặt câu hỏi : Nếu chuyến thăm này thực sự diễn ra, quân đội Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao ? Ý định đến thăm hòn đảo mà Trung Quốc coi là một tỉnh "phản nghịch "và cần phải chinh phục, được nhật báo Anh Financial Times tiết lộ ngày 19/07/2022. Kể từ đó báo chí quốc tế và các chuyên gia địa chính trị dự báo chuyến thăm này sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. 

Cuối tuần vừa qua, ngày 30/07/2022, Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật trên eo biển Đài Loan. Trước đó ngày 28/07, trong cuộc điện đàm trực tiếp với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng "những kẻ đùa với lửa thì có thể bị thiêu sống". Tuyên bố trên đã nhiều nghị sĩ phẫn nộ, càng ủng hộ chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện, và không thể để mặc cho Bắc Kinh quyết định số phận của lãnh đạo Hoa Kỳ. 

Le Monde nhấn mạnh, hủy chuyến thăm này sẽ làm cho sức mạnh của Hoa Kỳ suy yếu tại khu vực, cũng như làm Washington rơi vào thế nhượng bộ Bắc Kinh trong quan hệ với Đài Loan. Nhật báo Pháp đưa ra giả thuyết về phản ứng của Bắc Kinh nếu bà Pelosi đến Đài Loan. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu về Châu Á Mathieu Duchatel, Trung Quốc có thể có những phản ứng liều lĩnh, đó là điều máy bay vào không phận của hòn đảo, đây được cho là hành động mà Bắc Kinh nhận lấy rủi ro một cách vô nghĩa. Kịch bản dẫn đến rủi ro khủng hoảng chính trị toàn cầu lớn nhất đó là quân đội Trung Quốc chặn máy bay của Pelosi.

Le Figaro cho biết có nhiều nguồn tin từ Đài Loan khẳng định chuyến thăm này sẽ diễn ra, có khả năng là hôm nay 02/08, và việc Hoa Kỳ không phủ nhận chẳng khác nào ngầm khẳng định. Theo nhật báo thiên hữu, căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc kể từ khi xuất hiện những lời đồn đại về chuyến thăm của Pelosi cho thấy Hoa Kỳ khó mà duy trì chính sách đối với Đài Loan. 

Mặc dù tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định yểm trợ quân sự cho Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công, nhưng không rõ là cố tình hay vô tình, Biden tỏ ra không muốn can thiệp hay không có phát biểu chính thức nào về chuyến công du của chủ tịch Hạ Viện. Cũng có thể là do sự phân quyền ở Hoa Kỳ. Vào tháng trước, Joe Biden thận trọng nhận định rằng chuyến thăm của bà Pelosi không phải là ý hay trong lúc này. Biden dường như bị coi là khuất phục trước những đe doạ từ Bắc Kinh trong nội bộ chính phủ.

Theo Libération, những khó khăn mà Nga gặp phải trong cuộc xâm lược Ukraine đã khiến Trung Quốc phải xem xét lại những rủi ro nếu tiến hành chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, trong những ngày qua, cả hai đều có những hành động phô trương sức mạnh quân sự. Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, còn Đài Loan thì vừa mới kết thúc đợt thao dượt thường niên với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Nhật báo thiên tả nhắc lại, dù Hoa Kỳ thường cử các phái đoàn ngoại giao và nghị sĩ đến thăm Đài Loan, nhưng chưa một lãnh đạo cấp cao nào đặt chân đến hòn đảo từ 1997 đến nay.

Đáng chú ý là đây lại là chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, một chính trị gia lớn của Hoa Kỳ. Rất khó có thể nghi ngờ Pelosi có cân đo đong đếm hậu quả của chuyến thăm, được cho là để bày tỏ sự ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ đối với Đài Loan, không chỉ về mặt tư tưởng mà còn về mặt kinh tế. Hòn đảo hơn 23 triệu dân sản xuất 50% chip bán dẫn toàn cầu, một loại vật liệu thiết yếu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sản xuất vũ khí cũng như các phương tiện giao thông.

Tàu ngũ cốc Ukraine xuất cảng, phương Tây vẫn thận trọng

Về thời sự Châu Âu, cuộc khủng hoảng Ukraine và việc xuất khẩu lương thực vẫn tốn nhiều giấy mực của các báo số ra hôm nay. Le Figaro cho biết các hoạt động ở cảng Odessa, miền nam Ukraine, dường như trở lại quỹ đạo bình thường sau hàng tháng bị "đóng băng". Hôm thứ Hai, 01/08, con tàu Razoni đã ra chở 26 000 tấn ngô rời cảng ra khơi, băng qua biển Đen để đến Liban. Nếu như Ukraine ăn mừng chiến thắng mang tính biểu tượng từ thỏa thuận ngũ cốc, thì phần còn lại của thế giới vẫn nín thở, chờ xem liệu tàu có cặp bến an toàn, vượt qua các bãi mìn và qua "bài kiểm tra" của Nga cũng như Thổ Nhĩ Kỳ. Và cũng phải lưu ý rằng một ngày sau khi thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine được ký kết, dưới sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, Nga đã đánh bom cảng Odessa.

Les Echos nhận định thế giới đang tránh khỏi khủng hoảng lương thực toàn cầu. Từ khi tàu ngũ cốc của Ukraine xuất cảng, giá các loại lương thực như ngô, đậu nành và lúa mì đã bắt đầu giảm nhẹ. Việc xuất khẩu ngũ cốc trở lại bình thường cũng giải tỏa một gánh nặng lớn đối với Ukraine, bởi đây là một trong những hoạt động kinh tế chính mang lại nguồn thu ngoại tệ cho nước này. 

Cũng trong chủ đề này, Le Monde lại quan tâm đến số phận của "ông trùm" ngũ cốc Ukraine, Oleksi Vadatoursky, thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Mykolaiv hôm 30/07. Vadatoursly đã xây dựng lên đế chế "Nibulon", một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất ở Ukraine. Le Monde đặt câu hỏi liệu đây có phải là tình cờ hay là hành động có chủ đích, tạo ra nỗi kinh sợ đối với toàn bộ lĩnh vực thiết yếu cho nền kinh tế Ukraine.

Luật hỗ trợ sinh sản ở Pháp vẫn chưa thực sự khả thi

Về thời sự Pháp, bên cạnh vấn đề về việc tích trữ khí đốt và nỗi lo thiếu năng lượng cho mùa đông sắp tới, các tờ báo lớn của Pháp số ra hôm nay quan tâm đến luật hỗ trợ tiếp cận công nghệ hỗ trợ y tế về sinh sản (Procréation médicalement assistée - PMA) mở rộng đối với phụ nữ đơn thân, hay những cặp đồng tính nữ, được thông qua vào tháng 06/2021.

(Công nghệ hỗ trợ y tế về sinh sản bao gồm tất cả các biện pháp chữa trị vô sinh, ví dụ như thụ tinh trong ống nghiệm hoặc mang thai hộ, trước kia chỉ dành cho các cặp vợ chồng nam-nữ bị vô sinh và mong muốn có con.)

Libération dành hồ sơn lớn về chủ đề này. Một năm sau khi luật về "quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản cho tất cả mọi người" được thông qua, "Pháp rơi vào khủng hoảng vì có quá nhiều yêu cầu", tựa của Libération. Vào giữa tháng 05/2022, Hội đồng quốc gia, cơ quan thực hiện luật này, cho biết đã nhận được gần 12 000 đơn xin hỗ trợ sinh sản, cao gấp 3 lần so với dự tính. Điều này khiến thời gian xử lý hồ sơ có thể lên đến hàng năm. Xã luận Libération hoan ngênh việc chính phủ Pháp đưa ra những khoản hỗ trợ tài chính khổng lồ, tổng cộng lên đến hơn 13 triệu euro. Tuy nhiên, vấn đề lớn khác đó là những khoản hỗ trợ này không cho phép làm tăng số lượng tinh trùng hiến tặng, nhất là khi những người hiến tinh trùng kể từ ngày 11/09/2022 phải chấp nhận tiết lộ thông tin. Điều này càng khiến cho nhiều người do dự đi hiến tinh trùng.

Cùng chủ đề này, La Croix chạy tựa " Phụ nữ Pháp vẫn phải ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ hỗ trợ y tế về sinh sản". Dù luật cho phép tiếp cận công cụ hỗ trợ sinh sản tại Pháp, nhiều người vẫn ra nước ngoài. Nhật báo công giáo đặt câu hỏi bao nhiêu phụ nữ đã phải đi sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ hay Cộng hòa Czech để tìm cách sinh con. Không giống Pháp, các quốc gia đó đã cho phép sử dụng công nghệ hỗ trợ y tế về sinh sản từ nhiều năm qua. Và để đi sang những nước này, nhiều người đã phải trải qua quãng đường dài với chi phí đắt đỏ, lên đến hàng chục nghìn euro.

Về phần mình, Le Monde nhắc lại những tranh cãi về luật này một năm về trước, khi cho phép những cặp đôi nữ đồng tính có thể tiếp cận công nghệ hỗ trợ y tế về sinh sản. Thế nhưng, thống kê cho thấy, 53% đơn xin là từ những người phụ nữ đơn thân. 

Hậu Covid và khuynh hướng du lịch tại chỗ

Mùa hè cũng là mùa du lịch. Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa lớn trang nhất "Sự lôi cuốn của những chuyến du lịch gần nhà". Sau hai năm dưới tác động của đại dịch Covid-19, ngành du lịch đang dần tìm lại màu sắc. Tuy nhiên, xu hướng du lịch hè 2022 có lẽ không phải là những chuyến bay xuyên lục địa mà là những kỳ nghỉ ngắn ngày, và gần nhà. Các sơ sở tiếp đón du lịch ở Pháp không chỉ ghi nhận sự trở lại của du khách Mỹ, Bắc Âu hay Trung Quốc, mà cả những khách bản địa, những người Pháp quyết định đi nghỉ hè ở trong nước, đi xe đạp, ô tô, hay đi tàu.

Les Echos thì quan tâm đến giá nhà tăng cao ở các thành phố biển tại Pháp từ hai năm qua, lên đến 24% so với trước dịch. Nhật báo kinh tế lý giải rằng tác động từ Covid cũng như các đợt nắng nóng khiến nhu cầu mua nhà ở biển, đặc biệt là ở vùng Provence-Alpes -Cotes d’Azur, gia tăng.

Trong cùng hồ sơ này, La Croix đưa người đọc đến Nhật Bản tìm hiểu tình hình du lịch tại xứ sở hoa anh đào. Khác với Pháp, người dân Nhật không có nhiều ngày nghỉ và cũng không đi nghỉ dài ngày. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Nhật Bản thắt chặt các biện pháp phòng dịch, đóng cửa biên giới với nhiều nước. Hiện nay, nếu như khách nước ngoài gần như không thể đến du lịch tại Nhật, thì người Nhật muốn ra nước ngoài du lịch cũng khó khăn không kém. 

Tại Anh Quốc cũng tương tự, hậu Covid là dịp để cho người Anh có thể khám phá, hoặc khám phá lại những nét đẹp trong chính đất nước mình. Dù nhiều quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế về dịch, vẫn tồn tại nhiều rủi ro khi du lịch nước ngoài. Đáng chú ý là việc các hãng hàng không vẫn chưa phục hồi. Từ Anh Quốc, hàng triệu chuyến bay quốc tế đã bị hủy từ đầu năm nay. Các tuyến đường dẫn đến cảng Douvres hay Folkestone để sang Pháp khó tiếp cận vì thường xuyên tắc nghẽn. Sự bất trắc về các chuyến du lịch xa cũng như chi phí trở nên đắt đỏ do lạm phát khiến du lịch nội địa lên ngôi. Báo chí Anh Quốc cũng thực hiện nhiều phóng sự và đưa ra các đề xuất nơi nghỉ dưỡng ở Anh. Ví dụ như thay vì đến Nice ở miền nam nước Pháp, du khách Anh có thể đến thành phố biển Hayle ở phía Bắc, hay là thay vì đến Roma ở Ý, tại sao lại không lựa chọn thăm bức tường Hadrien.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 291 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)